menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Đào tạo y khoa

user

Ngày:

26/07/2019

user

Lượt xem:

128

Bài viết thứ 09/18 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Võ Xuân Quang”

Gần đây, BYT có đề cập đến việc thay đổi chương trình đào tạo y khoa theo hướng kéo dài thêm 3 năm. Như thường lệ, ít ai ủng hộ mà phần lớn đều phản đối với lý do chính là đào tạo kéo dài, tăng chi phí học mà không đảm bảo thu nhập thì không hợp lý. Một điều thật đáng tiếc là sự phản đối đó không chỉ đến từ người ngoài mà còn từ nhiều bạn trong ngành.

Trước hết, hãy xem lại những đề nghị đó một cách thận trọng trước khi bình luận hay phê phán.

Đề nghị kéo dài đào tạo này có 2 điểm quan trọng. Một là áp dụng chế độ nội trú bắt buộc 1 năm. Hai là thực hiện đào tạo chuyên khoa 2-3 năm. Cơ bản mà nói, đây là phiên bản đơn giản của đào tạo y khoa trên thế giới. Ở Mỹ chẳng hạn, chương trình nội trú bắt buộc là 3 năm (residency) còn đào tạo sau nội trú để vào chuyên khoa sâu (fellowship) cần thêm 2-3 năm nữa.

Trước hết, nói chuyện ở Việt Nam, đào tạo y khoa hiện nay bất cập như thế này: Một bác sĩ mới ra trường đã lập tức được hành nghề độc lập, về mặt năng lực là không đủ, về mặt trách nhiệm là quá nặng – không có một bước đệm để thích nghi và một sự đảm bảo để yên tâm hành nghề.

Điều này giống như khi thi lấy bằng lái xe. Bạn đã học đầy đủ, có kỹ năng tốt rồi, đã thi đậu lý thuyết…nhưng chưa được cấp bằng lái. Cái người ta cấp, là giấy phép cho lái (driving permit). Bạn được lái, nhưng chỉ khi có ai đó có kinh nghiệm ngồi kế bên để kiểm soát và giúp bạn an tâm. Chỉ khi nào bạn thực sự làm chủ vô lăng và có thể tự mình xử lý mọi tình huống, thì mới đi thi lấy bằng lái thật sự. Bác sĩ cũng vậy, học 6 năm chỉ là học cái nghề, 3 năm nội trú là học cách làm người bác sĩ.

Bác sĩ nội trú ở Mỹ là như vậy. Họ được khám chữa bệnh nội trú/ ngoại trú dưới sự hướng dẫn của một đàn anh. Họ vẫn được gọi là bác sĩ, vẫn được kê toa, vẫn được hưởng lương và không phải trả tiền học. Việc hành nghề này bị hạn chế về nhiều mặt và chỉ khi tốt nghiệp nội trú, thi đậu bước 3 USMLE, họ mới được hành nghề độc lập, là bác sĩ thực thụ.

Điểm bất cập thứ hai trong đào tạo ở Việt Nam là không có sự phân hóa chuyên khoa và đa khoa. Một bác sĩ mới ra trường, phân về khoa tim mạch, lập tức hiên ngang in vào danh thiếp là bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Tìm được một chỗ trong khoa cấp cứu thì hãnh diện đưa lên chuyên khoa hồi sức cấp cứu v.v… Điều này dẫn đến một môi trường y khoa hỗn loạn vì ai cũng muốn làm chuyên khoa sâu và coi thường vị trí bác sĩ chuyên khoa gia đình. Nó cũng là nguồn gốc của cái sự hành nghề tréo cẳng ngổng như đa khoa đi khám nhi hay gây mê đi làm thẩm mỹ…Hậu quả kế tiếp là không ai làm y khoa gia đình và mọi vấn đề của người bệnh đều đổ xô về các bệnh viện, hỏi sao không quá tải?

Câu trả lời cho việc phân bổ chuyên khoa ở Mỹ rất đơn giản. Muốn làm chuyên khoa ư? Ráng mà học vì điểm thi step1, step 2 phải thật cao. Phải kiên nhẫn, vì thời gian học phải cộng thêm 3 năm. Phải chịu khó vì khi đồng nghiệp đã kiếm tiền thì mình vẫn còn mò mẩm học nữa, học nữa. Đường làm chuyên khoa ở Mỹ cần nhiều thời gian, tiền bạc và mồ hôi như thế nên những ai không đủ khả năng, hoặc sức lực để theo, sẽ phải chọn những ngành đơn giản hơn như nội tổng quát, y khoa gia đình chẳng hạn. Phải biết vậy thì mới hiểu tại sao nhiều người chọn làm bác sĩ gia đình, thu nhập từ 100-200.000 một năm mà không đi làm chuyên khoa, lương 400-500.000 usd một năm. Họ muốn thu nhập cao chứ, nhưng không theo được vì mệt mỏi quá rồi.

Y tế Việt Nam có nhiều nghịch lý và nhiều bất cập, có nhiều việc cần thay đổi nhưng việc chuẩn hóa đào tạo là cần thiết. Còn nếu bạn than là học quá lâu, lương quá thấp, thì hãy thành thật trả lời câu hỏi này: Ở Việt Nam, có bao nhiêu bác sĩ sống bằng lương? Còn muốn biết nội trú là thế nào, thì xem Grey’s Anatomy – Nội trú ở Việt Nam cũng vậy đó, tuy chưa được ai làm phim.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/1876784662374659

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích