menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chuyện về cái khẩu trang – Phần 3

user

Ngày:

05/05/2020

user

Lượt xem:

472

Bài viết thứ 16/18 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Võ Xuân Quang”

Tác giả: BS. Võ Xuân Quang

Mời bạn đọc thêm những phần trước:
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 1
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 2

Khẩu trang kháng khuẩn không phải là mới. Truyền thuyết kể rằng nó đã được biết đến hơn 40 năm về trước, khi những sinh viên y khoa đến bệnh viện với chiếc khẩu trang 4 râu tự may bằng vải mùng nhiều lớp. Sau mỗi bữa thực tập, chúng được trân trọng vò thành một cục, nằm yên trong túi chờ đến hôm sau, tuần sau, tháng sau… Những nghiên cứu chưa bao giờ được công bố cho biết tác dụng kháng khuẩn của chúng đạt đến 100% qua một cơ chế đơn giản: mọi con vi khuẩn virus không may nào té vào đó đều bị ngộp thở và chết trong vòng vài giây.

Bởi vậy, khi tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế làm xuất hiện những mẫu khẩu trang kháng khuẩn mới với những tính năng ưu việt như bảo vệ được cô Vy, kháng khuẩn 99.9%, dùng lại vĩnh viễn v.v… Mọi người cứ ngỡ là công ty 3M sẽ phá sản trong nay mai.

Chỉ tiếc không phải là vậy. Có quá nhiều thông tin không đúng được đưa cho người tiêu dùng.

Khả năng lọc như thế nào?

Ngôi sao mới nổi của khẩu trang kháng khuẩn là Dệt kim Đông Xuân với sản phẩm mới vừa công bố ngày 12/3 vừa qua, là sản phẩm đầu tiên được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật mới của Bộ Y Tế (BYT).

Chuyện đầu tiên người ta tò mò là một hiện tượng vô cùng hiếm ở Việt Nam. Quyết định 870 BYT được ban hành ngày 12/3 và cũng trong ngày 12/3, người ta giới thiệu sản phẩm mới, đã được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật mới… mới vừa được công bố.

BYT lần này làm việc thật nhanh.

Chuyện thứ hai, khẩu trang kháng khuẩn làm bằng vải dệt – dệt kim và dệt thoi. Việc xử lý không biết ra sao, nhưng vải dệt không thể kín như loại vải không dệt dùng trong khẩu trang y tế, đặc biệt là dệt kim.

Có lẽ nhờ dùng vải dệt, các sản phẩm này được quảng bá là “thông thoáng, dễ chịu”. Tuy nhiên, đó chính là những dấu hiệu cho biết khả năng lọc có vấn đề. Ai đã từng đeo N95 đều biết, nó không hề thông thoáng và rất khó chịu nếu không quen. Những người có bệnh hô hấp mãn tính thậm chí còn không thể dùng được. Bởi vậy, lọc tốt và thông thoáng, chúng đơn giản là không đi với nhau.

Để xác minh, cần xem lại bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mà BYT vừa phát hành, đối chiếu với các tiêu chuẩn của NIOSH, nơi cấp chứng nhận chất lượng khẩu trang ở Mỹ.

Các thông số kiểm tra có sự khác biệt rất lớn:

Lưu lượng thông khí (BYT): 30 l/phút – Của NIOSH là 85 l/phút

Kích thước hạt kiểm tra (BYT): 0.3 đến 10 micron – Của NIOSH: chỉ có 0.3 micron

Trở kháng hô hấp (BYT): không quá 9mm nước – Của NIOSH: không quá 35 mm nước.

CDC xác nhận là NIOSH đã đưa ra tình huống test khó nhất để đánh giá các khẩu trang. Các tiêu chuẩn của BYT dùng luồng gió yếu hơn 3 lần, hạt có thể lớn hơn 30 lần… thử hỏi hiệu quả lọc làm sao có thể không tốt? Đó là tốt kiểu Việt Nam, kiểu hạ thấp ngưỡng để nhảy qua cái vèo.

Khả năng kháng khuẩn ra sao?

Đây là tính năng mà khẩu trang N95 không có. Thế nhưng, thực chất như thế nào? Nói đơn giản, người ta dùng vải có tính kháng khuẩn may khẩu trang nên gọi là khẩu trang kháng khuẩn.

Trước hết, BYT không kiểm tra tiêu chuẩn này mà yêu cầu doanh nghiệp tự kiểm tra và thông báo. Điều này làm người ta nhớ đến Boeing và phần mềm MCAS nổi tiếng của nó. FAA, cơ quan kiểm tra hàng không đã làm sót vụ này vì sao vậy? Vì họ đưa cho Boeing tự kiểm tra và đánh giá phần mềm của chính họ.

Bởi vậy, một số doanh nghiệp đã vượt qua bằng những biên bản kiểm tra tính kháng khuẩn đối với E Coli, hay Staphylococcus… mà mấy ông trời đó có họ hàng bà con gì với cô Vy đâu chứ?

Kế đến, giả định chất kháng khuẩn trong vải có thể diệt virus trên lý thuyết, còn phải xem nó ra sao trong đời thường nữa. Báo cho biết tính năng ưu việt của nó là có thể diệt khuẩn hơn 90% sau 1 giờ. Câu hỏi là, con virus nó chịu ngồi yên 1 giờ để tắm chất kháng khuẩn à? Bất cứ chất diệt khuẩn nào cũng cần thời gian tác dụng. Hạt dịch bắn đi với vận tốc vài m/s, cần mấy giây để vượt qua khẩu trang lỏng lẻo?

Bởi vậy, báo Sức khỏe và đời sống khẳng định “Dùng khẩu trang kháng khuẩn hoàn toàn có thể phòng ngừa được virus corona mới.” là một thông tin không đáng tin cậy.

Hoàn toàn không kín:

Đây chính là điều làm nên sự khác biệt của khẩu trang N95. Vấn đề của mọi khẩu trang là phải xem hoạt động của nó gắn liền với việc hô hấp. Trái với nguyên lý áp lực dương của CAPR, dùng khẩu trang là phải chấp nhận hiện tượng áp lực âm thì hít vào. Nếu không kín, luồng khí hít vào sẽ kéo mọi thứ trong khối không khí chung quanh vào 2 buồng phổi.

NIOSH đánh giá độ khít của N95 là 100 (chỉ bị hở dưới 1%) và ai đã làm fit test rồi, đều thấy nó khó khăn thế nào. Độ khít của các loại khẩu trang y tế chỉ từ 4 đến 8 (số khí qua chỗ hở chiếm 12-25%).

BYT không đưa ra tiêu chuẩn về khít và kín.

Trên thực tế, không phải ai cũng có năng lực đưa ra sản phẩm tương đương N95, họ có thể chọn tiêu chuẩn kiểm tra thấp hơn nhưng khi đó, cần minh bạch thay vì thông báo có thể phòng ngừa coronavirus, đó là sự lừa dối.

Tính chất an toàn ra sao?

Vải kháng khuẩn nói chung là an toàn và đã được dùng rất nhiều năm nay trong may mặc. Tuy nhiên, việc dùng vải kháng khuẩn may khẩu trang thì chỉ trong những năm gần đây và chỉ phổ biến ở các nước đang phát triển nhờ sự tiện dụng và chi phí thấp của nó.

Vấn đề ở chỗ khi dùng nano bạc hay bất cứ chất diệt khuẩn nào khác để xử lý vải, thì việc đánh giá sự an toàn của nó là tổn thương da và sự hấp thu vào máu cùng các hậu quả của nó.

Khi dùng vải kháng khuẩn làm khẩu trang, chúng ta đã thay đổi con đường tiếp xúc với kim loại nặng, thay vì da mà trở thành hô hấp. Đã có nghiên cứu nào chứng minh sự an toàn của nano bạc đối với đường hô hấp khi sử dụng kéo dài nhiều tháng nhiều năm? Các nước phát triển không có sản phẩm này, họ không có câu trả lời. Chúng ta thì chấp nhận thông tin đơn giản của nhà sản xuất, vải này an toàn.

Hiệu quả của khẩu trang kháng khuẩn:

Bỏ qua phần kháng khuẩn không có bằng chứng rõ ràng thì đây chỉ là một khẩu trang vải.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm chứng công bố trên tạp chí BMJ năm 2015, so sánh hiệu quả của khẩu trang vải và khẩu trang phẫu thuật (ta vẫn gọi là khẩu trang y tế) trên 1607 nhân viên y tế của 14 bệnh viện ở miền bắc. Kết quả là các diễn tiến có nhiễm khuẩn cao hơn hẳn ở nhóm dùng khẩu trang vải. Độ ẩm cao, việc tái sử dụng và khả năng lọc yếu dẫn đến sự khác biệt này. Kết luận: khẩu trang vải không được khuyến cáo cho nhân viên y tế, đặc biệt trong tình huống nguy hiểm.

Trong tình hình thiếu hụt khẩu trang y tế, sử dụng khẩu trang vải nói chung và vải kháng khuẩn nói riêng là một giải pháp chấp nhận được.

Nó cũng giống như việc CDC tạm chấp nhận khẩu trang y tế cho người tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm.

Cũng cần ghi nhận, BYT không xác nhận đây là khẩu trang phòng được coronavirus, cũng không cho rằng nó tương đương N95. Chỉ có nhà sản xuất đưa ra những thông tin chập chờn, cố tình làm người tiêu dùng hiểu lầm. Tóm lại, không nên tin vào quảng cáo, dẫn đến mất cảnh giác và trở thành nạn nhân.

Cuối cùng, lưu ý các bạn là trước ngày 12/3, tiêu chuẩn kỹ thuật của khẩu trang chưa rõ ràng nên các công ty cũng tha hồ vẽ rắn vẽ voi, mỗi người một kiểu. Chưa kể đến nạn hàng giả, hàng kém chất lượng ở khắp nơi. Cứ xem tấm hình dưới đây, thì biết quy trình sản xuất khẩu trang “nuôi vi khuẩn”.

Chúc mọi người khỏe, ai có điều kiện thì gửi cho mình vài hộp khẩu trang kháng khuẩn để sống qua mùa dịch.

Mời bạn đọc thêm những phần tiếp theo:
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 4
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 5

Chuyện về cái khẩu trang p3.1

Hình 1. Chuyện về cái khẩu trang p3.2

Hình 2. Bằng chứng cho thấy khả năng kháng khuẩnChuyện về cái khẩu trang p3.3

Hình 3. Chuyện về cái khẩu trang p3.4

Hình 4. Nói có chứng: Khẩu trang vải không bằng khẩu trang y tếChuyện về cái khẩu trang p3.5

Hình 5. 

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/2705964749456642

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích