menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Điều trị nội khoa trong điều trị ung thư hắc tố

user

Ngày:

13/12/2020

user

Lượt xem:

386

Bài viết thứ 06/15 thuộc chủ đề “Điều trị tổng hợp”

Người dịch: Bùi Minh Quân, Đỗ Thị Xuân Miên, Dương Thị Bích Ngọc

Hiệu đính: ThS.BS. Lê Công Định – Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Tổng quan chung

Điều trị toàn thân là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc sau khi đưa vào sẽ theo tuần hoàn đi khắp cơ thể và tác động tới tế bào ung thư. Điều trị toàn thân thường được phụ trách bởi một bác sỹ nội khoa ung thư – bác sỹ được đào tạo chuyên sâu về việc sử dụng thuốc để điều trị ung thư.

Đường dùng phổ biến nhất với các thuốc trong điều trị toàn thân là đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc đường uống.

Một số liệu pháp toàn thân trong điều trị ung thư hắc tố ác tính bao gồm:

Đặc điểm chính của mỗi liệu pháp điều trị sẽ được giải thích chi tiết trong mục tiếp sau đây. Một người bệnh có thể điều trị bằng một liệu pháp toàn thân hoặc sẽ phối hợp giữa các phương pháp ở cùng thời điểm. Điều trị toàn thân có thể là liệu pháp duy nhất hoặc là một phần của kế hoạch điều trị tổng thể khi phối hợp với các phương pháp tại chỗ/tại vùng khác như phẫu thuật và/ hoặc xạ trị.

Các thuốc trong điều trị ung thư hắc tố đang tiếp tục được nghiên cứu và ngày càng có thêm nhiều thuốc điều trị mới. Để hiểu rõ hơn về thuốc điều trị bạn nên trao đổi với bác sỹ phụ trách việc kê đơn thuốc cho bạn về lợi ích và tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, đồng thời thông báo với bác sỹ nếu bạn đã, đang hoặc có định dùng thêm một loại thảo dược, thực phẩm hỗ trợ nào đó vì một số thành phần trong đó có thể có nguy cơ tương tác với thuốc điều trị bạn đang dùng.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch, hay còn gọi là liệu pháp điều trị sinh học, là phương pháp sử dụng khả năng phòng thủ tự nhiên của chính cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp này sử dụng chính các thành phần có sẵn trong cơ thể hoặc các chất tổng hợp trong phòng thí nghiệm để tăng cường, xác định đích nhắm và phục hồi chức năng của hệ miễn dịch.

Trong một vài năm trở lại đây, đã có một số tiến bộ mới trong điều trị ung thư hắc tố giai đoạn II, IV với liệu pháp miễn dịch. Mặc dù liệu pháp miễn dịch thực sự có hiệu quả đối với ung thư hắc tố, song cần lưu ý tới tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của điều trị miễn dịch bao gồm: phản ứng ngoài da, triệu chứng giống cúm, tiêu chảy, và thay đổi cân nặng. Bạn hãy trao đổi thêm với bác sỹ điều trị về những tác dụng không mong muốn, cách theo dõi cũng như hướng xử trí.

Thuốc ức chế PD-1 và PD-L1

Trong điều trị u hắc tố ác tính, có hai loại kháng thể đơn dòng giúp ngăn chặn protein programmed death-1 (PD-1) đã được Cục quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận trong điều trị ung thư hắc tố giai đoạn III hoặc IV (di căn): nivolumab (Opdivo) và pembrolizumab (Keytruda). PD-1 là một protein được tìm thấy trên bề mặt của tế bào T và tương tác với một protein được gọi là PD-L1. Tế bào T được là một là một loại bạch cầu trực tiếp tham gia tiêu diệt tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Sự tương tác của protein PD-1/PD-L1 làm cho hệ miễn dịch không còn khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc ngăn chặn tương tác của PD-1 và PD-L1 cho phép hệ miễn dịch nhận dạng và tiêu diệt tế bào ung thư hắc tố.

Cả nivolumab và pembrolizumab đã được chứng minh là giúp thu nhỏ khối u đối với 25% đến 45% bệnh nhân mắc u hắc tố ác tính giải đoạn không còn khả năng phẫu thuật hoặc giai đoạn IV, tùy thuộc vào thời điểm điều trị. Cả hai loại thuốc cũng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ tái phát sau khi phẫu thuật với u hắc tố ác tính giai đoạn III. Tác dụng phụ ít xảy ra hơn với nivolumab và pembrolizumab so với ipilimumab (Yervoy, xem bên dưới). ASCO khuyến nghị sử dụng nivolumab hoặc pembrolizumab như một lựa chọn để điều trị đối với u hắc tố ác tính giai đoạn III sau phẫu thuật, u hắc tố không thể cắt bỏ và u hắc tố di căn bất kể u có đột biến BRAF hay không.

Atezolizumab (Tecentriq) là chất ức chế PD-L1 có thể được sử dụng để điều trị ung thư hắc tố ác tính tiến triển có đột biến BRAF V600. Atezolizumab đã được FDA chấp thuận vào năm 2020 trong điều trị phối hợp 2 liệu pháp nhắm trúng đích: cobimetinib (Cotellic), chất ức chế MEK và vemurafenib (Zelboraf), chất ức chế BRAF. Các liệu pháp nhắm trúng đích này sẽ được mô tả dưới đây. Các thuốc ức chế PD-1 và PD-L1 khác vẫn đang được phát triển và nghiên cứu.

Thuốc ức chế CTLA-4

Ipilimumab (Yervoy) là một liệu pháp miễn dịch nhắm vào một phân tử được gọi là phân tử liên kết với tế bào lympho T gây độc tế bào-4 (CTLA-4). Đã có 2 thử nghiệm lâm sàng cho thấy những người bị u hắc tố ác tính giai đoạn không thể cắt bỏ hoặc di căn dùng ipilimumab có cơ hội sống sót cao hơn so với những người chỉ được dùng hóa trị truyền thống (xem bên dưới). Ipilimumab đã được chứng minh là có thể thu nhỏ khối u đối với 10% đến 15% bệnh nhân. Đáp ứng này có thể kéo dài nhiều năm và có thể là lâu dài ở nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ điều trị.

Ipilimumab được FDA chấp thuận để điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn không thể cắt bỏ cũng như giai đoạn di căn. Nó cũng được chấp thuận để điều trị bổ trợ sau phẫu thuật đối với u hắc tố ác tính giai đoạn III. Ipilimumab cũng cho thấy có tỷ lệ cao các tác dụng phụ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Do vậy ASCO không khuyến khích sử dụng thường quy trong ung thư hắc tố giai đoạn III. ASCO khuyến nghị sử dụng kết hợp với nivolumab để điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn không thể phẫu thuật, di căn.

Các tác dụng phụ đáng kể của ipilimumab bao gồm viêm đại tràng, các vấn đề về gan, phản ứng da, viêm thần kinh và tuyến tiết hormone, các vấn đề về mắt. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ về các triệu chứng như: tiêu chảy, phát ban, ngứa và các phản ứng phụ khác. Trước khi bắt đầu điều trị, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về các tác dụng phụ tiềm ẩn. Hãy thông báo cho nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn biết ngay lập tức nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong quá trình điều trị. Một điều quan trọng nữa là thông báo với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về tất cả các loại thuốc khác mà bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng hoặc thảo dược, để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra do tương tác thuốc với ipilimumab. Ipilimumab và các chất ức chế CTLA-4 khác vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Phối hợp các thuốc ức chế PD-1 và CTLA-4

Sự kết hợp giữa ipilimumab và nivolumab có thể được sử dụng trong điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn III không phẫu thuật được hoặc giai đoạn IV. Sự kết hợp này có hiệu quả hơn so với một trong hai loại thuốc đơn thuần trong việc giảm kích thước khối u và làm chậm sự phát triển của khối u, 58% những người sử dụng sự kết hợp này đã thu nhỏ được khối u. Tuy nhiên, kết hợp các loại thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ hơn nhiều so với chỉ dùng một loại. Quyết định đưa ra liệu pháp kết hợp này thường dựa trên tốc độ phát triển của ung thư, vị trí ung thư đã di căn và sức khỏe chung của người bệnh. ASCO khuyến cáo sử dụng kết hợp này ban đầu, sau đó chỉ dùng nivolumab như một lựa chọn để điều trị đối với giai đoạn III không thể phẫu thuật hoặc giai đoạn di căn cho dù u hắc tố có đột biến BRAF hay không.

Interleukin-2 (IL-2, Proleukin)

Một loại liệu pháp miễn dịch khác là interleukin-2, hoạt động qua cơ chế kích hoạt các tế bào T. Thuốc này được sử dụng cho những người bị u hắc tố ác tính di căn với hiệu quả tương tự như ipilimumab với khoảng 16% số người dùng có đáp ứng giảm khối u trong đó dưới 10% số người có đáp ứng hoàn toàn. Đáp ứng hoàn toàn được định nghĩa là sự biến mất của bệnh ung thư do kết quả của việc điều trị.

Phương pháp điều trị này thường có nhiều tác dụng phụ đáng kể. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của IL-2 là các triệu chứng giống như cúm (sốt, ớn lạnh và đau nhức), phát ban và các tác dụng phụ về đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn và tiêu chảy). IL-2 cũng gây ra hội chứng rò rỉ mao mạch, xảy ra khi dịch và protein thoát ra ngoài mô từ mạch máu. Hội chứng rò rỉ mao mạch có thể gây tụt huyết áp và các ảnh hưởng nguy hiểm khác. Các tác dụng phụ của thuốc có thể rất nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng đối với một số ít người sử dụng IL-2. Bệnh nhân được điều trị bằng IL-2 liều cao cần được theo dõi tích cực bởi nhóm chăm sóc sức khỏe. IL-2 nên được sử dụng và theo dõi bởi một nhóm chăm sóc sức khỏe có kinh nghiệm, quen thuộc với các tác dụng phụ của điều trị IL-2

Liệu pháp vi-rút

Liệu pháp virus là một loại liệu pháp miễn dịch. FDA đã chấp thuận sử dụng talimogene laherparepvec (T-VEC; Imlygic) để điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn III không phẫu thuật được và giai đoạn IV. T-VEC là một loại vi rút herpes được biến đổi trong phòng thí nghiệm để tạo ra một loại hormone kích thích miễn dịch. Vi rút này có thể lây nhiễm và tiêu diệt các tế bào u ác tính. T-VEC cũng giúp kích thích hệ thống miễn dịch để tiêu diệt u hắc tố ác tính.

T-VEC được tiêm trực tiếp vào 1 hoặc nhiều khối u hắc tố, vì vậy nó còn được gọi là liệu pháp tác động từ bên trong tổn thương. Vì T-VEC không được chứng minh là gây ra sự thu nhỏ đáng kể nào với các khối u không được tiêm ở hầu hết các trường hợp nên bệnh nhân ở giai đoạn di căn nhiều vị trí thường không được áp dụng phương pháp điều trị này. T-VEC có thể được sử dụng cho những bệnh nhân u hắc tố ác tính không thể cắt bỏ hoặc di căn, những người không thể hoặc không còn áp dụng được phương pháp điều trị nào khác. T-VEC đang được nghiên cứu kết hợp với các loại thuốc khác để nâng cao hiệu quả.

Interferon

Interferon alfa-2b liều cao (Intron A). Khi được sử dụng trong thời gian hơn một năm, interferon alfa-2b liều cao là một liệu pháp miễn dịch đã được chứng minh là có tác dụng làm chậm thời gian xuất hiện tái phát cho một số bệnh nhân. Tuy nhiên, nó chưa chứng minh được tác dụng kéo dài thời gian sống thêm. Những tác dụng phụ đáng kể và phổ biến đối với phương pháp điều trị này bao gồm các triệu chứng giống như cúm (mệt mỏi, sốt, ớn lạnh), buồn nôn, nôn mửa và đau đầu; phát ban; tóc mỏng; và trầm cảm. Vì vấn đề tác dụng phụ và không chứng minh được kéo dài cuộc sống cho hầu hết bệnh nhân được điều trị, ASCO không khuyến nghị sử dụng interferon liều cao một cách thường quy.

Pegylated interferon alfa-2b (Sylatron). Liệu pháp miễn dịch này được thực hiện bằng cách tiêm hàng tuần trong tối đa 5 năm và đã được chứng minh là có thể kéo dài thời gian xuất hiện tái phát cho một số bệnh nhân. Tuy nhiên, nó chưa chứng minh được tác dụng kéo dài thời gian sống thêm. Các tác dụng phụ rất giống với tác dụng phụ của interferon alfa-2b liều cao. Vì vấn đề tác dụng phụ và không chứng minh được kéo dài cuộc sống cho hầu hết bệnh nhân được điều trị, ASCO không khuyến nghị sử dụng pegylated interferon một cách thường quy.

Điều trị đích

Liệu pháp điều trị đích là phương pháp điều trị nhắm vào các gen, protein hoặc môi trường mô cụ thể của ung thư mà tham gia vào sự phát triển và sống sót của ung thư. Đây là loại điều trị ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư và hạn chế tác động lên các tế bào khỏe mạnh.

Như đã giải thích ở trên và trong phần chẩn đoán, các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để xác định được một số con đường và gen quan trọng liên quan đến sự phát triển và lan rộng của u hắc tố ác tính. Những tiến bộ này cho phép các bác sĩ điều chỉnh để cá thể hóa điều trị dựa trên các bất thường hoặc đột biến di truyền của u hắc tố ác tính.

Trọng tâm chính của nghiên cứu là phát triển các loại thuốc mới ngăn chặn các con đường sinh hóa đặc hiệu mà tế bào u hắc tố ác tính cần phát triển.

Thuốc ức chế BRAF

Việc phát hiện ra khoảng 50% khối u ác tính có gen BRAF bị đột biến hoặc được kích hoạt đã cung cấp một hướng mới quan trọng trong liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị u hắc tố ác tính. Dabrafenib (Tafinlar), encorafenib (Braftovi) và vemurafenib (Zelboraf) là các liệu pháp điều trị nhắm trúng đích được FDA chấp thuận cho những người mắc cả ung thư hắc tố giai đoạn III không phẫu thuật được và giai đoạn IV. Những loại thuốc này được dùng dưới dạng viên uống, được sử dụng khi khối u có đột biến V600E hoặc V600K trong gen BRAF (xem Chẩn đoán). Những loại thuốc này không nên sử dụng bởi những bệnh nhân không có đột biến vì nó thực sự có thể gây hại cho họ. Việc bổ sung chất ức chế MEK vào chất ức chế BRAF đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu giúp tăng tỷ lệ thu nhỏ khối u cũng như làm chậm sự phát triển của khối u (xem bên dưới).

Vemurafenib có thể được dùng kết hợp với atezolizumab (xem “thuốc ức chế PD-1 và PD-L1” ở trên) và chất ức chế MEK cobimetinib để điều trị ung thư hắc tố tiến triển có đột biến BRAF V600.

Trong các thử nghiệm lâm sàng đối với những người bị u ác tính di căn có gen BRAF đột biến, cả hai loại thuốc đều làm thu nhỏ các khối u ở phần lớn các trường hợp. Vemurafenib đã được chứng minh là có thể kéo dài thời gian sống của bệnh nhân trung bình gần một năm. Tác dụng của Dabrafenib đối với tỷ lệ sống còn toàn bộ đã không được thử nghiệm chính thức.

Tác dụng phụ của vemurafenib chủ yếu là các vấn đề về da, bao gồm phát ban, tóc mỏng, da dày hoặc khô, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và một dạng ung thư da ít nguy hiểm hơn được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy thường có thể được điều trị bằng tiểu phẫu. Các tác dụng phụ khác bao gồm đau khớp, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, tóc mỏng và quăn. Dabrafenib dường như có ít tác dụng phụ hơn, bao gồm da dày hoặc khô da, tóc mỏng, và hiếm khi gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Bạn cần trao đổi với bác sĩ của bạn về những tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi bắt đầu điều trị.

Ức chế MEK

Trametinib (Mekinist) được chấp thuận như một liệu pháp nhắm mục tiêu cho khối u ác tính không thể cắt bỏ hoặc di căn có đột biến BRAF V600E hoặc V600K. Thuốc này, được dùng dưới dạng viên uống, có đích nhắm là protein MEK, một loại protein có liên quan đến sự phát triển và tồn tại của ung thư. Trametinib đã được chấp thuận dựa trên kết quả của một nghiên cứu lâm sàng cho thấy những người bị u hắc tố ác tính giai đoạn IIIC hoặc giai đoạn IV, những người dùng thuốc đích này có thời gian sống lâu hơn mà không bị chịu gánh nặng của ung so với những người được hóa trị. Các tác dụng phụ của trametinib bao gồm phát ban giống như mụn trứng cá, viêm móng, ngứa, khô da và tiêu chảy.

Cobimetinib (Cotellic) và binimetinib (Mektovi) là các chất ức chế MEK khác được chấp thuận để điều trị u hắc tố ác tính, nhưng chúng chỉ có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác. Những sự kết hợp đó được mô tả chi tiết hơn bên dưới. Cobimetinib cũng có thể được sử dụng kết hợp với atezolizumab (xem “chất ức chế PD-1 và PD-L1” ở trên) và chất ức chế BRAF vemurafenib để điều trị ung thư hắc tố tiến triển có đột biến BRAF V600.

Phối hợp thuốc ức chế BRAF và MEK

Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng kết quả được cải thiện và giảm tác dụng phụ khi phối hợp thuốc ức chế BRAF và MEK so với chỉ dùng thuốc ức chế BRAF hoặc MEK. Nó đã trở thành điều trị chuẩn để đề xuất 1 trong 3 cách kết hợp đã được phê duyệt sau đây khi liệu pháp nhắm trúng đích cho bệnh nhân có khối u có đột biến BRAF.

ASCO khuyến nghị dùng dabrafenib cộng với trametinib như một lựa chọn để điều trị ung thư hắc tố giai đoạn III sau phẫu thuật có đột biến BRAF.Đối với khối u ác tính không thể cắt bỏ hoặc di căn có đột biến BRAF, ASCO khuyến nghị dùng dabrafenib cộng với trametinib, encorafenib cộng với binimetinib, hoặc vemurafenib cộng với cobimetinib là những lựa chọn điều trị.

Dabrafenib và trametinib. Đã có 2 thử nghiệm lâm sàng cho thấy sự kết hợp của dabrafenib, một chất ức chế BRAF và trametinib, một chất ức chế MEK, có liên quan đến tăng tỷ lệ thu nhỏ khối u, làm chậm sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống hơn so với chỉ dùng vemurafenib đơn thuần (trong 1 nghiên cứu), và dabrafenib đơn thuần (trong nghiên cứu khác). Từ kết quả của những thử nghiệm này, FDA đã chấp thuận sự kết hợp của dabrafenib với trametinib để điều trị ung thư hắc tố tiến triển không thể cắt bỏ và ung thư hắc tố di căn với đột biến BRAF V600E hoặc V600K. Sự kết hợp này không được kỳ vọng mang lại lợi ích cho những người bị u hắc tố ác tính không có đột biến BRAF.

Trong một thử nghiệm lâm sàng gần đây hơn, 1 năm điều trị với sự kết hợp của dabrafenib và trametinib đã được chứng minh là cải thiện kết quả ở những người bị u hắc tố ác tính giai đoạn III sau phẫu thuật. Dữ liệu này đã dẫn đến sự chấp thuận của sự kết hợp này, vào năm 2018, như một liệu pháp bổ trợ cho những người bị u hắc tố ác tính giai đoạn III đã được phẫu thuật triệt để.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của sự kết hợp này bao gồm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sưng bàn tay và bàn chân, ho, nhức đầu, đau khớp, đổ mồ hôi ban đêm, giảm cảm giác thèm ăn, táo bón và đau cơ. Sự kết hợp giữa dabrafenib và trametinib làm giảm một số tác dụng phụ khi so sánh với một trong hai loại thuốc được dùng riêng lẻ, bao gồm cả tỷ lệ ung thư da thứ phát và phát ban thấp hơn.

Vemurafenib và cobimetinib. Sự kết hợp thứ hai của chất ức chế BRAF và MEK đã được FDA chấp thuận vào năm 2015. Nó bao gồm chất ức chế BRAF vemurafenib và chất ức chế MEK cobimetinib. Một thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng sự kết hợp của vemurafenib và cobimetinib có liên quan đến tăng tỷ lệ thu nhỏ khối u, làm chậm sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống thêm so với chỉ dùng vemurafenib. Các tác dụng phụ thường gặp với sự kết hợp này bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, đau nhức khớp, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, phát ban, sốt, kích ứng gan và sưng ở bàn tay và bàn chân.

Encorafenib và binimetinib. Tháng 6 năm 2018, FDA đã phê duyệt sự kết hợp thứ ba, bao gồm encorafenib ức chế BRAF và binimetinib chất ức chế MEK. Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cho thấy sự kết hợp này giúp kéo dài thời gian sống thêm so với người chỉ được điều trị chỉ với vemurafenib. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của sự kết hợp này là mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và đau khớp.

Ức chế KIT

Các nhà nghiên cứu cũng đang tập trung vào việc phát triển các liệu pháp nhắm trúng đích vào gen KIT, gen này bị đột biến hoặc hiện diện với số lượng lớn hơn (các bản sao bổ sung của gen) trong một số khối u ở một số thể dưới nhóm của u hắc tố ác tính, bao gồm khối u ác tính maligna lentigo, khối u ác tính niêm mạc và nốt sần u ác tính. Các loại thuốc hiện đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng cho những người bị ung thư hắc tố KIT ở giai đoạn IV, đột biến bao gồm dasatinib (Sprycel), imatinib (Gleevec) và nilotinib (Tasigna).

Điều trị u agnostic

Larotrectinib (Vitrakvi) là một loại liệu pháp nhắm trúng đích không dành riêng cho một loại ung thư nhất định mà tập trung vào một thay đổi di truyền cụ thể được gọi là NTRK fusion. Loại thay đổi di truyền này được tìm thấy trong một loạt bệnh ung thư, bao gồm cả khối u ác tính. Nó được chấp thuận như một phương pháp điều trị cho khối u ác tính không thể cắt bỏ hoặc di căn có NTRK fusion, tiến triển sau điều trị các liệu pháp khác. điều trị khác.

Hóa trị

Hóa trị là việc sử dụng thuốc gây độc tế bào để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách giữ cho tế bào ung thư không phát triển, phân chia.

Bởi vì liệu pháp miễn dịch và liệu pháp điều trị đích có hiệu quả hơn trong điều trị u ác tính nên hóa trị ít được sử dụng.

Hóa trị sẽ được lặp lại theo chu kỳ tùy theo loại phác đồ được sử dụng. Bệnh nhân có thể nhận phác đồ chỉ gồm 1 loại thuốc hoặc cùng một lúc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Dacarbazine (DTIC) là thuốc hóa trị duy nhất được FDA chấp thuận cho u hắc tố ác tính. Temozolomide (Temodar) về cơ bản là một phiên bản uống của dacarbazine, và nó được chỉ định trong điều trị ung thư hắc tố giai đoạn IV.

Cả DTIC và temozolomide đều được chứng minh là có tác dụng thu nhỏ khối u hắc tố ác tính trên khoảng 12% đến 15% bệnh nhân. Tuy nhiên, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào đánh giá về hiệu quả kéo dài thời gian sống thêm. Cả hai loại thuốc đều có một số tác dụng phụ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ của bạn về các tác dụng phụ có thể có của những loại thuốc này.

Các liệu pháp hóa trị khác được sử dụng để điều trị u hắc tố ác tính bao gồm: cisplatin, fotemustine (Muphoran, chỉ được chấp thuận ở Châu Âu) lomustine (Gleostine), nhóm taxanes (gồm docetaxel [Taxotere], paclitaxel [Taxol]), và vinblastine. Có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc hóa trị với nhau, ví dụ như paclitaxel kết hợp với carboplatin hoặc cisplatin kết hợp với vinblastine và dacarbazine. Một số phác đồ phối hợp hóa trị có thể giúp tăng khả năng làm thu nhỏ khối u, nhưng chúng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.

Các tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào từng thể trạng và liều lượng thuốc sử dụng, nhưng thường gặp là mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, thay đổi móng tay, chán ăn, tiêu chảy, một số tổn thương thần kinh ngoại vi gây thay đổi cảm giác, rụng tóc. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi điều trị xong.

Liệu pháp tiêm truyền tại chỗ

Đôi khi u hắc tố ác tính có thể lan rộng và xuất hiện dưới dạng một số khối u phát triển ở chân hoặc cánh tay. Trong những tình huống này, việc phẫu thuật quá rộng rãi có thể sẽ không mang lại lợi ích. Tùy thuộc vào mức độ lan rộng của bệnh và vị trí khối u, bác sĩ có thể tiến hành tiêm truyền thuốc vào chi có u thay vì truyền vào tuần hoàn chung như thông thường.

Trong quá trình thực hiện kỹ thuật này này, một garô được đặt trên cánh tay hoặc chân trước khi điều trị hóa chất liều cao. Trong truyền thuốc vào chi bị cô lập, một đường truyền sẽ được thiết lập để truyền thuốc vào chi. Garô giữ hóa trị ở tay hoặc chân và ngăn không cho nó được vận chuyển khắp cơ thể. Liệu pháp này thường được thực hiện với gây mê toàn thân.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/melanoma/types-treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích