menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Theo dõi và ngăn ngừa nhiễm trùng ở bệnh nhân ung thư

user

Ngày:

29/12/2020

user

Lượt xem:

754

Bài viết thứ 82/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể làm cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu. Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ mà cơ thể sử dụng để chống lại các mầm bệnh như vi khuẩn hoặc vi rút. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ tăng lên. Do đó, nhiễm trùng là một biến chứng thường gặp của ung thư và khi điều trị ung thư. Một số loại nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi bắt đầu điều trị ung thư, bác sỹ sẽ trao đổi vối bạn về những nguy cơ nhiễm trùng mà bạn có thể gặp, và những gì bạn cần làm để ngăn ngừa nhiễm trùng.Thông thường những nguy cơ nhiễm trùng này chỉ là tạm thời  vì hệ miễn dịch của cơ thể có thể hồi phục sau một thời gian, nhưng quá trình hồi phục này ở mỗi người mỗi khác. Đối với những bệnh nhân ung thư đã kết thúc liệu trình điều trị được vài năm hoặc lâu hơn, hệ miễn dịch của họ có thể đã được hồi phục. Tuy nhiên điều đó phụ thuộc rất nhiều vào loại ung thư, phương pháp điều trị ung thư đã được sử dụng và những vấn đề về sức khỏe khác của bệnh nhân, tất cả  đều có thể ảnh hưởng  đến hệ miễn dịch.

Các phương pháp điều trị ung thư khác nhau có thể tác động đến cơ thể  theo những cách khác nhau. Hệ miễn dịch ở mỗi người bệnh có sự đáp ứng với điều trị, hồi phục sau điều trị khác nhau. Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra hướng dẫn về cách phòng ngừa nhiễm trùng cho những người bệnh ung thư, người chăm sóc và nhân viên y tế. Bệnh nhân ung thư, những người đang trong quá trình  điều trị, và những người đã kết thúc điều trị có thể cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa đặc biệt để chống lại nhiễm trùng từ virut hoặc vi khuẩn. Họ có thể tìm thông tin từ CDC hoặc trao đổi với bác sỹ điều trị của họ để biết họ có cần những cảnh báo đặc biệt không ví dụ như họ cần hạn chế hoặc tránh những hoạt động xã hội hoặc cần mang những phương tiện bảo hộ (như đeo khẩu trang, găng tay…)

Nếu bạn đang được điều trị ung thư bằng bất kỳ phương pháp nào hoặc trước đó đã được điều trị ung thư bằng phẫu thuật , xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch, liệu pháp hormone, ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc hoặc bất kỳ phương pháp điều trị nào khác, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sỹ điều trị về những nguy cơ bị nhiễm trùng vì họ là những người có thể hiểu rõ về tình trạng bệnh và tiền sử bệnh tật của bạn.

Người bệnh ung thư nên làm gì để phòng tránh nhiễm trùng

Dưới đây là một số điều có thể giúp người bệnh phòng tránh nhiễm trùng và bệnh tật khi hệ miễn dịch bị suy yếu do ung thư và hoặc do điều trị ung thư :

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm. Hãy rửa tay trước khi ăn hoặc trước khi chạm vào mặt hoặc niêm mạc ( mắt, mũi, miệng …)
  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh, hỉ mũi, ho hoặc hắt hơi.
  • Rửa tay sau khi chạm vào động vật, nhặt rác hoặc đổ rác.
  • Rửa tay sau khi đến nơi công cộng hoặc chạm vào những đồ vật mà người khác đã sử dụng.
  • Mang theo một lọ cồn sát khuẩn tay khi bạn ra ngoài.
  • Sử dụng khăn ẩm để lau các bề mặt và những đồ vật trước khi bạn chạm vào như tay nắm cửa, bàn phím ATM hay thẻ tín dụng, và bất kỳ đồ vật nào mà người khác đã sử dụng.
  • Tránh những nơi đông người như trường học, khu du lịch, khu mua sắm, các sự kiện xã hội và tụ tập công cộng. Tốt nhất bạn nên đeo khẩu trang ở chỗ đông người.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị sốt, cảm cúm và những người đang bị bệnh nhiễm trùng khác.
  • Tiêm phòng cúm vào mỗi  mùa thu. Khuyến khích những thành viên khác trong gia đình của bạn tiêm phòng cúm. Không dùng loại vắc xin cúm dạng xịt qua đường mũi. Hãy hỏi bác sỹ của bạn nếu bạn có ý định tiêm phòng bất kỳ loại vắc xin nào ví dụ như vắc xin phế cầu để phòng viêm phổi, vắc xin viêm gan B.
  • Nếu bác sỹ của bạn nói vói bạn rằng hệ miễn dịch yếu của bạn yếu và bạn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, bạn có thể được khuyên nên tránh tiếp xúc trẻ nhỏ và hạn chế khách đến thăm trong mùa vi rút đường hô hấp.
  • Hãy tắm hàng ngày. Hãy đảm bảo rửa sạch chân, bẹn, nách và những vùng ẩm ướt hay ra nhiều mồ hôi trên cơ thể.
  • Sau khi tắm, hãy tìm những vết mẩn đỏ, sưng tấy và hoặc những chỗ bị đau nhức ở những vị trí hốc tự nhiên hoặc khoang ngoài cơ thể( ví dụ như khoang miệng, mũi, âm đạo, hậu môn…).
  • Mang găng tay khi làm vườn và rửa sạch sau đó.
  • Đánh răng ngày 2 lần với một bàn chải mềm. Hỏi bác sỹ nếu bạn muốn sử sụng chỉ nha khoa. Báo cho bác sĩ nếu lợi của bạn bị chảy máu. Bác sĩ có thể sẽ cung cấp cho bạn một loại nước súc miệng đặc biệt. Không được sử dụng nước súc miệng có cồn. .
  • Hãy giữ cho vùng bẹn và vùng xung quanh hậu môn sạch sẽ. Nên sử dụng giấy lau mềm hoặc giấy lau dành cho trẻ em để lau sau mỗi lần đi vệ sinh và bất cứ khi nào bạn thấy kích ứng hoặc mẩn ngứa. Báo cho bác sỹ nếu có chảy máu, mẩn đỏ, sưng nề ở những vị trí này.
  • Không sử dụng dịch vụ làm móng ở spa.(Bạn nên sử dụng một bộ cắt tỉa móng riêng và đã được làm sạch tại nhà). Không nên sử dụng móng tay giả.
  • Không nên chơi hay bơi lội ở ao, hồ, sông hoặc nước trong công viên.
  • Không sử dụng bồn nước nóng
  • Luôn đi giầy: trong bệnh viện, khi ra ngoài hay ở nhà. Nó sẽ giúp cho đôi chân của bạn không bị thương và tránh xa các mầm bệnh.
  • Hãy sử dụng máy cạo râu điện thay cho dao cạo râu để tránh bị chấn thương khi sử dụng. Không dùng chung dao cạo râu.
  • Nếu bạn bị vết cắt hoặc có vết nứt trên da, hãy rửa sạch vết thương với xà phòng và nước ấm. Băng vết thương bằng một miếng băng sạch để bảo vệ. Nếu miếng băng bị ướt hoặc ẩm, hãy làm sạch lại vết thương và lau khô sau đó sử dụng một miếng băng mới. Báo cho bác sỹ nếu vết thương của bạn bịđỏ, tấy, đau hoặc hoặc sưng mọng.
  • Chống táo bón và làm tăng lưu thông tiêu hóa bằng cách uống đủ lượng nước theo khuyến cáo hàng ngày. Tập thể dục hàng ngày cũng là một biện pháp hữu hiệu để chống táo bón. Hãy hỏi bác sĩ để biết lượng nước nên uống mỗi ngày và các bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn. Báo cho bác sĩ nếu bạn có những vấn đề về đường ruột như táo bón hoặc tiêu chảy. Nếu cần thiết, bác sỹ có thể sẽ kê cho bạn thuốc làm mềm phân. Không đặt bất kỳ vật gì vào trực tràng, bao gồm thuốc sổ, nhiệt kế và viên đặt hậu môn.
  • Phụ nữ không nên sử dụng băng vệ sinh dạng đặt âm đạo hay cốc nguyệt san, thuốc đặt hoặc thụt rửa âm đạo.
  • Sử dụng dung dịch bôi trơn khi quan hệ tình dục để tránh làm tổn thương hoặc trầy xước da và niêm mạc. Sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Không để  hoa tươi hoặc các loại cây trong phòng ngủ
  • Không dọn phân của vật nuôi, không lau dọn lồng chim, thùng rác hay bể cá. Hãy để người khác làm việc này thay cho bạn.
  • Không chạm vào đất vì có thể có chứa phân của động vật hoặc phân người.
  • Không thay tã/bỉm cho trẻ em, nhưng nếu làm, hãy rửa tay thật sạch sau đó.
  • Nếu bạn dùng găng tay sử dụng một lần khi chạm vào đất hoặc chất thải, hãy rửa sạch tay ngay sau khi tháo găng (Vì găng tay có thể có những lỗ rất nhỏ mà mắt bạn không thể nhìn thấy)
  • Tránh xa tất cả những loại nước đọng, ví dụ như nước trong bình hoa, cốc nước đựng răng giả, đĩa đựng xà bông. Nếu bạn sử dụng cốc đựng răng giả, hãy rửa sạch và thay nước sau mỗi lần sử dụng.
  • Bạn nên sử dụng nước nóng để rửa chén bát hoặc sử dụng máy rửa bát.
  • Không dùng chung khăn tắm hoặc cốc uống nước với bất kỳ ai, kể cả những thành viên trong gia đình bạn.
  • Tránh xa chuồng gà, hang động hoặc nững nơi nhiều bụi bặm như công trường xây dựng…
  • Báo cho bác sỹ nếu bạn có kế hoặc đi du lịch trong khoảng thời gian này.

Nhận biết và theo dõi những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng. Hỏi bác sỹ điều trị để biết những dấu hiệu nào bạn nên theo dõi và những dấu hiệu nào bạn cần báo bác sỹ ngay.

An toàn thực phẩm cho bệnh nhân ung thư

Đồ ăn và thức uống có thể là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Vì vậy an toàn thực phẩm là rất quan trọng khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu hơn bình thường. Hãy hỏi bác sĩ để biết chế độ ăn phù hợp trong thời gian điều trị ung thư. Rửa sạch tay trước khi cầm vào bất cứ đồ ăn gì. Đảm bảo tất cả những sản phẩm từ thịt (bao gồm thịt gà, thịt bò và những sản phẩm thịt khác) được nấu chín kỹ để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh nếu có.

Hoa quả và rau xanh có thể chứa các vi khuẩn và có thể gây bệnh. Một số bác sỹ khuyên bệnh nhân của họ khi đang có hệ miễn dịch yếu, không nên ăn trái cây tươi và rau sống để giảm nguy bị nhiễm trùng. Một số bác sỹ khác thì khuyên bệnh nhân có thể ăn những đồ ăn đó, miễn là được rửa sạch trước khi sử dụng. Điều quan trọng là nên rửa sạch trái cây trước khi gọt vỏ dù biết là phần vỏ đó không ăn được, nếu không, các mầm bệnh có thể xâm nhập vào bên trong sau khi trái cây được gọt vỏ.Tốt nhất nên tránh những loại  thực phẩm dễ gây ngộ độc thức ăn như  rau mầm, các loại nước sốt từ rau quả tươi sống) và quả mọng như dâu tây. Hãy cẩn thận khi ăn sa lát bởi vì đôi khi nó có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh. Hãy trao đổi với bác sỹ khi có bất kỳ câu hỏi hoặc băn khoăn nào về chế độ dinh dưỡng, hoặc tìm tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.

Xem thêm các bài viết về Dinh dưỡng trong ung thư người lớn

Sử dụng thuốc dự phòng nhiễm trùng trong khi điều trị ung thư

Đôi khi, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân khi hệ miễn dịch rất yếu mặc dù người bệnh không có biểu hiện của nhiễm trùng. Những thuốc này được dùng với mục đích giúp người bệnh tránh bị nhiễm trùng.

Thuốc phòng bệnh

Thuốc kháng khuẩn, kháng vi rút và hoặc kháng nấm có thể được sử dụng để chống nhiễm trùng. Phương pháp này được gọi là sử dụng kháng sinh dự phòng. Dự phòng chỉ được sử dụng khi có nguy cơ cao bị nhiễm trùng (hệ miễn dịch bị suy yếu).Người bệnh có thể được dùng kháng sinh dự phòng nếu đang  sử dụng những thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch, như điều trị corticoid kéo dài hoặc một số thuốc hóa chất.

Thuốc dự phòng sẽ được ngừng sử dụng khi hệ miễn dịch của người bệnh không còn quá yếu (thường là sau khi ngừng những thuốc làm yếu hệ miễn dịch một khoảng thời gian).Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh theo cách này không dự phòng được tất cả các loại nhiễm trùng. Điều đó có nghĩa là, phòng ngừa nhiễm trùng giống như khi  không được sử dụng dụng kháng sinh dự phòng vẫn rất quan trọng, và hãy nhớ luôn thông báo cho bác sỹ ngay khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng.

Thuốc thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào máu

Yếu tố tăng trưởng là các protein của cơ thể tạo ra để giúp các tế bào máu phát triển. Chúng còn được gọi là yếu tố kích thích hệ tạo máu (CSFs) hoặc là yếu tố tăng trưởng dòng tủy. Nó có vai trò kích thích tủy xương sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Người bệnh có thể được tiêm chế phẩm CSFs nhân tạo. Chúng thường được sử dụng sau hóa trị để giúp dự phòng nhiễm trùng. Bác sỹ có thể cho người bệnh sử dụng CFS nếu hệ miễn dịch của người bệnh yếu và người bệnh đang bị nhiễm trùng nặng mà bệnh nhiễm trùng đó đang có chiều hướng xấu đi mặc dù người bệnh đang được điều trị tích cực.

Những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích tăng sinh bạch cầu hạt có thể gặp một số tác dụng không mong muốn, tuy nhiên nó lại giúp cho họ giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng. Hãy trao đổi với bác sỹ của bạn về những nguy cơ cũng như những lợi ích khi sử dụng thuốc này. Người bệnh cần được biết  có thể gặp những tác dụng không mong muốn nào cũng như cần phải làm gì để hạn chế những tác dụng không mong muốn đó khi sử dụng thuốc kích thích tăng sinh bạch cầu hạt.

Những dấu hiệu nhiễm trùng trên bệnh nhân ung thư

Rất nhiều phương pháp điều trị ung thư và bệnh ung thư có thể làm thay đổi lượng tế bào máu trong cơ thể người bệnh. Khi số lượng bạch cầu thấp có thể làm cho bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Điều này được gọi là giảm bạch cầu đa nhân trung tính hay còn được gọi là hạ bạch cầu.

Số lượng bạch cầu phản ánh khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể người bệnh. Khi lượng bạch cầu trong cơ thể thấp, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng để được điều trị sớm.

Những triệu chứng của nhiễm trùng

  • Sốt (nhiệt độ cơ thể người bệnh cao hơn bình thường). Bác sỹ sẽ nói cho người bệnh biết nhiệt độ cơ thể bao nhiêu thì được coi là sốt. Đôi khi,sốt là dấu hiệu duy nhất của sự nhiễm trùng.
  • Bị đỏ, đau hoặc sưng tấy ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
  • Tiết dịch hoặc chảy mủ từ vết thương hoặc ở những vị trí khác.
  • Ho hoặc khó thở.
  • Xuất hiện đau bụng
  • Gai rét và có thể kèm theo vã mồ hôi.
  • Đái buốt, đái rắt
  • Đau họng
  • Đau hoặc có vết loét hoặc mảng trắng trong miệng

Người bệnh nên làm gì?

  • Kiểm tra nhiệt độ bằng đường miệng (hoặc ở nách nếu người bệnh không thể ngậm được nhiệt kế)
  • Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng một chiếc nhiệt kế hoạt động tốt và hãy đảm bảo người bệnh và người chăm sóc biết cách sử dụng.
  • Hỏi bác sỹ những gì người bệnh phải làm khi bị sốt. Hỏi bác sỹ xem có thể sử dụng thuốc ví dụ như Paracetamol khi bị sốt không.
  • Luôn luôn giữ số điện thoại liên lạc với bác sỹ bên mình. và cần biết rõt khi nào nên gọi và nên gọi vào số nào trong và sau giờ hành chính.
  • Trường hợp cần điều trị cấp cứu, hãy cho nhân viên y tế biết bạn là một bệnh nhân ung thư và hiện tại đang được điều trị ung thư.
  • Chỉ dùng thuốc kháng sinh hoặc những thuốc khác khi được kê đơn.
  • Uống đủ nước,nhưng không nên ép bản thân uống quá
  • Tránh sử dụng những vật sắc nhọn vì có thể làm tổn thương da
  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi đến những nơi công cộng. Hãy sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh nếu  không thể rửa tay với nước và xà phòng.
  • Tránh những nơi đông người và tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm trùng, ho hoặc sốt. Nếu người bệnh phải tiếp xúc với họ, người bệnh nên đeo khẩu trang.
  • Nếu người bệnh ăn những đồ ăn tươi sống, phải rửa cẩn thận và gọt vỏ để tránh các mầm bệnh.
  • Đánh răng hai lần một ngày. Hỏi bác sỹnếu bạn muốn sử dụng chỉ nha khoa.

Người thân và người chăm sóc cần làm gì?

  • Để sẵn một nhiệt kế hoạt động tốt trong tầm với của bệnh nhân và đảm bảo cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều biết cách sử dụng
  • Theo dõi tình trạng gai rét của người bệnh và kiểm tra nhiệt độ của họ sau khi hết rét.
  • Kiểm tra nhiệt độ của người bệnh bằng cách sử dụng nhiệt kế đường miệng hoặc dưới nách( không sử dụng nhiệt kế đường hậu môn)
  • Khuyên những người đang bị tiêu chảy, sốt, ho hoặc cảm cúm không đến thăm trực tiếp người bệnh mà chỉ nên gọi điện thăm hỏi, cho đến khi họ khỏe lại
  • Cho người bệnh uống đủ nước trong ngày.
  • Giúp người bệnh uống thuốc theo đúng chỉ định và thời gian.
  • Luôn giữ liên lạc với bác sỹ điều trị ung thư. Hãy chắc chắn rằng người bệnh biết khi nào nên gọị và gọi vào số nào trong và sau giờ hành chính.
  • Nếu người thân phải đưa người bệnh vào phòng cấp cứu, hãy nói cho nhân viên y tế biết người bệnh đang bị  ung thư và hiện tại đang được điều trị ung thư.

Liên hệ ngay với nhân viên y tế khi bênh nhân người bệnh có các triệu chứng sau

  • Sốt
  • Gai rét
  • Cảm thấy cơ thể có gì đó khác thường.
  • Không thể uống nước.

Tài liệu tham khảo

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/low-blood-counts/infections/preventing-infections-in-people-with-cancer

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích