menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tìm hiểu về Đau buồn và Mất mát

user

Ngày:

06/05/2019

user

Lượt xem:

1744

Bài viết thứ 15/21 thuộc chủ đề “Đối mặt với thay đổi cảm xúc”

Biên dịch: Vương Thành Huấn

Hiệu đính: Đặng Thu Hồng

Khi một người mất đi một người thân yêu, đau buồn là một cảm xúc tự nhiên sẽ xuất hiện. Quá trình này kéo dài qua một thời gian, và liên quan nhiều cảm xúc và hành vi khác nhau. Bệnh nhân ung thư và thân nhân của họ thường cảm thấy đau buồn vì những mất mát mà ung thư mang lại: như bị đoạn nhũ, vô sinh hay mất khả năng tự sinh hoạt.

Những thuật ngữ “đau buồn” (grief), “thương tiếc” (mourning), và “mất mát” (bereavement) có sự khác biệt nhỏ về ý nghĩa:

  • Đau buồn (grief): là phản ứng cảm xúc thể hiện ngay khi một người đối mặt với một mất mát
  • Thương tiếc (mourning): là một quá trình đáp ứng thay đổi để thích nghi với cuộc sống sau một mất mát. Quá trình này thường bị ảnh hưởng bởi xã hội, văn hoá và tôn giáo của từng người.
  • Mất mát (bereavement): là trạng thái của một người đã trải qua sự tổn thất.

Phản ứng đau buồn thông thường

Phản ứng đối với một mất mát được gọi là phản ứng đau buồn. Phản ứng này khác nhau với mỗi người; thậm chí ở những thời điểm khác nhau của cùng một người. Phản ứng đau buồn thông thường bao gồm những cảm xúc, suy nghĩ, cảm giác thể chất và hành vi phức tạp.

  • Cảm xúc: Khi đối mặt với một mất mát, con người có thể có nhiều cảm xúc khác nhau. Các hình thức có thể gặp là sốc, chết lặng, buồn phiền, chối bỏ sự thật, thất vọng, lo lắng, giận dữ, cảm thấy tội lỗi, cô đơn, chán nản, bất lực, khuây khỏa và đau xót. Một người đang đau buồn có thể sẽ bật khóc khi nghe một bài hát hoặc một lời nói nào đó khiến họ nhớ đến người đã khuất. Thậm chí chính họ có thể không biết điều gì khiến họ khóc.
  • Suy nghĩ: Kiểu thay đổi suy nghĩ thông thường bao gồm không tin tưởng, hoang mang, khó tập trung, lơ đễnh và ảo giác.
  • Biến đổi về cảm giác thể chất: Đau buồn có thể gây thay đổi về cảm giác thể chất. Chẳng hạn như cảm thấy ở vùng ngực hay cổ họng của mình như bị thắt chặt hay đè nặng, buồn nôn, cồn cào, chóng mặt, nhức đầu, tê tay chân, yếu cơ hoặc căng cơ, và mệt mỏi. Điều này có thể làm ta dễ bị ốm.
  • Hành vi: một người đang đau buồn có thể sẽ khó ngủ hoặc ngủ chập chờn. Họ có thể cảm thấy không còn sức để tham gia các hoạt động ưa thích. Họ có thể chán ăn và ngại giao tiếp với xã hội. Người đang đau buồn dễ trở nên cáu kỉnh hoặc hung hăng. Một số hành vi thường thấy khác là đứng ngồi không yên và tăng động.

Về mặt tôn giáo và tinh thần

Sự đau buồn và mất mát có thể khiến một người hoài nghi về đức tin của mình hoặc thay đổi cách nhìn về thế giới xung quanh. Hoặc cũng có thể khiến họ tăng thêm niềm tin vì đã nghiệm ra ý nghĩa cuộc sống.

Đối mặt với đau buồn

Mỗi người đối mặt với nỗi buồn theo cách khác nhau. Thông thường, một người sẽ cảm thấy nỗi buồn dâng lên như từng đợt sóng hoặc theo một chu kì nào đó. Nghĩa là sẽ có những đợt cảm xúc đau buồn mãnh liệt đến rồi lại đi. Chúng ta có thể cảm giác như mình đang dần vượt qua nỗi đau buồn ấy vì có những lúc cảm giác đau buồn dường như đã vơi đi. Tuy nhiên sau đó, ta lại cảm thấy đau buồn trở lại như trước. Sự thay đổi này thường diễn ra vào những ngày đặc biệt, chẳng hạn như sinh nhật hay những ngày nghỉ lễ. Theo thời gian, với một số người nỗi buồn sẽ xuất hiện với tần số thưa hơn, khi thích nghi dần với nỗi mất mát của mình.

Cách thể hiện sự thương tiếc

Có một vài giả thuyết khác nhau về cách con người thích nghi với sự mất mát. Đây là giả thuyết được chấp nhận rộng rãi hơn hết, bao gồm 4 bước thể hiện thương tiếc:

  • Chấp nhận thực tế về sự mất mát.
  • Trải nghiệm qua nỗi đau buồn.
  • Thích ứng với cuộc sống khi không còn người thân hiện diện.
  • Tìm những cách thức khác để giữ được mối liên kết với người đã khuất.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự đau buồn

Những yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến bản chất, độ mãnh liệt và thời gian tồn tại của nỗi buồn:

  • Mối quan hệ đối với người đã khuất
  • Nguyên nhân gây tử vong: chẳng hạn quá trình đau buồn có thể thay đổi nếu người đó đột ngột qua đời hay do bệnh tật lâu dài.
  • Tuổi và giới tính của người đau buồn
  • Từng trải qua sự mất mát trong quá khứ của người đau buồn
  • Tính cách và cách thích ứng của người đau buồn
  • Sự động viên từ gia đình và bạn bè
  • Phong tục tập quán, tôn giáo hay niềm tin tinh thần của người đau buồn

Quá trình đau buồn có thể sẽ mãnh liệt hơn nếu người đau buồn có những cảm xúc tồn đọng chưa giải quyết hay mâu thuẫn với người đã khuất. Những người ở trong trường hợp phức tạp như trên nên tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn (như chuyên gia tâm lý hoặc công tác xã hội…)

Sự đau buồn với các nền văn hoá khác nhau

Tuy nỗi buồn của mỗi người là khác nhau, chúng được định hình dựa trên xã hội và văn hóa của họ. Mỗi nền văn hoá sẽ có những hệ thống niềm tin và nghi lễ khác nhau đối với cái chết và tiếc thương. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách mỗi người cảm nhận và thể hiện sự đau buồn của mình.

Cách mỗi người cảm nhận và thể hiện nỗi đau đôi lúc có thể không giống với những gì thường xảy ra trong nền văn hoá của họ. Chẳng hạn, một người đang cảm thấy như chết lặng đi hay mất niềm tin có thể sẽ không khóc ở đám tang như việc mà mọi người vẫn thường làm. Một số người khác có thể sẽ cảm thấy tuyệt vọng đến nỗi nghi ngờ các giá trị văn hóa và niềm tin thông thường. Việc thể hiện sự đau buồn theo cách của riêng mình là rất quan trọng. Cần quan tâm tìm hiểu sự tác động của văn hóa lên sự đau buồn của một người.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này qua bài viết Tìm hiểu về Nỗi đau buồn trong bối cảnh văn hoá.

 

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/coping-with-cancer/managing-emotions/grief-and-loss/understanding-grief-and-loss

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích