menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống sau khi người thân mất

user

Ngày:

16/09/2018

user

Lượt xem:

3561

Bài viết thứ 09/21 thuộc chủ đề “Đối mặt với thay đổi cảm xúc”

Sự qua đời của người thân gây ra nhiều thay đổi cho các thành viên trong gia đình, như từ những thay đổi trong thói quen sinh hoạt đến những thay đổi về các ưu tiên hoặc các kế hoạch tương lai. Việc làm quen với các hoàn cảnh sống mới có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Những thay đổi thường gặp

Sau khi người thân hoặc bạn bè bạn qua đời, bạn có thể nhận thấy những thay đổi trong một số khía cạnh sau:

  • Các mối quan hệ. Bạn có thể nhận thấy những khác biệt trong mối quan hệ giữa bạn với gia đình và bạn bè sau sự qua đời của một người thân yêu. Một số bạn bè hoặc thành viên gia đình có thể không biết phải nói gì hoặc cư xử gì khi ở cùng bạn. Họ có thể tự tách biệt với bạn hoặc trở nên gần gũi với bạn hơn bao giờ hết. Những thay đổi về sở thích, ưu tiên hoặc mục tiêu của bạn sau khi người thân ra đi có thể khiến bạn mất quan hệ với một số người, nhưng nó cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ mới và tình bạn mới.
  • Các thói quen. Nếu bạn đã quen với việc chăm sóc người thân bị ung thư, phần lớn thói quen hàng ngày có thể liên quan đến việc săn sóc hoặc đến bệnh viện. Khi người thân yêu đó qua đời và những thói quen này kết thúc, bạn có thể cảm thấy mất mát, lạc lõng và hồi tưởng về trách nhiệm chăm sóc đó. Theo thời gian, nhiều người có thể hình thành những thói quen mới, sẽ dần dần cảm thấy quen thuộc và thoải mái hơn.
  • Trách nhiệm. Khi bạn đời hoặc một thành viên trong gia đình qua đời, bạn có thể phải gánh vác cả nhiệm vụ trước đây của họ. Một số công việc có thể hoàn toàn không quen thuộc và việc học hỏi có thể khiến bạn căng thẳng. Khi không còn dành nhiều thời gian để chăm sóc người bệnh, bạn có thể cảm thấy mình có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Cảm giác này có thể giải phóng nhiều cảm xúc mà trước đây bạn luôn giữ kín.
  • Việc làm và tài chính. Nếu người đã mất là người có thu nhập chính của gia đình thì bạn có thể phải làm thêm nhiều giờ hơn, quay lại làm việc hoặc phải đi làm lần đầu tiên. Nếu bạn là cha mẹ có con nhỏ, điều này có nghĩa là phải sắp xếp chăm sóc gia đình vào ban ngày và có ít thời gian ở nhà hơn. Sự qua đời của người thân khi đó mang lại những thay đổi về tài chính, bao gồm ít tiền lương hơn, thay đổi mức trợ cấp an sinh xã hội, hoặc các khoản thanh toán từ chính sách bảo hiểm nhân thọ.
  • Đức tin và tâm linh. Sau khi người bạn yêu thương qua đời, bạn có thể hoài nghi niềm tin tôn giáo hay tâm linh của bạn và sự hiểu biết của bạn về ý nghĩa của cuộc sống. Ngược lại, bạn cũng có thể thấy rằng đức tin của bạn trở nên mạnh mẽ hơn và là nguồn an ủi lớn trong cuộc sống.
  • Ưu tiên và mục tiêu. Các ưu tiên của bạn có thể thay đổi tùy theo những gì quan trọng nhất với bạn vào lúc này. Các ưu tiên trước đây như công việc có thể được thay thế bằng các ưu tiên mới như dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè hoặc tập trung vào sức khỏe của chính bạn. Bạn cũng có thể cần phải thay đổi các ưu tiên vì những lý do thực tế. Ví dụ, nếu bạn vừa trở thành người lo thu nhập chính cho gia đình, bạn có thể cần phải tập trung tìm kiếm một công việc tốt hoặc xây dựng sự nghiệp của bạn. Khi thay đổi để thích nghi với lối sống mới, bạn có thể cần phải thay đổi mục tiêu của mình hoặc trì hoãn thực hiện các bước để đạt được chúng.
  • Các hoạt động và sở thích. Bạn có thể không còn quan tâm đến một số hoạt động yêu thích trước đây hoặc có thể phát triển các sở thích mới. Những điều này có thể bao gồm việc tham gia vào các hoạt động quan trọng đối với người thân của bạn hoặc tình nguyện tại một bệnh viện địa phương hoặc một tổ chức hỗ trợ ung thư.

Thích nghi với những thay đổi

Các lời khuyên sau đây có thể giúp bạn thích nghi tốt hơn với những thay đổi căng thẳng sau khi người thân qua đời:

  • Suy nghĩ cẩn thận khi đưa ra quyết định quan trọng. Năm đầu tiên sau khi người thân qua đời, bạn sẽ rất dễ xúc động. Các chuyên gia khuyên bạn nên chờ ít nhất một năm trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, chẳng hạn như di chuyển nơi ở hoặc thay đổi việc làm. Bạn nên lập một danh sách các việc cần làm và quyết định xem việc nào phải được hoàn thành ngay lập tức. Cố gắng chưa đưa ra các quyết định quan trọng mà có thể trì hoãn được.
  • Chia sẻ trách nhiệm mới. Cần có thời gian để bạn và gia đình điều chỉnh những trách nhiệm mới và ổn định thói quen. Trong gia đình, hãy thảo luận và phân chia công việc nhà phù hợp với mọi thành viên. Ngoài ra, hãy chia sẻ về những thay đổi trong thói quen của gia đình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ vì chúng có thể rất buồn bã với sự mất mát này.
  • Yêu cầu và chấp nhận sự giúp đỡ. Bạn bè và gia đình sẽ muốn giúp bạn nhưng có thể họ không biết bạn cần gì hoặc không biết bạn có cần giúp đỡ hay không. Hãy nêu cụ thể nhu cầu của bạn và lập một danh sách những việc mà người khác có thể hỗ trợ. Nếu bạn đang học cách làm những việc không quen thuộc, chẳng hạn như nấu ăn, hãy nhờ ai đó hướng dẫn, hoặc bạn cũng có thể tham gia một khóa học nào đó.
  • Nhận sự trợ giúp xử lý các vấn đề về tài chính và pháp lý. Nhiều vấn đề về tài chính và pháp lý sau việc mất mát người thân thường rất rắc rối. Điều này đặc biệt đúng nếu trước đó bạn không quen xử lý các vấn đề tài chính và pháp lý. Nếu có thể, hãy trao đổi với chuyên gia pháp lý hoặc tài chính, chẳng hạn như luật sư, kế toán viên hoặc cố vấn tài chính. Các dịch vụ này có thể giúp bạn lên kế hoạch cho tương lai, tài chính hợp pháp của bạn đồng thời cũng giúp bạn tiết kiệm tiền.
  • Nhận lời khuyên trước khi trở lại làm việc. Nếu bạn trở lại làm việc sau một thời gian nghỉ dài hoặc đi làm lần đầu tiên, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ một nhân viên tư vấn nghề nghiệp. Nhân viên này có thể giúp bạn viết bản sơ yếu lý lịch và tìm việc làm. Họ cũng có thể giúp bạn quyết định lựa chọn nghề nghiệp nào phù hợp nhất với mình. Ở nhiều tiểu bang, chính phủ cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo nghề nghiệp miễn phí (Việc này chưa có ở Việt Nam).
  • Luôn mang bên mình quyển nhật ký. Quyển nhật ký có thể giúp bạn hiểu được những thay đổi mà bạn đang trải qua. Ngoài việc viết về cảm xúc và suy nghĩ của mình, bạn còn có thể sử dụng nhật ký để sắp xếp các kế hoạch, nhiệm vụ, ưu tiên. Khi xem lại nhật ký, bạn có thể thấy các ưu tiên và mục tiêu của bạn đã thay đổi như thế nào cũng như khả năng thích nghi của bạn đã được cải thiện ra sao.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ. Tham gia các nhóm hỗ trợ cho bạn cơ hội để nói chuyện với những người có cùng cảm xúc và kinh nghiệm giống bạn. Những người có người thân mất vì ung thư có thể đều đã trải qua nhiều thay đổi tương tự nhau. Vì thế, họ có thể hỗ trợ bạn về mặt tình cảm cũng như cho bạn những lời khuyên thực tế.
  • Ghi nhớ những điều tích cực. Thay đổi các ưu tiên, phát triển sở thích mới và học thêm các kỹ năng có thể mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của bạn. Hãy tự hào về bản thân với những điều bạn đạt được. Nhớ rằng việc tham gia các hoạt động và đặt mục tiêu mới cho tương lai không có nghĩa là bạn lãng quên người thân đã mất của mình.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/coping-with-cancer/managing-emotions/grief-and-loss/coping-with-change-after-loss

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích