menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Đương đầu với ung thư – Cảm xúc (Phần 1)

user

Ngày:

07/04/2022

user

Lượt xem:

567

Bài viết thứ 73/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Đương đầu với căn bệnh ung thư (mà dân gian hay gọi với một số cái tên độc địa như “bệnh nan y”, “bệnh quái ác”, “bệnh trời kêu ai nấy dạ”,…) là một chuyện không hề dễ dàng đối với người bệnh. Ung thư không những gây ảnh hưởng nặng nề về mặt thể chất, mà còn có tác động không hề nhỏ đến thay đổi cảm xúc ở người bệnh ung thư, cũng như một số vấn đề khác có liên quan. Bài viết nhằm giúp đỡ và hỗ trợ người bệnh ung thư, cũng như thân nhân của họ hiểu rõ được những khía cạnh này để có thể chuẩn bị cho bản thân mình một tinh thần vững chắc đối diện với bệnh tật.

Hình ảnh của bản thân và ung thư

Hình ảnh của bản thân là cách mà một người tự nhìn nhận về chính mình. Do có nhiều sự thay đổi về thể chất và cảm xúc sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, người bệnh có thể trải qua những biểu hiện tích cực cũng như tiêu cực đối với hình ảnh bản thân của họ.

Sự thay đổi về thể chất

Bản thân bệnh và các phương pháp điều trị đều có thể làm thay đổi diện mạo của bạn. Hình ảnh cơ thể là những gì bạn cảm thấy về ngoại hình của mình. Rất nhiều bệnh nhân ung thư tự ti về những thay đổi trên cơ thể. Một số những ảnh hưởng phổ biến của bệnh bao gồm:

  • Rụng tóc
  • Tăng cân hoặc giảm cân
  • Sẹo mổ
  • Phát ban, thường là do điều trị bằng thuốc
  • Mất một cơ quan, chi hoặc vú
  • Hậu môn nhân tạo
  • Cảm giác mệt mỏi hoặc mất năng lượng, có thể khiến bạn từ bỏ các hoạt động mà bạn đã từng yêu thích

Những sự thay đổi này sẽ được giải quyết hoặc tốt hơn sau khi trải qua quá trình điều trị. Nhưng hãy đảm bảo chia sẻ bất cứ mối lo lắng nào với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn (có thể là nhân viên y tế, gia đình, người thân, bạn bè, tình nguyện viên, chuyên gia tâm lý,…). Hãy hỏi họ để biết thêm thông tin và những cách để làm giảm các triệu chứng này hay các cảm giác gây khó chịu xảy đến với bạn.

Sự thay đổi về cảm xúc

Ung thư góp phần làm gián đoạn rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của một người, từ các mối quan hệ đến công việc và sở thích. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh tật và cơ may hồi phục, nó cũng có thể buộc bạn phải thay đổi tương lai và đối diện với khả năng có thể tử vong. Trong suốt khoảng thời gian này, bạn có thể cảm thấy rất nhiều cảm xúc khác nhau:

  • Buồn bã
  • Lo âu
  • Cô đơn hoặc cảm giác khác biệt so với những người khác
  • Sợ hãi
  • Giận dữ
  • Thất vọng
  • Tội lỗi
  • Cảm thấy mất kiểm soát
  • Thay đổi trong cách bạn nghĩ về bản thân và tương lai

Tuy nhiên cũng đã ghi nhận nhiều người mắc bệnh ung thư có những thay đổi tích cực. Có thể là về mặt cảm xúc, tinh thần hoặc trí tuệ. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy:

  • Đánh giá cao về sức mạnh của cơ thể bạn
  • Yên bình
  • Biết ơn
  • Nhận thức và đánh giá cao rằng cuộc sống là ngắn ngủi và đặc biệt
  • Biết ơn những mối quan hệ quan trọng với những người chăm sóc bạn và với những bệnh nhân khác
  • Sự thay đổi về các vấn đề ưu tiên
  • Sự rõ ràng về ý nghĩa của cuộc sống và những mục tiêu cá nhân

Đối diện với những thay đổi về hình ảnh bản thân

Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về bản thân và cơ thể của mình sau khi mắc bệnh ung thư. Những mẹo dưới đây có thể giúp bạn đương đầu với chuyện này:

  • Cho phép có thời gian để thích nghi. Chấp nhận việc chẩn đoán mắc bệnh ung thư và điều trị có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn. Cần phải có thời gian để đáp ứng, do đó hãy đối xử với bản thân của mình một cách từ bi và tử tế.
  • Trò chuyện cùng với những người có cùng hoàn cảnh với mình. Nhiều khi việc trò chuyện 1 – 1 hoặc tham gia những đội nhóm hỗ trợ với những người đồng cảnh ngộ có thể mang lại sự hiểu biết và hi vọng.
  • Xây dựng mạng lưới bạn bè và gia đình, những người có thể hỗ trợ bạn và giúp đỡ bạn cảm thấy tích cực hơn.
  • Yêu cầu và chấp nhận sự giúp đỡ. Hãy bỏ qua những việc gây tiêu tốn năng lượng của bạn và không làm bạn hài lòng. Nhờ bạn bè giúp trông trẻ, thuê người giúp việc nhà hoặc mua đồ ăn chuẩn bị sẵn để có thời gian tập trung cho việc hồi phục.
  • Giữ bình tĩnh và nếu như có thể, hãy đón nhận sự hài hước. Tiếng cười có nhiều tác động tích cực đến tinh thần và thể chất. Và nó có thể giúp bạn thư giãn trong suốt khoảng thời gian không thoải mái.
  • Hãy cho nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn biết về những lo lắng và băn khoăn của bạn. Ví dụ, nếu bạn lo lắng về việc rụng tóc trong quá trình điều trị, bạn có thể cân nhắc cắt tóc thật ngắn hoặc thậm chí có thể cạo tóc. Kiểm soát các quá trình này có thể giúp bạn bớt sợ hãi.
  • Hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về các giải pháp phẫu thuật tái tạo và tạo hình, bộ phận giả và/hoặc thẩm mỹ có thể có.
  • Hãy duy trì việc hoạt động càng nhiều càng tốt. Tập thể dục có thể giúp mọi người cảm thấy tràn đầy năng lượng và nó có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong quá trình điều trị. Các hoạt động xã hội cũng có thể giúp bạn tập trung vào những thứ khác thay vì căn bệnh ung thư.
  • Tìm kiếm sự tư vấn. Một chuyên gia có thể giúp bạn đương đầu và hiểu được những cảm giác bối rối, cũng như đối diện với những thay đổi về thể chất.

Đương đầu với cảm giác không chắc chắn

Nhiều người bị ung thư có thể cảm thấy thiếu chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư, bạn có thể cảm thấy cuộc sống của mình kém an toàn hơn so với trước. Điều quan trọng là hãy yêu cầu sự hỗ trợ khi bạn cảm thấy như vậy. Nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về các nguồn lực sẵn có để giúp đỡ bạn.

Nguyên nhân của sự không chắc chắn

Cả những bệnh nhân mới được chẩn đoán và những bệnh nhân sống còn lâu dài đều có chung những mối lo lắng. Chúng có thể bao gồm:

  • Tạm hoãn các kế hoạch. Bạn có thể cảm thấy như bạn không thể nhìn về tương lai. Lập kế hoạch rất khó vì nhiều lý do thực tế. Ví dụ, có thể khó để lên kế hoạch cho một kì nghỉ gia đình khi bạn không biết chính xác khi nào mình có thể điều trị. Bạn có thể không nhận một lời mời ăn trưa vì bạn không thể đoán trước được cảm giác của mình. Một số người cảm thấy không thể thực hiện bất kỳ kế hoạch nào. Một cách tiếp cận hiệu quả đối với nhiều người ung thư là duy trì sự linh hoạt và chấp nhận rằng các kế hoạch có thể bị thay đổi.
  • Sợ về điều trị ung thư và các tác dụng phụ. Bạn có thể lo lắng hoặc sợ hãi về các độc tính có thể xảy ra của việc điều trị, chẳng hạn như đau đớn, buồn nôn hoặc mệt mỏi. Hay bạn có thể sợ trở nên lệ thuộc vào người khác trong quá trình điều trị ung thư hoặc bỏ lỡ các hoạt động mà bạn yêu thích. Những bệnh nhân sống còn lâu dài có thể lo lắng về các tác dụng phụ muộn. Đây là những độc tính xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau khi kết thúc điều trị. Nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về những tác động này và cách quản lý chúng. Luôn có sẵn các nguồn lực nếu bạn cần giúp đỡ.
  • Việc điều trị không có hiệu quả. Không có phương pháp điều trị nào giống nhau cho mọi người, ngay cả những người mắc cùng một loại ung thư. Một số phương pháp điều trị hiệu quả hơn trên một số người. Các phương pháp điều trị khác có thể hiệu quả nhưng lại gây ra các tác dụng phụ. Hiểu được các lựa chọn điều trị của bạn ở thời điểm hiện tại và trong tương lai có thể giúp bạn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
  • Việc điều trị sẽ ngưng tác dụng. Rất nhiều lần, mọi người tiếp tục nhận được một phương pháp điều trị cho đến khi nó ngưng tác động (ngưng phát huy tác dụng). Điều này đặc biệt đúng đối với những người đã bị ung thư di căn hoặc những người đang được kiểm soát bằng thuốc trong một thời gian dài. Thật đáng sợ khi nghĩ rằng thuốc có thể ngừng hoạt động, ngay cả khi bạn biết rằng có những lựa chọn điều trị khác.
  • Ung thư sẽ tái phát. Ung thư tái phát có nghĩa là ung thư sẽ quay trở lại sau khi điều trị. Đây là nỗi sợ hàng đầu của nhiều người sống sót sau khi mắc ung thư. Nếu bạn lo lắng về điều này, bạn có thể thấy mình chú ý đến mọi triệu chứng tiềm ẩn mà bạn có. Đổi lại, điều này có thể làm gia tăng mức độ lo lắng chung của bạn.
  • Sợ chết hoặc mất người mình yêu thương. Đối mặt với ý tưởng sắp chết có thể rất khó khăn. Cảm giác sợ hãi hoàn toàn là điều tự nhiên khi bạn nghĩ đến việc chết hoặc mất đi người mà mình yêu thương. Đấu tranh với nỗi sợ hãi về cái chết là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu những cảm giác này trở nên mạnh mẽ hơn, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về các nguồn lực có thể giúp bạn đối phó.

Đối phó với các vấn đề “điều gì sẽ xảy ra nếu” trong ung thư

Nhận biết về những ẩn số của bệnh ung thư có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng, tức giận, buồn bã hoặc sợ hãi. Bạn thậm chí có thể có các triệu chứng về mặt thể chất gây ra bởi những cảm giác này. Ví dụ, nó có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ hoặc khiến bạn khó tập trung hơn trong công việc. Học cách quản lý về các mối lo không chắc chắn là một phần quan trọng để giữ gìn sức khỏe.

Những mẹo dưới đây có thể giúp bạn đối phó:

  • Nhận ra rằng có những tình huống bạn có thể kiểm soát và những tình huống thì lại không. Nghe thì có vẻ khó chịu nhưng nhiều người lại cảm thấy có hữu ích khi từ bỏ những thứ mà họ không thể thay đổi và tập trung vào phản ứng của họ trước các sự việc.
  • Nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn nếu như các cảm giác không chắc chắn đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Họ có thể giúp bạn tìm thấy các nguồn lực mà bạn cần để cảm thấy tốt hơn.
  • Nói chuyện với một cố vấn hoặc nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện. Họ có thể khuyến nghị một nhóm hỗ trợ trong khu vực của bạn. Một nhóm có thể giúp bạn chia sẻ với những người đang trải qua tình huống tương tự. Ngoài ra còn có các cộng đồng hỗ trợ trực tuyến mà bạn có thể tham gia.
  • Nói chuyện với bạn bè và các thành viên trong gia đình. Hãy cho họ biết cảm giác của bạn và cách mà họ có thể giúp đỡ bạn.
  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh ung thư và cách điều trị. Những thông tin đúng đắn có thể giúp bạn biết rằng điều gì sẽ diễn ra.

Quản lý sự căng thẳng

Bệnh tật chẳng hạn như ung thư thường là một trong những trải nghiệm căng thẳng nhất trong cuộc đời của một người. Đối phó với bệnh ung thư có thể khó khăn hơn khi có sự cộng hưởng căng thẳng từ công việc, gia đình hoặc các mối quan tâm về vấn đề tài chính. Căng thẳng hàng ngày cũng có thể làm cho việc đối phó với chẩn đoán ung thư khó khăn hơn.

Căng thẳng không được chứng minh là gây ung thư. Nhưng căng thẳng mạn tính có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây ra các vấn đề khác về sức khỏe và làm giảm cảm giác hạnh phúc.

Các mẹo để làm giảm sự căng thẳng

Các tác nhân gây căng thẳng là nguồn cơn của stress. Một số yếu tố này có thể dự đoán được và do đó, đôi khi có thể tránh được. Bạn thường có thể làm giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ. Hãy xem xét các mẹo sau:

  • Tránh sự xung đột lịch trình. Sử dụng bảng lập kế hoạch hàng ngày hoặc điện thoại hay lịch trực tuyến để theo dõi các cuộc hẹn, cũng như các hoạt động. Khi bạn lên lịch cho các hoạt động, hãy dành nhiều thời gian để hoàn thành một hoạt động trước khi bắt đầu hoạt động tiếp theo. Đừng lên lịch cho quá nhiều hoạt động trong cùng một ngày hoặc trong tuần, đặc biệt là những hoạt động bạn cần sự chuẩn bị. Nếu việc quản lí lịch trình khiến bạn kiệt sức, hãy nhờ người mà bạn tin tưởng xem xét giúp bạn.
  • Nhận thức được giới hạn của bạn. Nếu bạn không có thời gian, năng lượng hoặc sự quan tâm, bạn có thể lịch sự từ chối khi mọi người yêu cần bạn đảm nhận nhiệm vụ. Đừng cảm thấy tội lỗi khi nói không. Việc chẩn đoán ung thư đã làm thay đổi cuộc sống và hãy tập trung vào những điều quan trọng nhất có ý nghĩa tốt. Trong công việc, đừng tình nguyện tham gia các dự án khiến khối lượng công việc của bạn không thể quản lý được. Nếu việc nói “không” cảm thấy khó khăn, hãy nói với người hỏi bạn có thể làm điều gì để thay thế. Điều này có thể là thực hiện một phần nhỏ hơn của nhiệm vụ hoặc có nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
  • Yêu cầu sự trợ giúp. Bạn cũng nên nhờ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp giúp đỡ. Mọi người có khả năng đưa ra sự hỗ trợ của họ, vì vậy, hãy suy nghĩ trước về những công việc cụ thể mà bạn cần giúp đỡ. Mọi người luôn đánh giá cao việc có thể giúp đỡ theo những cách cụ thể. Chẳng hạn, gia đình hoặc bạn bè có thể giúp mua sắm, chuẩn bị bữa ăn, trông trẻ hoặc đưa đón trẻ đi học.
  • Ưu tiên các nhiệm vụ của bạn. Lập danh sách những việc bạn thường làm, chẳng hạn như công việc và việc nhà. Xếp hạng những việc này theo mức độ quan trọng, cân nhắc những việc bạn phải làm và những việc quan trọng nhất đối với bạn. Nếu bạn không có thời gian để làm mọi thứ, hãy tập trung vào các nhiệm vụ và hoạt động ở đầu danh sách.
  • Chia các nhiệm vụ thành những bước nhỏ. Đôi khi các nhiệm vụ lớn có thể được thực hiện theo các bước nhỏ hơn. Tiến trình này có thể làm cho các vấn đề dường như quá sức được xử lý dễ dàng hơn. Ví dụ, thay vì dành cả buổi chiều để dọn dẹp toàn bộ ngôi nhà thì hãy dọn dẹp một hoặc hai phòng mỗi ngày.
  • Tập trung sự nỗ lực của bạn vào những thứ mà bạn có thể kiểm soát. Yếu tố gây căng thẳng có thể là thứ mà bạn không thể thay đổi hoặc kiểm soát, ngay cả khi có kế hoạch tốt nhất. Giao thông là một ví dụ. Những người có thể duy trì sự linh hoạt sẽ giữ cho mức độ căng thẳng của họ ở mức thấp. Thỉnh thoảng khía cạnh duy nhất của một vấn đề mà bạn có thể kiểm soát là cách mà bạn phản ứng với nó. Nếu hữu ích, hãy nghĩ đó là việc bạn tiết kiệm năng lượng để dành cho những việc quan trọng hơn đối với bạn.
  • Nhận trợ giúp về các vấn đề tài chính. Nói chuyện với nhân viên công tác xã hội về ung thư hoặc cố vấn tài chính, những người biết về các vấn đề tài chính và bảo hiểm liên quan đến bệnh ung thư. Đừng chờ đợi để tìm sự trợ giúp này. Các hóa đơn hoặc khoản nợ trễ hạn có thể nhanh chóng trở nên quá tải.

Các chiến lược quản lý sự căng thẳng

Mặc dù bạn có thể cố gắng giảm thiểu số lượng các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống, nhưng bạn không thể tránh khỏi hoàn toàn stress. Tuy nhiên, các chiến lược quản lý sự căng thẳng có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và bớt lo lắng hơn. Sau đây là một số mẹo:

  • Tập luyện đều đặn. Tập thể dục vừa phải như đi bộ 30 phút vài lần một tuần có thể giúp giảm stress. Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu một lịch trình tập thể dục.
  • Dành thời gian ngoài trời. Nếu có thể, hãy đi dạo ngoài công viên hoặc khung cảnh thiên nhiên khác. Ánh sáng mặt trời, không khí trong lành và âm thanh của thiên nhiên có thể giúp làm tươi sáng một ngày của con người.
  • Lên lịch cho các hoạt động xã hội. Dành thời gian để giao lưu với gia đình hoặc bạn bè, vì đó là một cách tốt để giảm căng thẳng.
  • Ăn tốt. Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp bạn có thêm năng lượng để đối phó với những tác nhân gây stress hàng ngày.
  • Ngủ nhiều. Cuộc sống bận rộn và một số người có thể nghĩ rằng giấc ngủ là không cần thiết. Nhưng giấc ngủ rất cần thiết để giúp cơ thể khỏe mạnh và mau lành bệnh. Hãy cố gắng ngủ từ 7 tiếng trở lên mỗi đêm. Những giấc ngủ ngắn trong ngày cũng có thể hữu ích. Nếu khó ngủ, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về cách quản lý các vấn đề về giấc ngủ.
  • Tham gia một nhóm hỗ trợ. Các nhóm hỗ trợ mang đến cho bạn cơ hội để nói về cảm xúc và nỗi sợ hãi với những người có thể chia sẻ và thấu hiểu trải nghiệm của bạn. Bạn cũng có thể nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy, một cố vấn hoặc một nhân viên công tác xã hội.
  • Lên lịch thời gian thư giãn hàng ngày. Dành thời gian thực hiện một hoạt động mà bạn cảm thấy thư giãn, chẳng hạn như đọc sách, làm vườn hoặc nghe nhạc.
  • Làm những điều bạn thích. Ăn tại nhà hàng yêu thích của bạn hoặc xem chương trình truyền hình yêu thích của bạn. Tiếng cười làm giảm căng thẳng, vì vậy hãy cân nhắc xem một bộ phim hài hoặc đọc một quyển sách hài hước để giúp đối phó với stress.
  • Viết nhật ký. Viết về những căng thẳng và sự kiện trong cuộc sống của bạn đem đến một cách riêng để bày tỏ cảm xúc.
  • Tìm hiểu một sở thích mới. Tham gia vào một hoạt động mới và đầy thử thách mang lại cho bạn cảm giác hoàn thành và giúp bạn không bị phân tán bởi những lo lắng hàng ngày. Ví dụ như tham gia một lớp học nghệ thuật hoặc chơi một nhạc cụ.

Những kỹ thuật giúp thư giãn

Rất nhiều người học và thực hành các kỹ thuật thư giãn để giảm sự căng thẳng. Bạn có thể học hầu hết chúng trong một vài buổi với một cố vấn. Nhiều bệnh viện và trung tâm ung thư cũng có các lớp dạy kỹ thuật thư giãn cho bệnh nhân. Cân nhắc thực hiện các kỹ thuật sau hàng ngày hoặc vào những thời điểm căng thẳng cụ thể, chẳng hạn như trong lúc thực hiện các thủ thuật y tế:

  • Thư giãn hoặc thở sâu. Điều này liên quan đến việc hít thở sâu, chậm trong khi tập trung vào việc làm đầy phổi và thư giãn các cơ bắp.
  • Tưởng tượng hoặc hình dung. Điều này giúp bạn tạo ra những hình ảnh yên bình và thư giãn trong tâm trí.
  • Thư giãn cơ bắp. Kỹ thuật này liên quan đến việc siết chặt và sau đó thả lỏng các cơ. Hầu hết mọi người bắt đầu ở ngón chân và dần dần thư giãn tất cả các cơ trên toàn cơ thể.
  • Thiền. Với kỹ thuật này, bạn có thể học cách thư giãn tâm trí và tập trung vào cảm giác bình tĩnh bên trong.
  • Phản hồi sinh học. Kỹ thuật này có thể dạy bạn thư giãn và kiểm soát phản ứng của cơ thể với căng thẳng bằng cách chú ý đến các tín hiệu từ cơ thể.
  • Tập Yoga. Yoga tập trung tâm trí vào hơi thở và tư thế để thúc đẩy thư giãn, cũng như giảm mệt mỏi.

Đương đầu với cảm giác giận dữ

Nhiều người sống chung với căn bệnh ung thư cảm thấy tức giận. Thông thường, những cảm giác này sẽ nảy sinh khi được chẩn đoán mắc ung thư. Nhưng điều này cũng có thể phát triển bất cứ lúc nào trong suốt quá trình điều trị và thời gian sống còn.

Bạn có thể cảm thấy tức giận về:

  • Sự xuất hiện của các khó khăn
  • Bệnh ung thư và quá trình điều trị làm thay đổi những thói quen trước đây của bạn
  • Cách mà các thành viên trong gia đình và bạn bè của bạn phản ứng với chẩn đoán ung thư

Bạn cũng có thể phải vật lộn để đối phó với các biến chứng của bệnh lý ung thư, cũng như các tác dụng phụ của những phương pháp điều trị, điều này có thể bao gồm:

  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Mệt mỏi
  • Đau đớn
  • Buồn nôn

Những điều trên cũng có thể khiến ngay cả một người luôn cảm thấy hạnh phúc cũng phải cáu kỉnh.

Đương đầu với giận dữ

Giận dữ là một phản ứng cảm xúc tự nhiên. Bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi nếu bạn trải qua nó. Giận dữ không phải là xấu. Nhưng một số người đối diện với nó và biểu hiện nó theo những cách không lành mạnh.

Những biểu hiện giận dữ không lành mạnh

Những phản ứng không lành mạnh khi tức giận bao gồm:

  • Tránh bộc lộ những cảm xúc khó khăn
  • Cư xử theo cách làm tổn thương những người khác hoặc chính bản thân bạn
  • Lạm dụng đồ uống có cồn hoặc thuốc

Những phản ứng không lành mạnh này có thể dẫn đến trầm cảm.

Những biểu hiện giận dữ lành mạnh

Quản lý cơn giận lành mạnh bao gồm việc xác định cảm xúc và thể hiện nó một cách hiệu quả.

Khi được thể hiện theo hướng lành mạnh, sự tức giận có thể tạo ra những thay đổi tích cực. Ví dụ, nó có thể cung cấp năng lượng và sức mạnh để vượt qua những thách thức của điều trị.

Hãy xem xét những lời khuyên sau đây khi bạn cảm thấy tức giận:

  • Nhận ra sự tức giận của bạn. Đôi khi, người ta hành động vì tức giận mà không nhận thức được sự hiện diện của cảm xúc đó.
  • Xem xét những cảm giác nào khác nằm bên dưới sự tức giận. Đôi khi, người ta che giấu những cảm giác đau đớn khác bên dưới sự tức giận. Và họ thậm chí có thể không nhận ra rằng họ đang làm điều này. Một số người cảm thấy thoải mái khi tức giận hơn những cảm giác khác, như sợ hãi hoặc buồn bã.
  • Tránh trút cơn giận của bạn lên những người khác. Hướng sự tức giận của bạn vào nguyên nhân của cảm xúc, chứ không phải người khác.
  • Đừng chờ đợi cho sự tức giận tích tụ. Hãy bày tỏ cảm xúc của bạn ngay khi bạn nhận ra chúng. Nếu bạn kìm hãm chúng thì sẽ có nhiều khả năng bạn sẽ bộc lộ sự tức giận theo cách không lành mạnh.
  • Tìm những cách an toàn để thể hiện sự tức giận của bạn. Bạn có thể bày tỏ và giải tỏa cơn giận của mình theo một số cách lành mạnh như sau:
    • Thảo luận về những lý do khiến bạn tức giận với một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn đáng tin cậy.
    • Thực hiện một hoạt động thể chất khi cảm thấy cơn giận của bạn đã ở cường độ tối đa.
    • Đập vào gối bằng nắm đấm hoặc tìm một túi đấm.
    • Hét to trong xe hơi hoặc phòng riêng.
    • Khám phá các liệu pháp bổ sung, chẳng hạn như mát – xa, những kỹ thuật thư giãn, âm nhạc hoặc nghệ thuật.

Cân nhắc về sự tư vấn

Nhiều người được hưởng lợi từ việc tư vấn, dù là một mình hay trong một nhóm.

Những điều bạn có thể thực hiện với một chuyên gia sức khỏe về mặt tâm thần bao gồm:

  • Tìm hiểu điều gì gây ra cơn giận dữ của bạn.
  • Tránh các phản ứng gây phá hoại.
  • Tìm những cách lành mạnh để thể hiện cảm xúc của bạn.
  • Học các kĩ năng giúp đương đầu có giá trị.
  • Giải quyết các vấn đề liên quan, chẳng hạn như nghiện ngập hoặc các vấn đề trong mối quan hệ.

Một chuyên gia tư vấn cũng có thể đánh giá xem liệu sự tức giận mạn tính có thể góp phần gây ra cơn trầm cảm trên lâm sàng hay không.

Lo âu

Lo âu có thể được mô tả là cảm giác lo lắng hoặc căng thẳng. Đó là một cảm xúc bình thường cảnh báo cơ thể bạn phản ứng với một mối đe dọa. Nhưng lo âu dữ dội và kéo dài là một rối loạn. Nó có thể cản trở cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ của bạn.

Lo âu cấp tính xảy ra thành từng đợt ngắn và kết thúc nhanh chóng. Lo âu mạn tính sẽ duy trì trong một thời gian dài.

Các triệu chứng của lo âu có thể nhẹ hoặc trầm trọng. Và một số triệu chứng có thể tương đồng như bệnh trầm cảm. Thông thường, điều này là do trầm cảm xảy ra đồng thời với lo âu.

Lo âu và ung thư

Rất nhiều người mắc ung thư có các triệu chứng của lo âu. Chẩn đoán ung thư có thể gây ra những cảm giác sau:

  • Sợ việc điều trị, cũng như các tác dụng phụ liên quan đến điều trị.
  • Sợ ung thư sẽ tái phát trở lại hoặc tiến triển lan rộng sau khi điều trị.
  • Cảm giác không chắc chắn.
  • Lo lắng vì mất khả năng độc lập.
  • Lo lắng về sự thay đổi trong các mối quan hệ.
  • Sợ cái chết.

Lo âu có thể khiến cho việc đương đầu với việc điều trị ung thư trở nên khó khăn hơn. Nó cũng có thể làm giảm khả năng đưa ra sự lựa chọn về dịch vụ chăm sóc của bạn. Từ đó cho thấy rằng việc xác định và quản lý lo âu là những phần quan trọng trong điều trị ung thư.

Các triệu chứng lo âu cấp tính

Bạn có thể thường xuyên trải qua các triệu chứng được liệt kê dưới đây trong một khoảng thời gian ngắn. Đáng sợ hơn là khi một người có thể có tất cả các triệu chứng sau cùng một lúc:

  • Cảm thấy sợ hãi hoặc kinh hãi dữ dội
  • Cảm thấy tách biệt với bản thân hoặc với môi trường xung quanh
  • Đánh trống ngực hoặc tim đập nhanh
  • Cao huyết áp
  • Đau ngực
  • Thở nông
  • Cảm thấy ngột ngạt
  • Vã mồ hôi
  • Ớn lạnh
  • Chóng mặt hoặc cảm thấy lâng lâng
  • Run sợ
  • Buồn nôn, tiêu chảy, ợ chua hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Đau bụng

Các triệu chứng lo âu mạn tính

Lo âu mạn tính thường xảy ra trong một thời gian kéo dài hơn. Chúng có thể bao gồm các đợt lo âu cấp tính cùng với một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Lo lắng thái quá
  • Bồn chồn
  • Căng cơ
  • Mất ngủ, không thể đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được
  • Cáu gắt
  • Mệt mỏi
  • Khó tập trung
  • Do dự, gặp khó khăn khi đưa ra quyết định

Điều quan trọng là phải báo cho nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Tuy nhiên, các triệu chứng trên có thể không liên quan đến lo âu. Một số có thể là biến chứng của bệnh ung thư hoặc tác dụng phụ của việc điều trị ung thư. Ví dụ, mệt mỏi hoặc các vấn đề về giấc ngủ và tập trung thường là những triệu chứng hay gặp do bệnh ung thư hoặc độc tính của các phương pháp điều trị ung thư.

Các yếu tố nguy cơ của lo âu

Những người mắc bệnh ung thư sẽ có nhiều khả năng cảm thấy lo lắng hơn nếu họ có các yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Đã từng được chẩn đoán mắc lo âu hoặc trầm cảm
  • Tiền sử gia đình liên quan đến lo âu hoặc trầm cảm
  • Thiếu sự trợ giúp từ bạn bè hoặc gia đình
  • Gánh nặng về tài chính

Tầm soát lo âu

Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO – The American Society of Clinical Oncology) đã khuyến cáo nên tầm soát về lo âu. Việc sàng lọc nên thực hiện vào thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và thường xuyên trong quá trình điều trị, cũng như hồi phục của bạn.

Điều trị lo âu sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng mà bạn mắc phải và tần suất của chúng.

Mặc dù có thể khó khăn nhưng hãy cố gắng nói chuyện một cách cởi mở về sự lo lắng với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn. Điều này sẽ giúp họ quan tâm đến các mối lo lắng của bạn và lập ra được một kế hoạch điều trị cụ thể. Hãy thảo luận về những vấn đề sau:

  • Các cảm giác của bạn.
  • Các nguồn cụ thể gây ra những nỗi sợ cho bạn.
  • Những triệu chứng về mặt thể chất.
  • Sự ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của bạn.

Các phương pháp điều trị

Có nhiều cách để đối phó với sự lo âu. Nhiều phương pháp sẽ được sử dụng phối hợp cùng nhau. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc một cố vấn chuyên nghiệp để tìm ra những giải pháp tốt nhất dành cho bạn.

  • Các kỹ thuật thư giãn. Các kỹ thuật thư giãn có thể được sử dụng đơn thuần hoặc cùng với các phương pháp điều trị khác. Một số cách sau đây có thể được thực hiện với sự hướng dẫn tối thiểu. Những biện pháp khác có thể đòi hỏi sự trợ giúp của một hướng dẫn viên.
    • Thở sâu.
    • Thư giãn cơ tiến triển. Đây là một kỹ thuật bao gồm thắt chặt và sau đó thả lỏng các cơ. Bắt đầu từ ngón chân hoặc đầu và từ từ thư giãn các cơ trên toàn bộ cơ thể.
    • Hướng dẫn về mặt hình ảnh. Đây là cách sử dụng những từ ngữ và âm thanh để giúp bạn tưởng tượng ra những bối cảnh, trải nghiệm hoặc cảm giác tích cực.
    • Thiền định. Đây là một phương pháp giúp tập trung chú ý để đạt được cảm giác hạnh phúc trong thời điểm hiện tại và giảm sự căng thẳng.
    • Thôi miên.
    • Phản hồi sinh học. Điều này liên quan đến việc chú ý và kiểm soát các tín hiệu từ cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim. Các tín hiệu từ cơ thể được đo bằng cảm biến điện không gây đau, được gọi là điện cực.
    • Tập Yoga. Đây là việc sử dụng các bài tập thở và các tư thế nhằm thúc đẩy sự thư giãn.
  • Điều trị tâm lý. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần bao gồm những nhà cố vấn được cấp phép hành nghề, những nhà tâm lý học và các bác sĩ tâm thần. Họ cung cấp những phương tiện để cải thiện các kỹ năng giúp đối phó, phát triển hệ thống hỗ trợ và định hình lại những suy nghĩ tiêu cực. Các sự lựa chọn bao gồm liệu pháp cá nhân, liệu pháp cặp đôi hoặc liệp pháp gia đình và liệu pháp nhóm. Hơn thế nữa, bác sĩ tâm thần là những chuyên gia sức khỏe về mặt tâm thần có thể kê thuốc hỗ trợ cho bạn.
  • Thuốc. Nếu các triệu chứng lo âu của bạn ở mức độ từ trung bình cho đến nghiêm trọng, bạn có thể được hưởng lợi ích từ việc sử dụng thuốc. Luôn có sẵn nhiều loại thuốc khác nhau. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc thích hợp nhất dành cho bạn dựa trên các yếu tố sau:
    • Những sự cần thiết của bạn.
    • Các tác dụng phụ tiềm ẩn.
    • Những loại thuốc khác mà bạn đang dùng.
    • Tiền sử bệnh lý của bạn.

Hãy nói với bác sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc và các chất bổ sung mà bạn đang dùng. Một số có thể có tương tác với các loại thuốc chống lo âu.

Một số loại thuốc có tác dụng nhanh chóng để điều trị chứng lo âu cấp tính. Những loại thuốc dùng để điều trị chứng lo âu mạn tính có thể mất vài tuần. Thường phải mất khoảng 6 – 8 tuần để những loại thuốc này phát huy hết tác dụng.

Thuốc có thể không điều trị được hoàn toàn chứng lo âu trừ khi được sử dụng đồng thời với việc điều trị tâm lý.

Theo dõi

Luôn cập nhật cho nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn khi bạn đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần và các phương pháp điều trị của bạn. Hãy cho họ biết hiệu quả của việc điều trị và nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào mới.

Nếu các triệu chứng lo âu không giảm sau 8 tuần điều trị:

  • Xem xét các lựa chọn điều trị khác, chẳng hạn như thử dùng thuốc hoặc chuyển sang loại thuốc khác.
  • Cân nhắc thêm sự tư vấn vào kế hoạch điều trị của bạn.

Bạn và bác sĩ của bạn có thể nói về những lựa chọn này sớm hơn nếu cần thiết.

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Cancer.net (ASCO). Knowledge conquers cancer. Coping with cancer.
  2. Cancer research UK. Coping with cancer.
  3. American cancer society. Coping with cancer.
  4. National cancer institute. Coping with cancer.
  5. ESMO. For patients.
  6. ASCO. Practice and patients.
  7. NCCN. Guidelines for patients.

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích