menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ung thư tụy: Lựa chọn điều trị theo giai đoạn

user

Ngày:

14/12/2019

user

Lượt xem:

1181

Bài viết thứ 15/15 thuộc chủ đề “Điều trị tổng hợp”

Biên dịch: Nguyễn Thị Phương Thùy

Hiệu đính: Ths. BS. Nguyễn Hải Nam, BS.TS. Phạm Nguyên Quý

Ung thư tụy cũng như những ung thư khác được phân loại theo giai đoạn, từ giai đoạn cục bộ (có thể cắt bỏ hoàn toàn) tới giai đoạn tiến triển cục bộ (xâm lấn vùng xung quanh nên không thể cắt bỏ) và giai đoạn di căn. Tùy vào cấu trúc và mức độ xâm lấn mà giữa giai đoạn cục bộ và giai đoạn tiến triển cục bộ còn một giai đoạn trung gian gọi là giai đoạn ranh giới cắt bỏ, tương đương với tình trạng khối u không thể cắt bỏ từ đầu nhưng có thể chuyển thành trạng thái có thể cắt bỏ hoàn toàn sau khi hóa trị và/hoặc xạ trị trước mổ.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị dựa vào giai đoạn ung thư. Thông tin dưới đây dựa trên hướng dẫn của ASCO trong điều trị ung thư tụy. Kế hoạch chăm sóc cũng có thể bao gồm điều trị triệu chứng và các tác dụng phụ, một phần quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy. Ngoài ra, bệnh nhân ở bất kỳ giai đoạn nào của ung thư tụy cũng được khuyến khích xem xét các thử nghiệm lâm sàng như một lựa chọn điều trị. Nói chuyện với bác sĩ về tất cả các lựa chọn điều trị của bạn. Bác sĩ sẽ có thông tin tốt nhất về kế hoạch điều trị nào được khuyến nghị cho bạn.

Giai đoạn có thể cắt bỏ hoặc ranh giới cắt bỏ

  • Phẫu thuật
    • Loại bỏ khối u và các hạch bạch huyết lân cận nếu không có dấu hiệu cho thấy bệnh đã phát triển vượt ra ngoài tuyến tụy hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
  • Điều trị trước phẫu thuật, còn được gọi là liệu pháp tân bổ trợ
    • Hóa trị, có thể kèm với xạ trị hoặc không, thường được sử dụng cho bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn ranh giới có thể cắt bỏ. Liệu pháp này được thực hiện nhằm cố gắng thu nhỏ khối u và tăng cơ hội cho bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ sạch sẽ khối u (cắt bỏ với bờ rõ ràng). Ngay cả đối với những bệnh nhân bị ung thư tụy có thể cắt bỏ, liệu pháp tân bổ trợ đôi khi cũng được khuyên dùng.
  • Điều trị sau phẫu thuật, còn được gọi là liệu pháp bổ trợ
    • Hóa trị bổ trợ thường bắt đầu trong vòng 8 đến 12 tuần sau phẫu thuật tùy thuộc vào tốc độ hồi phục của bệnh nhân. Nó thường tổng cộng là 6 tháng. Hóa trị thường là gemcitabine đơn độc, hoặc phối hợp với một thuốc thứ hai gọi là capecitabine. Nghiên cứu gần đây cho thấy sự phối hợp giữa gemcitabine và capecitabine có hiệu quả hơn so với chỉ mỗi gemcitabine. Nhưng điều này cũng đi kèm với nhiều tác dụng phụ hơn, bao gồm tiêu chảy, giảm số lượng bạch cầu và hội chứng dị cảm bàn tay-bàn chân. Một số nước như Nhật Bản có thể dùng TS-1 bổ trợ sau mổ. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn hóa trị tốt nhất cho bạn.
    • Vai trò của xạ trị sau phẫu thuật vẫn còn gây tranh cãi. Việc lựa chọn sử dụng xạ trị sau phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Ví dụ, đó có thể là một lựa chọn khi ca mổ đã không thể cắt sạch khối u.
    • Đối với những bệnh nhân nhận được điều trị trước mổ, lựa chọn trị bổ sung sau mổ tùy thuộc vào tình trạng và sức khỏe tổng thể của từng bệnh nhân.

Giai đoạn tiến triển khu trú (không thể cắt bỏ)

  • Liệu pháp đầu tay
    • Hóa trị với sự phối hợp của các loại thuốc tùy thuộc vào tình trạng và sức khỏe tổng thể của mỗi bệnh nhân (xem các lựa chọn được liệt kê trong phần Ung thư tụy di căn ở bên dưới).
    • Xạ trị cũng có thể là một lựa chọn. Nó thường được sử dụng nhất là sau khi hóa trị, khi ung thư chưa lan ra ngoài tuyến tụy. Việc lựa chọn loại xạ trị, ví dụ như chùm tia ngoài tiêu chuẩn hay SBRT, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích thước, vị trí của khối u và khả năng cung cấp kỹ thuật đó tại địa phương.
  • Liệu pháp bậc hai
    • Nếu bệnh trở nên tồi tệ hơn trong hoặc sau khi điều trị bằng liệu pháp đầu tay, các bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn khác, bao gồm thử dùng hóa trị loại khác hoặc xạ trị nếu khối u chưa lan ra ngoài tuyến tụy và chưa hề dùng liệu pháp này.
  • Các thử nghiệm lâm sàng
    • Nếu các lựa chọn điều trị tiêu chuẩn không hiệu quả, bạn có thể xem xét tham gia thử nghiệm lâm sàng (nếu có). Hãy nói chuyện với bác sĩ về các thử nghiệm lâm sàng có thể áp dụng cho bạn.

Giai đoạn di căn

Nếu ung thư lan đến một bộ phận khác trong cơ thể, đó là giai đoạn di căn. Nếu điều này xảy ra, hãy nói chuyện với bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị và lưu ý là các bác sĩ có thể có những ý kiến khác nhau về kế hoạch điều trị tiêu chuẩn, tốt nhất. Thử nghiệm lâm sàng cũng có thể là một lựa chọn. Tìm hiểu thêm về việc có ý kiến thứ hai trước khi bắt đầu điều trị để có thể cảm thấy thoải mái, an tâm với kế hoạch điều trị đã chọn.

Kế hoạch điều trị của bạn có thể bao gồm sự kết hợp của các phương pháp điều trị được thảo luận ở trên. Các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân ung thư tụy di căn phụ thuộc nhiều vào sức khỏe tổng thể và mong muốn của bệnh nhân.

Lựa chọn đầu tay bao gồm:

  • Hóa trị với sự phối hợp của fluorouracil, leucovorin, irinotecan và oxaliplatin, được gọi là liệu pháp FOLFIRINOX.
  • Gemcitabine kết hợp với nab-paclitaxel.
  • Gemcitabine đơn thuần dành cho những bệnh nhân không đủ sức khỏe cho sự phối hợp 2 thuốc như trên, do các tác dụng phụ.
  • Đôi khi, có thể sử dụng một sự kết hợp khác dựa trên gemcitabine hoặc fluorouracil. Ở Nhật Bản, TS-1 đơn độc cũng là lựa chọn cho bệnh nhân sức khỏe không đủ tốt.

Nếu phác đồ đầu tiên không có hiệu quả (bệnh nặng hơn) hoặc bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ thảo luận về việc đổi thuốc, và chọn phác đồ hai.

  • Đối với những bệnh nhân đã sử dụng gemcitabine và nab-paclitaxel rồi, có thể lựa chọn kết hợp fluorouracil và leucovorin với nanoliposomal irinotecan, irinotecan hoặc oxaliplatin. Đối với những bệnh nhân không đủ sức khỏe để sử dụng nhiều loại thuốc, capecitabine đơn thuần có thể là một lựa chọn dễ dàng hơn cho những bệnh nhân này để đối phó bệnh.
  • Đối với những bệnh nhân đã dùng FOLFIRINOX, phác đồ sử dụng gemcitabine, như gemcitabine đơn thuần hoặc kết hợp với nab-paclitaxel, là một lựa chọn thích hợp.
  • Pembrolizumab là một lựa chọn cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy được coi là có MSI cao. Tuy nhiên, số ca ung thư tuyến tụy có bệnh MSI cao là chưa đến 1%.

Chăm sóc giảm nhẹ cũng sẽ rất quan trọng trong việc giúp giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ.

Đối với hầu hết mọi người, một chẩn đoán ung thư di căn là rất căng thẳng, đau buồn và đôi khi rất khó để chịu đựng. Bạn và gia đình nên nói về cảm giác của mình với bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội hoặc các thành viên khác của nhóm chăm sóc sức khỏe. Việc nói chuyện với các bệnh nhân khác, bao gồm thông qua một “nhóm hỗ trợ”, cũng có thể đem lại hữu ích.

Sự thuyên giảm và cơ hội tái phát

Thuyên giảm là khi ung thư không thể được phát hiện trong cơ thể và không có triệu chứng. Điều này còn được gọi là có “không có bằng chứng của bệnh” hay NED.

Sự thuyên giảm có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sự không chắc chắn này khiến nhiều người lo lắng rằng ung thư sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó. Điều quan trọng là hãy hỏi bác sĩ về khả năng ung thư trở lại. Hiểu được nguy cơ tái phát và các lựa chọn điều trị có thể giúp bạn có được sự chuẩn bị nếu như ung thư quay trở lại.

Nếu ung thư trở lại sau khi điều trị ban đầu, nó được gọi là ung thư tái phát. Ung thư tụy có thể trở lại ngay tại tuyến tụy hoặc gần đó (tái phát cục bộ hoặc vùng), hoặc ở nơi khác trong cơ thể (tái phát xa, tương tự như di căn).

Khi điều này xảy ra, một chu trình mới về việc xét nghiệm chẩn đoán mới sẽ bắt đầu lại để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về mức độ và vị trí của sự tái phát. Sau khi các xét nghiệm được hoàn tất, bạn và bác sĩ sẽ nói về các lựa chọn điều trị. Việc điều trị ung thư tụy tái phát tương tự như các phương pháp điều trị được mô tả ở trên và thường liên quan đến hóa trị. Xạ trị hoặc phẫu thuật cũng có thể được sử dụng để giúp giảm triệu chứng. Bác sĩ của bạn có thể đề xuất các thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu những cách mới để điều trị loại ung thư tái phát này. Cho dù bạn lựa chọn kế hoạch điều trị nào thì chăm sóc giảm nhẹ cũng sẽ rất quan trọng để làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Những người bị ung thư tái phát thường trải qua những cảm xúc như hoài nghi hoặc sợ hãi. Bạn nên nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe về những cảm xúc này và hỏi về các dịch vụ hỗ trợ để giúp bạn đối phó với bệnh.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/pancreatic-cancer/types-treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích