menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chuyện về cái khẩu trang – Phần 2

user

Ngày:

05/05/2020

user

Lượt xem:

353

Bài viết thứ 15/18 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Võ Xuân Quang”

Tác giả: BS. Võ Xuân Quang

Mời bạn đọc thêm phần trước:
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 1

Khi buộc phải dùng khẩu trang y tế để phòng cô Vy, chú ý thêm:

Dùng kèm phụ kiện

Tư thế của người dân Việt hiện nay là phòng thủ từ xa, cảnh giác cứ như là đâu đâu cũng có nguồn lây. Nếu vậy, hẳn là bạn cần thêm một phụ kiện quan trọng: kính.

Trên thực tế, các loại virus có thể lây qua niêm mạc mũi, miệng và mắt. Vì thế, cần phải che mắt để chặn các giọt bắn chứa mầm bệnh. Các nhân viên y tế thì có kính bảo hộ, đơn giản hơn thì dùng các tấm nhựa trong che mặt (face shield). Do chỉ nhằm chặn các giọt dịch, các phương tiện này không cần phải kín. Nói cách khác, dùng kính râm cũng được mà dùng nón bảo hiểm cũng xong. Đơn giản và cũng không cần nghĩ ngợi gì, ra ngoài thì đeo thêm cái kính râm tròng thật to, cho đủ bộ thời trang thời cô Vy.

Đeo kính còn có cái lợi là giúp biết ngay khẩu trang có bị hở quá hay không qua việc mờ kính do hơi nước trong hơi thở.

Nói thêm, ý kiến này chẳng có bằng chứng khoa học nào, giống như việc bạn đang đeo khẩu trang vậy.

Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng

Đeo mặt có màu ra ngoài, nhớ bóp mũi cho khít, kiểm tra 4 phía sau khi đeo xem có nơi nào quá hở thì điều chỉnh. Khẩu trang N95 vốn có yêu cầu nghiêm ngặt, nhiều râu thì không dùng được. Khẩu trang y tế thì không quá khó khăn chuyện đó, vì đằng nào nó cũng hở. Tuy nhiên, bạn nào râu ra rễ rậm rạp như rừng… thì nên cạo bớt, kẻo đeo cũng như không. Tháo khẩu trang đúng cách, không chạm vào mặt ngoài.

Bác sĩ đeo khẩu trang y tế thì cần thay thường xuyên, lý tưởng là sau mỗi bệnh nhân. Không phải bác sĩ thì sao? Cảm thấy ẩm, thì nên thay. Tiếp chuyện với người bắn vòi rồng xong, nên thay. Vừa đi thăm người bị nhiễm, nên thay. Vừa đi qua khu vực nhiều rủi ro, như cửa khẩu sân bay chẳng hạn… nên thay.

Một số người có thể cảm thấy khó chịu và có cảm giác vướng víu, khó thở, thường xuyên kéo xuống mũi hoặc thường xuyên dùng tay điều chỉnh, kết quả là hại nhiều hơn lợi.

3. Điều không được khuyến cáo

Một câu hỏi khác, có nên đeo chồng 2 cái… cho chắc cú? Câu trả lời là không. Có một thử nghiệm khá thú vị của J.L. Derrick và C.D. Gomersall ở Hong kong năm 2005, so sánh hiệu quả lọc của việc đeo chồng 2, 3 và 5 cái khẩu trang y tế. Kết quả vắn tắt là đeo chồng 2 cái tăng khả năng lọc 40%. Đeo 3 cái tăng 70% và kết quả cao nhất là đeo cùng lúc 5 cái, giúp tăng gấp đôi (100%). Tuy nhiên, có đeo 5 cái một lúc thì nó vẫn không kín, và độ khít (fit factor) của nó thật thảm hại – chỉ có 13.7 so với tiêu chuẩn tối thiểu là 100 của N95.

Tóm lại, đây chỉ là vài suy nghĩ lan man giúp bạn dùng tốt những gì đang có, không nhằm xúi giục bạn tiếp tục đi lùng sục khẩu trang, liên tục thay mới, hay đeo chồng nhiều cái… Chỉ vì việc gom khẩu trang trong cộng đồng, hiện nay các nhân viên y tế đã phải dùng khẩu trang vải dùng lại. Bất chấp các quảng cáo nổ vung trời về khả năng kháng khuẩn của nó, tác dụng của khẩu trang vải còn tệ hơn khẩu trang y tế nhiều lần – nhưng đó lại là một câu chuyện khác rồi.

Cũng hy vọng, những nhà máy ở Trung Quốc đang hoạt động trở lại, việc khan hiếm khẩu trang sẽ chấm dứt nhanh chóng.

Mời bạn đọc thêm những phần tiếp theo:
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 3
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 4
Chuyện về cái khẩu trang - Phần 5

Chuyện cái khẩu trang p2.1
Hình 1.

Chuyện cái khẩu trang p2.2
Hình 2.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/2703237289729388

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích