menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Kim Phúc, cô bé Napalm: Tình yêu mạnh mẽ hơn bất kỳ loại vũ khí nào – Kathy Sheridan

user

Ngày:

26/07/2019

user

Lượt xem:

500

Bài viết thứ 01/18 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Võ Xuân Quang”

Lời mở đầu

Mạng xã hội lại ồn ào vì Bob Kerrey khi ông ta tuyên bố sẽ không rời bỏ vị trí của mình tại FUV. Cả hai phe ủng hộ và phản đối đều có những lý luận hùng hồn, thuyết phục nhưng xét cho cùng, chỉ là sự chọn lựa giữa tha thứ và thù hận, thêm vào một chút tinh thần dân tộc. Nhân ngày 8/6, hãy bỏ qua chuyện của ông Bob Kerrey, cùng đọc lại một câu chuyện tương tự.

Câu chuyện khá dài, gồm phần đầu là một bài báo rất hay của Kathy Sheridan – Báo Irish Times đăng ngày 28-5-2016. Bài báo về một tấm ảnh với nhiều chi tiết có lẽ ai cũng biết. Đó là hình ảnh của Kim Phúc, biểu tượng về tội ác của Đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, những diễn tiến về sau của cuộc đời Kim Phúc thì ít ai biết khi cô tìm cách tị nạn và cuối cùng định cư ở Canada. Câu chuyện được gợi lại gần đây vì Kim Phúc đang tiếp tục được điều trị các vết sẹo của mình sau 44 năm chịu đựng. Người điều trị, trớ trêu thay, cũng là của Đế quốc Mỹ – Bs Jill Waibel ở Miami. Quan điểm và cách viết của Kathy có thể hơi thiên lệch vì nói cho cùng, tác giả cũng là cùng phe với bọn “Đế quốc Mỹ” .
Phần cuối ngắn hơn, là chia sẻ một vài thông tin khá buồn đọc được trên Facebook của Bs Nguyễn Thanh Sơn.

Câu chuyện về Kim Phúc

Ngày 08 tháng 06 năm 1972. Trong 21 năm, một cuộc chiến đã nổ ra giữa chính quyền cộng sản Bắc Việt Nam với chính phủ Nam Việt Nam và đồng minh chính của nó, Mỹ. Trên Quốc Lộ 1, tuyến đường chiến lược giữa Sài Gòn và Phnom Penh, quân đội Bắc Việt đang xâm nhập vào làng Trảng Bàng. Một số thường dân đang khiếp sợ và một số binh lính đang bỏ chạy trốn khi nhiều chiếc máy bay đang gầm thét trên không và một phi công phía Nam, tưởng nhầm họ là quân địch, đã trút hết số bom napalm của mình vào đó . Không ai thoát được đám bom napalm đó, một thứ hỗn hợp của dầu và muối nhôm, chế tạo bởi các nhà hóa học của Harvard. Napalm bám vào người, gây ra những vết bỏng khủng khiếp. Phan Thị Kim Phúc, vắn tắt là Kim Phúc, là cô gái nhỏ chạy đầu tiên trong bức ảnh nổi tiếng đó. Kim, chỉ chín tuổi, trần truồng, tay giang ra trong đau đớn, khuôn mặt của cô đọng lại trong một tiếng rền rĩ méo mó. “Nóng quá! Nóng quá! “, Cô hét lên. Cô bé đã lột bỏ quần áo đang cháy khi vết bỏng tiếp tục thiêu đốt từng mảnh da non trẻ, hủy hoại lớp collagen và tàn phá một phần ba cơ thể của cô. Hầu hết những người bị tổn thương hơn 10 phần trăm cơ thể như thế đã chết ngay lúc đó. Nhưng Kim đã sống sót để trở thành một hình ảnh biểu tượng, ban đầu là cho phong trào phản chiến Mỹ, và sau đó, là hiện thân sống động của tội ác đế quốc Mỹ và bằng chứng cho sự giác ngộ của chế độ cộng sản Việt Nam.

Trở lại hôm nay, chúng tôi đã hẹn Kim làm một cuộc phỏng vấn tại nhà ở Canada qua FaceTime. Chỉ vài giờ trước, cô gửi một email cho biết là sẽ chỉ nói chuyện mà thôi-không có hình. “Nói chị nghe nhé, chắc là họ sẽ đem tôi nướng một lần nữa” cô giải thích sau đó, với một tiếng cười trong trẻo.

Đã qua bốn mươi bốn năm, Kim vẫn đang trải qua những thủ thuật để kiểm soát cơn đau không ngừng, gây ra bởi những đầu thần kinh tận bị hư hoại. “Khi tôi lớn lên, cơn đau rất rõ ràng, nó giống như tôi bị dao cắt vậy. Càng già đi, nỗi đau cũng khác đi, nhưng nó nằm sâu trong đó và vẫn ở đó”.

Cô vừa hoàn thành đợt điều trị laser thứ năm trong tám tháng tại một phòng khám ở Miami, được tài trợ bởi Bs Jill Waibel, một bác sĩ da liễu và chuyên gia trong việc sử dụng laser điều trị bỏng. Hy vọng là laser sẽ làm trắng bớt các vết sẹo thâm từ chân tóc phía sau gáy kéo dài đến tận gối, nơi mà da lành đã được lấy để ghép vào năm 1972. Do sẹo rất cũ và dày hơn da bình thường gấp bốn lần, chúng gây ra thêm nhiều các vấn đề khác, chủ yếu là do máu lưu thông kém. Thời tiết nóng cũng làm đau. “Tôi không thể đổ mồ hôi vì không có lông và không có lỗ chân lông trên phần da ghép,” cô nói. “Và, bạn có thể tưởng tượng được không, chẳng có chút máu nào trong đám sẹo đó cả? ”

Điều trị bằng laser sẽ đốt nóng da đến điểm sôi để làm bốc hơi một phần các mô sẹo. Sau đó hơi nước sẽ được hút bởi một đầu hút chân không. Các lỗ nhỏ được tạo ra bởi thủ thuật cho phép các thuốc bôi phục hồi collagen được hấp thụ sâu qua các lớp của mô.

Kim đã miêu tả cơn đau khi điều trị là 10/10 – cơn đau tệ nhất. “Những gì họ làm là đào rất nhiều lỗ hổng trong những vết sẹo của tôi, tạo cánh cửa để máu của tôi có thể chảy vào đó…Và khi máu vào được, hy vọng là vết sẹo của tôi sẽ mềm hơn và thân thể tôi sẽ tự lành, có lẽ nhờ đó sẽ giảm đau.”

Cô vẫn tiếp tục nói chuyện khá lâu về mối quan hệ của cô với Thiên Chúa, về cách thức mà sự cầu nguyện đã giúp trái tim cô lành lặn và sự tha thứ sau khi cô chuyển lòng tin của mình vào Kitô giáo ở Sài Gòn, 10 năm sau cuộc tấn công. Và như thế, chính ở một giáo đoàn nhà thờ mà cô đã tiếp xúc với cha chồng của Bs Waibel , và lần đầu tiên nghe về vị bác sĩ đã sử dụng tia laser để điều trị sẹo bỏng do napalm.
“Tôi không thiên về tôn giáo, Tôi cũng không làm chính trị”, cô nói. “Tôn giáo không giúp gì tôi cả. Nhưng mối quan hệ giữa tôi và Thiên Chúa và Chúa Giêsu, đã làm thay đổi cuộc sống của tôi. “Nó mang lại cho Kim sự bình an về thể chất và tâm hồn” ở giữa lòng thù hận, cay đắng, đau đớn, mất mát, sự tuyệt vọng”, khi mà cơn đau dường như không thể vượt qua.

Cơn đau ở tất cả các dạng tàn phá của nó đã thấm sâu vào cuộc đời của cô từ lúc Nick Út, một phóng viên ảnh 21 tuổi của AP, ghi lại hình ảnh của cô trên Quốc Lộ 1. Với một sức mạnh khó tin, bức ảnh được cho là đã đánh thức lương tâm của nước Mỹ. Trên một băng ghi âm của Nhà Trắng, người ta còn nghe Richard Nixon tự hỏi không biết là bức ảnh có được “chỉnh sửa” hay không. Ngay cả bây giờ, Kim vẫn còn không tin về chuyện này.
“Khi tôi nghe những gì ông nói, tôi nói ‘WHAAAT? – nhưng cả thế giới đều biết những gì đang xảy ra,” cô kêu lên bằng giọng Anh khá nặng “Tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không tin rằng là mấy đứa trẻ lại có thể chịu đựng nhiều đến thế.”

Một số người nói bức ảnh đã đẩy nhanh việc kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Có lẽ vậy. Bảy tháng sau khi hình ảnh của Út lan đi khắp thế giới, Hiệp định Paris được ký kết, dẫn đến sự rút lui của các lực lượng chiến đấu Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, bức ảnh cũng làm thay đổi các cuộc sống cá nhân. Đối với Út, 21 tuổi, đó là giải thưởng Pulitzer và World Press Photo năm 1972. Điều quan trọng là ông cũng đã cư xử rất nhân đạo đối với đối tượng trong ảnh của mình, có lẽ là ông đã cứu sống cô. Trước khi giao phim, ông đã đưa Kim đến bệnh viện ở Sài Gòn, nơi cô đã nằm viện 14 tháng và trải qua 17 lần phẫu thuật.

Vài tháng sau khi chụp bức ảnh, Út ghé qua nhà Kim và đưa cha cô một bản sao. Kim nhìn thấy nó lần đầu khi về đến nhà và cha cô lấy nó ra từ một ngăn kéo. Cơn choáng của cô như vẫn còn thấy được mỗi khi cô nhớ về một câu hỏi tràn ngập đầu óc của cô bé 11 tuổi vào khi đó.

“Tôi đã nghĩ, tôi chỉ là một cô bé, tôi đang trần truồng đó…,sao ông ấy lại chụp tấm hình đó chứ? “Tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi cảm thấy xấu xí, xấu hổ, và cũng vì các anh em họ của tôi, các anh em của tôi, họ cũng đang chạy chung quanh trong tấm hình đó. Nhưng họ không bị sao cả, quần áo đầy đủ còn tôi thì không. Tất cả những khó khăn, chấn thương, cơn ác mộng, sự tự ti, tôi đã phải đối phó với tất cả những điều đó…”

Kim Phúc không phải là người duy nhất bận tâm về chuyện không quần áo. Ở hãng AP vào thời đó, một cuộc tranh luận lớn đã xảy ra về chuyện có nên đưa tin với hình ảnh một cô gái khỏa thân hay không. Út, giờ đã 65 tuổi, nói: “Hình ảnh khoả thân của mọi lứa tuổi và giới tính, và đặc biệt là trang bìa, là một tuyệt đối không-không ở Associated Press vào năm 1972.” Tuy nhiên, cuối cùng mọi người đã thống nhất là giá trị tin tức của tấm ảnh đã vượt qua mọi quan điểm bảo thủ về chuyện khỏa thân, với một thỏa hiệp là không được cắt bức ảnh để đưa hình ảnh đơn độc của Kim Phúc.

Đó là quá trình làm cho Kim Phúc trở thành “cô gái trong bức ảnh” (tựa đề của cuốn tiểu sử Denise Chong), một đứa trẻ bị dày vò đã trở thành một người trưởng thành trẻ tuổi ở Việt Nam, bị tàn phá bởi nỗi đau thể xác và tinh thần, tràn đầy sự căm ghét, hận thù và những ý nghĩ tự sát . Những đứa trẻ thường co mình khi thấy sự biến dạng của cô. Các láng giềng thương hại cô. Cánh tay và bàn tay thương tật của cô khiến cô vụng về, lúc nào cũng làm rớt đồ. Nhưng mong muốn ” được biến mất”, như cô nói, không phải là vì đau đớn mà là vì tấm ảnh đó. “Tấm ảnh càng nổi tiếng, cuộc sống riêng tư của tôi càng trả giá nhiều hơn,” cô nói.

Nhận thấy giá trị sử dụng cô như là một “biểu tượng quốc gia của chiến tranh”, chính phủ Việt Nam buộc Kim phải bỏ học và đi khắp nơi, thuyết phục cô ăn mặc như một sinh viên y khoa hạnh phúc, đưa cô tham gia những cuộc phỏng vấn dài dằng dặc với các hoàng gia, thủ tướng, nguyên thủ quốc gia và các nhà báo, cũng như xuất hiện trong các bộ phim tuyên truyền.

“Giá mà họ cho tôi tiếp tục học ” cô nói, “nhưng tôi không có tự do lựa chọn cho riêng tôi. Mỗi cử động của tôi đều nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam, một quốc gia cộng sản. Tôi chỉ là một tù nhân không có tường bao quanh.”

“Trời ơi, tôi nghĩ…Tôi đang bị sao vậy? ” Và rồi tôi được tiếp tục lấp đầy với lòng thù hận. Các vết bỏng bom napalm đã không giết tôi, nhưng những hận thù, những người lợi dụng tôi – điều đó gần như đã giết tôi “.

Năm 1982, khi Kim 19 tuổi và đang sống với chị gái ở Sài Gòn, cô đọc Tân Ước và quay sang Thiên Chúa giáo.
“Sau đó tôi ngừng hỏi – sao lại là tôi? “Tôi nghĩ, các em họ của tôi, ba tuổi và chín tháng, đã qua đời và rất nhiều binh lính đã chết. Nhưng tôi vẫn còn sống, tôi có một cơ hội khác để sống. ”

Cô cũng biết cô không phải là đứa bé duy nhất trong làng phải chịu đựng. “Tuy tôi bị bỏng khá nhiều nhưng khuôn mặt của tôi và bàn tay của tôi vẫn còn đẹp,” cô vừa nói vừa cười. “Và vì vậy, tôi học để đếm phước lành của tôi.”
Năm 1986, Kim nắm lấy cơ hội học tập tại Đại học Havana. Việc học của cô một lần nữa bị gián đoạn, lần này do bệnh tật, nhưng cô đã yêu một sinh viên Việt Nam trẻ, Bùi Huy Toàn. Họ kết hôn vào năm 1992 và hưởng tuần trăng mật ở Moscow. Trên chuyến bay trở về Cuba, chiếc máy bay dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Newfoundland, Canada và cặp đôi đã xin tị nạn. Họ định cư ở Ajax, bên ngoài Ontario, nơi cha mẹ cô cuối cùng cũng tìm đến họ.

Cặp đôi này đã nuôi dạy hai con trai: Thomas (22), vừa kết hôn và tốt nghiệp một trường dòng; và Stephen (18 tuổi), người cũng đang theo học thần học tại một trường dòng ở Mỹ. Chồng Kim lấy bằng về thần học vào năm 2005. Là thành viên của Giáo hội Baptist, họ tiếp cận với những người Việt trong cộng đồng của họ “những người đang phải đối mặt với các mối quan hệ khó khăn hoặc thời điểm khó khăn trong cuộc sống của họ”, Kim nói.
Tránh tiếp xúc với công chúng trong nhiều năm, Kim đã đồng ý nói chuyện tại buổi lễ Ngày Cựu chiến binh tại Memorial Wall tại Washington, DC vào năm 1996. Cô đứng trước những người lính đã từng càn quét quê hương mình và bày tỏ sự tha thứ cho những gì họ đã làm.

“Tôi không tham gia vào chính trị hay tôn giáo. Tôi chỉ cho họ biết đó là về tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của mọi người. Điều đó mạnh mẽ hơn bất kỳ vũ khí chiến tranh nào. ”
Ngày hôm đó, cô nhận xét rằng nếu cô có thể nói chuyện đối mặt với viên phi công đã bỏ bom, cô sẽ nói rằng họ không thể thay đổi lịch sử. Khi đó, một mẫu tin nhắn được chuyển đến cô từ một người nào đó trong đám đông: “Kim, tôi chính là người đó.” Đó là Rev John Plummer, đổ ập vào vòng tay của cô và được vỗ về bằng những lời tha thứ lặp đi lặp lại.

Câu chuyện của Plummer, người đã sống với cảm giác tội lỗi đè nặng và xấu hổ, cuối cùng tìm thấy sự tha thứ sau tất cả những năm đó, đã trở thành chủ đề của vô số câu chuyện, trong sách và báo với những tiêu đề như The Lost Art of Forgiveness. Trong thực tế, Plummer hóa ra chỉ là một sĩ quan tham mưu cấp thấp, sau đó đã thừa nhận với báo Baltimore Sun rằng ông ta không phải phi công ném bom , cũng không phải là người đã ra lệnh tấn công. Anh ta chỉ bị cuốn vào những cảm xúc ở Bức tường kỷ niệm ngày hôm đó, ông nói. Về sau, Kim cho biết “Dù cho ông ta đóng vai trò lớn nhỏ ra sao, điều chủ yếu là tôi tha thứ cho anh ta” .

Nhưng khi mà các vết rạn sâu sắc của chiến tranh Việt Nam hay bất kỳ cuộc xung đột nào khác vẫn tồn tại, câu hỏi vẫn sẽ được đặt ra: Ai là người có quyền ban bố sự tha thứ rộng rãi cho tất cả những người phải chịu trách nhiệm về các món nợ kinh khủng đó? Liệu chỉ một người phụ nữ, dù bị thương tổn nặng nề, có thể tha thứ cho thứ tội ác chống lại nhân loại?

Khi Nick Út chụp tấm ảnh biểu tượng đó của cô bé, ông không bao giờ dự kiến nghĩ đó sẽ là gánh nặng mà cô sẽ phải chịu. Tuy vậy, cả hai đã trở thành những người bạn tốt đến mức cô hay gọi anh là chú Út. “Tôi thực sự biết ơn chú ấy, và tôi nói “Chú Út, cháu yêu chú”. Tôi cầu nguyện cho chú ấy mỗi ngày trong cuộc sống của tôi. Chú là người đầu tiên và cũng là cuối cùng”.

Sự thật là Kim không bao giờ có thể thoát khỏi bức ảnh mang tính biểu tượng của Út. Vì vậy cách duy nhất để cô sống sót là phải biến nó thành một điều tích cực. Giờ đây, cô ấy tin rằng đó chính là lý do cô đã được sinh ra đời. Trong khi chồng cô làm công việc chăm sóc người khuyết tật mỗi ngày, cô đi khắp thế giới nói về bài học cuộc sống của mình, về sự chữa lành và tha thứ, cũng để xin tài trợ cho quỹ Kim Foundation International, một quỹ được cô thiết lập để giúp những đứa trẻ nạn nhân của chiến tranh.

“Tôi tin vào ý định của Thiên Chúa,” cô nói. “Tôi biết mục đích của đời tôi…Và vì vậy tôi sống như một điển hình tốt, giúp mọi người hiểu là những sự phán xét và thách thức luôn tồn tại nhưng chúng ta cần tiếp tục hy vọng, bạn có thể làm được điều đó. Tôi đã sống rất nhiều với hận thù; nên giờ đây tôi rất trân trọng bài học làm sao để biết cách tha thứ. Tôi tha thứ cho bản thân mình. Tôi yêu cả những người đã gây ra sự đau khổ của tôi.

Nói thật thì tôi đã rất ghét tấm ảnh đó, tôi đã rất ghét bản thân mình. Tôi đã từng hỏi, sao lại là tôi? Nhưng kể từ khi tôi trở thành một người mẹ, trái tim tôi không còn quá bận tâm vào nó nữa. Từ trong thâm tâm, tôi muốn nói xin đừng có chiến tranh nữa, đừng tạo ra thêm những Kim Phúc khác. Tôi không muốn các con tôi phải chịu đựng như cô bé trong tấm ảnh. Vì vậy, từ góc nhìn đó, tôi thực sự muốn nhìn nhận là tấm ảnh đó đã trở thành một thứ mạnh mẽ giúp tôi tìm lại sự yên bình. Tôi không còn ghét nó nữa.”

Những đóng góp và thành quả

  • Năm 1997, cô nhận quốc tịch Canada & cô thành lập Tổ chức Kim Phúc ( Kim Phuc Foundation International) tại Hoa Kỳ với mục tiêu cung cấp sự trợ giúp y tế và tâm lý cho trẻ em nạn nhân chiến tranh.
  • Ngày 22 tháng 10, 2004, Kim Phúc được Đại học York ở Toronto, Ontario, trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự vì những nỗ lực trợ giúp trẻ em nạn nhân chiến tranh trên khắp thế giới. Cô cũng được tặng thưởng Huân chương Ontario, huân chương cao quý nhất của tỉnh Ontario, Canada.
  • Ngày 27 tháng 10, 2005, cô được Đại học Queen ở Kingston, Ontario trao tặng học vị danh dự.
  • Ngày 28 tháng 12, 2009, Đài Phát thanh Quốc gia (NPR) cho phát sóng bài nói chuyện của Kim Phúc, “The Long Road to Forgiveness,” (Đường dài đến sự tha thứ) thuộc chương trình “This I Believe”.
  • Tháng 5 năm 2010, cô gặp lại phóng viên đài truyền hình ITN Christopher Wain, người đã cứu mạng sống của cô.
    Ngày 18 tháng 5, 2010, cô nói chuyện trên Radio 4 của BBC trong chương trình “It’s my Story”, thuật lại những nỗ lực của Tổ chức Kim Phúc nhằm bảo đảm sự điều trị tại Canada cho Ali Abbas, cậu bé 12 tuổi bị bỏng và mất hai tay trong một cuộc tập kích ở Baghdad năm 2003.
  • Ngày 2 tháng 6, 2011, cô nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại Đại học Lethbridge. Kim Phúc đang sống với chồng và hai con trai ở Ajax, Ontario- vùng phụ cận Toronto.
  • Ngày 5 tháng 3, 2016, cô thành lập Tổ chức “The Restoring Heroes Foundation” quyên tiền đóng góp chữa trị vết sẹo cho cựu chiến binh & bệnh nhân nghèo không có bảo hiểm y tế, đi vận động Quốc hội Mỹ ra luật “bảo hiểm y tế chi trả chữa trị vết sẹo” . Tổ chức đóng góp chữa trị trẻ em châu Phi. Nhưng bị từ chối ngay trên chính quê hương mình, Việt Nam.
  • Hôm nay, ngày 2 tháng 4, 2016, BS Jill Waibel nói với tôi ” Kim Phuc is not welcomed into her own country”. Vâng, cô bị từ chối ngay trên chính quê hương. Sự đau đớn & vết sẹo do bỏng sâu đã được chữa trị lành bằng thành tựu Y khoa tiên tiến Hoa Kỳ & trái tim tấm lòng nhân ái của BS Jill Waibel từ Miami. Nhưng vết sẹo tâm hồn Kim Phúc bị khắc sâu thêm bởi dòng giống Lạc Hồng của mình. Thật đau.

Kết luận

Vâng, chẳng có gì để kết luận vì những gì cần nói thì Kim Phúc đã nói cả trong cuộc phỏng vấn của mình. “Tôi đã sống rất nhiều với hận thù; nên giờ đây tôi rất trân trọng bài học làm sao để biết cách tha thứ. Tôi tha thứ cho bản thân mình. Tôi yêu cả những người đã gây ra sự đau khổ của tôi .”

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/1004038399649294
  2. https://www.facebook.com/quang.vo.9461/posts/1004063539646780
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích