menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Chăm sóc đời sống tinh thần sau điều trị ung thư

user

Ngày:

11/04/2023

user

Lượt xem:

693

Bài viết thứ 31/32 thuộc chủ đề “Sống sót sau ung thư”

Điều trị ung thư không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bạn, mà nó còn ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ và làm những việc bạn yêu thích. Bạn ngổn ngang cảm xúc sau khi kết thúc quá trình điều trị ung thư là rất bình thường. Do đó, sau điều trị ung thư, bạn không những chỉ cần chăm sóc cơ thể mình, mà nên chăm sóc cả cảm xúc của mình.

Tinh thần sau điều trị ung thư: Cảm xúc của bạn

Trải nghiệm ung thư của mỗi người mỗi khác và cảm xúc, tâm tư tình cảm cùng những nỗi sợ hãi mà bạn trải qua cũng là duy nhất. Những kinh nghiệm bạn nhận được ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ và đối phó với ung thư. Có người cho là họ phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ gia đình và bạn bè. Có người dựa vào sự hỗ trợ từ người thân hay từ những người đi trước đã từng chiến thắng ung thư hoặc nương tựa vào tâm linh để đương đầu với bệnh tật. Những người khác thì tìm sự hỗ trợ từ các chuyên viên tư vấn và từ người ngoài gia đình, trong khi đó một số bệnh nhân lại thấy không thoải mái với cách này.

Cho dù bạn quyết định như thế nào, điều quan trọng là bạn nên làm những gì đúng nhất với mình và đừng so sánh mình với người khác.

Tinh thần sau điều trị ung thư: Lo lắng về sức khỏe của chính mình

Việc bạn lo lắng là ung thư tái phát là rất bình thường, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau khi kết thúc điều trị. Đây là một trong những nỗi sợ hãi thông thường nhất sau điều trị ung thư. Đối với một số người thì nỗi sợ này lớn đến mức họ không thể vui sống được, mất ăn mất ngủ, thậm chí không dám khám theo dõi sau điều trị. “Nếu ung thư tái phát, tôi sẽ làm gì đây?”, một phụ nữ đã nói như vậy. “Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ vượt qua trong lần bệnh đầu tiên”. Nhưng cũng có những người khác lạc quan hơn. Một người đã vượt qua được ung thư nói “Ung thư là một phần của cuộc sống và chúng ta luôn luôn có hy vọng.”

Thời gian qua đi, nhiều người đã từng vượt qua được ung thư, chia sẻ càng ngày họ càng ít nghĩ về căn bệnh ung thư hơn. Tuy nhiên, có khi nhiều năm sau quá trình điều trị, có những việc khiến bạn lại lo lắng, chẳng hạn sau những lần khám theo dõi sau điều trị, hoặc những triệu chứng tương tự như trước kia lại xuất hiện, hoặc có một thành viên trong gia đình đau bệnh, hoặc ngày kỉ niệm nhắc lại cái ngày bạn phát hiện ra mình bị ung thư…

Tinh thần sau điều trị ung thư: Đối mặt với nỗi sợ hãi ung thư tái phát

  • Phải có hiểu biết đúng: Việc nghiên cứu kỹ về bệnh ung thư của bạn, tìm hiểu về những gì bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình lúc này, và thu thập thông tin về các dịch vụ sẽ giúp bạn kiểm soát cuộc sống tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy những người trang bị tốt kiến thức về ung thư và cách điều trị thường theo đúng kế hoạch điều trị và hồi phục nhanh hơn những người không có trang bị kiến thức.
  • Bộc lộ cảm xúc sợ hãi, giận dữ hay nỗi buồn của bạn: Nhiều người cho rằng khi họ bộc lộ được ra ngoài những cảm xúc mạnh như giận dữ hay nỗi buồn thì họ dễ dàng vượt qua hơn. Cũng có người giải toả bằng cách tâm sự với bạn bè, gia đình, với những cựu bệnh nhân khác, hoặc với một chuyên viên tư vấn. Tuy nhiên nếu bạn không thích đề cập về bệnh của mình với người khác, bạn vẫn có thể giải toả các cảm xúc của mình bằng cách nghĩ về chúng hoặc viết ra giấy.
  • Tìm kiếm điều tích cực: Có nghĩa là ngay cả trong khó khăn, bạn vẫn cố gắng nhìn ra điều tích cực và vẫn giữ hy vọng thay vì chỉ nghĩ những điều tệ hại nhất. Tập trung năng lượng của mình để sống khoẻ và thực hiện những việc bạn có thể làm để duy trì sức khỏe.
  • Đừng trách móc bản thân mình vì bị ung thư: Một số người tin rằng họ mắc ung thư vì họ đã làm hoặc không làm điều gì đó trong quá khứ. Nên nhớ rằng ung thư có thể xảy đến cho bất cứ ai.
  • Bạn không nhất thiết phải luôn tỏ ra lạc quan: Nhiều người nói rằng đôi khi họ muốn được tự do thể hiện cảm xúc thật của họ. Một bệnh nhân nữ đã nói “Khi chuyện đã trở nên thật sự tồi tệ, tôi chỉ nói với gia đình tôi là hôm nay tôi bị bệnh hành quá rồi đi lên lầu và chui vào giường”.
  • Tìm cách thư giãn: Các bài tập trang 60-61 được chứng minh là hỗ trợ cho nhiều người và cũng có thể cho bạn thư giãn khi bạn lo lắng.
  • Hãy cố gắng năng động hơn: Đi ra ngoài và làm việc gì đó có thể giúp bạn tập trung vào những thứ khác ngoài ung thư và nổi ưu phiền do nó đem lại.
  • Hãy nhìn vào những gì bạn có thể kiểm soát được: Một số người thấy rằng sắp xếp cuộc sống ổn thỏa sẽ rất hữu ích. Tham gia trực tiếp vào việc chăm sóc sức khỏe cho mình, giữ đúng lịch hẹn và thay đổi lối sống là những điều mà bạn có thể kiểm soát. Ngay cả việc lên thời khóa biểu hàng ngày cũng có thể cho bạn ý thức về sự tự chủ. Cho dù không ai có thể kiểm soát được hết mọi suy nghĩ, chúng ta cũng nên cố gắng không đắm mình trong nổi sợ hãi.

Tinh thần sau điều trị ung thư: Cảm giác căng thẳng

Khi bị chẩn đoán ung thư, bạn có thể đặt tất cả mọi mối bận tâm như gia đình, công việc hoặc tài chính qua một bên. Bây giờ khi quá trình điều trị đã kết thúc rồi, những vấn đề này lại xuất hiện trong tâm trí bạn.

Nhiều người sống sót sau ung thư cũng lo lắng liệu căng thẳng có dẫn đến ung thư không. Tuy nhiên hãy nhớ là nguyên nhân chính xác của nhiều loại ung thư đến nay vẫn chưa biết hết được. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự căng thẳng gây ra ung thư, nhưng chúng ta biết rằng căng thẳng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Tìm cách để giảm thiểu hoặc chế ngự căng thẳng trong cuộc sống có thể giúp bạn thấy khá hơn. Hãy dành thời gian cho những hoạt động giúp bạn cảm thấy yên bình và thư thái.

Giảm thiểu căng thẳng tinh thần sau điều trị ung thư

Nhiều người sau điều trị ung thư thấy các hoạt động sau đây giúp họ vượt qua được lo âu sau quá trình điều trị. Hãy hỏi bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên công tác xã hội hoặc tổ chức ung thư tại địa phương để có thể tham gia vào các hoạt động như vậy.

  • Tập thể dục Tập thể dục là một cách giúp giảm thiểu áp lực và căng thẳng – dù bạn có bị ung thư hay không. Như một bác đưa ra “Tôi đã thấy chán một chút, và nó ranh giới của trầm cảm, nhưng khi tôi tản bộ từ 30 đến 45 phút hít thở không khí trong lành, tôi đã thấy yêu đời trở lại”. Trước khi lập kế hoạch tập thể dục, hãy hỏi ý kiến bác sĩ và cẩn thận đừng tập quá sức. Nếu bạn không thể đi bộ được, hãy tìm hiểu về các động tác khác cũng có lợi cho bạn như các bài tập trên ghế dựa hoặc giãn cơ.
  • Các phương pháp về thân – tâm Các phương pháp như thiền định hoặc buông thư có thể giúp bạn giảm căng thẳng bằng cách giữ tâm trí tĩnh lặng. Cố gắng tập trung vào hơi thở hoặc tự lập lại các câu chú. Ngoài ra có thể có các phương pháp khác như thôi miên, yoga và quán tưởng.
  • Thử sáng tạo Mỹ thuật, âm nhạc hoặc khiêu vũ cho người ta dịp thể hiện bản thân bằng nhiều cách khác nhau. Thậm chí cả những người trước đây chưa từng bao giờ khiêu vũ, vẽ tranh, cũng thấy các hoạt động này có ích và vui vẻ.
  • Chia sẻ những câu chuyện cá nhân: Nghe và chia sẻ về cách bạn vượt qua ung thư như thế nào cũng có thể giúp người ta giải tỏa được lo lắng, giải quyết được nhiều vấn đề và tìm thấy ý nghĩa trong những gì mà họ đã trải qua.

Sống hài hước và vui cười

Tiếng cười có thể giúp bạn thư giãn. Khi bạn cười, não giải phóng ra hormone hạnh phúc và khiến các cơ thư giãn. Ngay cả một nụ cười cũng có thể đẩy lùi căng thẳng. Dĩ nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể cười được, nhưng nhiều người đã thấy rằng những lời khuyên sau đây thật có ích:

  • Nhờ mọi người gởi cho bạn những tấm thiệp dí dỏm.
  • Thưởng thức các trò chơi vui nhộn mà trẻ con và đám thú cưng hay làm.
  • Xem phim hài hay các show hài trên TV.
  • Sắm một lịch để bàn có hình ảnh vui nhộn.

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích