menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Quang miễn dịch trị liệu: Hướng đi mới trong điều trị ung thư

user

Ngày:

28/04/2021

user

Lượt xem:

854

Bài viết thứ 07/08 thuộc chủ đề “Một số lưu ý khác”

Tổng quan chung

Một số Trung tâm ung thư và Bệnh viện chuyên khoa ung thư tại Nhật Bản đang chuẩn bị triển khai một kỹ thuật mới trong điều trị ung thư có tên là Photoimmunotherapy, tạm dịch là Quang miễn dịch trị liệu.

Cuối năm 2020 vừa qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã phê duyệt phức hợp Cetuximab saratolacan natri (Akalux® IV Infusion 250mg; Rakuten Medical*) như là một lựa chọn mới trong điều trị ung thư đầu cổ tái phát hoặc tiến triển tại chỗ. Chính phủ Nhật Bản cũng đã phê duyệt hệ thống Laser BioBlade® của Rakuten như là thiết bị y tế sử dụng đi kèm thuốc này. Sự kết hợp này được phát triển bằng trên nền tảng nhắm tế bào Illuminoxcủa Rakuten Medical, vốn đã cho thấy khả năng tiêu diệt tế bào ung thư nhanh chóng và có chọn lọc trong các nghiên cứu tiền lâm sàng trước đó.

Xin qua bài viết này giới thiệu tóm lược về kỹ thuật mới này.

Kỹ thuật này là gì?

Nền tảng nhắm tế bào Illuminox™ dựa trên một liệu pháp điều trị ung thư mới có tên là photoimmunotherapy (quang miễn dịch), được phát triển bởi TS.BS.Hisataka Kobayashi và nhóm nghiên cứu từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ.

Đây là phương pháp sử dụng một loại “thuốc đích” điều trị đặc hiệu nhắm vào các tế bào ung thư kết hợp với “thuốc hấp quang” (photoabsorber) với khả năng sinh nhiệt công phá tế bào ung thư khi được chiếu sáng.

Trong chế phẩm đầu tiên của liệu pháp này, thuốc đích có tên là Cetuximab đã được sử dụng để có thể gắn kết với các tế bào ung thư đặc hiệu thông qua các thụ thể (có tên là EGFR) trên bề mặt của tế bào ung thư. Phức hợp thuốc đích – thuốc hấp quang nói trên sẽ phát huy công hiệu khi tiếp xúc với ánh sáng cận hồng ngoại được chiếu tới. Ánh sáng này sẽ kích hoạt phần thuốc hấp quang, sinh nhiệt để tiêu diệt tế bào ung thư, dẫn đến hoại tử khối u một cách nhanh chóng mà tác động rất ít đến mô lành xung quanh. Ngoài ra, theo các báo cáo tiền lâm sàng, việc tiêu diệt tế bào có thể kích thích phản ứng miễn dịch giúp loại trừ khối u hiệu quả hơn (Hình 1).

Hình 1. Minh họa Quang miễn dịch trị liệu với tia cận hồng ngoại

Hình 2. Hình ảnh minh họa các phức hợp kháng thể và chất hấp quang gắn vào bề mặt tế bào ung thư qua thụ thể EGFR.

Các thử nghiệm lâm sàng liên quan

Các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp này đang được nhiều người quan tâm, tìm kiếm với từ khóa “RM-1929” hoặc “ASP-1929”, là tên của phức hợp nói trên trước khi được phê duyệt với tên “Cetuximab saratolacan natri”.

Trong số đó, nghiên cứu được bàn luận nhiều nhất đã được thực hiện trên những bệnh nhân ung thư đầu cổ tái phát, không thể điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị bằng thuốc dòng bạch kim (Platinum). Theo thử nghiệm giai đoạn 2A được tiến hành ở 7 trung tâm lớn tại Hoa Kỳ, 30 bệnh nhân ung thư đầu-cổ tái phát đã được điều trị để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của phương pháp mới. Trong mỗi lần điều trị, ánh sáng cận hồng ngoại được chiếu vào các khối u 24 giờ sau khi truyền RM1929 qua đường tĩnh mạch. Các bác sĩ đã chiếu sáng bề mặt đối với các khối u ở sát da, trong khi các khối u sâu hơn sẽ được chiếu sáng thông qua các bộ khuếch tán sợi quang đặt bên trong cơ thể.

Về tính an toàn, các tác dụng phụ liên quan tới điều trị như đau tại chỗ điều trị, xuất huyết quanh khối u và sưng tấy được báo cáo. Về hiệu quả điều trị, tỉ lệ đáp ứng (co nhỏ khối) là 28% (8/28) và biến mất hoàn toàn là 14% (4/28). Trong khi đó, thời gian sống mà bệnh không tiến triển trung bình là 5.7 tháng và thời gian sống tổng thể trung bình (tính từ khi bắt đầu điều trị) là 9.1 tháng.

Theo nhóm nghiên cứu, liệu pháp quang miễn dịch với RM1929 là an toàn và được dung nạp tốt ở những bệnh nhân ung thư đầu-cổ giai đoạn tái phát. Tỉ lệ teo nhỏ khối u là con số đáng khích lệ vì chúng có vẻ tốt hơn so với các liệu pháp tiêu chuẩn hiện nay, tính trên nhóm bệnh nhân đã được điều trị “rầm rộ” qua các phác đồ trước đó.

Từ những kết quả khả quan này, một số thử nghiệm lâm sàng pha 3 đã được lên kế hoạch để đánh giá tiềm năng điều trị của RM1929 đơn độc hoặc kết hợp với các phương thức điều trị khác.

Tiềm năng và hạn chế của liệu pháp quang miễn dịch

Trong khi Nhật Bản đã cho phép triển khai liệu pháp này trên những bệnh nhân ung thư đầu cổ tái phát và được bảo hiểm đồng chi trả, liệu pháp này vẫn chưa được chuẩn thuận ở Hoa Kỳ sẽ còn phụ thuộc vào kết quả của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (thử nghiệm LUZERA-301), được báo cáo trong thời gian tới.

Liệu pháp quang miễn dịch cũng đang được nghiên cứu điều trị cho các loại ung thư khác. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đã được khởi động để khảo sát tiềm năng của RM-1929/ASP-1929 trong việc điều trị các loại ung thư có biểu hiện quá mức thụ thể EGFR, như ung thư dạ dày và thực quản.

Bằng cách hoán đổi Cetuximab bằng các kháng thể khác để nhận ra các protein khác, các phương pháp tương tự có thể được triển khai trong tương lai gần để điều trị các loại ung thư khác.

Một ứng dụng tiềm năng khác của phương pháp này là loại bỏ các tế bào đang cản trở việc chống ung thư trong cơ thể người bệnh. Hiện nay, một số nhóm nghiên cứu đang khảo sát xem liệu phương pháp này có thể loại bỏ các tế bào Lympho T điều hòa ức chế miễn dịch (immune-suppressing regulatory T cells), và xem thử cách làm này có thật sự tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch chống lại bệnh ung thư hay không.

Tuy nhiên, nhược điểm của liệu pháp này là nó có thể không khả thi và kém hiệu quả đối với khối u ở vùng khó tiếp cận với ánh sáng. Ngoài ra, nó cũng sẽ khó có tác dụng trên một số loại ung thư như các bệnh ung thư máu.

Đây là những thử thách mà nhóm nghiên cứu và các bác sĩ tại Nhật Bản đang cố gắng cải tiến để vượt qua.

Tài liệu tham khảo

  1. Kobayashi H, Choyke PL. Near-Infrared Photoimmunotherapy of Cancer. Acc Chem Res. 2019 Aug 20;52(8):2332-2339.
  2. http://edelweisspublications.com/keyword/28/943/Photoimmunotherapy
  3. https://meetinglibrary.asco.org/record/163296/abstract
  4. https://www.prnewswire.com/news-releases/rakuten-aspyrian-enrolling-phase-3-trial-of-asp-1929-for-head-and-neck-cancer-300767664.html?tc=eml_cleartime
  5. https://ccr.cancer.gov/news/article/japan-approves-photoimmunotherapy-for-head-and-neck-cancer
  6. https://oncolo.jp/blog/181219k01
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích