menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Khi điều trị bước đầu không hiệu quả

user

Ngày:

07/04/2019

user

Lượt xem:

712

Bài viết thứ 05/08 thuộc chủ đề “Một số lưu ý khác”

Biên dịch: Ngô Thị Hương

Hiệu đính: BS. Bùi Thanh Tình 

Khi bạn bị ung thư, các bác sĩ sẽ đề xuất một kế hoạch điều trị mang lại nhiều lợi ích nhất và hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn cho bạn. Điều trị bước đầu còn gọi là phác đồ điều trị bước 1, đã được chứng minh hiệu quả tốt nhất trong các nghiên cứu ở các bệnh nhân cùng loại và giai đoạn ung thư.

Hiệu quả điều trị có thể thay đổi tùy trường hợp. Điều trị bước đầu có thể không hiệu quả hay ban đầu có hiệu quả nhưng sau đó thì không hoặc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Khi đó, bác sĩ sẽ đề xuất phác đồ điều trị bước 2, là một phác đồ điều trị khác nhưng có khả năng mang lại hiệu quả vào lúc này. Sau đó, tùy thuộc vào loại ung thư của bạn và các loại thuốc sẵn có hiện nay. Bạn cũng có thể cần điều trị bước 3 hoặc các điều trị bổ trợ thêm khác.

Cân nhắc khi lựa chọn một phương pháp điều trị khác

Nếu bạn cần đổi sang phác đồ điều trị bước 2, không có nghĩa là phác đồ điều trị bước đầu không đúng hay không còn phác đồ điều trị nào khác. Tuy nhiên, phác đồ điều trị bước 2 và các phác đồ sau đó thường kém hiệu quả hơn phác đồ điều trị ban đầu.

Hiệu quả điều trị của phác đồ bước 2 phụ thuộc chủ yếu vào loại ung thư của bạn. Phác đồ bước 2 thường hiệu quả đối với một số loại ung thư nhất định, với các loại ung thư khác, hiệu quả điều trị thường thấp hơn.

Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bước 2 gồm:

  • Giai đoạn bệnh ung thư
  • Hiệu quả của Phác đồ điều trị bước đầu
  • Khoảng thời gian từ khi kết thúc điều trị bước đầu tới nay. Điều trị bước 2 thường hiệu quả hơn nếu điều trị bước đầu kết thúc trước một năm hoặc lâu hơn..
  • Các tác dụng phụ gặp phải trong quá trình điều trị bước đầu
  • Tuổi và tình trạng sức khỏe chung của bạn

Trước khi bắt đầu điều trị bước 2, hãy trao đổi với bác sĩ về mục đích của phác đồ điều trị mới và khả năng hồi phục của bạn. Khi việc điều trị gây ra nhiều tác dụng phụ khó chịu và nghiêm trọng hoặc khả năng bệnh đáp ứng kém với điều trị. Bạn và bác sĩ cần xem xét việc tiếp tục điều trị không phải là lựa chọn tốt nhất và cần đưa ra một quyết định khó khăn là chấm dứt các phương pháp điều trị hiện tại để tập trung hơn vào việc giảm nhẹ các triệu chứng do bệnh ung thư gây ra. Loại điều trị này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ .

Trao đổi với các nhân viên y tế

Việc chia sẻ và nói chuyện với các nhân viên y tế trong suốt quá trình điều trị là rất quan trọng. Bạn cần được thông báo và nắm bắt tình hình điều trị của bạn, đặt câu hỏi và trao đổi với các Y-Bác sĩ về các vấn đề bạn quan tâm. Việc này không chỉ giúp bạn và các nhân viên y tế phối hợp với nhau tốt hơn, mà còn khiến bạn cảm thấy tự tin hơn về lựa chọn điều trị của mình.

Hãy chuẩn bị một danh sách các câu hỏi khi đến nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và trả lời cho tất cả các mối quan tâm của bạn.

Dưới đây là một số ví dụ về các loại câu hỏi bạn có thể muốn hỏi bác sĩ của mình:

  • Tình trạng ung thư hiện tại của bạn như thế nào?
  • Ung thư có tiến triển hoặc lan rộng kể từ lần đầu điều trị không?
  • Có thể có những phương pháp điều trị nào khác nữa không?
  • Bác sĩ có nghĩ tôi nên bắt đầu một phương pháp điều trị mới hay không?
  • Bác sĩ có nghĩ tôi nên tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng nào không?
  • Tôi có nên cân nhắc lựa chọn một phương pháp điều trị mới tại thời điểm này không?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không lựa chọn điều trị bước 2?
  • Ai có thể giúp tôi nếu tôi có các câu hỏi về chi phí điều trị?
  • Ai có thể giúp tôi nếu tôi có các câu hỏi về chế độ bảo hiểm y tế của tôi?

Nếu bạn và bác sĩ của bạn quyết định điều trị bước 2, bạn có thể cân nhắc hỏi những câu hỏi sau:

  • Điều trị này khác với điều trị ban đầu như thế nào?
  • Mục tiêu của điều trị lần này là gì? Là để loại bỏ hoàn toàn ung thư, để giúp tôi cảm thấy tốt hơn, hay cả hai?
  • Những nguy cơ và lợi ích của việc điều trị này là gì?
  • Các tác dụng phụ có thể có của lần điều trị này, cả trong ngắn hạn và dài hạn?
  • Tỷ lệ thành công trong điều trị bước 2 với loại ung thư của tôi là bao nhiêu?
  • Tôi dự kiến điều trị trong thời gian bao lâu?
  • Tôi có cần bắt đầu điều trị ngay không?
  • Khả năng ung thư tái phát sau khi điều trị bước 2 của tôi là bao nhiêu?
  • Tôi cần phải điều trị trong bệnh viện không hay có thể điều trị tại nhà?
  • Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị loại ung thư của tôi không?
  • Tôi có thể tìm thêm thông tin về phương pháp điều trị mà bác sĩ đang đề nghị ở đâu?

Cân nhắc tham gia một thử nghiệm lâm sàng

Tại bất kì một thời điểm nào trong quá trình điều trị, bạn có thể hỏi bác sĩ của bạn về việc tham gia một thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là một nghiên cứu thử nghiệm một phương pháp điều trị mới trên người, có chứng minh về độ an toàn, hiệu quả và có thể tốt hơn so với điều trị tiêu chuẩn. Nhiều thử nghiệm lâm sàng yêu cầu bạn phải có hoặc chưa có phương pháp điều trị nào trước đó. Do đó, nếu quan tâm, tốt nhất bạn nên hỏi về các thử nghiệm lâm sàng sớm trong quá trình điều trị. Tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng cho điều trị bước 2 đôi khi có thể là một lựa chọn tốt hơn cho bạn. Các nhân viên y tế có thể giúp bạn xem xét tất cả các lựa chọn thử nghiệm lâm sàng mà bạn có thể tham gia.

Đương đầu với một phương pháp điều trị mới

Khi nghe tin điều trị bước đầu của bạn không hiệu quả, điều đó thật đáng sợ. Bạn có thể có nhiều cảm xúc khác nhau, như tức giận, sợ hãi, sốc, đau buồn và lo lắng. Bạn cũng có thể tự hỏi là liệu điều trị bước đầu mà bạn và bác sĩ đã lựa chọn có đúng hay không? Bạn lo lắng liệu bạn có đủ sức khỏe để trải qua một phương pháp điều trị mới nữa hay không? Điều này hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là bạn cần tìm sự chia sẻ và ủng hộ để vượt qua thời điểm khó khăn này, như:

  • Chia sẻ nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn với gia đình, bạn bè, giáo sĩ hoặc nhóm hỗ trợ bằng nói chuyện trực tiếp hoặc trực tuyến.
  • Chia sẻ với những người đã trải qua lần điều trị bước 2 và hiểu được cảm xúc của bạn đang trải qua
  • Thể hiện cảm xúc của bạn trên một tạp chí hoặc một blog
  • Thử các biện pháp thư giãn, giải tỏa căng thẳng.
  • Dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời, gần thiên nhiên
  • Nghe nhạc
  • Xem hoặc nghe các chương trình khiến bạn vui vẻ

Nếu bạn vẫn thấy lo lắng, chán nản hoặc không thể tập trung để đưa ra quyết định, hãy hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn để tìm một chuyên gia tâm lý. Ngay cả khi bạn không thấy lo lắng hoặc trầm cảm nặng, nói chuyện với một chuyên gia tâm lý hoặc một nhân viên xã hội về ung thư cũng rất có ích. Nó có thể giúp bạn hiểu về những nhu cầu và mối quan tâm của bạn tốt hơn khi phải chiến đấu với ung thư.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/when-first-treatment-doesnt-work?fbclid=IwAR23W0Zs3sX8mgDiOrpMR8q62Ac6omp

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích