menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Nên làm gì khi một người quen của bạn bị ung thư

user

Ngày:

05/10/2020

user

Lượt xem:

2254

Bài viết thứ 19/21 thuộc chủ đề “Đối mặt với thay đổi cảm xúc”

Khi biết tin một người mình quen bị bệnh ung thư, có thể bạn sẽ cảm thấy rất buồn và khó chịu đựng. Bạn có thể sẽ có rất nhiều câu hỏi về bệnh ung thư và muốn biết bạn nên nói chuyện và ứng xử với người đó ra sao cho phải. Nếu đó là người rất thân thiết với bạn thì bạn thậm chí sẽ có cảm giác rất căng thẳng và lo sợ. Nếu người mắc ung thư là đồng nghiệp của bạn, bạn có thể sẽ băn khoăn lo lắng liệu việc chẩn đoán và điều trị ung thư của họ ảnh hưởng tới tình hình công việc của bạn như thế nào. Nếu bạn là cấp trên của họ, có thể bạn sẽ nghĩ liệu mình có thể giúp đỡ những đồng nghiệp bị mắc bệnh ung thư như thế nào trong khi công việc vẫn cần được hoàn thành tốt. Giao tiếp hiệu quả và linh hoạt trong ứng xử là chìa khóa để giúp bạn giải quyết những khó khăn này.

Bạn có thể thấy những gì xảy ra khi người quen của bạn bị ung thư

Thay đổi về thể chất 

Sau đây là những thay đổi thể chất được nhiều người bệnh ung thư chia sẻ. Một số  thay đổi là do căn bệnh ung thư và những thay đổi khác là tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư. Hãy nhớ rằng tiến triển bệnh ung thư ở mỗi người mỗi khác. Người mắc ung thư có thể có những biểu hiện sau:

  • Rụng tóc, bao gồm cả lông mày và lông mi
  • Giảm cân hoặc tăng cân
  • Giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn
  • Thay đổi về khứu giác và vị giác
  • Mệt mỏi nhiều
  • Da hoặc môi nhợt nhạt, hoặc màu sắc da thay đổi
  • Mất một phần cơ thể (ví dụ: mất một chi hoặc một bên vú do phẫu thuật ung thư)
  • Buồn nôn và nôn
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Giảm khả năng tập trung

Thay đổi về tâm trạng và cảm xúc

Mỗi người có những cách phản ứng khác nhau với căn bệnh ung thư và việc điều trị ung thư. Người bệnh có cảm giác buồn rầu đau khổ khi được chẩn đoán ung thư là hoàn toàn tự nhiên. Cảm xúc và tâm trạng của người bệnh thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Đó là điều bình thường.

Thay đổi về cảm xúc

  • Thất thường
  • Tức giận
  • Cảm thấy bất lực
  • Buồn phiền
  • Sợ hãi, lo âu
  • Thất vọng
  • Có lỗi
  • Thay đổi cảm xúc vui buồn một cách đột ngột
  • Cảm xúc mạnh mẽ và dữ dội hơn
  • Cảm giác bị cô lập, tách khỏi mọi người
  • Cô đơn
  • Từ chối, chống đối
  • Đau khổ

Thay đổi về tâm trạng

  • Tin tưởng hơn vào khả năng hồi phục và sức khỏe của mình.
  • Cảm thấy bình an, thoải mái hơn
  • Có suy nghĩ rõ ràng hơn về những ưu tiên trong cuộc sống của họ
  • Trân trọng chất lượng cuộc sống của họ và người thân của họ hơn

Ung thư diễn tiến không thể dự đoán trước. Một số người bệnh hôm nay có tâm trạng tốt nhưng ngày mai lại thấy tồi tệ. Đây là chuyện những người xung quanh cần biết và chấp nhận. Người bệnh sẽ có những ngày có tâm trạng tốt và những ngày tâm trạng xấu. Đối với người bệnh và người thân của họ, học cách sống chung với sự thay đổi khó đoán định là một phần của việc học cách chung sống với ung thư.

Có những lúc sự thất thường và sợ hãi có thể khiến người bệnh ung thư trở nên giận dữ, trầm cảm hoặc trốn tránh. Điều này là bình thường và là một phần biểu hiện của sự đau đớn và mất mát do bị ung thư (sức khỏe, năng lượng, thời gian). Theo thời gian, hầu hết người bệnh có thể tự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh thực tế và tiếp tục sống và tiến về phía trước. Một số người bệnh có thể cần thêm sự giúp đỡ từ các nhóm trợ giúp hoặc bác sĩ sức khỏe tâm thần để học cách đối phó với những thay đổi mà bệnh ung thư đã mang lại trong cuộc sống của họ.

Bạn có thể cho rằng những người tích cực và lạc quan hẳn là đang phủ nhận sự thật là họ đang bị ung thư. Nếu một người bị ung thư có vẻ lạc quan và không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư, đừng cho rằng họ đang phủ nhận căn bệnh của mình. Trân quý và tận dụng tối đa mỗi ngày trôi qua chính là cách để họ đương đầu với ung thư. Nếu họ vẫn đang sử dụng dịch vụ y tế để điều trị ung thư, chứng tỏ họ không phủ nhận căn bệnh và cách mà họ đương đầu với căn bệnh cần được tôn trọng.

Làm việc quan trọng như thế nào với người bệnh ung thư

Đối mặt với căn bệnh ung thư làm tăng nhận thức về tầm quan trọng của công việc trong cuộc sống của mỗi người. Làm việc giúp nâng cao giá trị bản thân và giúp họ tập trung vào công việc hơn là căn bệnh của mình. Công việc là nơi trú ẩn an toàn và có thể giúp người bệnh cảm thấy cân bằng và giảm cảm giác mất kiểm soát cuộc sống.

Làm việc cũng là nguồn gốc của sự ổn định vì nó mang lại sự nền nếp và thân thuộc. Làm việc cũng giúp kết nối với mọi người. Người bệnh ung thư thường thấy mình cô độc nên những người xung quanh họ có thể mang đến cho họ sự an ủi động viên rất lớn. Vì vậy nếu đồng nghiệp của bạn là người bệnh ung thư, hãy để họ được ở nơi làm việc nhiều nhất và hiệu quả nhất có thể.

Bệnh ung thư ảnh hưởng thế nào đến tình hình tài chính của người bệnh 

Bệnh ung thư có thể gây ra những khó khăn về tài chính cho người bệnh. Họ có thể mất khả năng chi trả vì không thể làm việc trong suốt quá trình và thậm chí là sau điều trị. Lương của người lao động có thể giảm trong quá trình điều trị hoặc khi họ không được khỏe. Việc quan trọng là họ cần hiểu rõ ràng rằng việc thay đổi lịch trình công việc ảnh hưởng như thế nào đến bảo hiểm, lương và lợi ích khác.

Việc đi khám và điều trị định kỳ cũng có thể làm kiệt quệ tài chính bởi chi phí đơn thuốc và đồng chi trả với bảo hiểm. Các chi phí phương tiện đi lại, ăn uống, người nhà đi theo chăm sóc và các chi phí dịch vụ khác mà bảo hiểm không chi trả sẽ làm chi phí tăng lên nhanh chóng.

Xem thêm bài: Hiểu các chi phí liên quan đến điều trị ung thư

Nói chuyện với người bị bệnh ung thư

Nhiều người không biết phải nói gì với người mắc bệnh ung thư. Bạn có thể không quen thân lắm với người bệnh, hoặc họ có thể là người thân thiết gần gũi của bạn. Ở nơi làm việc thì việc này khó hơn vì quan hệ công việc thường đa dạng và phức tạp mối quan hệ này vô cùng đa dạng.

Khi nói chuyện với người bệnh, điều quan trọng là sử dụng cách mà bạn thấy thuận tiện cho bạn nhất. Bạn có thể biểu lộ sự quan tâm và lo lắng, có thể động viên hoặc đề nghị giúp đỡ. Trong một vài trường hợp những biểu hiện giản đơn nhất lại có ý nghĩa nhất. Nhiều khi, chỉ cần lắng nghe người bệnh đã là cách giúp đỡ tốt nhất bạn có thể làm cho người bệnh rồi.

Trả lời họ với tình cảm chân thành. Đây là một vài gợi ý:

  • Tôi không chắc cần phải nói gì, nhưng tôi muốn bạn biết rằng tôi quan tâm đến bạn
  • Tôi rất tiếc khi biết bạn phải trải qua điều này
  • Bạn có khỏe không?
  • Nếu bạn muốn tâm sự, tôi ở đây.
  • Làm ơn cho tôi biết tôi có thể giúp như thế nào
  • Tôi luôn nghĩ tới bạn.

Động viên là tốt nhưng điều quan trọng là đừng thể hiện sự lạc quan giả tạo hoặc nói với người bệnh rằng họ phải luôn có tâm trạng tích cực. Làm những điều này có vẻ làm giảm nỗi sợ hãi, lo lắng và buồn phiền của người bệnh. Có nhiều người nói với người bệnh rằng họ biết người bệnh cảm thấy thế nào. Nhưng bạn cần biết rằng, không ai có thể hiểu chính xác người bệnh ung thư cảm nhận như thế nào, ngoại trừ bản thân họ

Sử dụng sự hài hước có thể là một cách tốt. Đó cũng là một cách để hỗ trợ và động viên người bệnh. Hãy để người bệnh dẫn dắt cuộc nói chuyện; Nếu họ thấy các tác dụng phụ, như rụng tóc hay thay đổi cảm giác thèm ăn làm cho họ thấy buồn cười, hãy cùng họ cười thật sảng khoái. Đó là cách tuyệt nhất để giảm căng thẳng và làm giảm đi sự nghiêm trọng của vấn đề. Nhưng không nên đùa trừ khi bạn biết chắc người bệnh hiểu và đánh giá cao sự hài hước đó.

Nếu họ trông ổn, hãy cho họ biết. Tránh đưa ra các bình luận khi ngoại hình của họ không được ổn, như “ bạn trông thật nhợt nhạt!” hoặc “ bạn đã bị sút cân à?” Có thể họ nhận thức được sâu sắc về những điều này, và họ cảm thấy xấu hổ nếu có người nhận xét họ.

Tôn trọng quyền riêng tư của người bệnh ung thư

Nếu ai đó nói với bạn rằng họ bị ung thư, bạn không nên kể với ai trừ khi bạn được họ cho phép. Hãy để họ nói với mọi người. Bạn có thể cảm thấy khó xử nếu bạn nghe qua nguồn tin kiểu truyền tai nói rằng ai đó bị ung thư. Bạn có thể hỏi người đã nói cho bạn rằng đó có phải là thông tin công khai không. Nếu không thì bạn không nên nói gì với người bệnh. Nhưng nếu là thông tin công khai thì đừng bỏ qua. Hãy hỏi thăm với người bệnh, một cách chân thành và quan tâm.

Bạn có thể thấy giận hoặc tổn thương nếu ai đó thân thiết không chia sẻ cho bạn về việc họ bị ung thư. Bạn cần hiểu là dù bạn thân thiết với họ đến đâu thì họ cũng cần một thời gian để điều chỉnh và chấp nhận việc bản thân bị ung thư, khi đó họ mới có thể sẵn sàng để chia sẻ với người khác. Đừng để bụng chuyện này mà hãy tập trung vào việc bạn có thể giúp đỡ, hỗ trợ họ như thế nào trong hoàn cảnh hiện tại.

Làm thế nào để vượt qua cảm giác không thoải mái khi ở gần người bị ung thư

Cảm thấy thương xót người bệnh thậm chí thấy mình có lỗi vì khỏe mạnh trong khi họ bệnh tật, là những phản ứng thường thấy. Hãy biến cảm giác đó thành thái độ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh. Bạn có thể tự hỏi bản thân xem làm thế nào để giảm bớt cảm giác khó xử. Đừng xấu hổ về nỗi sợ hãi hay sự không thoải mái của mình. Hãy chân thành với người bệnh về cảm xúc của bạn. Bạn sẽ thấy rằng nói ra được điều đó không khó khăn như bạn nghĩ.

Căn bệnh ung thư thường khiến chúng ta nghĩ tới cái chết nếu độ tuổi bạn xấp xỉ hoặc bạn có mối quan hệ thân thiết với người bị bệnh ung thư, và trải nghiệm này có thể khiến bạn trở nên lo âu suy nghĩ. Bạn có thể sẽ có cảm giác giống người bị ung thư: mất niềm tin, buồn phiền, thất thường, tức giận, mất ngủ và lo sợ cho sức khỏe của mình. Nếu bị rơi vào trường hợp này, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý hay các nhóm trợ giúp xã hội tại địa phương.

Những điều cơ bản bạn nên và không nên làm khi một người bạn quen biết bị ung thư

Những điểu nên

  • Tôn trọng nhu cầu chia sẻ hoặc giữ kín về vấn đề bệnh tật của của người bệnh. Một số người rất kín tiếng trong khi một số khác lại khá cởi mở về bệnh tật của mình.
  • Cho người bệnh biết bạn quan tâm đến họ
  • Tôn trọng quyết định điều trị ung thư của người bệnh cho dù bạn không đồng ý
  • Động viên người bệnh tham gia các dự án, kế hoạch trong công việc, các sự kiện gặp gỡ. Đề nghị họ cho bạn biết nếu những công việc đó quá sức của họ.
  • Nếu là đồng nghiệp, hãy hỏi ý kiến của người bệnh trước khi giúp họ trong bất cứ công việc gì. Luôn cập nhật cho họ những gì đang diễn ra tại nơi làm việc.
  • Luôn lắng nghe mà không nhất thiết phải đáp lời. Đôi khi lắng nghe chăm chú là điều người bệnh cần nhất.
  • Nhận thức được rằng người bệnh ung thư có những ngày tốt và những ngày tồi tệ về mặt tinh thần và thể chất.
  • Giữ mối quan hệ của bạn với người bệnh bình thường và cân bằng nhất có thể. Mặc dù cần phải có sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn nhiều hơn, nhưng người bệnh nên tiếp tục tôn trọng cảm xúc của bạn, như bạn tôn trọng cảm xúc của họ.
  • Đề nghị giúp đỡ người bệnh một cách cụ thể thiết thực.

Những điều không nên

  • Đưa ra lời khuyên hoặc phán xét khi người bệnh không yêu cầu.
  • Cảm thấy bạn phải bỏ qua những biểu hiện nghiêm trọng về tính khí hoặc tâm trạng thất thường. Bạn không nên chấp nhận hành vi gây rối hoặc lạm dụng của một người chỉ vì họ bị bệnh.
  • Cho rằng người bệnh ung thư không còn làm được việc. Họ vẫn có khả năng có những đóng góp có giá trị và cần được tôn trọng và đánh giá đúng mức.
  • Để bụng những thay đổi trong ứng xử của người bệnh. Người bị ung thư im lặng hơn, cần thời gian ở một mình và đôi khi giận dữ cũng là chuyện bình thường.
  • Sợ phải nói về bệnh tật.
  • Luôn cảm thấy bạn cần phải nói về bệnh ung thư. Thực ra người bệnh ung thư sẽ vui hơn nếu có những cuộc trò chuyện không liên quan đến bệnh tật.
  • Sợ đụng chạm vào người bệnh, mặc dù trước khi họ bị bệnh các bạn vẫn coi việc đó là bình thường.
  • Tỏ ra trịch thượng (Cố gắng không sử dụng giọng điệu “Hôm nay bạn ốm thế nào?” khi hỏi thăm người bệnh).
  • Nói với người bị ung thư rằng “Tôi có thể hình dung được bạn đang cảm thấy thế nào” vì bạn thực sự không thể hình dung được.
  • Ở gần hoặc tiếp xúc với người bệnh ung thư nếu bạn bị ốm, bị sốt hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng.

Đề nghị được giúp đỡ người bệnh ung thư

Giữ khoảng cách với với ai đó khi họ bị bệnh là điều hoàn toàn tự nhiên. Nghĩ đến và chứng kiến một người bị ung thư có thể làm chúng ta thấy sợ hãi và lo lắng cho bản thân về sự ốm đau, sự yếu đuối hay cái chết. Điều này làm chúng ta thấy miễn cưỡng khi tiếp xúc với người bị bệnh ung thư. Nhưng sự cô lập có thể là vấn đề khó khăn lớn với người bệnh ung thư. Vì vậy bạn hãy nỗ lực nhiều hơn để tiếp cận họ. Giao tiếp xã hội và sự linh hoạt là chìa khóa của sự thành công

Hãy nhớ rằng người bệnh ung thư có thể cảm thấy khó khăn khi đề nghị sự giúp đỡ hoặc có thể họ lo lắng về việc trông họ quá yếu đuối hoặc dễ bị tổn thương trong mắt bạn. Nói với một người “Bạn thật dũng cảm” hoặc “Bạn thật mạnh mẽ” có thể gây áp lực buộc họ phải tỏ ra mạnh mẽ khi họ không muốn. Gia đình có thể vô tình tạo áp lực lên người bệnh ung thư khi mong đợi hoặc cần người bệnh luôn mạnh mẽ. Trong trường hợp này, trên cương vị là bạn của người bệnh, bạn có thể đóng một vai trò quan trọng đối với họ. Họ có thể biết rõ về bạn và đủ tin tưởng để tâm sự cùng bạn. Mối quan hệ này có thể là một món quà tuyệt vời cho một người đang đối mặt với bệnh ung thư.

Nếu họ cần thiết bị y tế hoặc tiền để điều trị, bạn có thể tìm cách quyên góp hoặc gây quỹ để giúp đỡ. Người bệnh ung thư có thể tìm đến bạn để xin lời khuyên về những vấn đề tài chính, công việc hoặc các lo lắng khác. Hãy chân thành. Giúp đỡ nếu bạn có thể, nhưng nếu bạn cảm thấy không thoải mái, hãy nói cho họ biết. Có nhiều nơi người bệnh có thể nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ, và bạn có thể đề xuất cho họ tìm kiếm lời khuyên từ những chuyên gia hay tổ chức phù hợp và đủ khả năng.

Hãy nhớ rằng những người thân của người bệnh ung thư cũng cần được giúp đỡ và hỗ trợ. Một thành viên trong gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc người bị ung thư có thể cảm thấy cô đơn và căng thẳng. Nếu bạn biết người đó, bạn có thể thăm hỏi họ. Họ cũng có thể cho bạn biết bạn có thể giúp người bệnh ung thư cách nào cho tốt nhất.

Đề nghị giúp đỡ theo những cách cụ thể, thay vì nói, “Hãy gọi cho tôi nếu tôi có thể giúp.” Đây là một số ý tưởng:

  • Gửi hoặc chuẩn bị một bữa ăn. Sắp xếp lịch giao bữa ăn.
  • Đề nghị giúp đỡ trong việc giữ trẻ. Sắp xếp lịch đưa đón trẻ trong ngày.
  • Đưa đón người bệnh đi khám và điều trị.
  • Giúp những việc vặt trong nhà.
  • Đề nghị nghe điện thoại giúp họ nếu họ thấy mệt và cần nghỉ ngơi.
  • Điều phối việc đến thăm của các nhóm, hoặc việc gửi thiệp, hoa, hoặc quà tặng.
  • Chào mừng họ trở lại làm việc với một món quà nhỏ trên bàn của họ để cho thấy mọi người nhớ họ. Mời họ đi ăn trưa
  • Nếu người bệnh đồng ý, hãy lập kế hoạch tổ chức tiệc khi kết thúc điều trị hoặc vào các ngày kỷ niệm. Luôn hỏi họ trước khi lên kế hoạch tổ chức tiệc, bao gồm cả việc cho họ xem danh sách những người sẽ được mời.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi ung thư tái phát

Trong một vài trường hợp, bệnh ung thư tái phát và quá trình điều trị sẽ được bắt đầu trở lại. Việc điều trị này có thể giống hoặc không giống như lần đầu. Lúc này, kỹ năng giao tiếp xã hội vẫn là chìa khóa để giúp đỡ người bệnh. Nhiều người sẽ buồn bã khi  họ biết ung thư tái phát. Họ không còn sức lực và tinh thần để chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư. Một số thì chấp nhận một cách dễ dàng hơn. Họ có thể đã hy vọng, hoặc chỉ đơn giản là sẵn sàng để chiến đấu chống lại căn bệnh của mình một lần nữa. Bằng cách trang bị cho bản thân những kiến thức về cách giao tiếp với bệnh nhân ung thư, chúng ta có thể giúp đỡ họ một cách tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.org/treatment/caregivers/when-someone-you-know-has-cancer.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích