menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Hậu quả của một phút lơ đễnh

user

Ngày:

26/07/2019

user

Lượt xem:

721

Bài viết thứ 11/18 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Võ Xuân Quang”

Nói về ngành y, người ta hay bàn về mối quan hệ bệnh nhân – bác sĩ. Thật ra, điều trị một bệnh nhân là công việc của một nhóm – từ y tá, kỹ thuật viên – bác sĩ chẩn đoán hình ảnh – giải phẫu bệnh – gây mê v.v…Bác sĩ điều trị, chỉ là người điều hòa và phối hợp các khâu, ráp các mảnh với nhau để tạo nên một bức tranh hoàn hảo.

Trong quá trình đó, một sự lệch lạc hay trục trặc ở bất cứ khâu nào đều có thể làm thay đổi kết quả điều trị và gây ra những hậu quả không mong muốn. Vì thế, mối quan hệ nhân quả trong y khoa rộng và sâu hơn là người ta có thể nghĩ. Bệnh nhân, ngược lại, họ chỉ biết bác sĩ điều trị là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Câu chuyện sau đây cho ta thấy một quan điểm khác, thường là không gặp ở Việt Nam.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 12/4/2009: Bé Anna Coelho, 18 tháng tuổi, được cha đưa vào cấp cứu ở Newton-Wellesley Hospital vì bị ói mửa liên tục. Trong lúc ở cấp cứu, bé được chỉ định làm Xquang phổi và được bác sĩ Xquang ghi nhận viêm phế quản hoặc viêm phổi không điển hình. Bé được cho truyền saline vì sợ mất nước nhưng chỉ sau vài giờ, tình trạng hô hấp xấu đi thấy rõ và được chuyển ngay sang tuyến cao hơn, Massachuset General Hospital. Tại đây, bé rơi vào trụy tim mạch và phải hồi sức đến 45 phút mới tạm ổn. Bé phải nằm viện tổng cộng 4 tháng, kể cả sau khi chuyển sang chuyên khoa ở Boston Children’s Hospital và trị liệu phục hồi ở Spauld Rehabilitation Hospital. Chẩn đoán cuối cùng là viêm cơ tim cấp, có bằng chứng giải phẫu bệnh qua sinh thiết cơ tim. Đáng tiếc, việc trụy tim kéo dài đã gây tổn thương não không hồi phục. Năm 2019, bé 11 tuổi nhưng mức phát triển trí tuệ được đánh giá chỉ tương đương với 4 tuổi.

Gia đình của bé nhận thấy hậu quả nặng nề mà con mình phải gánh chịu và một tương lai mờ mịt, đã không ngồi yên và muốn có câu trả lời. Việc điều tra y khoa sau nhiều năm đã dẫn đến một chi tiết vô cùng quan trọng: Bác sĩ  Xquang William Denison đã không ghi nhận tình trạng bóng tim to trong kết quả đọc phim của mình. Ông cho biết có nhận thấy, nhưng nghĩ là lỗi kỹ thuật.

Các luật sư khẳng định, nếu tình trạng tim to được nhấn mạnh, bệnh nhân có thể được chỉ định làm siêu âm, tình trạng suy tim có thể được kiểm soát, chẩn đoán được sớm hơn và biến chứng ngưng tim có thể đã không xảy ra, cũng như tổn thương não.

Bác sĩ Ilan Schwartz, khoa cấp cứu ở Newton Wellesley Hospital khai báo về phần mình: Nếu được nhắc nhở về chuyện tim to, ông sẽ không cho chỉ định truyền dịch mà cho siêu âm tim cấp cứu để đánh giá tình trạng tim mạch trước khi có quyết định điều trị tiếp theo.

Đầu tháng 6 này, sau hơn 2 tuần xét xử, tòa thượng thẩm Middlesex đã có phán quyết cuối cùng là bác sĩ William Denison đã tỏ ra cẩu thả trong chức trách của mình, làm chậm trễ chẩn đoán, dẫn đến những thương tật nặng nề và lâu dài cho người bệnh. Mức phạt là 11,5 triệu usd. Số tiền này bao gồm 3,7 triệu cho những đau đớn và chịu đựng của bệnh nhân; 2,2 triệu đền bù cho thu nhập vì bệnh nhân không thể đi làm và 5,6 triệu cho các chi phí chăm sóc bệnh nhân.

Câu chuyện trên ít khi nào thấy ở Việt Nam, nơi mà bệnh nhân thường tự an ủi mình bằng số mệnh và nơi mà các hồ sơ y khoa thường được cách ly, không được cung cấp cho bệnh nhân. Tuy vậy, có thể rút ra một số kinh nghiệm.

Bài học thứ 1

Hồ sơ điện tử là một công cụ đắc lực cho nhân viên y tế, nhưng đồng thời đó cũng là công cụ kiểm tra và phán quyết những việc làm của họ. Có 2 chi tiết quan trọng khi làm việc với các phần mềm y tế:

  • Bất cứ làm chuyện gì cũng có con dấu thời gian (timestamp). Phim Xquang chụp vào lúc nào, bác sĩ Xquang đọc vào lúc nào, bác sĩ cấp cứu cho thuốc vào lúc nào, bệnh nhân ngưng tim lúc nào… Trình tự thời gian này không thể xóa, sửa.
  • Mọi thông tin đưa vào là không thế xóa, chỉ có thể viết thêm để đính chính…Tất nhiên, có đóng dấu thời điểm. Bởi vậy, ai trễ, ai làm sai, không thể chối. Ngược lại, hồ sơ giấy, có thể xóa, có thể viết thêm, có thể viết chồng, có thể sửa đổi.

Bài học thứ 2

Trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Nếu ở Việt Nam, ít ai để ý đến anh bác sĩ X quang mà họ chỉ chăm chăm kết án bác sĩ điều trị. Bất chấp bác sĩ Xquang viết gì, bác sĩ điều trị phải tự mình đọc phim, tự suy nghĩ và ra quyết định. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ điều trị khó mà thoát khỏi trách nhiệm, ít nhất cũng là liên đới.

Bài học thứ 3

Quan hệ nhân quả trong y khoa là rất sâu. Chẳng ai nghĩ một cái phim phổi đọc sót lại bị moi lên 10 năm sau đó, chỉ vì một cô bé bị thiểu năng trí tuệ. Chuyện bồi thường, không chỉ vì bé bị bệnh mà còn vì bé mất khả năng làm việc sau này.

Bài học thứ 4

Đừng cẩu thả. Tuy Mỹ là một xứ sở khoái kiện tụng và mồm mép luật sư là chuyện dài muôn thuở, nhưng một sự thật là gia đình bệnh nhân đã không thỏa hiệp. Họ đã đi đến cùng để tìm ra người chịu trách nhiệm trong số phận của con mình.
Tòa án, báo chí, dư luận hầu như luôn đứng về phía bệnh nhân vì họ quý trọng sức khỏe và cuộc sống của từng con người. Bác sĩ, họ nhận được sự kính trọng của xã hội, được nhận mức thu nhập cao chót vót nhưng kèm với chúng là những yêu cầu khắc nghiệt: đừng cẩu thả, đừng đùa với sinh mệnh của người bệnh. Bởi vậy, đừng lấy làm lạ khi nghề bác sĩ ở Mỹ bị trầm cảm nhiều và tỷ lệ tự sát thì cao ngất.

Bệnh nhân Việt Nam vốn không biết đi kiện ai khi có chuyện. Vì sao? Nếu thích kiện, bạn sẽ phải kiện toàn bộ hệ thống y tế, từ anh bảo vệ khó tính không cho nhận cơm từ thiện, cô thủ quỹ chậm thu tiền làm trì hoãn thủ thuật, ông bác sĩ mãi làm phòng mạch mà bê trễ việc trực gác, ông giám đốc lơ là trong việc kiểm soát an toàn khiến bệnh nhân bị xâm phạm và kể cả bà bộ trưởng chậm trễ trong việc ra các quy trình điều trị dẫn đến những cái chết thương tâm.

Bệnh nhân Việt Nam vốn không thể đi kiện vì họ không biết chuyện gì đã và đang xảy ra. Chuyện đọc phim sai là chuyện nhỏ như con thỏ. Việc nhầm lẫn, chậm trễ khâu này khâu kia…là chuyện hàng ngày ở các bệnh viện – phần lớn bị bỏ qua nếu hậu quả không quá rõ ràng.

Bệnh nhân Việt Nam vốn cũng không dám đi kiện vì thường họ chỉ có thông tin một chiều. Khi bệnh nhân trở nặng, thường là vì “căn bệnh quá khó khăn”. Khi tử vong, bác sĩ luôn khẳng định là “đã cố hết sức”. Còn sau khi bước ra khỏi hai cánh cửa bệnh viện, bệnh nhân phải tự chịu trách nhiệm với mình…Những sự cố nếu có, bệnh nhân hay người nhà không bao giờ được biết.

Bệnh nhân Việt Nam vốn không nên đi kiện vì nền Y tế Việt Nam đang vận hành trên những nguyên lý phi thực tế, là một hệ thống tạo điều kiện cho sai sót và tai biến xảy ra mọi lúc mọi nơi. Bác sĩ và bệnh nhân như hai cá thể nương tựa vào nhau trên cùng sợi dây đi qua hai bờ vực. Người này đẩy người kia, chỉ có cùng một hậu quả là cả hai cùng rơi xuống vực.

Kết luận

Cuối cùng, tóm tắt thế này. Bài này chỉ nhằm nêu lên một góc nhìn đặc biệt về tai biến y khoa, không phải để khuyến khích bệnh nhân đi kiện. Cũng muốn đưa ra một lời cảnh báo với các đồng nghiệp, một việc làm tắc trách hôm nay có thể quay lại với mình 10 năm tới, như trường hợp cô bé trong bài.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/2193564797363309

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích