menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ứ mật thai kỳ

user

Ngày:

24/09/2021

user

Lượt xem:

237

Bài viết thứ 08/39 thuộc chủ đề “Các vấn đề khác trong thai kỳ”

Biên dịch: Phan Thị Tú Oanh

Hiệu đính: Bs. Thiều Đình Hoàng

Ứ mật trong gan trong thai kỳ thường được gọi là ứ mật thai kỳ, là một bệnh gan xảy ra vào cuối thai kỳ. Tình trạng này gây ra ngứa dữ dội nhưng không có phát ban. Ngứa thường xảy ra trên bàn tay và bàn chân nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ứ mật thai kỳ có thể khiến bạn vô cùng khó chịu nhưng điều đáng lo ngại hơn là những biến chứng có khả năng xảy ra cho bạn và em bé. Do đó bác sĩ có thể khuyên bạn nên sinh sớm hơn.

Triệu chứng

Triệu chứng chính của ứ mật thai kỳ là ngứa dữ dội và không có phát ban. Hầu hết các thai phụ cảm thấy ngứa ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; tuy nhiên, một số có thể ngứa toàn thân. Cơn ngứa thường trầm trọng hơn vào ban đêm và có thể gây khó chịu đến mức làm cho bạn không thể ngủ được.

Triệu chứng ngứa phổ biến nhất trong tam cá nguyệt thứ ba nhưng đôi khi xuất hiện sớm hơn. Điều này có thể trầm trọng hơn khi ngày dự sinh của bạn đến gần. Tuy nhiên, tình trạng ngứa thường biến mất trong vòng một vài ngày sau sinh.

Các dấu hiệu và triệu chứng ít phổ biến khác có thể bao gồm:

  • Vàng da và vàng mắt (lòng trắng của mắt)
  • Buồn nôn
  • Chán ăn 

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ sản khoa ngay lập tức nếu bạn bắt đầu cảm thấy tình trạng ngứa kéo dài hoặc gây khó chịu nhiều.

Nguyên nhân

Nguyên nhân ứ mật thai kỳ không rõ ràng.

Tình trạng này có thể một phần do di truyền, vì hội chứng đôi khi xuất hiện trong gia đình và một số biến thể di truyền nhất định có liên quan đến nó. 

Các hormone thai kỳ cũng có thể đóng một vai trò. Các bác sĩ cho rằng sự gia tăng các hormone xảy ra trong ba tháng cuối thai kỳ có thể làm chậm dòng chảy bình thường của dịch mật (một loại dịch tiêu hóa được gan sản xuất giúp cho hệ tiêu hóa của bạn phân hủy chất béo). Thay vì rời khỏi gan, mật sẽ tích tụ trong gan. Kết quả cuối cùng là muối mật đi vào máu, điều này có thể khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy.

Các yếu tố nguy cơ 

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm:

  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ứ mật trong thai kỳ
  • Tiền sử tổn thương gan hoặc bệnh gan
  • Đa thai

Khoảng 60 đến 70% phụ nữ bị tái phát. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nguy cơ tái phát có thể lên đến 90%.

Các biến chứng

Ứ mật thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.

Ở mẹ, tình trạng này có thể ảnh hưởng tạm thời đến quá trình hấp thu chất béo. Sự giảm hấp thu này có thể dẫn đến giảm hàm lượng của các yếu tố phụ thuộc vitamin K, đây là những chất có liên quan đến quá trình đông máu. Nhưng biến chứng này rất hiếm và gan cũng ít bị tổn thương về sau. 

Ở trẻ sơ sinh, các biến chứng của tình trạng ứ mật thai kỳ có thể rất nghiêm trọng. Những biến chứng này có thể bao gồm:

  • Sinh non
  • Các vấn đề về phổi do hít phân su (phân su là chất dính, màu xanh lục thường tích tụ trong ruột của thai nhi nhưng có thể đi vào nước ối nếu mẹ bị ứ mật)
  • Thai chết lưu

Vì các biến chứng có thể rất nguy hiểm cho em bé của bạn, bác sĩ có thể cân nhắc việc khởi phát chuyển dạ trước ngày dự sinh của bạn.

Dự phòng

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể dự phòng ứ mật thai kỳ.

Tài liệu tham khảo

www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cholestasis-of-pregnancy/symptoms-causes

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích