menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Khoa học liên quan đến đại dịch này (Covid-19) đang tiến triển với tốc độ nguy hiểm

user

Ngày:

05/05/2020

user

Lượt xem:

264

Bài viết thứ 33/61 thuộc chủ đề “Các thông tin về Covid-19”

Biên dịch: BS. Minh Le

Trong những tuần sắp tới các bạn sẽ thấy nhiều nghiên cứu mới ra đời nhưng sau đó hóa ra lại trở nên không đáng tin cậy, hoặc thậm chí là sai. Chúng ta sẽ vẫn ổn nếu như ghi nhớ điều này.

Khoa học liên quan đến đại dịch này đang tiến triển với tốc độ nguy hiểm

Khi phản ứng lại với dịch coronavirus chính quyền Trump đã phạm nhiều sai lầm, nhưng một trong những thất bại lớn nhất của họ là không có đủ bộ kit xét nghiệm lúc bệnh mới vừa xuất hiện tại Mỹ. Thay vì sử dụng các bộ xét nghiệm đến từ những nước khác, trong số đó có một số bộ đã được WHO chấp thuận, thì Nhà Trắng lại quyết định tự làm theo cách của mình.

Vào ngày 17/3, Deborah Birx, vị bác sĩ chịu trách nhiệm điều phối phản ứng về mặt khoa học của chính quyền Mỹ đối với dịch Covid-19, đã tìm cách lý giải cho sự từ chối này. (1) “Việc sử dụng bộ xét nghiệm có tỷ lệ dương tính giả là 50% hay 47% sẽ chẳng cho lợi ích gì cả,” Birx nói với các phóng viên với ý ám chỉ rằng có ít nhất một vài bộ xét nghiệm được gửi đến đất nước bà từ phía bên kia đại dương bị lỗi trầm trọng. Một vài ngày sau đó, Stephen Hahn, ủy viên của FDA, lại một lần nữa nhắc đến con số 47% này trong một cuộc phỏng vấn với NPR (National Public Radio) (2). Ông cho rằng nó đến từ “một bài tóm tắt mới được đăng gần đây trong y văn.” Ông nói thêm: “Điều này có nghĩa là cho dù xét nghiệm cho ra kết quả dương tính thì chuyện nó có thật sự dương tính hay không cũng chẳng khác gì mấy với chuyện tung đồng xu cả.”

Lập luận này nghe có vẻ hợp lý bởi vì dù sao đi nữa thì một xét nghiệm với độ chính xác chẳng hơn gì kết quả của trò chơi xấp ngửa sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Nó sẽ làm tăng thêm gánh nặng của hệ thống y tế vốn đã quá tải bằng cách tạo ra những đợt sóng mới với những người khỏe mạnh nhưng lại lo lắng rằng mình đang bị bệnh. Birx là một nhà khoa học đáng kính với kinh nghiệm đã từng chiến đấu với dịch AIDS trong quá khứ, còn cơ quan mà Hahn đang làm việc có thể được xem là tổ chức về y tế quan trọng nhất trên đất Mỹ. Nhưng lần này thì (vì một lý do nào đó chưa rõ) có vẻ như họ đang đưa ra một dữ liệu đã bị rút khỏi y văn để bảo vệ cho ý kiến của mình.

Thật vậy, cả hai con số về tỷ lệ dương tính giả của Birx, “50% hay 47%,” đều bắt nguồn từ một nghiên cứu duy nhất. Chỉ mỗi việc này thôi là đã đủ tệ lắm rồi mặc dù chúng ta có thể thông cảm được cho họ đôi chút khi nhìn thấy đại dịch đang lan nhanh như thế nào. Nhưng các nhà khoa học thường rất không thích đưa ra quyết định chỉ dựa vào một phát hiện duy nhất và không thể lặp lại được, kể cả những quyết định đại loại như ăn gì vào bữa sáng. Còn lần này thì có vẻ như họ đã làm chính cái việc đó khi đưa ra một chính sách có độ quan trọng vào tầm bậc nhất.

Nhưng có một điều còn tệ hại hơn như vậy nhiều là cái nghiên cứu duy nhất đó đã bị gỡ bỏ. Theo như NPR đưa tin thì bài báo đó đã bị gỡ bỏ chỉ vài ngày sau khi được công bố trên một tạp chí Trung Quốc. (3) Hay nói một cách khác, chỉ vì một nghiên cứu không còn nằm trong y văn nữa mà chính quyền của Trump đã không cho nhập các bộ xét nghiệm Covid-19 vào đúng thời điểm mấu chốt của đại dịch.

Đây là một minh chứng đầy thất vọng về những hậu quả sẽ phải xảy ra nếu như chẳng ai trong chúng ta thèm kiểm chứng lại độ xác thực của các tin tức khoa học. Nhưng đây cũng sẽ không phải là lần cuối cùng một chi tiết nào đó về coronavirus mà chúng ta tin là sự thật vì nó được lấy từ một bài báo đã được xuất bản bỗng dưng không còn là sự thật nữa.

Trong vài tuần vừa qua, chúng ta được thấy các bài báo về Covid-19 xuất hiện ồ ạt (4) – và cũng như chính trận dịch đang diễn ra trên đất nước này – đây chỉ mới là sự khởi đầu. Nhiều bài trong số đó xuất phát từ Trung Quốc, vốn là nơi các nhà khoa học có nhiều thời gian nghiên cứu về căn bệnh hơn phần còn lại của thế giới. Ngoài ra cũng có các bài báo quan trọng xuất phát từ Ý. (5)

Tất cả các bài báo này có ít nhất một điểm chung: Chúng được viết và xuất bản trong vội vàng. Khi phải sống trong những thời khắc tuyệt vọng như thế này chúng ta buộc phải bỏ qua một số tiêu chuẩn nhất định. Tuy vậy, tốc độ vẫn luôn là kẻ thù của một nền khoa học chuẩn mực. (Hãy cùng cầu nguyện cho các “nhà dịch tễ học ghế bành” đang cố theo dõi diễn tiến trận dịch tại nhà; tất cả những gì họ nghĩ rằng họ biết thay đổi từng giờ. (6))

Một nghiên cứu lúc bình thường cần phải mất từ vài tháng, thậm chí vài năm mới hoàn thành, sau đó là hàng tháng trời – hoặc lâu hơn – để được xuất bản. Các tòa soạn buộc các bản thảo phải trải qua quá trình peer review trước khi quyết định nó có được thông qua hay không. Sau khi được duyệt, chúng phải được chỉnh sửa và trải qua một quá trình sản xuất dài dằng dặc trước khi đến tay độc giả. Tuy vậy, đối với các bài báo về Covid-19 thì những quy trình này được cô đọng lại một cách triệt để. Có ít nhất một bài báo (7) – được chào hàng bởi chính quyền Trump – được duyệt chỉ trong vòng một ngày sau khi nộp. (Trong lúc chúng tôi viết những dòng chữ này, nó đang bị chỉ trích ở nhiều nơi. (8)(9))

Nền học thuật của Trung Quốc đặc biệt có vấn đề trong thời gian vừa qua. (10) Mặc dù đất nước này hiện đang là một lò sản xuất ra các nghiên cứu với số lượng áp đảo nhưng chúng lại không được kiểm soát một cách đồng đều về mặt y đức, đôi khi quá trình này còn hoàn toàn không tồn tại. Các học giả Trung Quốc được tưởng thưởng bằng những khoản tiền mặt khi họ đăng các phát hiện của mình trên những tạp chí danh giá. Điều này gần như chắc chắn đã góp một phần nào đó vào cái danh tiếng đáng xấu hổ của đất nước này về việc có nhiều bài báo bị gỡ bỏ bởi peer review giả hơn phần còn lại của thế giới. Dạo gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cấm những khoản tiền thưởng như vậy nhằm giúp làm giảm áp lực của cái truyền thống “công bố hay lụi tàn” của giới học giả đất nước họ. (11) Nhưng các bài báo về Covid-19 như những làn sóng xuất hiện một cách đột ngột bắt nguồn từ Trung Quốc có thể làm thất bại nỗ lực này.

Có thể thấy việc phá bỏ thói quen “công bố hay lụi tàn” khó đến mức nào qua hiện tượng các nhà khoa học Trung Quốc đã ngần ngại công bố những phát hiện của mình vì những ưu đãi nói trên. Tờ Wall Street vào đầu tháng này đã đăng bài nói về việc có một số người tiếp cận được dữ liệu từ những ca bệnh ở bệnh viện Vũ Hán trong giai đoạn sớm nhưng lại có vẻ như không muốn chia sẻ thông tin với người khác. (12)

Trong khi đó lại có nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra một cách khác để đưa những phát hiện của mình đến tay các đồng nghiệp và thế giới. Họ gửi những bản thảo sơ bộ của mình (một lát cắt thô của nghiên cứu chưa hoàn chỉnh) đến các server dành cho những bản preprint. (13)

Nhưng xin bạn đừng hiểu lầm. Sự xuất hiện của các server preprint này là một bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực xuất bản về học thuật. Chúng cho phép các độc giả có cái nhìn sơ khởi và thoáng qua về những phát hiện có tiềm năng và quan trọng. Trong trường hợp lý tưởng, chúng có thể giúp các tác giả chạm khắc nghiên cứu của họ để cho ra đời sản phẩm cuối cùng chặt chẽ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tương tự như tất cả các thứ khác trong khoa học, đây là những sản phẩm đang trong quá trình xây dựng. Khi đứng một mình, tự bản thân chúng không đủ độ tin cậy để trở thành bằng chứng khoa học hay có thể được dùng trong việc đưa ra các chính sách công.

Và một lần nữa, ngay cả những nghiên cứu đã qua peer-review khi đứng một mình cũng không nên có cái khả năng đó. Thật ra nghiên cứu về xét nghiệm Covid-19 không nằm trên các server preprint. Theo NPR thì nó xuất hiện trên Tạp Chí Dịch Tễ Học Trung Quốc vào ngày 5/3 nhưng đã bị gỡ bỏ một thời gian ngắn sau đó. Điều không may là cơ sở dữ liệu PubMed của chính phủ Mỹ – vốn là kho lưu trữ các bài báo về chủ đề y sinh học lớn nhất thế giới – lại không cập nhật về sự gỡ bỏ này khiến cho Birx, Hahn, và những người khác trích dẫn nó mà không hề biết rằng bài viết này đã bị đưa lên giàn giáo. (14)

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự xuất hiện của cái thông báo gỡ bỏ trên Pubmed chỉ vài tuần sau khi bài báo được rút lại có thể được xem là tốc độ ánh sáng. Có nhiều trường hợp các nhà xuất bản không bao giờ gửi thông báo gỡ bỏ cho những kho dữ liệu tương tự như Pubmed khiến cho nhiều nhà nghiên cứu đã làm chính cái việc Birx và nhóm của bà đã làm: Trích dẫn những bài báo đã được gỡ bỏ để chứng minh cho ý kiến của mình. (Chúng ta có hẳn một cơ sở dữ liệu để ngăn chuyện này xảy ra! (15) (16))

Có một sự thật là sẽ có hàng loạt các bài báo khoa học xuất hiện một cách ồ ạt và chớp nhoáng trong thời gian sắp tới sẽ trở nên sai, hoặc ít nhất là sai một phần. Nhưng đó không phải là một điều xấu. Khoa học không phải là một môn thực hành với mục tiêu làm đúng ngay ở lần đầu tiên và trong tất cả mọi lần. Các kiến thức khoa học nếu có gia tăng thì sẽ tăng từng chút một. Đương nhiên vấn đề nằm ở chỗ không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chờ cho cái kiến thức mới đó đến được. Khi nói về các phát hiện khoa học, con tàu Covid-19 là một con tàu tốc hành trong khi đó khoa học chuẩn mực là một cỗ xe ngựa địa phương. Cho đến khi cỗ xe ngựa này đi đến đích cuối cùng, điều khôn ngoan mà chúng ta cần làm là dán lên tất cả các nghiên cứu – bao gồm các bản preprint, các bài báo được peer-review, và (lạy chúa tôi) tất cả những tuyên bố của Donald Trump – một cái nhãn ghi chú rằng: “Hiện nay có một số bằng chứng về điều này nhưng trong tương lai nó có khả năng không hoàn toàn chính xác.”

Nói theo một cách khác thì, “sự thật luôn cách chúng ta 6 nghiên cứu.” (17)

=====

CHÚ THÍCH CỦA BIÊN DỊCH

  1. https://www.nytimes.com/2020/03/17/health/coronavirus-tests-who.html?fbclid=IwAR0xBLkP8jzFVaJWFnY6mEQwGyx_-QEvE1Gnfh4ON1jFzuAcEfrIp1e4SRA
  2. https://www.npr.org/2020/03/20/818855649/transcript-full-transcript-with-fda-commissioner-stephen-hahn?fbclid=IwAR3wkbLqINv7qXNhkoWk1ds4d8dDwK-iul7e9uao4N6l1HjkLdiMvIslYtA
  3. https://www.npr.org/sections/health-shots/2020/03/26/822084429/in-defense-of-coronavirus-testing-strategy-administration-cited-retracted-study?fbclid=IwAR0Wc1F9rITx9NdUhOl7mHRmk8vUupgq627UwqLuB867SLNKiLpkpDJxmxM
  4. https://www.economist.com/graphic-detail/2020/03/20/coronavirus-research-is-being-published-at-a-furious-pace?fbclid=IwAR0ypaIpbSFiE3oZzcJzayI8_DBWLdH1qJ-6Fpk0FBYRhicZYWr14Ze0U5U
  5. https://www.giejournal.org/article/S0016-5107(20)30245-5/fulltext?fbclid=IwAR3WTs0xw17LYkhqdKuJjiOjgIWd5Oocs6oUPqH-ca1H8f_cBcQxaP5cerw
  6. https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2020-03-25/predicting-coronavirus-should-be-left-to-the-experts?fbclid=IwAR1GsNiaCoXb1Wgw7UvgnWjEP3fSSQDQsUERNE5JmTfXyK3_mi8cW-jYDYs
  7. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0924857920300996?fbclid=IwAR3lVfG9-IYEuVS7A5r_xcb2B_05AYsMiNIBDN7IhH70vRYI2U7foe2AlS4
  8. https://scienceintegritydigest.com/2020/03/24/thoughts-on-the-gautret-et-al-paper-about-hydroxychloroquine-and-azithromycin-treatment-of-covid-19-infections/?fbclid=IwAR1FeaR07QgfpbrlE__7aFmxIXSb_KTwsjCJiPkWexFQEEEYtfOTd3J3T8o
  9. https://scienceintegritydigest.com/2020/03/24/thoughts-on-the-gautret-et-al-paper-about-hydroxychloroquine-and-azithromycin-treatment-of-covid-19-infections/?fbclid=IwAR1FeaR07QgfpbrlE__7aFmxIXSb_KTwsjCJiPkWexFQEEEYtfOTd3J3T8o
  10. https://www.nytimes.com/2017/10/13/world/asia/china-science-fraud-scandals.html?fbclid=IwAR3tL2-RiG4r6dC2I9zCdwcFXBEJd7PLkC-D0oXz2zsD5wa91Sv-iCY3-xc
  11. https://www.nature.com/articles/d41586-020-00574-8?fbclid=IwAR0nY3w-ewIjBI6-k5i5foXPifRQFXQc1mKSt8J3QwcVZZGVcR_atjoz3-s
  12. https://www.wsj.com/articles/how-it-all-started-chinas-early-coronavirus-missteps-11583508932?fbclid=IwAR3_ta4i5lDD-z5stYMGjrMrq9bAyknNvfq9JyXy5w-QKKPkSAVcoY-gLYo
  13. https://www.wired.com/story/coronavirus-research-preprint-servers/?fbclid=IwAR35eOgZ0qYnpNCfqi1wBbALsThzrJZrp7E1E2LxLlLJ0cRHf2VlnuFQ16g
  14. https://asistdl.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/pra2.2016.14505301055?fbclid=IwAR2yFN8SfYHCT9nTkuhf4fgR6Mn9xXQrqRh2MOSkYV6jTJFs1gFdVurtNEg
  15. http://retractiondatabase.org/RetractionSearch.aspx?fbclid=IwAR1fk_q2wsJD4nNKUL3AJnxrsSPM7i6U7Zf9kQM9cKuXRzuFn4HZci-KrDU&AspxAutoDetectCookieSupport=1
  16. https://www.zotero.org/blog/retracted-item-notifications/?fbclid=IwAR1e89KwjcQXd3KeLPL74j6QoGz-MtIdORjs8Ar7AaqctKa7WZm8TpE2JVI
  17. Nguyên bản trong tiếng Anh của câu này là “let’s all stay six studies away”, có ý muốn chơi chữ bằng cách nhại lại cái câu nói thường được mọi người nhắc nhở nhau trong thời gian này: “let’s all stay six feet away” (hãy cùng đứng cách xa nhau 6 feet). Ý của nó là ít ra thì chúng ta cần phải chờ có 6 nghiên cứu trở lên cùng đưa ra một kết luận giống nhau thì mới khẳng định được cái kết luận đó là sự thật. Tiếc là mình không tìm ra được câu tiếng Việt tương đương để diễn tả cách chơi chữ này nên để lên đây luôn cho mọi người được rõ.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.wired.com/story/the-science-of-this-pandemic-is-moving-at-dangerous-speeds/?fbclid=IwAR3XIl-17YiSFT2xT4E94gYXVLDq3Qfht7WojqBLk5iVSxpAJWfJbaDCtcI
  2. https://www.facebook.com/drduyminh/posts/10158547764244268
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích