menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Hóa trị FEC

user

Ngày:

13/01/2021

user

Lượt xem:

523

Bài viết thứ 09/11 thuộc chủ đề “Hóa trị”

Nội dung chính Ẩn

FEC là gì?

Hóa trị là điều trị sử dụng các thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. FEC là phác đồ hóa trị kết hợp ba thuốc:

  • 5 fluorouracil (còn được gọi là 5FU)
  • Epirubicin
  • Cyclophosphamide

FEC có tên từ các chữ viết tắt của các thuốc này.

FEC hoạt động như thế nào?

FEC tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách can thiệp vào khả năng phân chia và phát triển của tế bào.

Thông thường các tế bào bình thường trong cơ thể bạn phân chia và phát triển một cách có trật tự và được kiểm soát. Tuy nhiên tế bào ung thư phân chia và phát triển một cách vô trật tự và không được kiểm soát.

Các thuốc hóa trị khác nhau hoạt động theo cách khác nhau và can thiệp vào các tế bào ung thư ở các thời điểm khác nhau trong chu kỳ phát triển của chúng. Đây là lý do tại sao thường sử dụng kết hợp các thuốc.

Hóa trị ảnh hưởng lên các tế bào ở khắp cơ thể.

Khi nào FEC được chỉ định?

FEC có thể được dùng để điều trị ung thư vú nguyên phát. Ung thư vú nguyên phát là ung thư vú chưa lan quá vú hoặc các hạch bạch huyết ở vùng nách. FEC có thể được chỉ định trước hoặc sau phẫu thuật.

Sau phẫu thuật

FEC được chỉ định sau phẫu thuật để làm giảm nguy cơ ung thư vú tái phát trong tương lai. Việc điều trị thường bắt đầu trong vòng vài tuần sau phẫu thuật. Nếu bạn được chỉ định xạ trị thì thường bạn sẽ phải hoàn thành hóa trị FEC trước.

Khi hóa trị được chỉ định sau phẫu thuật thì được gọi là liệu pháp bổ trợ.

Trước phẫu thuật

FEC có thể được chỉ định trước phẫu thuật để làm co khối u ung thư vú to. Điều này có nghĩa là phẫu thuật bảo tồn vú có thể là một lựa chọn tốt hơn là đoạn nhũ (cắt toàn bộ tuyến vú). Hoặc nó có thể được chỉ định trước phẫu thuật để làm chậm sự phát triển của ung thư vú đang phát triển nhanh và làm giảm khả năng ung thư vú lan tới các bộ phận khác của cơ thể.

Khi hóa trị được chỉ định trước phẫu thuật thì được gọi là hóa trị tân bổ trợ.

FEC cũng có thể được dùng cho bệnh nhân mắc ung thư vú di căn (khi mà ung thư vú đã lan tới các phần khác của cơ thể như não, gan, phổi, xương…).

Trước khi bạn bắt đầu hóa trị FEC

Trước khi bắt đầu điều trị, hầu hết các bệnh viện sẽ thu xếp một buổi gặp để trao đổi với bạn thông tin về hóa trị. Tại buổi này, một thành viên của nhóm bác sĩ điều trị sẽ thảo luận cùng bạn về hóa trị được chỉ định như thế nào, khi nào và cách thức quản lý các tác dụng phụ.

Bạn sẽ được xét nghiệm máu, đo chiều cao và cân nặng.

Bạn cũng có thể được xét nghiệm để kiểm tra chức năng tim như là:

  • Điện tâm đồ, là một xét nghiệm đơn giản để kiểm tra nhịp tim
  • Siêu âm tim
  • Quét phóng xạ hạt nhân tim (quét MUGA) (tiêm và quét)

Bạn sẽ được cho số điện thoại để bạn liên hệ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc mối lo lắng nào.

FEC được truyền như thế nào?

Các thuốc thường được truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch.

Có nhiều cách khác nhau để có thể thực hiện hóa trị đường tĩnh mạch, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như là điều dưỡng có dễ tìm được ven phù hợp không và sự ưa thích của bạn. 

Truyền thuốc trong bao lâu?

Thường mất một tiếng để truyền các thuốc mặc dầu tổng thời gian nằm viện của bạn có thể kéo dài hơn.

Điều trị được lặp lại mỗi ba tuần. Khoảng thời gian nghỉ giữa mỗi lần truyền là để cơ thể bạn có thời gian nghỉ ngơi phục hồi khỏi các tác dụng phụ. Nó có thể thay đổi phụ thuộc vào số lượng tế bào máu đã trở lại mức bình thường hay chưa.

Điều trị và khoảng thời gian trước đợt điều trị tiếp theo được gọi là một chu kỳ.

Bạn thường sẽ được điều trị ngoại trú trong sáu chu kỳ. Tổng thời gian điều trị thường là ba tới bốn tháng.

Các tác dụng phụ của phác đồ FEC

Giống như bất kỳ điều trị nào, FEC có thể gây ra các tác dụng phụ. Mỗi người phản ứng khác nhau với thuốc và một số người gặp nhiều tác dụng phụ hơn những người khác. Các tác dụng phụ này có thể kiểm soát được và những tác dụng phụ được mô tả dưới đây sẽ không ảnh hưởng tới tất cả mọi người.

Nếu bạn lo lắng về bất kỳ tác dụng phụ nào, không kể đến liệu chúng có được liệt kê ở đây hay không, hãy nói với điều dưỡng hoặc bác sĩ điều trị.

Trước khi bắt đầu hóa trị, bạn cần được cho số điện thoại liên lạc 24 giờ hoặc được  biết người cần liên hệ nếu bạn cảm thấy không được khỏe vào bất cứ lúc nào trong khi bạn điều trị, kể cả ban đêm hoặc vào cuối tuần.

Các tác dụng phụ phổ biến

Ảnh hưởng lên máu

Hóa trị FEC có thể tạm thời ảnh hưởng đến số lượng các tế bào máu khỏe mạnh trong cơ thể. Các tế bào máu (bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu) được tủy xương (phần vật liệu xốp có trong phần rỗng của xương) phóng thích ra để thay thế các tế bào máu đã được dùng hết một cách tự nhiên trong cơ thể. Hóa trị làm giảm khả năng tủy sinh ra các tế bào máu này.

Bạn sẽ được xét nghiệm máu đều đặn suốt quá trình điều trị để kiểm tra số lượng các tế bào máu. Nếu số lượng các tế bào máu quá thấp thì đợt điều trị tới có thể bị trì hoãn hoặc liều hóa trị được giảm xuống.

Nguy cơ nhiễm trùng

Khi các tế bào bạch cầu giảm xuống dưới mức nào đó thì được gọi là giảm bạch cầu. Không có đủ số lượng tế bào bạch cầu có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Sự chống đỡ của bạn với nhiễm trùng thường ở điểm thấp nhất chừng 7-14 ngày sau khi truyền theo phác đồ FEC. Số lượng các tế bào bạch cầu thường trở lại mức bình thường trước khi đến đợt hóa trị tiếp theo.

Hãy liên lạc với bệnh viện ngay lập tức nếu:

  • Nhiệt độ cơ thể cao (trên 37,5 độ C) hoặc thấp (dưới 36,5 độ C), hoặc bị bất cứ dấu hiệu nào mà nhóm hóa trị đã tư vấn cho bạn.
  • Bạn bỗng nhiên cảm thấy không khỏe, thậm chí với nhiệt độ bình thường
  • Bạn có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng, ví dụ đau họng, ho, mót tiểu thường xuyên hoặc cảm thấy lạnh và/hoặc rét run.

Bạn có thể cần kháng sinh. Đôi khi bác sĩ có thể khuyến nghị tiêm các thuốc gọi là các yếu tố tăng trưởng để kích thích việc sản sinh các tế bào bạch cầu để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Xem thêm bài: Theo dõi và ngăn ngừa nhiễm trùng ở bệnh nhân ung thư trùng ở bệnh nhân ung thư
Thiếu máu

Có quá ít tế bào hồng cầu được gọi là thiếu máu. Nếu bạn cảm thấy đặc biệt mệt mỏi, thở hổn hển hoặc chóng mặt, hãy nói cho bác sĩ điều trị biết. Có thể cần truyền máu trong khi bạn điều trị nếu số lượng hồng cầu sụt đáng kể.

Bầm tím và chảy máu

FEC có thể làm giảm số lượng tiểu cầu là yếu tố giúp máu đông. Bạn có thể dễ bị bầm tím, chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng hơn khi bạn đánh răng. Hãy nói với bác sĩ điều trị nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong các triệu chứng này.

Buồn nôn và nôn

Bạn có thể thấy buồn nôn và nôn mửa, nhưng các hiện tượng này thường có thể kiểm soát được. Bạn sẽ được cho thuốc chống nôn để uống hoặc truyền tĩnh mạch trước mỗi đợt hóa trị, cũng như một số thuốc chống nôn để uống ở nhà.

Nếu buồn nôn và nôn ảnh hưởng tới bạn, hãy nói với bác sĩ điều trị để có thể đổi thuốc chống nôn cho bạn.

Xem thêm bài: Buồn nôn và nôn trong ung thư

Tiêu chảy hoặc táo bón

Bạn có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón. Bác sĩ của bạn có thể chỉ định thuốc để giúp bạn cải thiện các hiện tượng này và có thể cho bạn thông tin về chế độ ăn.

Hãy liên hệ với bác sĩ điều trị nếu bạn bị tiêu chảy từ bốn lần trở lên trong vòng 24 giờ.

Rụng tóc 

Hầu hết mọi người được truyền FEC sẽ rụng tóc, lông mày, lông mi và lông trên cơ thể.

Bạn có thể bắt đầu rụng tóc chừng hai tuần sau đợt truyền đầu tiên, nhưng có thể xảy ra sớm hơn. Mặc dầu thường tóc rụng dần dần, đối với một số người tóc rụng nhanh hơn, có thể xảy ra trong vài ngày.

Làm mát da đầu đôi khi có thể giúp giảm rụng tóc. Làm mát da đầu gồm đội một “mũ lạnh” trước, trong và một tới hai giờ sau khi truyền thuốc hóa trị. Hiệu quả của mũ lạnh như thế nào phụ thuộc vào thuốc và liều dùng, nhưng nó không có hiệu quả cho tất cả mọi người.

Rụng tóc là tạm thời và trong hầu hết các trường hợp tóc bạn sẽ bắt đầu mọc lại một vài tuần sau khi kết thúc điều trị. 

Mệt lả (cực kỳ mệt mỏi)

Mệt lả là cực kỳ mệt mỏi và kiệt sức, không hết khi được nghỉ hoặc ngủ. Nó có thể ảnh hưởng tới thể lực và cảm xúc của bạn. Đó là tác dụng phụ rất phổ biến của FEC và có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi kết thúc điều trị. Trong một số trường hợp, mệt lả có thể kéo dài hơn.

Mệt lả cũng có thể do các trạng thái khác gây ra như thiếu máu. Việc quan trọng là hãy để cho bác sĩ điều trị biết bạn bị ảnh hưởng bởi mệt lả để loại trừ các trạng thái khác.

Mệt lả ảnh hưởng tới mọi người theo nhiều cách khác nhau và có nhiều cách để ứng phó và quản lý mệt lả – bác sĩ điều trị có thể giúp bạn. 

Xem thêm bài: Mệt mỏi trong quá trình điều trị ung thư

Đau ở vị trí cắm kim

Hãy nói với điều dưỡng cắm kim truyền cho bạn ngay lập tức nếu bạn bị đau, đau nhói dây thần kinh hoặc cảm giác bỏng xung quanh dây truyền trong khi thuốc đang chảy vào. Nếu thuốc epirubicin bị dò ra khỏi ven (được gọi là thoát mạch) thì nó có thể gây thương tổn cho mô xung quanh.

Sau điều trị, bạn có thể bị đau tại chỗ cắm kim vào, hoặc dọc theo ven. Sau một vài tuần bạn có thể nhận thấy bạn nhạy cảm đau, da sẫm màu và cứng xung quanh chỗ kim cắm vào. Hiện tượng này sẽ mất dần theo thời gian.

Thay đổi màu nước tiểu

Bạn có thể nhận thấy nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng khi bạn đi tiểu, là do thuốc hóa chất epirubicin có màu đỏ và thuốc đi qua thận và bàng quang. Hiện tượng này có thể kéo dài một hoặc hai ngày sau truyền.

Kích thích bàng quang

Các thuốc hóa trị và cyclophosphamide nói riêng có thể kích thích lớp lót bàng quang. Điều quan trọng là uống nhiều chất lỏng vào lúc bạn truyền thuốc, và đi tiểu đều đặn và ngay khi bạn thấy buồn đi tiểu.

Hãy nói với nhóm bác sĩ điều trị khi bạn nhận thấy có bất kỳ sự kích thích hoặc cảm giác bỏng/nhức khi đi tiểu.

Viêm loét miệng hoặc vấn đề răng miệng

Bạn sẽ được dùng nước xúc miệng để cố gắng làm giảm viêm loét miệng và lợi và làm các vết loét trong miệng dừng phát triển. Vệ sinh răng miệng tốt là rất quan trọng trong khi điều trị.

Hãy đi khám bác sĩ nha khoa để kiểm tra trước khi bắt đầu hóa trị. Nếu bạn cần chữa răng miệng, hãy nói với nhóm bác sĩ điều trị về thời gian tốt nhất để chữa răng.

Để có thêm thông tin, đọc thêm bài viết viêm loét miệng

Thay đổi vị giác

Trong khi bạn đang hóa trị theo phác đồ FEC thì vị giác của bạn có thể thay đổi. Một số thực phẩm có thể có vị khác nhau, ví dụ vị mặn, đắng hoặc vị kim loại. Bạn có thể không còn thích thú một số thức ăn bạn đã từng thích. Vị giác của bạn sẽ quay trở về bình thường khi điều trị kết thúc, mặc dầu đối với một số người thì thay đổi vị giác có thể kéo dài sau điều trị.

Xem thêm bài: Thay đổi vị giác khi điều trị ung thư

Mất cảm giác ngon miệng (Mất cảm giác thèm ăn)

Bạn có thể mất cảm giác ngon miệng trong khi đang được truyền theo phác đồ FEC. Hãy nói với bác sĩ chuyên khoa hoặc điều dưỡng về điều này. Họ sẽ tư vấn cho bạn và cho bạn thông tin để giúp giải quyết vấn đề mất cảm giác ngon miệng và có thể gửi bạn tới chuyên gia dinh dưỡng nếu cần.

Ảnh hưởng lên sự tập trung (suy giảm nhận thức)

Một số người thấy điều trị ảnh hưởng tới khả năng tập trung và làm cho họ hay quên hơn. Đôi khi hiện tượng này được gọi là “não hóa chất” hoặc “sương mù hóa chất”, nhưng phổ biến được gọi là suy giảm nhận thức. Hiện tượng này thường giảm dần theo thời gian sau khi điều trị kết thúc. Chúng tôi có thêm thông tin trên website www.breastcancernow.org.uk.

Các triệu chứng mãn kinh

Một số phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh, là do hóa trị FEC ảnh hưởng tới buồng trứng là nơi sản sinh ra estrogen.

Nếu bạn chưa mãn kinh thì hành kinh của bạn có thể dừng hoặc trở nên không đều trong khi hóa trị. Kinh nguyệt của bạn quay trở lại sẽ phụ thuộc vào loại thuốc bạn dùng, liều và tuổi của bạn.

Các triệu chứng mãn kinh phổ biến có thể gồm:

  • Bốc hỏa
  • Ra mồ hôi ban đêm
  • Thay đổi tâm trạng
  • Đau khớp
  • Khô âm đạo

Bạn có thể nói chuyện với điều dưỡng hoặc nhóm bác sĩ điều trị về cách thức ứng phó với bất kỳ triệu chứng nào.

Để có thêm thông tin về cách thức ứng phó với các tác dụng phụ này, đề nghị đọc quyển Các triệu chứng mãn kinh và ung thư vú. 

Ảnh hưởng lên khả năng sinh sản

Hóa trị FEC có thể gây ra nhiều thay đổi ở buồng trứng, có thể ảnh hưởng tới khả năng bạn có thể có thai. Việc bạn có bị vô sinh hay không cũng phụ thuộc vào bạn đã hóa trị trước kia hay chưa và tuổi của bạn. Nhiều phụ nữ không có hành kinh (được gọi là hiện tượng vô kinh) trong khi hóa trị, nhưng hiện tượng này có thể là tạm thời.

Phụ nữ ở tuổi 40 và cao hơn ít khả năng có kinh nguyệt trở lại sau khi hoàn thành hóa trị hơn là phụ nữ dưới lứa tuổi đó.

Ở nam giới hóa trị FEC có thể ảnh hưởng tới việc sản sinh tinh trùng, và như vậy có thể dẫn tới vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Điều quan trọng là thảo luận bất kỳ mối lo ngại vô sinh nào với nhóm bác sĩ điều trị trước khi bạn bắt đầu điều trị. Nhóm bác sĩ điều trị sẽ gửi bạn tới chuyên gia hỗ trợ sinh sản để thảo luận khả năng bảo tồn khả năng sinh sản của bạn.

Để có thêm thông tin đề nghị đọc quyển Khả năng sinh sản và điều trị ung thư vú.

Hội chứng bàn tay-bàn chân (hội chứng Palmar-plantar)

Bàn tay và gan bàn chân của bạn có thể bị đau và/hoặc đỏ lên. Hiện tượng này được gọi là hội chứng Palmar-Plantar hoặc hội chứng bàn tay-bàn chân. Bác sĩ có thể cho bạn dùng kem bôi để điều trị.

Các tác dụng phụ ít phổ biến hơn

Thay đổi ở tim

Epirubicin và 5FU có thể gây ra thay đổi tới chức năng tim. Hiện tượng này thường là tạm thời nhưng đối với một ít người thì nó có thể là vĩnh viễn. Bạn có thể được làm xét nghiệm để kiểm tra chức năng tim của bạn trước, trong và sau điều trị.

Các vấn đề tim do epirubicin gây ra là không phổ biến. Tuy nhiên do nguy cơ tiềm tàng, trước khi bạn bắt đầu hóa trị, bác sĩ có thể bố trí đo chức năng tim: có thể là làm điện tâm đồ (ECG) là ghi lại điện tim, hoặc siêu âm tim để đảm bảo tim của bạn làm việc bình thường.

Bạn cũng có thể được chỉ định quét phóng xạ hạt nhân tim (MUGA scan) để kiểm tra việc tim bơm máu như thế nào.  

Nếu bạn bị đau hoặc bị bó nghẹt ở ngực hoặc cảm thấy thở hổn hển hoặc nhận thấy thay đổi ở nhịp tim vào bất cứ lúc nào trong khi hoặc sau truyền thuốc, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức. Các triệu chứng này có thể gây ra bởi các tình trạng y khoa khác nhưng quan trọng là phải được bác sĩ kiểm tra.

Đau mắt và chảy nước mũi

Hóa trị FEC có thể làm chảy nước mũi. Nó cũng có thể gây đau mắt và cảm giác bụi bay vào mắt, hoặc có thể làm chảy nước mắt. Có thể dùng nước nhỏ mắt nhân tạo để giảm nhẹ đau mắt.

Đau đầu

FEC có thể gây đau đầu. Đau đầu thường là nhẹ và có thể giảm đau bằng thuốc giảm đau đơn giản như là paracetamol. Nếu đau đầu nhiều thì hãy nói với bác sĩ điều trị.

Thay đổi ở da

FEC có thể làm da khô, nhạy cảm hơn với các phản ứng. Nếu bạn bị ban đỏ hãy nói với bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt. 

Da của bạn có thể càng nhạy cảm hơn với mặt trời, nên cần dùng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ cao.

Xem thêm bài: Tổn thương da trong điều trị ung thư

Thay đổi móng tay móng chân

Hóa trị có thể gây ra những thay đổi tới vẻ ngoài của móng tay móng chân. Có thể là thay đổi màu hoặc bề mặt móng như là hình thành các sọc gồ. Móng có thể trở nên giòn hơn và bị gãy. Thi thoảng móng có thể bị bong ra khỏi ngón và rơi ra.

Do bạn có thêm nguy cơ nhiễm trùng trong khi hóa trị, điều quan trọng là báo cáo bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như là hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau tại hoặc dưới các móng tay và móng chân.

Các tác dụng phụ hiếm gặp

Phản ứng dị ứng

Nếu bạn bị dị ứng với FEC thì nó chắc chắn sẽ xảy ra trong vòng vài phút đầu khi truyền và rất có thể là ở lần truyền đầu tiên hoặc thứ hai. Các phản ứng có thể từ nhẹ tới nặng nhưng các phản ứng nặng là không phổ biến. Bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ trong khi truyền để có thể giải quyết bất kỳ phản ứng nào ngay lập tức.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng gồm mặt đỏ bừng, nốt ban đỏ trên da, ngứa, đau lưng, khó thở, choáng váng, sốt hoặc lạnh run.

Thay đổi ở gan và thận

FEC có thể gây ra nhiều thay đổi tới chức năng thận hoặc gan. Những thay đổi thường là nhỏ nhất và quay trở về bình thường khi điều trị kết thúc. Bạn sẽ được xét nghiệm máu đều đặn để theo dõi gan và thận trong suốt kỳ hóa trị.

Quan hệ tình dục, tránh thai và mang thai

Bạn được tư vấn không nên có thai trong khi điều trị do FEC có thể gây hại tới thai nhi đang phát triển. Nếu bạn chưa mãn kinh thì hãy hỏi nhóm bác sĩ điều trị về phương pháp kiểm soát sinh đẻ phù hợp nhất với bạn. Bạn vẫn có thể có thai thậm chí nếu kinh nguyệt của bạn trở nên không đều hoặc dừng hoàn toàn.

Bạn vẫn có thể quan hệ tình dục trong khi điều trị. Người ta nghĩ rằng thuốc hóa trị không thể đi vào dịch âm đạo hoặc tinh dịch nhưng điều này không thể loại trừ hoàn toàn do thuốc hóa trị có thể đi vào máu và một số dịch khác của cơ thể. Trong một vài ngày đầu sau hóa trị, bạn có thể tránh giao hợp không bảo vệ, quan hệ tình dục qua đường miệng hoặc bất kỳ sự tiếp xúc nào có thể bị dính dịch cơ thể để đảm bảo rằng chồng/người yêu không bị phơi nhiễm với thuốc hóa trị. Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện sẽ tư vấn sử dụng các phương pháp tránh thai rào chắn như là bao cao su trong một vài ngày sau khi hóa trị.

Hóa trị gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cảm giác của bạn về quan hệ tình dục và sự gần gũi. Bạn có thể không cảm thấy thích gần gũi khi bạn đang điều trị, hoặc bạn có thể thấy sự gần gũi giúp bạn cảm thấy bình thường hơn. Phản ứng của mỗi người là khác nhau. Có thêm thông tin về ung thư vú và điều trị có thể ảnh hưởng tới sự gần gũi như thế nào trên website www.breastcancernow.org

Đi du lịch và tiêm chủng

Nếu bạn đang có kế hoạch đi nghỉ hoặc du lịch ra nước ngoài thì hãy nói với bác sĩ điều trị trước tiên.

Bạn không nên tiêm vắc xin sống trong khi đang hóa trị. Vắc xin sống gồm sởi, rubella, thủy đậu, lao, bệnh zô na và sốt vàng da.

Vắc xin sống có chứa lượng nhỏ vi rút sống hoặc vi khuẩn sống. Nếu bạn có hệ miễn dịch đã yếu do hóa trị thì vắc xin sống có thể gây hại. Tiêm chủng các vắc xin này sáu tháng sau khi điều trị xong là an toàn.

Hãy nói với bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ điều trị trước khi tiêm vắc xin.

Nếu một số người sống cùng bạn cần tiêm vắc xin sống thì hãy nói với bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ đa khoa. Họ có thể tư vấn cách phòng ngừa mà bạn có thể cần, phụ thuộc vào loại tiêm chủng.

Vắc xin cúm

Bất kỳ ai có nguy cơ hệ miễn dịch yếu đi, và do vậy dễ nhiễm khuẩn hơn thì cần tiêm vắc xin cúm. Những người này gồm những người đã hoặc đang hóa trị. Vắc xin cúm không phải là vắc xin sống nên không chứa bất kỳ vi rút sống nào cả. Nếu bạn đang hóa trị thì hãy nói với bác sĩ điều trị hoặc điều dưỡng về thời gian tốt nhất để tiêm vắc xin cúm.

Tài liệu tham khảo

https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc96_fec_chemotherapy_2019_web.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích