menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Trầm cảm khi mang thai

user

Ngày:

07/04/2019

user

Lượt xem:

591

Bài viết thứ 19/38 thuộc chủ đề “Các vấn đề khác trong thai kỳ”

Biên dịch: Nguyễn Văn Anh, Trần Thị Mỹ Hạnh

Hiệu đính: BS. Hoàng Bảo Nhân 

“Trẻ em có mẹ bị trầm cảm khi mang thai có nhiều khả năng bị chậm phát triển”, theo tờ The Daily Mail đưa tin. Bài báo viết về một nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ chậm phát triển tâm thần – vận động ở những trẻ có mẹ bị trầm cảm trong khi mang thai có thể lên đến 34%, và nguy cơ này có thể lên đến 50% nếu bà mẹ cũng mắc trầm cảm sau sinh.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra sự liên quan giữa trầm cảm sau sinh với quá trình phát triển của trẻ, còn mục tiêu của nghiên cứu này là tìm xem liệu có sự liên quan giữa trầm cảm trong khi mang thai và quá trình phát triển của trẻ hay không. Mặc dù những phát hiện chỉ ra mối liên quan giữa trầm cảm và sự chậm phát triển của trẻ là rất phức tạp. Nghiên cứu này không thể đưa ra kết luận rằng trầm cảm bất kì thời điểm nào cũng là nguyên nhân gây chậm phát triển bởi vì chậm phát triển của trẻ có rất nhiều nguyên nhân khác như y tế, di truyền và xã hội/môi trường. Những trẻ trong nghiên cứu này cũng chỉ được thăm khám một lần khi đủ 18 tháng tuổi, và tình trạng chậm phát triển ở độ tuổi này cũng không thể phản ánh sự phát triển của trẻ trong tương lai.

Các bà mẹ bị trầm cảm trong thai kì hoặc sau sinh không nên lo lắng quá rằng bệnh lý của họ có thể gây ra tình trạng chậm phát triển của con sau này. Nghiên cứu này nhấn mạnh tần suất trầm cảm khi mang thai và việc làm mẹ sớm; nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết cho những người chăm sóc sức khỏe phải cảnh giác với các dấu hiệu trầm cảm, và để đảm bảo rằng các bà mẹ và em bé của họ nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết.

Vậy những kết luận trên đến từ đâu?

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Tiến sĩ T Deave từ Trung tâm Sức khỏe Trẻ em và Vị thành niên – Đại học West of England, các đồng nghiệp của Khoa Y học Xã hội – Đơn vị Tâm thần Học đường, và Trung tâm Sức khỏe Trẻ em và Thiếu niên – Đại học Bristol. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Hội đồng nghiên cứu y khoa Vương quốc Anh, Wellcome Trust và Đại học Bristol, trưởng nhóm nghiên cứu đã nhận được một suất học bổng nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Anh từ trường Đại Học West of England. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí British Journal of Obstetrics and Gynaecology.

Nghiên cứu này được thiết kế như thế nào?

Trong nghiên cứu đoàn hệ tương lai này, mục đích nghiên cứu nhằm kiểm tra mối liên quan giữa trầm cảm của mẹ khi mang thai với sự phát triển của trẻ lúc 18 tháng tuổi.

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu theo dõi dọc của cha mẹ và trẻ em Avon (ALSPAC) theo dõi một mẫu lớn ở vùng Avon, phía Tây nước Anh. Nghiên cứu đó đã theo dõi các bà mẹ trong thai kì và sau khi sinh cũng như là con của họ.

Nghiên cứu đã chọn tất cả phụ nữ mang thai trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 1991 đến tháng 12 năm 1992 – tổng cộng có 14.062 em bé. Thông tin kinh tế xã hội, các thông tin về gia đình và các dữ liệu khác (không được nêu cụ thể trong báo cáo này) được thu thập ở tuần 18 và 32 của thai kỳ.

Những người phụ nữ đã điền câu trả lời vào bảng 10 câu hỏi (Thang đo trầm cảm sau sinh theo Edinburgh – EPDS) vào tuần thứ 18 và 32 của thai kì. Bảng câu hỏi này thường được dùng để đánh giá trầm cảm sau sinh bằng cách những người phụ nữ đánh giá cảm xúc của họ trong bảy ngày qua, rồi cho tổng điểm trong khoảng 0 đến 30. Điểm số càng cao theo EPDS thể hiện các triệu chứng càng nặng. Những người phụ nữ hoàn thành bảng câu hỏi một lần nữa vào tuần thứ 8 và tháng thứ 8 sau sinh. Chỉ những sản phụ mang đơn thai được chọn vào nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu đã chia những người phụ nữ trong nghiên cứu thành 3 nhóm trầm cảm trước sinh: những người có tổng điểm thấp hơn ngưỡng trầm cảm của EPDS, những người có điểm số lớn hơn hoặc bằng ngưỡng một lần (vào tuần thứ 18 hoặc 32 của thai kì), và những người với điểm số lớn hơn hoặc bằng ngưỡng trầm cảm hai lần trong thai kỳ. Ba ngưỡng khác nhau đã được dùng để phân tích dữ liệu: 9 hoặc 10 điểm, 12 hoặc 13 (ngưỡng tiêu chuẩn) và 14 hoặc 15 điểm. Các nhà nghiên cứu nói rằng họ đã sử dụng các ngưỡng khác nhau để phản ánh sự liên tục của dữ liệu.

Sự chậm phát triển ở trẻ được đánh giá bằng cách sử dụng một phiên bản sửa đổi của Thử nghiệm sàng lọc phát triển Denver (DDST), cái mà cha mẹ chúng đã hoàn thành. DDST là một bảng câu hỏi sàng lọc, nó xác định các vấn đề về nhận thức và hành vi ở trẻ mẫu giáo. Bài kiểm tra xem xét sự phát triển của trẻ so với tuổi của chúng. Trẻ làm càng không được nhiều mục thì càng tăng nguy cơ bị chậm phát triển. Những đứa trẻ được xem là chậm phát triển nếu chúng không hoàn thành nhiều hơn một  mục trong bảng câu hỏi.

Các kiểm định thống kê được sử dụng để tìm mối quan hệ giữa trầm cảm, chậm phát triển và các yếu tố khác, bao gồm trầm cảm mẹ, trầm cảm trước khi mang thai, trầm cảm và lo âu của bố, giới tính, dân tộc, nhân khẩu học và các sự kiện cuộc sống trong năm trước đó.

Các kết quả nghiên cứu như thế nào?

Các nghiên cứu được thực hiện trên 11.098 thai phụ có hồ sơ tiền sản đầy đủ, trong đó 44% mang thai con so. Những thai phụ không có dữ liệu đầy đủ sẽ bị loại trừ. Phần lớn mẫu nghiên cứu là các thai phụ độc thân, có chồng hoặc bạn trai thất nghiệp và thai phụ có trình độ học vấn hoặc năng lực thấp. Trong số những thai phụ có dữ liệu tiền sản hoàn chỉnh, 9.244 trường hợp có dữ liệu đầy đủ về quá trình phát triển của trẻ trong 18 tháng sau sinh.

Sử dụng ngưỡng tiêu chuẩn 12/13 của thang điểm EPDS, 14% thai phụ bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai (tại cả hai thời điểm 18 và 32 tuần) nhưng không trầm cảm sau sinh. Chỉ có 1,4% thai phụ trầm cảm cả trong thai kỳ và sau khi sinh và 4,8% chỉ trầm cảm sau sinh. 9% trẻ chậm phát triển ở 18 tháng tuổi.

Khi sử dụng ngưỡng thấp hơn để xác định trầm cảm trước sinh (ngưỡng 9/10), thai phụ trầm cảm ở cả hai thời điểm (18 và 32 tuần thai kỳ) có nguy cơ sinh con chậm phát triển cao hơn đáng kể so với người bình thường (tăng 34%), sau khi đã tính đến các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn khác. Các yếu tố đó bao gồm: tuổi mẹ, hút thuốc trong 12 tuần đầu thai kỳ, các sự kiện trong cuộc sống trong vòng 8 tháng. Sử dụng ngưỡng tiêu chuẩn 12/13, sự gia tăng nguy cơ vẫn còn đáng kể với 50%. Tuy nhiên, khi sử dụng ngưỡng 14/15 thì các kết quả này không có ý nghĩa. Không có mối liên quan giữa trầm cảm trước sinh chỉ tại một thời điểm (sử dụng 1 trong 3 ngưỡng) và sự chậm phát triển ở trẻ.

Khi trầm cảm sau sinh ở phụ nữ được xem xét kỹ lưỡng, sự gia tăng nguy cơ chậm phát triển ở trẻ sẽ giảm nếu mẹ bị trầm cảm trước sinh vào cả 2 thời điểm 18 và 32 tuần. Khi ngưỡng 10/11 hoặc 12/13 được sử dụng, kết quả là có ý nghĩa. Kết quả không có ý nghĩa khi sử dụng ngưỡng 14/15 và đối với những phụ nữ bị trầm cảm trước khi sinh chỉ trong một thời điểm.

Các nhà nghiên cứu đã rút ra được kết luận gì từ những kết quả này?

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những phát hiện của họ nhấn mạnh tầm quan trọng của trầm cảm khi mang thai. Họ kết luận rằng một số ảnh hưởng đối với sự phát triển trong thời thơ ấu của trẻ mà trước đây được cho là do trầm cảm sau sinh có thể một phần là do trầm cảm khi mang thai.

Trung tâm dịch vụ sức khỏe NHS rút ra được điều gì từ nghiên cứu này?

Nghiên cứu này nhấn mạnh sự phổ biến của trầm cảm khi mang thai. Nghiên cứu này cũng làm tăng mối liên kết của trầm cảm trong khi mang thai và chậm phát triển của trẻ sau 18 tháng tuổi. Một vài điểm cần xem xét khi diễn giải nghiên cứu này là:

  • Không thể kết luận rằng trầm cảm trước sinh hay sau sinh là nguyên nhân gây chậm phát triển ở trẻ. Nghiên cứu cũng chỉ ra có mối quan hệ phức tạp giữa trầm cảm và sự chậm phát triển của trẻ, mối liên hệ quan trọng này dễ thay đổi nếu trong khi mang thai hoặc sau khi sinh có nhiều hơn một thời điểm trầm cảm được báo cáo.
  • Chậm phát triển có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có thể là do y tế, di truyền hoặc xã hội/môi trường. Mặc dù nhiều nguyên nhân trong số này đã được nhóm tác giả xem xét, nhưng không phải tất cả đều được đưa vào mô hình tính toán, chẳng hạn như bệnh tật hoặc sự tác động giữa mẹ và con. Cách các yếu tố đó được thăm khám và xem xét cũng chưa rõ ràng, ví dụ: những sự kiện xảy ra với mẹ lúc thai 8 tháng.
  • Xem xét sự trầm cảm của mẹ chỉ vào 2 thời điểm trước và sau sinh có thể không thể hiện được sức khỏe tâm thần của mẹ trong toàn bộ thai kỳ. Cũng không rõ liệu tâm trạng kém tại thời điểm nào có thể có tác động tới sự phát triển của trẻ.

Trẻ chỉ được kiểm tra vào lúc 18 tháng và sự phát triển chậm rõ ràng vào giai đoạn này sẽ không tương quan với bất kỳ vấn đề nào lúc trẻ lớn và lúc vị thành niên khi chúng có thể bắt kịp với đứa trẻ khác.

Nhóm nghiên cứu đã công nhận rằng tâm trạng không tốt ở người mẹ có thể ảnh hưởng đến sự hoàn thiện bộ câu hỏi phát triển của trẻ và làm sai lệch xu hướng đánh giá trẻ của họ trên DDST.

Tổng số phụ nữ bị trầm cảm ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ ở nghiên cứu này thấp, có lẽ vì thế mà khả năng phát hiện mối tương quan có ý nghĩa giữa trầm cảm và chậm phát triển của trẻ không cao so với một nghiên cứu với số lượng mẫu lớn hơn.

Số trẻ trong mẫu nghiên cứu có 98% là người Anh da trắng, do đó có thể hạn chế kết quả nghiên cứu trên những nhóm sắc tộc hoặc văn hóa khác.

Trầm cảm trong thời kì mang thai và sau sinh thường xảy ra đột ngột, không thể tránh khỏi và gây ra lo âu cho cả bà mẹ và gia đình. Những sản phụ này không nên quá lo lắng đến khả năng chậm phát triển của con mình.

Có lẽ điều quan trọng nhất là nghiên cứu này đã làm nổi bật được tính phổ biến của trầm cảm trong suốt giai đoạn chuẩn bị làm mẹ. Những nhà chăm sóc sức khỏe cần cảnh báo về các dấu hiệu của trầm cảm để đảm bảo rằng những người mẹ và con của họ sẽ nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ đầy đủ.

Tài liệu tham khảo

https://www.nhs.uk/news/pregnancy-and-child/depression-during-pregnancy/

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích