menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chuyện về cái khẩu trang – Phần 5

user

Ngày:

05/05/2020

user

Lượt xem:

356

Bài viết thứ 18/18 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Võ Xuân Quang”

Tác giả: BS. Võ Xuân Quang

Mời bạn đọc thêm những phần trước:
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 1
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 2
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 3
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 4

Một suy nghĩ rất tự nhiên khi khẩu trang N95 thiếu hụt trầm trọng: có thể nào dùng lại, có thể nào dùng lâu dài, hay là dùng mãi mãi?

3M nói gì?

Hãy xem bản tin mới nhất ngày 27/3 vừa qua: Khẩu trang N95 được thiết kế để dùng 1 lần. Mọi cố gắng tái xử lý để dùng lại cần phải thỏa mãn 4 yêu cầu:

  • Đảm bảo độ khít
  • Đảm bảo khả năng lọc
  • Đảm bảo loại trừ vi khuẩn, virus
  • An toàn cho người mang

Với các dữ liệu hiện có, không có phương pháp nào thực hiện được 4 yêu cầu nêu trên. Do đó, hiện tại 3M không khuyến cáo việc tái sử dụng khẩu trang N95. Chi tiết về từng phương pháp và hiệu quả của chúng, xin xem hình bên dưới.

Tuy nhiên, ý kiến của 3M không ngăn cản được phía lâm sàng tìm cách vượt qua khó khăn.

CDC nói gì?

CDC không có ý kiến về việc tái xử lý khẩu trang N95 mà chỉ nhấn mạnh việc tận dụng qua 2 chỉ định:

  • Dùng kéo dài (Extended use): cho nhiều bệnh nhân với điều kiện cùng nằm chung khoa và có cùng tác nhân gây bệnh. Thời gian bao nhiêu còn tùy thuộc vào điều kiện vệ sinh và công việc nhưng thiết kế của N95 cho phép dùng 8 giờ liên tục trong một môi trường bụi bặm.
    Vấn đề chính khi dùng kéo dài là phải bảo vệ, hạn chế các tiếp xúc trên bề mặt khẩu trang. Miếng che mặt (face shield) là giải pháp phù hợp.
  • Dùng lại: Dùng cho nhiều bệnh nhân ở nhiều thời điểm khác nhau, đi kèm với việc mang/cởi và cất giữ. Các chú ý bao gồm việc mang và cởi phải đảm bảo an toàn, việc kiểm tra chức năng và độ khít mỗi lần dùng lại.

Nói chung, đề nghị bỏ sau khi làm thủ thuật có tạo hạt khí dung (như soi), khi thấy dơ, khi vấy dịch, máu hay bất cứ dịch nào khác, khi thấy vết rách hay thấy hở rõ ràng.

Việt Nam làm những gì?

Đây là những thông tin tế nhị và nội bộ vì không có hướng dẫn từ Bộ Y tế. Một số đồng nghiệp sử dụng phương pháp xoay vòng khi số khẩu trang đủ dùng. Thời gian quay vòng đủ để số virus không có nạn nhân mà lăn ra tự chết, phải từ 3/4 ngày trở lên. Một số khác dùng đèn cực tím khử khuẩn nhưng thời gian phơi sáng và cường độ bao nhiêu là đủ, thì không có câu trả lời.

Đây là một vùng tối và kiến thức của ta còn hạn chế. Khử khuẩn thế nào, bao nhiêu là đủ, có thể làm bao nhiêu lần… Không ai chắc chắn cả. Thế nhưng, không ai cản vì thiệt hại nếu có, chỉ là bản thân người sử dụng mà thôi.

Một vài gợi ý:

  • Khẩu trang dùng kéo dài, dùng lại thường không ảnh hưởng đến khả năng lọc. Ngược lại, trở kháng hô hấp sẽ ngày càng tăng và gây khí thở dần. Nếu sau khi xử lý mà thở trở nên thông thoáng hơn: chắc chắn đã bị hư.
  • Khẩu trang được thiết kế dùng 8 giờ trong một môi trường bụi bặm. Khi đó, số bụi tích tụ vào khoảng 200mg và sẽ làm ảnh hưởng đến thông khí. Việc dùng lại bao nhiêu lần có thể dựa vào số thời gian sử dụng thực tế và tình trạng cụ thể của khẩu trang sau mỗi lần xử lý.
  • Việc quay vòng khẩu trang có cơ sở lý luận của nó nhưng không nên đem khẩu trang phơi nắng. Rất đơn giản, phơi cùng với nắng là gió và bụi, bạn đang tự làm giảm dần chức năng khẩu trang của mình. Chỉ cần cất vào bọc và giữ yên đó là đủ.
  • 3M e là dùng tia cực tím có thể làm giảm độ đàn hồi và dãn sợi dây đeo. Đó chỉ là chuyện nhỏ ở Việt Nam. Cột dây lại, thêm dây thun v.v… thiếu gì cách. Đừng để lỏng quá là được rồi.
  • Tốt nhất nên kiểm tra dòng tia cực tím có phù hợp hay không. Thử nghiệm của 3M dùng cực tím bước sóng 254 nm chuyên dùng để khử khuẩn. Thời gian là 15 phút, chú ý không quay phần dây đeo về hướng đèn.

Mỹ làm những gì?

Dưới đây là một hướng dẫn chi tiết và thú vị về việc tận dụng và tái xử lý khẩu trang N95 của Acute Care Solution, một chuỗi dịch vụ y tế chủ yếu về cấp cứu ở Mỹ. Cần xác định ngay, đây chỉ là hướng dẫn nội bộ, không phải CDC, FDA, WHO gì cả. Các bạn có thể tham khảo và tìm thấy những gì mình có thể tin và ứng dụng được, thì làm nhưng bạn sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nói cho cùng, chẳng ai phạt cả đâu, chỉ là có giúp bạn an tâm qua thêm một ngày hay không.

Các điểm chính:

  • Khẩu trang là hàng quý hiếm, phải bảo vệ. Bằng cách nào? Đeo trùm lên bằng khẩu trang cải hay face shield. Khẩu trang vải thì nhớ giặt, face shield thì nhớ lau sạch.
  • Tái xử lý khẩu trang N95 bằng:
    a. Xoay vòng mỗi 4 ngày (96 giờ) chỉ cần để tự khô và luân phiên sử dụng theo thứ tự.
    b. Hấp nóng ẩm: Đặt khẩu trang trên dĩa sứ và nướng ở 70oC (158oF) trong vòng 30 phút. Nhớ là phải có thêm một dĩa nước bên cạnh.
    c. Dùng các máy khử trùng bằng cực tím. Cường độ là 10J/cm2. Thời gian tùy theo người sử dụng tại chỗ.

FDA nói gì?

Tuy 3M chưa xác nhận nhưng một kết quả nghiên cứu của Đại học Duke cho thấy khả năng sử dụng oxy già bay hơi là có triển vọng. Đây không phải mới và cũng có nhiều nơi khác đi theo hướng này.

FDA, trong khuynh hướng tạo điều kiện cho mọi phương tiện có thể giúp ích trong trận dịch, vừa cho phép Battelle – một công ty ở Ohio – triển khai thương mại hóa việc tái xử lý khẩu trang N95 bằng oxy già bay hơi. Battelle cho biết họ có khả năng xử lý 80.000 khẩu trang mỗi ngày nhưng hiện tại FDA hạn chế năng suất của họ ở mức 10.000 chiếc mỗi ngày. Có lẽ họ đang chờ đánh giá về hiệu quả của những lô hàng đầu tiên.

Chuyện về cái khẩu trang p5.1

Hình 1.Chuyện về cái khẩu trang p5.2

Hình 2.Chuyện về cái khẩu trang p5.3

Hình 3.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/2738741916178925

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích