menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Chảy máu âm đạo khi mang thai có phải lúc nào cũng là bất thường?

user

Ngày:

06/12/2021

user

Lượt xem:

215

Bài viết thứ 04/39 thuộc chủ đề “Các vấn đề khác trong thai kỳ”

Biên dịch: Nguyễn Văn Ngọc

Hiệu đính: BS Đào Thị Hải Yến

Chảy máu âm đạo khi mang thai do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó chỉ có một vài nguyên nhân gây nguy hiểm.

Chảy máu âm đạo khi mang thai có phải lúc nào cũng bất thường?

Chảy máu âm đạo có thể xảy ra ở đầu hoặc cuối thai kỳ. Thường gặp là chảy máu đầu thai kỳ.

Trong nhiều trường hợp, đây không phải là dấu hiệu nghiêm trọng. Chảy máu âm đạo cuối thai kỳ thường nghiêm trọng hơn. Hãy đi khám ngay khi bạn có chảy máu âm đạo trong thai kỳ.

Chảy máu âm đạo đầu thai kỳ phổ biến như thế nào?

Chảy máu âm đạo trong ba tháng đầu xảy ra ở 15-25 phần trăm thai phụ. Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc các chấm máu nhỏ có thể xuất hiện 1 đến 2 tuần sau thụ tinh, khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong niêm mạc tử cung. Cổ tử cung có thể dễ chảy máu hơn khi mang thai vì nhiều mạch máu phát triển ở đây. Không hiếm trường hợp xuất hiện các chấm máu nhỏ hoặc chảy máu nhẹ sau khi quan hệ tình dục, hoặc sau khi làm Pap test hoặc khám vùng chậu.

Những nguyên nhân nào có thể gây chảy máu âm đạo trong đầu thai kỳ?

Các nguyên nhân có thể gây chảy máu âm đạo ở đầu thai kỳ bao gồm nhiễm trùng, sẩy thai sớm và thai ngoài tử cung.

Sẩy thai sớm là gì?

Sẩy thai trong 13 tuần đầu của thai kỳ được gọi là sẩy thai sớm. Nó xảy ra ở 10 trong số 100 trường hợp mang thai. Chảy máu âm đạo và đau thắt là những dấu hiệu của việc sẩy thai sớm. Nhưng khoảng một nửa số phụ nữ bị sẩy thai mà không có chảy máu âm đạo trước đó.

Nếu bạn bị sẩy thai sớm, một số mô thai có thể còn sót lại trong tử cung. Những mô này phải được loại bỏ. Bạn có thể để mô thai này tự đi ra hoặc loại bỏ nó bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh không làm tổ trong tử cung mà làm tổ ở một nơi khác, thường là ở vòi trứng. Nếu vòi trứng bị vỡ có thể gây ra chảy máu trong bụng. Mất máu có thể gây suy nhược, ngất xỉu, đau, sốc, thậm chí tử vong.

Đôi khi chảy máu âm đạo là dấu hiệu duy nhất của thai ngoài tử cung. Các triệu chứng khác bao gồm đau bụng, đau vùng chậu hoặc vai. Những triệu chứng này có thể xảy ra trước khi bạn biết mình mang thai.

Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đi khám ngay lập tức. Thai sẽ không thể sống sót, và phải được loại bỏ bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Những nguyên nhân nào gây chảy máu âm đạo cuối thai kỳ?

Các nguyên nhân phổ biến gây chảy máu nhẹ vào cuối thai kỳ gồm viêm hoặc lộ tuyến cổ tử cung. Chảy máu âm đạo nhiều là một dấu hiệu nguy hiểm, có thể xảy ra do bánh nhau bất thường. Chảy máu âm đạo bất kể lượng nhiều hay ít đều có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non, do đó bạn cần đến viện ngay khi có dấu hiệu này.

Những nguyên nhân của nhau thai gây chảy máu âm đạo khi mang thai?

Một số vấn đề với nhau ở cuối thai kỳ có thể gây chảy máu:

Nhau bong non

Trong nhau bong non, nhau thai bong ra khỏi thành tử cung trước hoặc trong khi sinh. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất là chảy máu âm đạo, đau bụng hoặc lưng. Nhau bong non có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm. Thai nhi có thể không nhận đủ oxy và thai phụ có thể mất một lượng máu lớn khi sinh.

Nhau tiền đạo

Khi nhau thai bám thấp trong tử cung, nó có thể che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Đây được gọi là nhau tiền đạo. Nó gây chảy máu âm đạo. Loại chảy máu này thường xảy ra mà không gây đau. Một số loại nhau tiền đạo tự biến mất vào tuần thứ 32 đến 35 của thai kỳ khi đoạn dưới của tử cung dãn rộng và mỏng đi. Quá trình chuyển dạ và sinh sau đó có thể diễn ra bình thường. Nếu nhau tiền đạo không được giải quyết, bạn có thể phải sinh mổ.

Nhau cài răng lược

Khi nhau thai (hoặc một phần của nhau thai) xâm lấn và dính chặt vào thành tử cung, được gọi là nhau cài răng lược. Nhau cài răng lược có thể gây chảy máu âm đạo trong ba tháng cuối thai kỳ và mất máu nghiêm trọng trong khi sinh. Hầu hết các trường hợp được phát hiện trong thai kỳ bằng siêu âm định kỳ. Tuy nhiên, đôi khi nó không được phát hiện cho đến khi đứa trẻ được sinh ra.

Nếu bạn bị nhau cài răng lược, bạn có nguy cơ bị mất máu đe dọa tính mạng trong khi sinh. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ lên kế hoạch sinh cẩn thận và đảm bảo rằng mọi thứ cần thiết đều có sẵn. Bạn có thể phải sinh tại bệnh viện chuyên về sản khoa. Phẫu thuật cắt tử cung thường cần được thực hiện ngay sau khi sinh để tránh mất máu nguy hiểm đến tính mạng.

Chảy máu âm đạo là dấu hiệu của sinh non?

Vào cuối thai kỳ, chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu của chuyển dạ. Chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 37 của thai kỳ gọi là chuyển dạ sinh non. Các dấu hiệu khác của sinh non bao gồm:

  • Thay đổi dịch tiết âm đạo (lỏng hơn, giống chất nhầy, hoặc có máu) hoặc tăng lượng dịch tiết âm đạo.
  • Áp lực vùng chậu hoặc vùng bụng dưới.
  • Đau lưng nhẹ, âm ỉ, liên tục.
  • Đau quặn bụng nhẹ, có hoặc không kèm theo tiêu chảy
  • Các cơn co thắt tử cung đều đặn, thường không gây đau (4 cơn/20 phút hoặc 8 cơn/giờ trong hơn 1 giờ)
  • Vỡ ối (nước ối chảy ra nhiều hoặc rỉ ối)

Phương pháp quản lý sinh non dựa trên những gì được cho là tốt nhất cho sức khỏe của bạn và thai nhi. Trong một số trường hợp, có thể dùng thuốc. Khi cơn chuyển dạ không thể dừng lại hoặc có những lý do khiến em bé phải chào đời sớm, việc sinh là cần thiết.

Chú thích

Tử cung:

Một cơ quan trong khung chậu của phụ nữ. Khi mang thai, cơ quan này là nơi giữ và nuôi dưỡng thai nhi. Còn được gọi là dạ con.

Cổ tử cung

Phần hẹp ở dưới tử cung, phía trên âm đạo.

Thai ngoài tử cung

Mang thai ở một vị trí ngoài tử cung, thường là ở một trong các vòi trứng.

Pap test

Xét nghiệm tìm các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung từ các tế bào được lấy ở cổ tử cung (hoặc âm đạo).

Nhau thai (bánh nhau)

Cơ quan chịu trách nhiệm dinh dưỡng và bài tiết của thai nhi.

Nhau cài răng lược

Tình trạng một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bám vào tử cung một cách bất thường.

Nhau bong non

Tình trạng nhau thai tách khỏi tử cung trước khi thai nhi sinh ra.

Nhau tiền đạo

Tình trạng nhau thai che lấp lỗ trong cổ tử cung.

Sinh non

Sinh lúc tuổi thai dưới 37 tuần.

Tài liệu tham khảo

www.acog.org/womens-health/faqs/bleeding-during-pregnancy

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích