menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Nỗi đau mất con cái

user

Ngày:

07/04/2019

user

Lượt xem:

3910

Bài viết thứ 12/21 thuộc chủ đề “Đối mặt với thay đổi cảm xúc”

Biên dịch: Vương Thành Huấn

Hiệu đính: BS. Lê Hiền

Không có cha mẹ nào chuẩn bị cho cái chết của con mình. Đơn giản là vì cha mẹ chỉ là không được sống lâu hơn con cái của họ. Điều quan trọng cần nhớ là con cái sống bao lâu không tương đương với mức độ mất mát của người làm cha mẹ. Mất con là sự mất mát sâu sắc trong lòng mỗi bậc cha mẹ.

  • Cha mẹ có liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Cái chết thay đổi mọi mặt của cuộc sống gia đình, nó thường để lại một sự trống vắng to lớn.
  • Cái chết của một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên thường khó khăn đối với cha mẹ bởi vì trẻ ở độ tuổi này đang bắt đầu hướng đến tiềm năng và trở thành những cá nhân độc lập.
  • Khi một đứa con ở tuổi trưởng thành mất, cha mẹ không chỉ mất một đứa con mà còn là mất người bạn thân, một mối quan hệ với những đứa cháu sau này, một nguồn hỗ trợ tình cảm không thể thay thế được.

Cha mẹ cũng đau buồn vì những hy vọng và ước mơ dành cho con sẽ không bao giờ thành hiện thực. Mất đi đứa con duy nhất của mình, họ có thể cảm thấy rằng mình đã mất quyền làm cha mẹ và có lẽ cả những đứa cháu sau này. Nỗi đau này sẽ luôn tồn tại ở trong họ. Tuy nhiên, theo thời gian, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ tìm thấy một con đường khác, bắt đầu trải nghiệm hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống một lần nữa.

Những phản ứng đau buồn thường gặp

Các phản ứng đau buồn sau cái chết của một đứa trẻ cũng tương tự như nỗi buồn sau những tổn thất khác. Tuy nhiên, chúng thường dữ dội hơn và kéo dài hơn. Cha mẹ có thể gặp các phản ứng đau buồn sau đây:

  • Cú sốc dữ dội, sự nhầm lẫn, hoài nghi và khước từ sự thật, ngay cả khi cái chết của con đã được dự đoán trước.
  • Nỗi buồn và tuyệt vọng choáng ngợp, những việc hàng ngày hoặc thậm chí việc ra khỏi giường dường như không thể thực hiện được.
  • Cảm giác tội lỗi hoặc cảm giác thất bại vì không thể bảo vệ con và đã có thể làm được điều gì đó khác đi.
  • Cơn giận dữ mãnh liệt và cảm giác cay đắng, bất công trong cuộc sống không trọn vẹn.
  • Lo lắng hoặc sợ hãi khi ở một mình và bảo vệ nghiêm ngặt quá mức những đứa con còn lại.
  • Sự ghen tị đối với những cha mẹ khác có con khỏe mạnh.
  • Cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa và mong muốn được thoát khỏi nỗi đau hoặc muốn ra đi cùng con.
  • Nghi ngờ hoặc mất niềm tin hay tín ngưỡng tâm linh.
  • Mơ thấy con hoặc cảm thấy sự hiện diện của con ở gần.
  • Cảm giác cô đơn và cô lập mãnh liệt ngay cả khi xung quanh có rất nhiều người, và cảm thấy rằng không ai có thể thực sự hiểu được cảm xúc của mình.

Mặc dù đã biết nỗi đau khi mất một đứa con là rất lớn, một số cha mẹ vẫn sẽ trải qua một thời gian cực kỳ khó khăn. Ngay cả sau một thời gian dài, nỗi đau của họ vẫn dữ dội và họ cảm thấy không thể trở lại cuộc sống bình thường. Một số cha mẹ thậm chí có thể nghĩ đến việc tự làm tổn thương bản thân để thoát khỏi nỗi đau này. Nếu bạn đang có những cảm xúc này, ngay lập tức hãy tìm một chuyên gia như bác sĩ hoặc người tư vấn tâm lý. Bạn cần tìm sự giúp đỡ để vượt qua nỗi đau to lớn này.

Thời gian của các phản ứng đau buồn

Một số người cho rằng nỗi đau buồn sẽ vơi đi trong một khoảng thời gian cụ thể, chẳng hạn như một năm. Nhưng điều này không đúng. Cảm giác đau buồn dữ dội lúc ban đầu sẽ không xảy ra liên tục. Cảm giác này có lúc tái hiện rồi lại mất đi ngắt quãng, cứ như thế trong suốt 18 tháng hoặc lâu hơn. Theo thời gian, nỗi đau buồn có thể xuất hiện từng đợt, ít dữ dội và ít thường xuyên hơn nhưng cha mẹ sẽ luôn có cảm giác buồn và mất mát.

Thậm chí nhiều năm sau cái chết của con, những sự kiện quan trọng trong cuộc sống của những đứa con còn lại cũng có thể khiến cha mẹ đau buồn, ví dụ như lễ tốt nghiệp, đám cưới hoặc ngày đầu tiên của năm học mới. Vào những lúc này, cha mẹ có thể nghĩ xem con mình sẽ bao nhiêu tuổi hoặc đang làm gì nếu vẫn còn sống.

Sự khác biệt trong cách thể hiện nỗi đau buồn của cha mẹ

Cha mẹ có thể đau buồn theo nhiều cách khác nhau tùy theo giới tính và vai trò hàng ngày của họ trong cuộc sống của con. Có người cảm thấy việc trò chuyện giúp họ nguôi ngoai, trong khi người khác lại cần thời gian yên tĩnh một mình. Kỳ vọng trong xã hội và sự khác biệt trong vai trò của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến cách họ đau buồn. Đàn ông thường được cho rằng phải mạnh mẽ, kiểm soát cảm xúc và làm trụ cột gia đình. Còn phụ nữ có thể khóc công khai và muốn được tâm sự về nỗi đau của họ.

Nếu cha mẹ là những người đi làm, họ có thể sẽ dành thời gian ở cơ quan và làm việc nhiều hơn để thoát khỏi nỗi buồn và những kỉ niệm hàng ngày ở nhà. Còn những bậc cha mẹ không đi làm luôn bị bao quanh bởi những hình ảnh gợi nhớ về con và có thể cảm thấy thiếu đi mục đích sống vì vai trò chăm sóc con đã đột ngột chấm dứt. Điều này đặc biệt đúng đối với những người đã dành hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm chăm sóc đứa trẻ bị ung thư.

Sự khác biệt trong cách thể hiện nỗi buồn có thể gây ra những khó khăn cho mối quan hệ tại thời điểm cha mẹ cần sự hỗ trợ của nhau nhất. Một người có thể cho rằng người kia không đau buồn đúng cách hoặc thiếu cởi mở hay người đó yêu thương đứa trẻ ít hơn. Cha mẹ nên chia sẻ nỗi buồn với nhau để hiểu và chấp nhận cách mỗi người vượt qua nỗi đau.

Giúp đỡ những người con còn lại khi mất anh chị em

Cha mẹ là trọng tâm của sự chú ý khi một đứa trẻ mất đi và nỗi đau của anh chị em của đứa trẻ đó đôi khi bị bỏ qua. Việc mất anh chị em là một mất mát to lớn cho con, mất một thành viên gia đình, một người bạn tâm sự và một người bạn lâu dài.

Khi con bị ung thư, cha mẹ hoàn toàn tập trung chăm sóc và đáp ứng những nhu cầu của con. Vì thế, khi con mất, cha mẹ có thể bị choáng ngợp với nỗi đau của riêng mình. Điều này có thể khiến những người con còn lại hiểu sai nỗi đau của cha mẹ như một thông điệp rằng chúng không được đánh giá cao như người anh chị em đã mất.

Cha mẹ có thể giúp đỡ con trong thời gian đau buồn này bằng nhiều cách:

  • Cả gia đình chia sẻ nỗi buồn cùng nhau. Trong các cuộc thảo luận khi tưởng nhớ về người con đã mất, hãy để những người con khác cùng tham gia.
  • Dành nhiều thời gian nhất có thể với con cái, tâm sự về anh chị em của chúng hoặc chơi cùng nhau.
  • Cần đảm bảo việc các con hiểu rằng chúng không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh chị em, giúp chúng xóa bỏ những hối hận và cảm giác tội lỗi.
  • Không bao giờ so sánh những người con còn lại với người con đã mất. Cha mẹ cần chắc chắn con mình hiểu rằng bạn không mong đợi chúng “thay thế” cho anh chị em đã mất.
  • Đặt giới hạn hợp lý cho con về hành vi của chúng. Việc cha mẹ bảo vệ con là hoàn toàn hợp lý nhưng không nên quá cẩn trọng hoặc quản lý quá nghiêm ngặt con mình.
  • Nhờ một người thân trong gia đình hoặc bạn bè dành thêm nhiều thời gian với những người con còn lại nếu nỗi đau của cha mẹ ngăn cản họ quan tâm đến con.

Tự giúp bản thân

Cảm giác đau buồn là việc không thể tránh khỏi. Cha mẹ có thể thực hiện theo những gợi ý sau đây:

  • Thường xuyên nói chuyện về người con đã mất và sử dụng tên của con.
  • Nhờ gia đình và bạn bè giúp đỡ việc nhà, việc vặt, chăm sóc cho những đứa con khác. Điều này sẽ cho bạn thời gian để suy nghĩ, thương nhớ và đau buồn.
  • Cha mẹ có thể từ từ quyết định nên làm gì với đồ đạc của con. Đừng vội vã đóng gói đồ đạc, mang đồ chơi và quần áo của con cho đi.
  • Chuẩn bị trước để trả lời những câu hỏi khó như, “Bạn có bao nhiêu người con?” hoặc những nhận xét như, “Ít nhất bạn còn có người con khác. Hãy nhớ rằng mọi người không cố ý làm tổn thương bạn; họ chỉ không biết phải nói gì.
  • Lên kế hoạch trước những việc muốn làm trong những ngày quan trọng, chẳng hạn như sinh nhật của con hoặc kỷ niệm ngày mất của con. Cha mẹ có thể muốn dành cả ngày để xem ảnh và chia sẻ kỷ niệm hoặc bắt đầu một việc làm truyền thống trong gia đình, ví dụ như cùng trồng hoa.
  • Đối mặt với nỗi buồn và cảm giác cô lập, cha mẹ có thể tham gia các nhóm hỗ trợ để chia sẻ kinh nghiệm với các bậc cha mẹ khác – những người hiểu nỗi buồn của họ và có thể cho họ hy vọng.

Tìm ý nghĩa trong cuộc sống

Cha mẹ có thể sẽ không bao giờ thực sự “vượt qua” nỗi đau về cái chết của con nhưng họ sẽ học cách chung sống với sự mất mát, biến nó trở thành một phần của bản thân mình. Cái chết của con có thể khiến cha mẹ suy nghĩ lại các việc ưu tiên và ý nghĩa của cuộc sống. Dù nghe có vẻ bất khả thi nhưng cha mẹ có thể tìm thấy hạnh phúc và mục đích trong cuộc sống một lần nữa.

Đối với một số bậc cha mẹ, một bước quan trọng có thể làm một điều nào đó đặc biệt cho con mình. Họ thể hiện sự tưởng nhớ con mình bằng cách làm tình nguyện tại một bệnh viện địa phương hoặc một tổ chức hỗ trợ ung thư. Hoặc họ có thể hỗ trợ những sở thích trước đây của con, bắt đầu một quỹ tưởng niệm hoặc trồng cây. Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là việc hòa nhập lại với cuộc sống và tận hưởng những trải nghiệm mới không phải là không thương nhớ đến con.

Mỗi một đứa con đều thay đổi cuộc sống của cha mẹ. Chúng cho họ thấy những cách mới để yêu, những điều mới mẻ để tìm thấy niềm vui và những cách mới để nhìn thế giới. Một phần của di sản mà mỗi đứa trẻ để lại là những thay đổi mà chúng tiếp tục mang đến cho gia đình sau khi mất. Những tình cảm, kỷ niệm và những khoảnh khắc vui vẻ cha mẹ dành cho con sẽ sống mãi và luôn là một phần trong cha mẹ.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/coping-with-cancer/managing-emotions/grief-and-loss/grieving-loss-child

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích