menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Mệt mỏi trong quá trình điều trị ung thư

user

Ngày:

29/08/2017

user

Lượt xem:

1245

Bài viết thứ 36/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Mệt mỏi có thể do bệnh ung thư hoặc do việc điều trị ung thư gây ra. Nó bao gồm mệt mỏi về thể chất và tinh thần. Mệt mỏi liên quan tới ung thư khác với cảm giác mệt mỏi khi làm việc quá sức ở một số điểm như:

  • Ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày
  • Không tương thích với mức độ hoạt động của bệnh nhân
  • Không cải thiện khi nghỉ ngơi

Hầu hết bệnh nhân ung thư đều trải qua cảm giác mệt mỏi. Một số bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm trời sau khi kết thúc điều trị.

Hãy báo cho nhân viên y tế khi cảm thấy mệt mỏi. Hãy chia sẻ với họ khi bạn thấy có triệu chứng mới hoặc sự thay đổi các triệu chứng đã có. Việc chẩn đoán và giảm nhẹ các triệu chứng và tác dụng phụ là phần quan trọng của điều trị ung thư. Công việc này được gọi là chăm sóc hỗ trợ hoặc chăm sóc giảm nhẹ/xoa dịu.

Mệt mỏi ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như thế nào?

Với một số người, mệt mỏi chỉ là hơi khó chịu. Đối với một số khác, mệt mỏi làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn và tác động tiêu cực tới các mặt khác của cuộc sống, ví dụ như:

  • Tâm trạng và cảm xúc
  • Hoạt động hàng ngày
  • Hiệu quả công việc
  • Giải trí và các thú vui
  • Các mối quan hệ xã hội
  • Sự tuân thủ liệu trình điều trị
  • Niềm hy vọng vào tương lai

Tầm soát và chẩn đoán mệt mỏi

Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (ASCO) khuyên các nhóm chăm sóc y tế phải đánh giá mức độ mệt mỏi của bệnh nhân ngay khi chẩn đoán ung thư. Thêm vào đó, bác sĩ cần theo dõi mức độ mệt mỏi trong suốt quá trình điều trị và phục hồi.

Có nhiều yếu tố gây ra sự mệt mỏi hoặc làm bệnh nhân mệt hơn. Bác sĩ sẽ xem xét một vài yếu tố trước khi lên kế hoạch điều trị mới.

Mô tả mệt mỏi. Những câu hỏi sau sẽ giúp bệnh nhân mô tả tình trạng mệt mỏi:

  • Bạn mệt nhiều hay ít? Hãy cho điểm theo thang điểm từ “không mệt mỏi” (0 điểm) tới “rất mệt mỏi” (10 điểm).
  • Sự mệt mỏi bắt đầu từ khi nào?
  • Bạn thấy mệt nhất là khi nào?
  • Sự mỏi mệt kéo dài trong bao lâu?
  • Sự mệt mỏi có thay đổi theo thời gian hay không?
  • Có yếu tố nào làm sự mỏi mệt giảm đi hoặc tệ hơn không?

Thay đổi sức khỏe liên quan tới ung thư. Bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu hoặc thực hiện các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây mệt mỏi, ví dụ như:

  • Bệnh ung thư diễn tiến xấu đi
  • Bệnh ung thư đã lan rộng/di căn
  • Bệnh ung thư tái phát sau khi điều trị

Những bệnh khác. Những bệnh không liên quan tới ung thư cũng có thể gây ra sự mệt mỏi hoặc làm bệnh nhân mệt hơn. Bác sĩ sẽ có thể hỏi bệnh, thăm khám và làm một số xét nghiệm để xác định chúng.

Điều trị nguyên nhân gây ra mệt mỏi

Trước hết, phải cố gắng giải quyết những tình trạng bệnh góp phần gây nên sự mệt mỏi, bao gồm:

Đau. Đau đớn kéo dài làm cho bệnh nhân cảm thấy kiệt sức. Các thuốc điều trị đau cũng gây nên tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi. Hãy hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau cũng như các tác dụng phụ của chúng.

Trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Những tình trạng này làm mệt mỏi tăng lên và làm việc điều trị trở nên phức tạp. Giảm bớt căng thẳng, điều trị trầm cảm và lo âu giúp bệnh nhân đỡ mệt.

Mất ngủ. Căng thẳng, đau đớn và lo lắng dẫn tới mất ngủ. Bệnh nhân thường khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu. Ngoài ra, một số thuốc có thể làm rối loạn giấc ngủ. Hãy hỏi thêm bác sĩ và nhóm chăm sóc để cải thiện chứng mất ngủ.

Dinh dưỡng kém. Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng có thể giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi. Hãy xin thêm lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn hợp lý. Việc này là rất quan trọng, đặc biệt khi bệnh nhân có thay đổi vị giác, nôn mửa hoặc buồn nôn.

Thiếu máu. Bệnh nhân ung thư thường bị thiếu máu. Đó là tình trạng giảm số lượng hồng cầu. Bệnh nhân có thể cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi thiếu máu. Điều trị thiếu máu bao gồm bổ sung chất dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc truyền máu.

Tác dụng phụ do điều trị ung thư. Một số phương pháp điều trị ung thư góp phần gây ra mệt mỏi. Bệnh nhân thường thấy mệt mỏi vào một số thời điểm như:

  • Một vài ngày sau khi hóa trị
  • Một vài tuần sau khi bắt đầu xạ trị
  • Sau liệu pháp miễn dịch

Hãy chia sẻ với nhóm chăm sóc về sự mệt mỏi mà bạn cảm thấy để cùng nghĩ cách đối phó.

Các bệnh kèm theo. Bệnh nhân ung thư, đặc biệt là người già, thường có những vấn đề sức khỏe kèm theo, như:

  • Bệnh tim mạch
  • Suy chức năng gan và/hoặc thận
  • Rối loạn hormone
  • Viêm khớp
  • Các vấn đề về thần kinh

Việc điều trị các vấn đề trên có thể giúp bệnh nhân đỡ mệt mỏi.

Những cách khác để đối phó với mệt mỏi

Thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân đối phó với tình trạng mệt mỏi. Chúng bao gồm:

Tập thể dục. Duy trì hoạt động thể chất có thể giúp giảm tình trạng mệt mỏi do ung thư. Hãy hỏi bác sĩ của bạn những loại hình hoạt động thể chất và mức độ tập phù hợp nhất. Những lời khuyên này có thể thay đổi trong và sau quá trình điều trị ung thư.

Vật lý trị liệu có thể có ích với một số bệnh nhân, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ chấn thương cao. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân tăng cường hoặc duy trì chức năng thể chất.

Tư vấn. Nói chuyện với người tư vấn có thể giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi. Ví dụ, liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp bệnh nhân:

  • Sắp xếp lại suy nghĩ, cảm nhận về mệt mỏi
  • Cải thiện kỹ năng đối phó với mệt mỏi
  • Vượt qua những vấn đề về giấc ngủ

Tương tác tinh thần – thể xác (Mind-body interventions hay tương tác tâm – vật)

Một số bằng chứng gợi ý rằng tương tác tinh thần-thể xác có thể giảm bớt sự mệt mỏi ở những bệnh nhân sống sót sau ung thư. Chúng bao gồm:

  • Thực hành chánh niệm
  • Yoga
  • Châm cứu

Ngoài ra, một số phương pháp sau đây cũng có thể giúp ích. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nhà nghiên cứu vẫn có kết luận rõ ràng về hiệu quả của các phương pháp này.

  • Liệu pháp tiếp xúc (Touch therapy)
  • Massage
  • Liệu pháp âm nhạc (Music therapy)
  • Thư giãn (Relaxation)
  • Reiki – một dạng của Touch therapy
  • Thiền định và khí công

Nếu bạn quan tâm, hãy hỏi nhóm chăm sóc để được giới thiệu tới những chuyên gia về các phương pháp này.

Thuốc và thuốc bổ. Một số thuốc có thể giúp bệnh nhân tỉnh táo hơn. Chúng có thể có ích cho hai nhóm bệnh nhân;

  • Những bệnh nhân đang điều trị ung thư.
  • Những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về lợi ích của một số chất bổ sung như nhân sâm và vitamin D. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về những lựa chọn đó.

Tài liệu tham khảo

http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/fatigue

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích