menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ứng phó với những bất ổn về tinh thần khi bị ung thư

user

Ngày:

04/11/2020

user

Lượt xem:

1233

Bài viết thứ 80/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Nội dung chính Ẩn

Tổng quan chung

Người bệnh ung thư và gia đình rất coi trọng lời khuyên cũng như vai trò chăm sóc của các nhân viên y tế trong quá trình điều trị ung thư, nhưng cũng mong muốn có thể chủ động đối mặt và quản lý được tình trạng sức khỏe mình.

Đối với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, người bệnh và gia đình thường không nghĩ ngay tới việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn mà cố gắng chịu đựng hoặc tự tìm cách ứng phó. Chẩn đoán ung thư, quá trình điều trị kéo dài, sự đau đớn về thể chất, đảo lộn cuộc sống có thể gây ra những ảnh hưởng tới tinh thần của người bệnh và gia đình họ ở nhiều mức độ, gây nên sự bất ổn, sa sút thậm chí là suy sụp tinh thần, là những điều không phải ai cũng có khả năng tự đối mặt và xử lý được.

Vì vậy khi người bệnh ung thư và người thân gặp khó khăn, bất ổn về tinh thần thì không nên ngần ngại, hãy trao đổi với bác sỹ điều trị ung thư để tìm ra giải pháp tốt nhất và có sự giúp đỡ về chuyên môn càng sớm càng tốt.

Dưới đây là một số lời khuyên về những việc nên và không nên làm, nhằm giúp người bệnh và người thân của họ ứng phó với những triệu chứng bất ổn tinh thần do ung thư.

Nên làm

Làm theo cách bạn đã từng làm để vượt qua khó khăn và khủng hoảng trong quá khứ

Mỗi người đều có những người đặc biệt thân thiết và tin cậy để tìm đến trong những thời khắc khó khăn. Khi cần chia sẻ tâm sự về bệnh tình của mình, hãy tìm những người tạo cho bạn cảm giác yên tâm và thoải mái nhất khi nói chuyện. Nếu bạn không muốn nói ra hoặc chia sẻ với người khác, hãy làm những điều giúp bạn cảm thấy tĩnh tâm hơn ví dụ như thư giãn, thiền, nghe nhạc. Làm bất cứ cách nào mà bạn thấy từng có hiệu quả để vượt qua khó khăn khủng hoảng trong quá khứ, nhưng nếu những cách đó lần này bạn thấy không có tác dụng thì hãy tìm cách khác hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn.

Bớt nghĩ về hai chữ “ung thư”, sống cho thực tại

Cố gắng bớt suy nghĩ về tương lai. Gánh nặng tâm lý mà bệnh ung thư mang lại sẽ vơi nhẹ bớt nếu bạn tập trung vào hiện tại, để tâm vào những việc bạn cần và muốn làm mỗi ngày. Điều này cũng sẽ giúp bạn tận dụng thời gian một cách hữu ích và hiệu quả nhất cho bản thân.

Tham gia các nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư nếu hoạt động của nhóm giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Nhóm Hỗ trợ Bệnh nhân ung thư - Y Học Cộng Đồng

Nhưng nếu khi tham gia bạn cảm thấy tâm trạng tệ hơn thì hãy rời khỏi nhóm.

Tìm một bác sỹ điều trị ung thư sẵn sàng nói chuyện và trả lời tất cả các câu hỏi của bạn

Hãy chắc chắn rằng quan hệ giữa bạn và bác sỹ điều trị có sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Đừng ngần ngại khi hỏi bác sỹ về những vấn đề bạn quan tâm, trong đó hỏi về những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình điều trị và cách khắc phục là điều rất quan trọng. Việc tìm hiểu kỹ và có sự chuẩn bị trước sẽ giúp bạn là người chủ động và dễ dàng hơn khi xử lý những tác dụng không mong muốn (nếu có).

Tìm hiểu về đức tin và các hoạt động tôn giáo và tâm linh

Nếu bạn không nghĩ bản thân là một người tin vào tôn giáo và tâm linh thì có thể tìm sự hỗ trợ tinh thần từ hệ tư tưởng nào mà bạn thực sự thấy tin cậy. Đức tin là chỗ dựa tinh thần quan trọng và có thể giúp bạn tìm ra ý nghĩa trong trải nghiệm về bệnh ung thư của bạn.

Giữ lại những thông tin liên quan tới bệnh của bạn

Bạn nên chủ động lưu giữ lại một cách cẩn thận tất cả các thông tin liên quan tới bệnh cũng như việc điều trị của bạn như: cách thức phẫu thuật (nếu có), kết quả giải phẫu bệnh, kết quả xét nghiệm (chụp cắt lớp vi tính, nội soi, …), giấy ra viện, số điện thoại của bác sỹ, giấy hẹn ngày khám/điều trị… v.v. Đây là những thông tin rất quan trọng không những giúp cho việc điều trị ở các cơ sở y tế khác nhau mà còn phục vụ cho việc quản lý, theo dõi định kỳ của bạn sau khi ra viện.

Viết nhật ký nếu cần nơi giãi bày cảm nghĩ mà không cần e ngại

Bạn có thể sẽ thấy rất ngạc nhiên về sự hữu dụng của viết nhật ký trong hành trình điều trị ung thư của bạn.

Không nên làm

Tin vào một một quan điểm cũ kỹ là: “Bị ung thư đồng nghĩa với chết”

Trên thế giới có rất nhiều người mang bệnh ung thư vẫn đang sống, tại Mỹ con số này là 16 triệu.

Tự oán trách bản thân về việc bị ung thư

Không có bằng chứng khoa học nào về mối liên hệ giữa tính cách, tâm trạng, hoặc những sự kiện đau buồn trong cuộc đời với việc phát bệnh ung thư. Thậm chí nếu trong quá khứ bạn đã từng có thói quen không lành mạnh làm tăng nguy cơ ung thư như uống rượu hay hút thuốc, thì việc tự oán trách dằn vặt bản thân cũng không mang lại lợi ích gì cho hiện tại.

Cảm thấy có lỗi vì không thể luôn giữ được thái độ tích cực

Ai cũng sẽ có lúc tinh thần bị sa sút, có tâm trạng tiêu cực. Không có bằng chứng nào về việc tâm trạng không tốt sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn hay làm bệnh ung thư phát triển. Nhưng nếu trạng thái này xuất hiện một cách thường xuyên và nghiêm trọng thì bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ.

Chịu đựng trong im lặng

Đừng nên sống trong thế giới chỉ có bạn và bệnh ung thư của bạn. Hãy tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, với bác sỹ và đội ngũ chăm sóc và những người trong các nhóm hỗ trợ, họ là những người có thể hiểu được bạn đang phải trải qua những gì. Bạn sẽ đối phó với bệnh tật tốt hơn, chăm sóc bản thân tốt hơn khi bên bạn là những người yêu thương, quan tâm và có thể hỗ trợ, động viên, giúp đỡ bạn.

Cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ với việc tìm kiếm trợ giúp từ chuyên gia sức khỏe tâm thần

Khi bị rối loạn lo âu hay trầm cảm làm ảnh hưởng đến ăn ngủ và khả năng tập trung, làm các công việc thường ngày, hoặc khi sự sa sút tinh thần trở nên nghiêm trọng.

Không cho người thân gần gũi nhất biết về sự lo lắng cũng như các dấu hiệu bất thường về tâm lý và thể chất.

Hãy đề nghị người đó đi cùng bạn đến gặp bác sỹ và cùng nói chuyện về việc điều trị. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi đang quá lo lắng mọi người sẽ rất khó tiếp nhận thông tin. Người thân đi cùng sẽ giúp bạn ghi chép lại và nhớ các thông tin của buổi nói chuyện với bác sỹ. Họ cũng sẽ nhắc bạn cần nói với bác sỹ về những lo lắng và thay đổi về sức khỏe của bạn. Hơn nữa, bạn có thể cần họ giúp đưa đón bạn từ bệnh viện về nhà sau khi xét nghiệm, kiểm tra hay điều trị.

Từ bỏ việc điều trị tại bệnh viện và lựa chọn một phương pháp điều trị không chính thống để thay thế.

Nếu bạn muốn sử dụng một phương cách điều trị không do bác sỹ ung thư của bạn đề xuất, hãy chắc chắn rằng bạn biết rõ phương pháp này không gây hại cho bạn. Tìm hiểu xem có thể sử dụng phương pháp điều trị này cùng lúc với điều trị tại bệnh viện để cải thiện chất lượng cuộc sống không. Cần báo cho bác sỹ điều trị ung thư biết nếu bạn định dùng thêm các phương pháp điều trị khác ngoài điều trị y khoa tại bệnh viện, vì có một số phương pháp điều trị thêm này không nên được sử dụng khi bạn đang điều trị bằng hóa chất hoặc xạ trị. Hãy thảo luận về mọi mặt lợi hại của những phương pháp điều trị này với người bạn tin tưởng rằng có khả năng nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan hơn bạn (vì bạn đang trong tình trạng lo âu căng thẳng do bệnh tật). Các biện pháp tiếp cận tâm lý, tinh thần và xã hội thường an toàn và có lợi cho người bệnh và được các bác sỹ ung thư khuyến khích người bệnh sử dụng.

Các cách khác giúp quản lý tình trạng bất ổn tinh thần

Tham gia các nhóm hỗ trợ và tư vấn

Tham gia một nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư có thể giúp bạn giải tỏa tinh thần, giảm bớt tình trạng căng thẳng lo âu thông qua việc hỗ trợ và giáo dục người bệnh và gia đình của họ và tìm các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng. Nếu bạn không tìm được nhóm hỗ trợ nào bạn cảm thấy thật sự hữu ích cho bạn và gia đình, bạn có thể tìm giải pháp khác, ví dụ các nhóm tư vấn và chuyên gia tư vấn cho người bệnh ung thư. Các nhóm hỗ trợ và tư vấn có thể giúp đỡ bạn trong những vấn đề sau:

  • Điều chỉnh bản thân để thích nghi với hoàn cảnh bệnh tật
  • Các vấn đề gia đình
  • Các khó khăn khi cần đưa ra quyết định điều trị
  • Những lo ngại về chất lượng cuộc sống
  • Điều chỉnh bản thân khi có thay đổi trong điều trị
  • Đưa ra quyết định cho việc chăm sóc y tế trong tương lai đối với ung thư giai đoạn muộn
  • Khi người bệnh bị bỏ mặc hoặc ngược đãi tại gia đình
  • Có khó khăn về giao tiếp.
  • Có những thay đổi trong cách cảm nhận về cơ thể và nhu cầu tình dục
  • Quá đau buồn
  • Các vấn đề liên quan đến giai đoạn cuối đời
  • Các lo ngại về khía cạnh văn hóa
  • Các vấn đề về người chăm sóc hoặc nhu cầu chuẩn bị cho việc chăm sóc người bệnh

Liệu pháp thư giãn, thiền định và các hoạt động sáng tạo

Những hoạt động và liệu pháp giúp người bệnh thư giãn thường sẽ giúp người bệnh giảm nhẹ trạng thái bất ổn về tinh thần. Những hoạt động và liệu pháp này có thể bao gồm: yoga, chánh niệm, thiền định, massage, liệu pháp tưởng tượng có định hướng. Các hoạt sáng tạo như vẽ, âm nhạc, khiêu vũ, múa cũng giúp giải tỏa sự căng thẳng.

Hỗ trợ về tâm linh

Gặp phải khủng hoảng tinh thần khi biết mình mắc ung thư, nhiều người đã tìm đến sự trợ giúp từ những hoạt động tâm linh và tôn giáo để có một điểm tựa về tinh thần. Ngày nay ở các nước phát triển, đã có những mục sư, tăng lữ được đào tạo để chuyên hỗ trợ người bệnh ung thư, không những trong thời gian khủng hoảng ban đầu mà còn xuyên suốt trong quá trình điều trị.

Tập thể dục

Tập thể dục không chỉ an toàn với phần lớn người bệnh đang điều trị ung thư mà còn giúp họ cải thiện sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Tập thể dục ở mức độ vừa phải được chứng minh là giúp giảm bớt mệt mỏi, lo âu, tăng cường sức mạnh của cơ và cải thiện tình trạng tim mạch. Ngay cả tập ở mức độ nhẹ cũng giúp người bệnh duy trì sức khỏe ở mức có thể. Ví dụ, đi bộ là cách tốt để bắt đầu việc luyện tập và cũng là cách tốt để giải tỏa căng thẳng. Trước khi bắt đầu tập thể dục bạn cần trao đổi với bác sỹ điều trị ung thư về kế hoạch luyện tập, bạn cũng có thể cần sự giúp đỡ của bác sỹ phục hồi chức năng để có một kế hoạch luyện tập an toàn và có tác dụng với bản thân.

Điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Bác sỹ chuyên khoa tâm thần có khả năng đánh giá và điều trị những bất ổn tinh thần ở mức độ từ trung bình đến nặng. Những trường hợp này thường gặp ở những người đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần trước khi phát hiện bị ung thư. Các vấn đề về tâm thần thường trở nên trầm trọng hơn sau khi mắc ung thư bao gồm:

  • Trầm cảm nặng
  • Chứng sa sút trí tuệ
  • Rối loạn lo âu
  • Cơn hoảng loạn
  • Rối loạn cảm xúc
  • Rối loạn nhân cách
  • Rối loạn điều chỉnh
  • Lạm dụng chất gây nghiện

Các bác sỹ chuyên khoa tâm thần sẽ sử dụng các biện pháp tư vấn điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi người bệnh.

Dùng thuốc

Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể cần kê đơn để người bệnh dùng thuốc làm giảm tình trạng bất ổn tinh thần liên quan đến ung thư hoặc thuốc dùng trong điều trị ung thư, hoặc khi người bệnh có các triệu chứng nặng về tinh thần.

Bạn cần trao đổi và hợp tác với bác sỹ điều trị ung thư và bác sỹ tâm thần để họ biết tình trạng của bạn và đánh giá xem có cần thiết dùng thuốc điều trị các triệu chứng về tinh thần không. Trong một số trường hợp các thuốc chống trầm cảm hoặc lo âu có thể sẽ cần dùng để giảm các bất ổn về tâm thần và khắc phục chứng mất ngủ và kém ăn.

Tài liệu tham khảo

Managing distress

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích