menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chuyện về cái khẩu trang – Phần 4

user

Ngày:

05/05/2020

user

Lượt xem:

184

Bài viết thứ 17/18 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Võ Xuân Quang”

Tác giả: BS. Võ Xuân Quang

Mời bạn đọc thêm những phần trước:
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 1
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 2
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 3

Chuyện về cái khẩu trang – Phần 4: Chuyện nước Mỹ

Có vài phim khá hay có thể xem trong những ngày này, Contagion của Mỹ (2011) và The Flu của Hàn quốc (2013), đang có sẵn trên Amazon Prime Video. Nội dung hai phim khác nhau, nhưng đều khai thác những khía cạnh đậm chất điện ảnh như truy tìm bệnh nhân đầu tiên, tìm ra phương pháp chữa trị hay khai thác các hình ảnh về nỗi sợ hãi và khuynh hướng bạo động khi tuyệt vọng. Quả là chuyện gì người ta cũng nghĩ ra được, từ việc dịch bắt đầu từ một cục phân dơi cho đến cảnh những đống xác người còn thoi thóp đưa vào nơi hoả táng.

Những nhà làm phim chưa bao giờ, và có lẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện sống còn của một trận đại dịch lại là chiếc khẩu trang nói riêng, và các thiết bị bảo vệ nói chung.

Nước Mỹ, tâm dịch mới của thế giới, đang rơi vào cuộc khủng hoảng vật tư y tế trầm trọng đến mức tất cả những quy định, khuyến cáo đều bị bỏ qua hay hạ đến mức thấp nhất. Khẩu trang phải dùng lại, tái xử lý, máy thở dùng chung v.v… Y tế Mỹ chưa từng chứng kiến những việc như thế này bao giờ.

Các nhà quản lý không ngừng kêu gọi người dân đừng mua khẩu trang. Thế nhưng, đó có phải là nguyên nhân gây thiếu hụt khẩu trang trong bệnh viện? Hoàn toàn không đúng. Sự thật là không có ai mang khẩu trang khi ra đường, vậy không lẽ họ mua khẩu trang về gửi ngân hàng? Số khẩu trang mà một vài người mua được chỉ là một phần nhỏ, vô cùng nhỏ trong số những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt.

Trước hết, nguồn khẩu trang toàn thế giới đang giảm sút qua hai trận cháy rừng kinh hoàng mùa hè vừa qua ở Úc và ở California, Mỹ. Dư âm của trận cháy rừng này làm bang California trở thành kẻ đầu cơ khẩu trang lớn nhất nước Mỹ khi ban hành quyết định mỗi công ty tại California phải lưu trữ khẩu trang N95 đủ dùng trong 2 tuần cho toàn bộ nhân viên, đề phòng trường hợp chất lượng không khí giảm đến mức xấu nhất. Đó là lý do vì sao hàng loạt công ty công nghệ đang kiểm kho của mình để đem khẩu trang tặng cho các bệnh viện. Tesla chẳng hạn, hứa sẽ quyên 250.000 N95, trong đó 50.000 đã được chuyển ngay cho các bác sĩ ở UW (University of Washington). Facebook kéo từ trong kho ra 720.000 N95 để quyên tặng. Ông nhà đèn ở Cali, Pacific Gas and Electric, sẽ góp 950.000 N95, với 40.000 đã chuyển cho Kaiser Permanent. Nói thêm, thống đốc bang California mới thông báo xã hàng từ kho của mình: 21 triệu khẩu trang N95, tất cả đều đã hết hạn sử dụng.

Nguồn khẩu trang ở Mỹ còn hướng chịu hậu quả từ cơn dịch ở Vũ Hán, khi anh bạn Tàu đã nhanh nhẫu gom góp khẩu trang từ phần còn lại của thế giới. Theo NY times, chỉ trong tuần đầu tháng 1, Trung quốc đã gom 56 triệu khẩu trang các loại. Chỉ riêng 1 ngày 30/1, họ đã nhập 20 triệu khẩu trang các loại. Sự thật đắng nghét là, dù muốn hay không thừa nhận, Trung quốc chính là xưởng sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới – chiếm khoảng 50% toàn bộ sản lượng. Họ cũng là người cung cấp vật liệu thô chủ yếu cho các nhà máy bên ngoài, đặc biệt là các hạt propylen – vật liệu chủ yếu để làm màng lọc. Dù đã công bố hết dịch, Trung quốc vẫn đang ngăn cản việc xuất khẩu khẩu trang thành phẩm và nguyên liệu, dùng chúng như một công cụ chính trị để đóng vai người hùng cứu rỗi trên khắp thế giới.

Nước Mỹ đã không chuẩn bị đầy đủ trong trận đại dịch này. Kho dự trữ chiến lược quốc gia (National Strategic Stockpile) chỉ có 12 triệu khẩu trang N95 và 30 triệu khẩu trang y tế trong khi Tổng thư ký của HHS (Health and Human Services) Alex Azar cho rằng cần phải có khoảng 300 triệu N95 và các nhà chuyên môn dự báo cần đến hàng tỷ để có thể vượt qua trận đại dịch này. Nước Mỹ có tiền, nhưng không tìm được nơi mua vì tất cả các nhà cung cấp nước ngoài đều hạn chế xuất khẩu trong khi sản lượng trong nước của 3M và Prestige Americantech hoàn toàn không đủ nhu cầu.

Công ty 3M chẳng hạn, họ có 80 phân xưởng trên nước Mỹ và khoảng 125 xưởng trên khắp thế giới. Đương nhiên, nhiều nhất là ở Trung quốc. Những sản phẩm của 3M từ Trung quốc được giữ lại, không thể xuất về Mỹ theo yêu cầu. Vài tuần trước, tôi có xem một clip về cách các nhân viên y tế ở Vũ Hán sử dụng thiết bị bảo vệ, mọi thứ đều 2 lớp – N95 cộng với khẩu trang y tế, isolation suit cộng với hazmat suit, găng tay hai lớp v.v… Lúc đó, tôi thấy cảm thông với sự khó khăn của đồng nghiệp. Giờ đây, khi xem lại và nhìn thấy các đồng nghiệp ở Mỹ chỉ đơn bạc với chiếc áo khoác cách ly hở trên hở dưới và chiếc khẩu trang y tế lỏng lẻo trăm chỗ, tôi chỉ thấy giận dữ. Không phải giận những đồng nghiệp bên Tàu, mà giận những kẻ tráo trở gây hoạ cho cả thế giới lần 1 lần 2 chưa đủ, lợi dụng sự đồng cảm của nhân loại và giờ thì trâng tráo ban ơn cho cả thế giới.

Trở lại chuyện chiếc khẩu trang, người dân Mỹ chẳng mua được bao nhiêu khẩu trang. Bản thân các bệnh viện luôn có các nhà cung cấp chuyên nghiệp và số lượng khẩu trang y tế ở các chợ chỉ là một phần nhỏ vì chúng không phải là một phần trong cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, một số lớn khẩu trang y tế và N95 đang nằm ở các công ty xây dựng, quân sự, hoá chất… Một thầu xây dựng nhỏ hẳn cũng phải có vài chục đến vài trăm, một ông lớn như Bộ Quốc phòng/Pentagon có thể dễ dàng kéo từ kho 5 triệu N95 để tặng cho y tế. Vấn đề là, khá nhiều trong số chúng không được phép, bán, cho, sử dụng cho ngành y tế vì chúng mang mác “công nghiệp” (Industrial N95). Bản chất các N95 công nghiệp này hoàn toàn không thua kém N95 y tế về khả năng chặn tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, bụi mịn… nhưng cơ quan quản lý và quá trình phê duyệt khác nhau đưa đến những quy định khắc khe khi sử dụng. Trên thực tế, bất chấp những quy định này, nhiều nhân viên y tế đã sử dụng khẩu trang công nghiệp thay thế và nhiều nguồn hảo tâm đã quyên tặng các khẩu trang này, công khai hay ẩn danh. CDC cũng như FDA, tuần qua cũng đã phải thừa nhận việc dùng các khẩu trang N95 công nghiệp là hợp lý. Giờ đây, những nhà phân phối còn N95 công nghiệp có thể chào bán cho các cơ sở y tế mà không sợ bị gõ đầu. Ngày 17/3 , trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, PTT Mike Pence đã chính thức kêu gọi các công tỵ xây dựng xem lại kho khẩu trang N95 của mình và quyên tặng cho các cơ sở y tế đang cần.

Không ai nghi ngờ về việc nước Mỹ sẽ vượt qua trận dịch này, câu hỏi là với cái giá như thế nào? Hôm nay, BS. Anthony Fauci dự đoán con số nhiễm sẽ là hàng triệu và con số tử vong từ 100.000 đến 200.000. Có thể đó là cái nhìn quá bi quan ngay cả với tốc độ lan tràn hiện nay, nhưng đã từng có ai nghĩ đến việc Mỹ trở thành ổ dịch lớn hơn Vũ Hán? Hệ thống y tế Mỹ không mạnh như chúng ta nghĩ mà đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Các nhà nghiên cứu đang làm việc ngày đêm để tìm ra phương thuốc điều trị hay vaccine phòng ngừa nhưng đây không phải là phim, và ta cần cho họ thời gian. Các công ty làm khẩu trang, làm PAPR, làm máy thở đang tăng cường tối đa công suất. Các hãng Tesla, GM đang bắt đầu làm máy thở, hàng loạt công ty sinh hoá ra các test ngày càng nhanh… nhưng đến bao giờ thì cung cấp mới đủ nhu cầu, và nhân viên y tế tuyến đầu không phải mạo hiểm?

Các công ty liên quan đến may mặc như Joann, Norstrom v.v… đang góp phần giúp đỡ nhân viên y tế bằng các khẩu trang vải, chúng rất hữu ích nhưng không cung cấp mức an toàn tuyệt đối. Một nhân viên y tế bị nhiễm, có thể loại trừ cả một kíp làm việc. Một khoa bị nhiễm có thể làm nhân viên của cả bệnh viện bị cách ly. Đúng là phần lớn họ chỉ mắc bệnh nhẹ và số rất ít tử vong nhưng ai sẽ chăm sóc bệnh nhân khi toàn thể họ bị cách ly? Điều nhân viên từ bệnh viện khác, từ thành phố khác, bang khác, nước khác? Đó là một khả năng có thể dự đoán và người ta đang tìm cách tăng cường nhân lực cho ngành y tế: New York cho bác sĩ ra trướng sớm, California tăng tốc cấp giấy phép hành nghề cho điều dưỡng, Trump được yêu cầu khôi phục các chương trình visa cho nhân viên y tớ nước ngoài…

Một hệ thống y tế sụp đổ không phải là khi các nhân viên của nó tử vong toàn bộ, mà đơn giản chỉ là khi năng lực y tế không còn đủ đáp ứng nhu cầu và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khi các thiết bị bảo hộ không đủ và số lớn nhân viên y tế phải chịu cách ly, đó là bước đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ… Thật sự, chúng ta đang chạy đua với thời gian để củng cố năng lực cả hệ thống trong khi chờ đến đỉnh dịch, như con tàu đang trân mình chờ cơn sóng cuối cùng.

Để kết thúc, xin đưa lại hình ảnh trong đoạn kết của phim Flu, một bé gái nước mắt nhạt nhoà, dang hai tay ra cố bảo vệ người mẹ bác sĩ của mình…

Nhân viên y tế, những người đang bảo vệ các bạn, đang là những người cần được bảo vệ.

https://www.facebook.com/sahar.barayan/videos/10158453875889203/?fref=mentions

Mời bạn đọc thêm phần tiếp theo:
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 5

Chuyện về cái khẩu trang p4.1

Hình 1. Chuyện về cái khẩu trang p4.2

Hình 2. Nhặt trên mạng

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/2737894816263635

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích