menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ung thư ruột thừa: Các phương pháp điều trị

user

Ngày:

30/04/2019

user

Lượt xem:

1284

Bài viết thứ 10/15 thuộc chủ đề “Điều trị tổng hợp”

Biên dịch: Nguyễn Đông Hải

Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Hải Nam

TRÊN TRANG NÀY: Bạn sẽ tìm hiểu về các phương pháp khác nhau được các bác sĩ sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư ruột thừa. Sử dụng menu để xem những trang khác.

Phần này cho bạn biết các phương pháp điều trị là tiêu chuẩn chăm sóc cho bệnh ung thư ruột thừa. “Tiêu chuẩn chăm sóc” mang ý nghĩa là những phương pháp điều trị tốt nhất được biết đến. Khi đưa ra quyết định về kế hoạch điều trị, bệnh nhân được khuyến khích cân nhắc lựa chọn các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu thử nghiệm một hướng điều trị mới. Bác sĩ muốn tìm hiểu liệu phương pháp điều trị mới có an toàn, hiệu quả và có thể tốt hơn phương pháp điều trị tiêu chuẩn hay không. Các thử nghiệm lâm sàng có thể là thử một loại thuốc mới, một cách kết hợp mới giữa của các phương pháp tiêu chuẩn, liều lượng mới của các thuốc tiêu chuẩn hoặc các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ có thể giúp bạn cân nhắc các phương pháp điều trị. Để tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng, xem phần Các thử nghiệm lâm sàngCác nghiên cứu mới nhất.

ung thư ruột thừa-các phương pháp điều trị

Tổng quan về điều trị

 Trong chăm sóc ung thư, các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa thường làm việc cùng với nhau để đưa ra cho bệnh nhân một kế hoạch điều trị cụ thể, kết hợp nhiều phương pháp. Phương pháp này được y học hiện đại gọi là điều trị đa mô thức. Điều trị đa mô thức được thực hiện bởi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, như bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xã hội, dược sĩ, bác sĩ tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, ….

Danh sách dưới đây mô tả những phương pháp điều trị phổ biến nhất cho ung thư ruột thừa không phải là  u thần kinh nội tiết. Hãy tìm đọc thông tin về điều trị u thần kinh nội tiết của ruột thừa ở phần khác của trang web này.

Các phương pháp điều trị và khuyến cáo dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm phân loại và giai đoạn ung thư, những tác dụng phụ có thể xảy ra, lựa chọn của bệnh nhân và tình trạng sức khoẻ. Kế hoạch điều trị còn bao gồm cả chăm sóc giảm nhẹ nhằm điều trị triệu chứng và giảm nhẹ tác dụng phụ, như một phần quan trọng trong chăm sóc ung thư. Bạn cần dành thời gian để tìm hiều về tất cả các phương pháp điều trị và đặt câu hỏi về những điều chưa rõ ràng. Trao đổi với bác sĩ về mục tiêu, kỳ vọng của bản thân khi chấp nhân điều trị được khuyến khích để đạt hiệu qủa điều trị tốt nhất. Tìm hiều thêm về chọn phương pháp điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ khối u kèm một phần các mô lành xung quanh u. Đây là phương pháp điều trị phố biến và tiêu chuẩn trong ung thư ruột thừa. Ung thư ruột thừa thường có độ ác tính thấp (xem Giai đoạn và Phân độ) nên phát triển chậm. Ung thư ruột thừa đa phần có thể điều trị thành công chỉ với phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật ung thư là những phẫu thuật viên được đào tạo chuyên biệt về điều trị ung thư bằng phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật ung thư ruột thừa:

  • Cắt ruột thừa. Là phẫu thuật đơn thuần cắt bỏ ruột thừa và chỉ áp dụng một khối u ruột thừa thần kinh nội tiết nhỏ hơn 1.5 cm.

Trường hợp ở lần phẫu thuật đầu tiên, ruột thừa đã được cắt bỏ với chẩn đoán ban đầu là viêm ruột thừa. Sau phẫu thuật, kết quả sinh thiết phát hiện ung thư ruột thừa dạng thần kinh nội tiết, thì bệnh nhân được khuyến cáo nên phẫu thuật lần hai để cắt bỏ nhiều mô (kĩ thuật được mô tả bên dưới).

  • Cắt đại tràng phải. Trong trường hợp u thần kinh nội tiết lớn hơn 2 cm hay ung thư ruột thừa không phải thần kinh nội tiết, phẫu thuật cắt đại tràng phải được khuyến cáo thực hiện. Đại tràng phải là phần ruột già gắn liền với ruột thừa, sẽ được cắt bỏ kèm theo mạch máu và hạch bạch huyết lân cận. Tuy một phần đại tràng bị cắt đi nhưng trong đa số các trường hợp, bệnh nhân không cần phải mở hậu môn nhân tạo – là một lỗ mở ở bụng để qua đó dịch tiêu hoá từ ruột được thải ra ngoài vào túi đựng.
  • Phẫu thuật làm sạch. Khi bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn mà phẫu thuật cắt đại tràng phải không thể thực hiện do khối u xâm lấn hoặc di căn xa, phẫu thuật làm sạch được chỉ định nhằm mục đích loại bỏ khối u càng nhiều càng tốt. Sau phẫu thuật, hoá trị liệu (xem bên dưới) thường được thực hiện để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

 Khi gặp phải khối u dạng nhầy, phần lớn các mô bất thường được tạo nên do tích tụ chất nhầy và bản chất các mô này không phải là ung thư. Chất nhầy thường có dạng thạch, hình dạng giống như các loại thạch dùng làm thực phẩm. Loại bỏ chất nhầy thường có thể giảm triệu chứng chướng bụng.

  • Phẫu thuật cắt bỏ phúc mạc. Phương pháp này vẫn còn một số tranh cãi về khả năng áp dụng trên bệnh nhân ung thư ruột thừa có độ ác tính thấp, tiến triển chậm nhưng lan ra khỏi đại tràng đến các vùng khác ở bụng. Một số phẫu thuật viên đề nghị phẫu thuật triệt để bao gồm cắt bỏ phúc mạc để loại bỏ ung thư càng nhiều càng tốt.

Ở những bệnh nhân có khối u tiến triển rất chậm, phẫu thuật có thể loại bỏ phần lớn tế bào ung thư Điều này có thể có lợi cho bệnh nhân do giảm kích thước khối u ác tính, mặc dù không loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể.. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ và tai biến riêng. Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố khác nhau, như tuổi và tình trạng cơ thể của người bệnh, trước khi đề nghị phương pháp phẫu thuật thích hợp. Bệnh nhân nên trao đổi với các bác sĩ chuyên về loại phẫu thuật ung thư này.

Trao đổi với nhóm chăm sóc sức khoẻ của bạn trước phẫu thuật về các tác dụng phụ có thể xảy ra sau mổ. Tìm hiểu thêm về những điều cơ bản của phẫu thuật ung thư.

Hoá trị liệu

Hoá trị liệu là sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư, bằng cách chấm dứt khả năng phát triển và phân chia của chúng. Hoá trị liệu được chỉ định bởi bác sĩ ung thư nội khoa – là bác sĩ chuyên về điều trị ung thư bằng thuốc. Đối với ung thư ruột thừa không phải là khối u thần kinh nội tiết, hoá trị thường được tiến hành ngay sau phẫu thuật khi kết quả sinh thiết cho biết khối u đã lan ra ngoài vùng xung quanh. Ngoài ra, hoá trị còn được chỉ định trong ung thư ruột thừa không phải thần kinh nội tiết sau phẫu thuật, nhằm ngăn chăn ung thư tái phát và chỉ định hoá trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Có nhiều dạng hoá trị liệu khác nhau, dựa vào sự phân bố của thuốc trong cơ thể.

  • Hoá trị tại chỗ/ trong khoang phúc mạc. Trong hoá trị tại chỗ, thuốc được phân bố tập trung tại một vùng của cơ thể. Cụ thể hơn, hoá trị trong phúc mạc sẽ đưa thuốc trực tiếp vào khoang phúc mạc. Thông thường, sau khi phẫu thuật viên loại bỏ khối u nhiều nhất có thể (phẫu thuật làm sạch, xem ở trên), một ống thông được luồn vào ổ bụng để dẫn thuốc vào trong ổ vụng. Trong một số trường hợp, hoá chất được làm ấm trên nhiệt độ cơ thể để tăng khả năng xuyên qua các mô nằm trên bề mặt tế bào ung thư; phương pháp này được gọi là hoá trị nhiệt độ cao trong khoang phúc mạc (viết tắt: HIPEC). Khi hoá trị liệu hoàn thành, ống thông được rút ra và đa phần bệnh không cần phẫu thuật lần hai.
  • Hoá trị hệ thống. Hoá chất được đưa vào tuần hoàn hệ thống để tiệu diệt tế bào ung thư trong khắp cơ thể, thông qua ống thông tĩnh mạch – một ống được nối cố định vào tĩnh mạch nhờ kim truyền, hoặc bệnh nhân có thể dung thuốc dạng viên nén hoặc viên nhộng. Một số bệnh nhân được hoá trị ở phòng khám ngoại trú; một số khác có thể phải nằm viện.

Một liệu trình hoá trị liệu thường bao gồm một số chu kỳ cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Bệnh nhân có thể được dùng một thuốc tại một thời điểm hoặc kết hợp nhiều thuốc khác nhau cùng lúc. Các thuốc hoá trị được chỉ định trong ung thư ruột thừa không phải thần kinh nội tiết tương tự như trong ung thư đại trực tràng, bao gồm fluorouracil (5-FU, Adrucil), leucovorin (Wellcovorin), capecitabine (Xeloda), irinotecan (Camptosar), oxaliplatin (Eloxatin), bevacizumab (Avastin), ziv-aflibercept (Zaltrap), ramucirumab (Cyramza), cetuximab (Erbitux) và panitumumab (Vectibix). Thuốc được dung cho khối u thần kinh nội tiết đã di căn bao gồm everolimus, capecitabine, temozolamide và điều trị phóng xạ thụ thể peptid với 177Lu Dotatat.

Tác dụng phụ của hoá trị liệu phụ thuộc vào từng cá nhân và liều sử dụng, đa phần gồm mệt mỏi, tang nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi kết thúc điều trị.

Tìm hiểu thêm về những điều cơ bản của hoá trị liệuchuẩn bị trước điều trị. Những thuốc được dùng để điều trị ung thư vẫn đang tiếp tục được thử nghiệm. Trao đổi với bác sĩ điều trị là cách tốt nhất để tìm hiều về những thuốc phù hợp với bạn, mục đích sử dụng và các tác dụng phụ có khả năng xảy ra hoặc tương tác giữa các thuốc. Tìm hiều thêm về đơn thuốc của bạn bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu thuốc có thể tìm kiếm.

Xạ trị

Xạ trị là dùng tia X năng lượng cao hoặc các hạt để phá huỷ tế bào ung thư. Bác sĩ xạ trị ung thư được đào tạo chuyên về điều trị ung thư bằng liệu pháp xạ trị.

Xạ trị hiếm khi được sử dụng trong điều trị ung thư ruột thừa. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn sử dụng phương pháp này để điều trị một vùng đặc biệt khi khối u lan rộng đến, chẳng hạn như ở xương, để giảm triệu chứng (xem bên dưới).

Tác dụng phụ của xạ trị bao gồm mệt mỏi, phản ứng da nhẹ, đau vùng bụng trên và mất nhu động ruột. Hầu hết các tác dụng không mong muốn thường biến mất sau khi kết thúc điều trị.

Tìm hiểu thêm về những điều cơ bản của liệu pháp xạ trị.

Điều trị triệu chứng và các tác dụng phụ

Ung thư và việc điều trị ung thư thường gây nhiều tác dụng không mong muốn. Ngoài mục đích làm chậm diễn tiến và loại bỏ các tế bào ung thư, điều trị làm giảm triệu chứng và tác dụng phụ cho bệnh nhân là một phần cũng rất quan trọng. Cách tiếp cận này được gọi là điều trị nâng đỡ, bao gồm hỗ trợ bệnh nhân về những nhu cầu thể chất, tinh thần và xã hội.

Điều trị nâng đỡ chú trọng vào giảm triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Bệnh nhân bất kể tuổi tác, loại và giai đoạn ung thư, đều có thể được điều trị hỗ trợ. Điều trị nâng đỡ có hiệu quả tốt nhất khi bắt đầu sớm nhất trong quá trình điều trị ung thư. Bệnh nhân thường được điều trị ung thư cùng lúc với điều trị giảm tác dụng phụ. Trong thực tế, bệnh nhân được điều trị phối hợp cùng lúc cả hai phương pháp thường có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và báo cáo cho thấy bệnh nhân hài lòng hơn khi điều trị.

Các phương pháp điều trị nâng đỡ rất khác nhau và thường gồm dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý và các liệu pháp khác. Bạn có thể cũng nhận được điều trị hỗ trợ theo dạng loại bỏ khối u, như hoá trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. Trao đổi với bác sĩ về mục tiêu của mỗi phương pháp trong kế hoạch điều trị của bạn.

Trước khi bắt đầu điều trị, trao đổi với nhóm chăm sóc sức khoẻ của bạn về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong kế hoạch điều trị cụ thể và lựa chọn những phương pháp chăm sóc hỗ trợ phù hợp. Trong và sau quá trình điều trị, phải thông báo cho bác sĩ của bạn hoặc thành viên trong nhóm chăm sóc sức khoẻ nếu bạn đang gặp khó khăn để được giải quyết càng nhanh càng tốt. Tìm hiều thêm về chăm sóc hỗ trợ/giảm nhẹ.

Ung thư ruột thừa di căn

Di căn được hiểu là ung thư từ nơi xuất phát lan rộng đến một vùng khác trên cơ thể. Nếu chẳng may điều này xảy ra, bệnh nhân nên trao đổi thêm với những bác sĩ có kinh nghiệm điều trị. Các bác sĩ có thể có các phương án khác nhau trong chọn lựa kế hoạch điều trị tiêu chuẩn tốt nhất. Các thử nghiêm lâm sàng có thể là một lựa chọn không tồi. Tìm hiểu thêm về ý kiến thứ hai trước khi bắt đầu điều trị, qua đó bạn có thể yên tâm với liệu trình điều trị đã chọn.

Kế hoạch điều trị có thể kết hợp phẫu thuật, hoá trị và xạ trị. Chăm sóc nâng đỡ cũng rất quan trọng để làm giảm triệu chứng và tác dụng phụ.

Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán ung thư di căn đều rất tuyệt vọng và căng thẳng nên thường khó đối mặt với thực trạng. Bệnh nhân và gia đình được khuyến khích bộc bạch suy nghĩ và cảm xúc hiện tại của họ với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xã hội và thành viên khác của nhóm chăm sóc sức khoẻ. Cũng có thể hữu ích khi nói chuyện với những bệnh nhân khác, thông qua nhóm hỗ trợ.

Sự thuyên giảm và khả năng tái phát

Thuyên giảm là khi ung thư không thể phát hiện được trên cơ thể và không có triệu chứng. Điều này có thể gọi là “không có bằng chứng của bệnh”.

Thuyên giảm có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Điều này làm nhiều người lo ngại về ung thư quay trở lại. Dù nhiều trường hợp thuyên giảm vĩnh viễn, điều quan trọng bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ điều trị về khả năng tái phát. Hiểu được yếu tố nguy cơ gây tái phát của bản thân bạn và các phương pháp điều trị có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn nếu ung thư trở lại. Tìm hiều thêm về đối phó với nỗi sợ tái phát.

Nếu ung thư trở lại sau điều trị ban đầu, nó được gọi là ung thư tái phát. Nó có thể trở lại ở cùng vị trí (tái phát tại chỗ), lân cận (tái phát vùng) và ở một nơi khác (tái phát xa).

Khi ung thư tái phát, một loạt các phương tiện chẩn đoán sẽ được sẽ được tái thực hiện để đánh giá về tình trạng thực tại của cơ thể và ung thư. Sau khi có kết quả, bạn và bác sĩ sẽ trao đổi về phương thức điều trị phù hợp. Kế hoạch điều trị thường sẽ bao gồm nhiều phương pháp như đã mô tả ở trên như phẫu thuật, hoá trị và xạ trị, nhưng có thể phối hợp khác đi hoặc thay đổi nhịp độ điều trị. Bác sĩ điều trị của bạn có thể đề xuất những thử nghiệm lâm sàng để tìm ra hướng mới trong điều trị ung thư tái phát. Dù có chọn kế hoạch nào thì chăm sóc nâng đỡ vẫn rất quan trọng để làm giảm triệu chứng và tác dụng phụ.

Bệnh nhân ung thư tái phát thường trải qua những cảm xúc như hoài nghi và sợ hãi. Bạn được khuyến khích trao đổi với nhóm chăm sóc sức khoẻ về những cảm xúc đó và hỏi thêm về các dịch vụ hỗ trợ để giúp bạn chiến đấu với bệnh tật. Xem thêm về đương đầu với ung thư tái phát.

Nếu điều trị không thành công

Không phải trường hợp nào cũng đều hồi phục sau ung thư. Nếu điều trị chẳng may không thành công, giai đoạn này có thể gọi là ung thư tiến triển hay ung thư giai đoạn cuối.

Chẩn đoán này khá nặng nề, và với nhiều bệnh nhân, rất khó để thảo luận về tình trạng này. Tuy nhiên, một cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành với nhóm chăm sóc sức khoẻ là cần thiết để nói lên cảm xúc, mong muốn và mối bận tâm của bạn. Nhóm chăm sóc sức khoẻ luôn ở đó để giúp đỡ bạn, và nhiều thành viên trong nhóm có kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm và kiến thức để hỗ trợ các bệnh nhân và gia đình của họ. Chắc chắn rằng bệnh nhân cảm thấy thoải mái về thể chất và thoát khỏi nỗi đau là cực kỳ quan trọng.

Bệnh nhân ung thư tiến triển kỳ vọng sống dưới 6 tháng có thể muốn được chăm sóc cuối đời. Đơn vị chăm sóc cuối đời được thành lập để cung cấp chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể cho bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối đời. Bạn và gia đình của mình được khuyến khích thảo luận với nhóm chăm sóc sức khoẻ về lựa chọn này, bao gồm chăm sóc tại nhà, tại trung tâm chăm sóc cuối đời đặc biệt, hoặc địa điểm chăm sóc sức khỏe khác. Chăm sóc điều dưỡng và các thiết bị đặc biệt có thể giúp cho việc ở lại tại nhà là một lựa chọn khả thi cho nhiều gia đình. Tìm hiểu thêm về kế hoạch chăm sóc ung thư tiến triển.

Sau khi người thân của mình mất, nhiều người cần được hỗ trợ để có thể đương đầu với sự mất mát. Tìm hiểu thêm về đau buồn và mất mát.

Phần tiếp theo trong hướng dẫn là Vcác thử nghiệm lâm sàng, cung cấp nhiều thông tin hơn về các nghiên cứu chú trọng vào tìm kiếm phương pháp tốt nhất trong chăm sóc bệnh nhân ung thư. Sử dụng menu để chọn phần bạn muốn đọc trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/appendix-cancer/types-treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích