menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tiền sản giật và Cao huyết áp thai kỳ

user

Ngày:

04/03/2020

user

Lượt xem:

795

Bài viết thứ 12/39 thuộc chủ đề “Các vấn đề khác trong thai kỳ”

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch máu mỗi khi tim co bóp (ép) để bơm máu qua cơ thể bạn (xem FAQ123 Điều trị Huyết áp cao). Huyết áp cao cũng được gọi là tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Khi mang thai, tăng huyết áp nặng hoặc tăng huyết áp không kiểm soát được có thể gây ra các biến chứng cho mẹ và thai nhi .

Tăng huyết áp mãn tính là gì?

Tăng huyết áp mãn tính là huyết áp cao xuất hiện trước khi bạn mang thai hoặc xảy ra trong nửa đầu thai kì (trước 20 tuần).

Các ghi nhận về huyết áp như sau:

  • Bình thường: Dưới 120/80 mmHg
  • Bình thường cao: Huyết áp tâm thu 120-129 và tâm trương dưới 80 mmHg
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 130-139 hoặc huyết áp tâm trương 80-89 mmHg
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu ≥140 hoặc tâm trương ≥90 mm Hg

Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Tăng huyết áp thai kỳ là huyết áp cao xuất hiện lần đầu tiên trong nửa sau thai kỳ (sau 20 tuần). Mặc dù tăng huyết áp thai kỳ thường biến mất sau khi sinh con, nhưng nó cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp trong tương lai.

Những yếu tố gây tăng huyết áp trong khi mang thai?

Huyết áp cao khi mang thai có thể gây tăng áp lực cho tim và thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh thận và đột quỵ. Các biến chứng khác bao gồm:

  • Thai chậm phát triển: Huyết áp cao có thể làm giảm dòng chảy chất dinh dưỡng đến em bé qua nhau thai . Kết quả là em bé có vấn đề về tăng trưởng.
  • Tiền sản giật : Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ bị huyết áp cao mãn tính hơn so với phụ nữ có huyết áp bình thường.
  • Chuyển dạ sinh non: Nếu nhau thai không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho em bé, quyết định chuyển dạ sớm sẽ tốt cho thai nhi hơn là kéo dài thai kỳ.
  • Nhau bong non – Nhau thai sớm tách ra khỏi thành tử cung, là một cấp cứu sản khoa cần điều trị ngay lập tức.
  • Mổ lấy thai: Những người bị tăng huyết áp khả năng mổ lấy thai cao hơn so với những phụ nữ có huyết áp bình thường. Sinh mổ mang nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan nội tạng và chảy máu.

Kiểm soát tăng huyết áp mãn tính trong thai kỳ như thế nào?

Huyết áp của bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Bạn có thể cần theo dõi huyết áp tại nhà. Có thể kiểm tra siêu âm trong suốt thai kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu nghi ngờ vấn đề tăng trưởng, bạn có thể có các xét nghiệm bổ sung theo dõi sức khỏe của thai nhi. Các xét nghiệm này thường bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Nếu tăng huyết áp nhẹ, huyết áp của bạn có thể giữ nguyên hoặc thậm chí trở lại bình thường trong khi mang thai, và có thể dừng điều trị hoặc giảm liều. Nếu tăng huyết áp nặng hoặc có vấn đề về sức khỏe liên quan đến tăng huyết áp, bạn có
thể cần phải bắt đầu hoặc tiếp tục dùng thuốc huyết áp trong suốt thai kỳ.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một rối loạn huyết áp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể sản phụ. Sản phụ bị tiền sản giật khi có huyết áp cao và các dấu hiệu khác cho thấy hệ thống cơ quan không hoạt động bình thường. Một trong những dấu hiệu này là protein niệu (một lượng protein bất thường trong nước tiểu). Sản phụ tiền sản giật có tình trạng xấu đi sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng khác được gọi là các “dấu hiệu đe dọa” . Những dấu hiệu này là giảm lượng tiểu cầu trong máu, chức năng gan hoặc thận bất thường, đau thượng vị, thay đổi thị lực, có dịch trong phổi, hoặc đau đầu dữ dội. Huyết áp rất cao cũng được coi là một dấu hiệu đe dọa.

Tiền sản giật xảy ra khi nào?

Nó thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ, thường là trong ba tháng của quý 3. Khi xảy ra trước 32 tuần, nó được gọi là tiền sản giật khởi phát sớm. Nó cũng có thể xảy ra sau sinh.

Nguyên nhân gây ra tiền sản giật?

Không rõ nguyên nhân gây tiền sản giật ở sản phụ, nhưng yếu tố nguy cơ gây tăng tiền sản giật ở những phụ nữ

  • Mang thai lần đầu
  • Đã bị tiền sản giật ở lần mang thai trước hoặc có tiền sử gia đình bị tiền sản giật
  • Có tiền sử tăng huyết áp mãn tính, bệnh thận hoặc cả hai
  • Từ 40 tuổi trở lên
  • Đa thai
  • Có một số bệnh như đái tháo đường, huyết khối tĩnh mạch hoặc lupus
  • Béo phì
  • Thụ tinh ống nghiệm

Những rủi ro cho con nếu tiền sản giật xảy ra là gì?

Nếu tiền sản giật xảy ra trong thai kỳ, thai nhi có thể cần được sinh ngay, kể cả khi bé chưa trưởng thành. Trẻ sinh non có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng sinh non kéo dài suốt đời và cần được điều trị thường xuyên. Em bé sinh ra rất sớm cũng có thể chết.

Những rủi ro cho mẹ nếu tiền sản giật xảy ra là gì?

Những sản phụ bị tiền sản giật, đặc biệt là những người sinh con non tháng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh thận, bao gồm đau tim, đột quỵ và huyết áp cao. Bị tiền sản giật một lần làm tăng nguy cơ tái phát trong lần mang thai sau. Tiền sản giật cũng có thể dẫn đến co giật, một tình trạng gọi là sản giật . Nó cũng có thể dẫn đến hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là gì?

HELLP được hiểu gồm tan máu, tăng men gangiảm số lượng tiểu cầu. Trong trường hợp này, các tế bào hồng cầu bị tổn thương hoặc phá hủy, rối loạn đông máu và gan có thể bị xuất huyết trong, gây đau ở ngực hoặc bụng. Hội chứng HELLP là một cấp cứu y khoa. Hội chứng HELLP có thể khiến sản phụ tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời.

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật?

  • Phù mặt hoặc tay.
  • Đau đầu không khỏi.
  • Hoa mắt hoặc thay đổi thị lực.
  • Đau vùng bụng trên hoặc vai.
  • Buồn nôn và nôn (xảy ra ở nửa sau của thai kì).
  • Tăng cân đột ngột.
  • Khó thở.

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ mức độ nhẹ hoặc tiền sản giật không có dấu hiệu nặng như thế nào?

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ nhẹ hoặc tiền sản giật mà không có dấu hiệu nặng có thể thực hiện ở bệnh viện hoặc ngoại trú (bạn có thể ở nhà với sự theo dõi chặt chẽ của chuyên gia chăm sóc sức khỏe ). Bạn có thể được yêu cầu theo dõi các chuyển động của bé bằng cách đếm số lần đá hàng ngày và đo huyết áp tại nhà. Bạn sẽ phải gặp chuyên gia sức khỏe ít nhất là hàng tuần và đôi khi là hai lần mỗi tuần. Khi đạt đến 37 tuần thai, bạn có thể được gợi ý sinh con. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy em bé không được khỏe, bạn có thể cần sinh con sớm hơn.

Điều trị tiền sản giật với dấu hiệu nặng như thế nào?

Tiền sản giật với các dấu hiệu nặng thường được điều trị tại bệnh viện. Nếu bạn có thai ít nhất 34 tuần, bạn nên sinh con ngay khi tình trạng ổn định. Nếu bạn mang thai dưới 34 tuần và trong tình trạng ổn định, thì nên chờ một thời gian nữa rồi sinh. Corticosteroids có thể được cung cấp để hỗ trợ sự trưởng thành phổi của thai nhi và khả năng cao bạn sẽ được dùng thuốc để hạ huyết áp và ngăn ngừa cơn co giật. Nếu tình trạng của thai nhi xấu đi, cần nhanh chóng thực hiện việc chuyển dạ.

Các bước có thể thực hiện để dự phòng tiền sản giật?

Phòng ngừa tiền sản giật bao gồm việc xác định liệu bạn có các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật và thực hiện các bước để giải quyết các yếu tố này. Nếu bạn đang bị tăng huyết áp và có kế hoạch mang thai, hãy gặp chuyên gia sức khỏe để kiểm tra trước khi mang thai nhằm tìm hiểu xem tình trạng tăng huyết áp của bạn có được kiểm soát và có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn hay không. Nếu bạn thừa cân, nên giảm cân trước khi mang thai. Nếu bạn có một vấn đề sức khỏe như đái tháo đường, nên kiểm soát tốt tình trạng của mình trước khi mang thai.

Chú giải:
Bệnh tim mạch: Bệnh của tim và mạch máu.

Sinh mổ: Việc lấy thai thông qua các vết mổ thực hiện trên bụng mẹ và tử cung.

Tăng huyết áp mãn tính: Tăng huyết áp được chẩn đoán trước lần mang thai này.

Corticosteroids: Hormones được sử dụng để hỗ trợ sự trưởng thành phổi của thai nhi, điều trị viêm khớp hoặc các bệnh khác.

Đái tháo đường: Tình trạng lượng đường trong máu quá cao.

Sản giật: Các cơn co giật xảy ra trong thai kỳ liên quan đến tăng huyết áp.

Thai chậm phát triển: Tình trạng thai nhi có cân nặng ước tính thấp hơn 9 trên 10 thai nhi khác ở cùng tuổi thai.

Tăng huyết áp thai kỳ: Tăng huyết áp mới khởi phát xảy ra sau 20 tuần mang thai.

Hội chứng HELLP: Một loại tiền sản giật nặng, HELLP là viết tắt của tan máu (hemolysis), men gan cao (elevated liver enzymes) và giảm số lượng tiểu cầu (low plateled count).

Tan máu: Sự phá hủy hồng cầu.

Tăng huyết áp: Huyết áp cao hơn trị số ngưỡng bình thường.

Thụ tinh trong ống nghiệm: Một phương pháp lấy trứng ra khỏi buồng trứng của người phụ nữ, thụ tinh trong phòng thí nghiệm với tinh trùng của người đàn ông, sau đó phôi được đưa vào tử cung nữ để tiếp tục nuôi dưỡng.

Thai máy: ghi nhận số lần thai nhi chuyển động trong một khoảng thời gian ở giai đoạn thai muộn.

Men gan: Các chất được tạo ra bởi tế bào gan, tăng men gan báo hiệu có tổn thương gan.

Lupus: Một rối loạn tự miễn gây ra các biến đổi ở khớp, da, thận, phổi, tim và não.

Chất dinh dưỡng: Các chất nuôi dưỡng được cung cấp thông qua thực phẩm như vitamin và khoáng chất.

Oxy: Một loại khí cần thiết cho sự sống.

Nhau: Mô nhằm cung cấp chất dinh dưỡng và đào thải chất thải từ thai nhi.

Nhau bong non: Tình trạng nhau bị bong sớm khỏi thành tử cung trước khi thai nhi được sổ ra ngoài.

Tiểu cầu: Các cấu trúc nhỏ, hình đĩa, được tìm thấy trong máu có vai trò trong quá trình đông máu.

Tiền sản giật: Một rối loạn xảy ra trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh gồm tăng huyết áp và các dấu hiệu tổn thương cơ quan như xuất hiện một lượng lớn protein trong nước tiểu, sự giảm số lượng tiểu cầu, bất thường về chức năng của gan và thận, đau vùng bụng trên, tràn dịch màng phổi, đau nhức đầu dữ dội và thay đổi thị lực.

Sinh non: Sinh trước 37 tuần của thai kỳ.

Protein niệu: Sự hiện diện của một lượng protein bất thường trong nước tiểu.

Huyết khối: Tình trạng máu đông bất thường.

Quý: Bất kỳ 3 tháng nào được chia ra trong quá trình mang thai.

Siêu âm: Một xét nghiệm trong đó sóng âm được sử dụng để kiểm tra cấu trúc bên trong. Khi mang thai, nó có thể được sử dụng để kiểm tra thai nhi.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.acog.org/Patients/FAQs/Preeclampsia-and-High-Blood-Pressure-During-Pregnancy
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích