menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ra máu âm đạo trong thai kỳ

user

Ngày:

10/02/2014

user

Lượt xem:

827

Bài viết thứ 18/39 thuộc chủ đề “Các vấn đề khác trong thai kỳ”

Ra máu trong thai kỳ, bao gồm cả những trường hợp ra máu thấm giọt có thể do nhiều nguyên nhân. Ra máu âm đạo có thể xảy ra ở giai đoạn sớm hoặc muộn trong thai kỳ, tuy nhiên, không phải trường ra máu nào cũng nghiêm trọng.

Nhiều trường hợp ra máu âm đạo hay chỉ ra máu thấm giọt có thể xảy ra trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Chảy máu cũng có thể bắt nguồn từ cổ tử cung do quan hệ tình dục hoặc do viêm cổ tử cung. Thông thường, những trường hợp ra máu nhẹ có thể tự cầm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ra máu trong thai kỳ rất nghiêm trọng vì có thể là dấu hiệu của sinh non hoặc sẩy thai.

Khám kiểm tra tình trạng ra máu trong giai đoạn sớm thai kỳ

Trước một tình trạng ra máu âm đạo trong giai đoạn sớm thai kỳ, bác sĩ sẽ phải tiến hành khám, hỏi về tình trạng ra máu gồm mức độ và tần suất ra máu. Ngoài ra, cần hỏi về các triệu chứng kèm theo như triệu chứng đau, vị trí và mức độ đau như thế nào?

Thực hiện thêm xét nghiệm máu để định lượng nội tiết tố rau thai (hCG). Nội tiết tố này được sản xuất trong quá trình mang thai và có thể phải thực hiện nhiều lần do nồng độ hCG tăng dần trong giai đoạn sớm thai kỳ. Sẽ cũng phải cần xét nghiệm phân loại nhóm máu cho những trường hợp bất đồng nhóm máu Rh (xem thêm bài “Bất đồng nhóm máu Rh”). Siêu âm có thể được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây ra máu. Đôi khi trong một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.

Sẩy thai

Sẩy thai chiếm khoảng 15-20% trong thai kỳ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong nửa đầu của thai kỳ. Thông thường, hay xảy ra trong 13 tuần đầu thai kỳ.

Triệu chứng

Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của sẩy thai:

  • Ra máu âm đạo
  • Đau quặn ở vùng bụng dưới (mức độ đau bụng nặng hơn dấu hiệu đau do kinh nguyệt)
  • Có tổ chức bất thường xảy ra từ âm đạo

Nhiều trường hợp ra máu âm đạo nhưng không kèm theo đau bụng hoặc chỉ đau bụng nhẹ có thể tiến đến ngừng ra máu và quá trình mang thai tiếp tục. Nhưng đôi khi tình trạng ra máu và đau bụng trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến sẩy thai.

Điều trị sau sẩy thai

Nếu sẩy thai không hoàn toàn, một phần rau thai vẫn còn trong buồng tử cung dẫn đến tình trạng ra máu sẽ còn tiếp tục. Trong trường hợp này sẽ khuyến cáo lựa chọn các phương pháp điều trị khác. Điều trị nội khoa có thể giúp loại bỏ tổ chức rau thai còn sót lại hoặc can thiệp nong cổ tử cung và nạo buồng tử cung.

Cũng có thể lấy tổ chức sót bằng hút buồng tử cung, dụng cụ sử dụng là ống hút. Trong một số trường hợp cần kết hợp nhiều phương pháp.

Xem thêm bài viết Sẩy thai sớm của BS. Lê Tiểu My

Thai lạc chỗ

Thai lạc chỗ là gì?

Thai lạc chỗ hay thai ngoài tử cung là trường hợp trứng đã được thụ tinh nhưng không làm tổ trong buồng tử cung. Điều đó đồng nghĩa với thai đã làm tổ ở một vị trí khác, thường gặp là ở vòi tử cung. Thai lạc chỗ là nguyên nhân gây đau bụng và chảy máu trong giai đoạn sớm của thai kỳ.

Biến chứng

Nguy cơ lớn nhất trong trường hợp thai lạc chỗ ở vòi tử cung là vỡ gây chảy máu trong ổ bụng, trong trường hợp này cần phải được điều trị kịp thời. Mất máu gây mệt, đau, choáng và có thể dẫn đến tử vong.

Tần suất và nguy cơ của thai lạc chỗ

Thai lạc chỗ ít gặp hơn so với sẩy thai, chiếm khoảng 1 trong 60 ca mang thai. Thai lạc chỗ có nguy cơ cao ở những đối tượng sau:

  • Viêm ống dẫn trứng (trong bệnh viêm vùng chậu)
  • Đã có tiền sử thai lạc chỗ
  • Có các phẫu thuật ở tại ống dẫn trứng
Xem thêm bài viết Thai ngoài tử cung

Nguyên nhân ra máu trong giai đoạn cuối thai kỳ

Chảy máu nhẹ thường do viêm hoặc lộ tuyến cổ tử cung, có thể điều trị nội khoa được các trường hợp này. Chảy máu nặng thường liên quan đến các bất thường bánh rau. Hai nguyên nhân phổ biến gây ra máu trong giai đoạn muộn của thai kỳ thường là rau bong nonrau tiền đạo. Chuyển dạ sinh non cũng có thể là nguyên nhân gây ra máu.

Rau bong non là gì?

Bình thường bánh rau bám vào thành tử cung, rau bong non là khi bánh rau bong khỏi thành tử cung trước hoặc trong quá trình chuyển dạ, gây ra máu âm đạo. Triệu chứng thường là đau bụng, có thể ra máu nhẹ hoặc thậm chí không ra máu. Khi bánh rau bong, sẽ dẫn đến quá trình trao đổi oxy của thai nhi bị gián đoạn, cần phải được điều trị cấp cứu.

Rau tiền đạo là gì?

Rau tiền đạo là khi một phần hoặc toàn bộ bánh rau bám ở đoạn dưới hoặc bao phủ lên lỗ trong cổ tử cung. Có nghĩa là bánh rau sẽ cản trở một phần hay toàn bộ đường ra của thai nhi khi chuyển dạ sinh. Rau tiền đạo là một trong những nguyên nhân chính gây chảy máu trong ba tháng cuối của thai kỳ mà không kèm theo triệu chứng đau.

Ra máu âm đạo có phải là một dấu hiệu của chuyển dạ?

Vào giai đoạn cuối thai kỳ, ra máu âm đạo có thể là một dấu hiệu của chuyển dạ. Âm đạo sẽ ra một ít chất nhầy lẫn máu trước hoặc ngay khi bắt đầu chuyển dạ, hay còn gọi là chất nhầy hồng âm đạo. Dấu hiệu này là bình thường nếu như xảy ra trong khoảng thời gian 3 tuần quanh ngày sinh dự đoán. Nếu xuất hiện sớm hơn, có thể là dấu hiệu sinh non. Một số dấu hiệu khác của chuyển dạ sinh non gồm:

  • Tiết dịch âm đạo;
  • Thay đổi loại dịch tiết (nước, chất nhầy, hoặc máu);
  • Tăng lượng dịch tiết;
  • Cảm giác áp lực tăng lên khung chậu hoặc nặng tức bụng dưới;
  • Đau lưng âm ỉ;
  • Dạ dày bị co thắt, có hoặc không kèm tiêu chảy;
  • Xuất hiện các cơn co thắt tử cung thường xuyên hoặc tử cung co cứng.

Nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu trên, phải liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Xem thêm bài viết Làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh non?

Giải thích thuật ngữ

Cổ tử cung: là phần thấp, hẹp của tử cung nhô vào âm đạo.

Nong và nạo (D&C): là thủ thuật nong cổ tử cung ra nạo nhẹ nhàng hoặc hút các mô bên trong tử cung.

Thai lạc chỗ: là trường hợp khi trứng đã thụ tinh và làm tổ ở một vị trí khác mà không phải buồng tử cung, thông thường đó là ở vòi trứng.

Vòi tử cung: là một ống dẫn qua đó trứng đi từ buồng trứng đến buồng tử cung.

Nội tiết tố nhau thai (humanChorionic Gonadotropin – hCG): là nội tiết tố được sản xuất trong thời kỳ mang thai, phát hiện hCG là cơ sở cho hầu hết các phương pháp thử thai.

Sẩy thai: là quá trình mang thai bị chấm dứt trước 20 tuần của thai kỳ.

Bánh rau: là một cơ quan có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng từ cơ thể thai phụ và thai nhi.

Bất đồng nhóm máu Rh: là tình trạng khi người mẹ mang nhóm máu Rh âm tính sản xuất kháng thể, chống lại các yếu tố Rh, một loại protein trên tế bào Hồng cầu.

Siêu âm: là một xét nghiệm trong đó sử dụng sóng âm để kiểm tra các cấu trúc bên trong cơ thể. Trong khi mang thai, siêu âm có thể được sử dụng để kiểm tra thai nhi.

Tử cung: là một cơ quan nằm trong khung chậu nữ, trong thai kỳ, tử cung chứa và nuôi dưỡng thai nhi phát triển.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq038.pdf?dmc=1&ts=20140202T2011220771

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích