menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Loét tỳ đè ở người bệnh ung thư

user

Ngày:

23/10/2020

user

Lượt xem:

759

Bài viết thứ 08/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Một người ở nguyên một tư thế trong một thời gian dài (ví dụ: người nằm liệt giường hoặc luôn ngồi trên ghế hoặc xe lăn) sẽ tạo áp lực liên tục lên cùng một điểm của cơ thể. Áp lực sẽ làm giảm lưu lượng máu đến những vị trí này, hậu quả là da ở khu vực đó bắt đầu hoại tử, tạo thành vết thương hở hình miệng hố hoặc vết loét trên da. Những khu vực này có thể trở nên loét nghiêm trọng hơn khi bị cọ xát với khăn trải giường hoặc bệnh nhân bị kéo mạnh trên giường hoặc ghế. Những vị trí phổ biến thường xuất hiện vết loét tỳ đè là hông, mông, gót chân, khuỷu tay, vai, tai và sau đầu.

Ở người bệnh ung thư đặc biệt là giai đoạn muộn, do nằm một chỗ nên dễ bị loét tỳ đè. Bài viết sẽ giúp người bệnh và gia đình, đặc biệt là người chăm sóc nhận biết được vết loét tỳ đề và biết cách phòng và xử trí để giảm bớt đau đớn và khó chịu cho người bệnh.

Nhận biết các dấu hiệu loét tỳ đè

  • Da bị nứt nẻ, phồng rộp, có vảy hoặc bong tróc.
  • Xuất hiện vết loét hở trên bề mặt da hoặc trong mô dưới da.
  • Có những vết ố vàng trên quần áo, ga trải giường hoặc ghế (có thể dính máu).
  • Những vị trí tỳ đè bị đau hoặc mềm (chẳng hạn như ở phía sau đầu, tai, sau vai, khuỷu tay, mông, hông, gót chân, hoặc bất kỳ vị trí nào có phần xương nằm trên một bề mặt).
  • Các điểm bị tỳ đè có màu đỏ trên da không biến mất ngay cả sau khi loại bỏ áp lực (đây có thể là dấu hiệu sớm cho thấy da sắp hoại tử).

 Loét tỳ đè ở người bệnh ung thư

Vết loét ở gót chân

(https://encompasshealthcare.com/conditions-dr-bruce-ruben-treats/bed-sore/)

Người bệnh nên làm gì

  • Cử động, trở mình càng nhiều càng tốt và thay đổi vị trí thường xuyên.
  • Nếu đang nằm trên giường, hãy thay đổi tư thế ít nhất 2 giờ một lần, từ bên trái đến lưng rồi sang bên phải.
  • Nếu bạn dùng xe lăn, hãy chuyển trọng tâm của bạn sau mỗi 15 phút (nhấc/nghiêng người). Sử dụng đệm ghế đặc biệt bằng mút xốp hoặc đệm gel để giảm áp lực.
  • Chọn quần áo không quá chật hoặc quá rộng để tránh quần áo cọ xát hoặc tạo thành khối phía dưới cơ thể.
  • Bảo vệ các “điểm áp lực” khác bằng gối mềm để ngăn ngừa vết loét mới. Nếu có thể, hãy sử dụng một tấm nệm giảm áp lực hoặc một lớp mút xốp (foam) dày 8-10 cm đặt trên nệm giường của bạn.
  • Tập thể dục càng nhiều càng tốt. Cố gắng tập đi bộ ngắn 2 hoặc 3 lần một ngày. Nếu bạn không thể đi, cố gắng nhấc người lên và di chuyển tay chân lên xuống và tới lui.
  • Ăn thực phẩm giàu protein (chẳng hạn như cá, trứng, thịt, sữa, các loại hạt, hoặc bơ đậu phộng).
  • Tăng cường thực phẩm dạng lỏng. (Nếu bạn ăn không ngon miệng, hãy thử các thực phẩm dạng lỏng có hàm lượng calo cao như sữa lắc hoặc thực phẩm bổ sung đóng hộp dạng lỏng). Hãy nhớ hỏi bác sĩ về lượng chất lỏng bạn có thể uống một cách an toàn.
Xem thêm bài: Chọn thức ăn, nấu nướng an toàn cho bệnh nhân ung thư

Người chăm sóc cho người bệnh nên làm gì

  • Khuyến khích người bệnh vận động nhiều nhất có thể.
  • Nhắc nhở người bệnh thường xuyên thay đổi tư thế, hoặc giúp người bệnh trở mình 2 giờ một lần nếu họ ở trên giường.
  • Nếu bệnh nhân không thể kiểm soát việc đại tiện, tiểu tiện, hãy thay quần lót của họ ngay khi thấy bẩn. Sau khi rửa sạch, hãy thoa thuốc mỡ (chẳng hạn như thuốc mỡ A + D) để giữ khô cho vùng da đó. Sử dụng tấm lót phía dưới người bệnh để không làm bẩn giường và dễ dàng dọn dẹp hơn. Không sử dụng đồ lót bằng chất dẻo trừ khi người bệnh phải rời khỏi giường.
  • Luôn che chắn vết loét và vùng xung quanh bằng một miếng đệm hoặc gối.
  • Rửa vết loét hở bằng nước sạch thật cẩn thận và băng lại bằng loại băng mà bác sĩ chấp thuận cho sử dụng. Thay băng mỗi khi băng bị bẩn, hoặc ít nhất hai lần một ngày theo hướng dẫn. Nếu người bệnh được phép dùng thuốc mỡ hoặc kem, hãy sử dụng theo đúng chỉ dẫn. Báo với bác sĩ nếu thấy vết loét ngứa, phồng rộp, có dịch hoặc tăng kích thước.
  • Nếu da có vết loét hở, hãy hỏi bác sĩ loại quần áo đặc biệt cho người bệnh để giúp bảo vệ da.

Nếu người bệnh không thể ra khỏi giường:

  • Nếu bạn thấy “khu vực tỳ đè” bị đỏ ngay cả khi không bị tỳ đè, hãy cố gắng hạn chế tối đa lực tỳ đè lên khu vực đó, tránh cho vết thương nghiêm trọng hơn. Sử dụng gối và thay đổi tư thế cho bệnh nhân thường xuyên.
  • Kiểm tra lưng và hai bên hông của bệnh nhân mỗi ngày xem da những khu vực này có bình thường không. Đặc biệt chú ý đến các vùng thường xuyên bị loét tỳ đè vào như xương cụt, xương hông, đầu gối, mắt cá chân, gót chân, vai và khuỷu tay.
  • Giữ đầu giường bằng với mặt giường hoặc không cao quá 30°.
  • Giữ cho ga trải giường luôn căng và phẳng để tránh các nếp gấp và nhăn.
  • Nếu bệnh nhân gặp khó khăn khi nằm nghiêng, hãy cung cấp cho họ các miếng đệm để giúp giữ tư thế.
  • Trao đổi với bác sĩ để có thể nhờ một điều dưỡng đến nhà, giúp lập kế hoạch chăm sóc và phòng ngừa các vấn đề về da cho người bệnh.
  • Tìm mua những miếng xốp, gel hoặc đệm hơi cho giường và ghế ngồi của người bệnh. Tìm hiểu về những chiếc giường đặc biệt giúp giảm áp lực.

        Loét tỳ đè ở người bệnh ung thư

Một mẫu đệm chống loét đặt trên giường, có chỗ để bô vệ sinh

Liên hệ với bác sĩ điều trị nếu bệnh nhân có các triệu chứng sau

  • “Khu vực bị tỳ đè” bị ửng đỏ, không đỡ sau khi thay đổi vị trí.
  • Da bị nứt nẻ, phồng rộp, có vảy.
  • Vết loét ngày càng lớn hơn.
  • Có dịch đặc hoặc có mùi hôi chảy ra từ vết loét.
  • Cần đến sự hỗ trợ để chăm sóc vết thương.

Tài liệu tham khảo

Treatments and side effects: Skin pressure sores American Cancer Society www.cancer.org

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích