menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Quản lý khả năng sinh sản sau điều trị và chẩn đoán ung thư vú nguyên phát

user

Ngày:

04/07/2019

user

Lượt xem:

731

Bài viết thứ 64/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Người dịch: Hoàng Thu Hà, Lã Thanh Thủy

Hiệu đính: Lê Hà Cảnh Châu, Phạm Nguyên Quý

Tôi có thể mang thai sau điều trị ung thư vú không?

Thật khó dự đoán chính xác điều trị ung thư vú ảnh hưởng thế nào tới khả năng sinh sản của bạn. Nói chung bạn nên cho là bạn vẫn có thể mang thai trừ khi bạn không có kinh nguyệt ít nhất trong một năm sau khi hoàn thành điều trị nếu bạn trên 40 tuổi hoặc hơn, hoặc sau hai năm nếu bạn dưới 40 tuổi. Thậm chí nếu bạn không có kinh lại, bạn vẫn có thể có trứng và có thể mang thai. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt của bạn trở lại thì điều này không nhất thiết có nghĩa là khả năng sinh sản của bạn không bị ảnh hưởng.

Khả năng sinh sản bị ảnh hưởng như thế nào?

Điều trị ung thư có nghĩa là bạn phải nghĩ tới khả năng sinh sản của bạn sớm hơn bạn đã lên kế hoạch. Đó là do một số điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng tới việc bạn có thể mang thai trong tương lai, phụ thuộc vào tuổi và loại điều trị. Một số phụ nữ sẽ được gửi tới các bác sĩ sinh sản trước khi bắt đầu điều trị.

Liệu pháp nội tiết

Nếu bạn được uống tamoxifen thì thường là uống thuốc này trong 5 năm hoặc lâu hơn. Bạn được khuyên không mang thai trong khi đang uống thuốc do nó có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn muốn có con và bạn ở lứa tuổi 30 hoặc đầu 40 thì uống tamoxifen trong 5 năm hoặc lâu hơn có thể gây vấn đề nên bạn cần thảo luận với bác sĩ.

Hóa trị

Hóa trị có thể gây vô sinh ở những phụ nữ chưa qua mãn kinh (tiền mãn kinh). Nó có thể ảnh hưởng tới chức năng của buồng trứng, làm giảm số lượng hoặc chất lượng trứng.

Hóa trị cũng có thể làm cho kinh nguyệt của bạn mất đi. Việc mất kinh có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nói chung bạn càng trẻ khi đang điều trị và nhất là bạn dưới 35 thì càng nhiều khả năng rằng kinh nguyệt của bạn sẽ có lại. Phụ nữ trên 35 hoặc lớn tuổi hơn thì nhiều khả năng mất khả năng sinh sản do mãn kinh sớm.

Thậm chí nếu kinh nguyệt có lại sau hóa trị thì có nhiều khả năng hiện tượng mãn kinh sẽ xảy ra sớm hơn (sớm tới 5-10 năm) so với khi bạn không hóa trị. Điều này có thể có nghĩa là bạn có khoảng thời gian có thể mang thai ngắn hơn bình thường. Nếu bạn có kinh lại thì không nhất thiết có nghĩa là khả năng sinh sản của bạn không bị ảnh hưởng, nên điều quan trọng là hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị hóa chất nếu bạn có mối lo lắng nào đó. Để có thêm thông tin về hóa trị, đề nghị đọc quyển Hóa trị cho ung thư vú.

Làm sao biết được khả năng sinh sản của bạn bị ảnh hưởng?

Sau khi kết thúc điều trị, không có cách thức hoàn toàn tin cậy nào để kiểm tra xem việc điều trị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào. Bạn có thể không thấy ngay lập tức sau khi kết thúc điều trị nếu bạn vẫn còn đang trong độ tuổi sinh sản.

Nếu kinh nguyệt vẫn giữ bình thường hoặc trở lại sau khi ngừng, thì nhiều khả năng bạn có thể mang thai, phụ thuộc vào tuổi của bạn. Tuy nhiên việc có kinh nguyệt trở lại không nhất thiết có nghĩa rằng khả năng sinh sản của bạn không bị ảnh hưởng, nên quan trọng là hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ mối lo ngại nào.

Nếu kinh nguyệt chưa trở lại, bạn có thể cần liên lạc với bác sĩ của bạn hoặc với bác sĩ địa phương để họ có thể gửi bạn tới bác sĩ sản khoa.

Để kiểm tra xem buồng trứng có hoạt động hay không, bác sĩ sẽ hỏi về kinh nguyệt của bạn: kinh nguyệt đã bắt đầu trở lại hay chưa, và liệu bạn có các triệu chứng mãn kinh hay không. Một loạt các xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ nội tiết được gọi là FSH (hormone kích thích nang trứng) có thể được thực hiện. Mức độ oestrodiol (hormone nội tiết nữ) cũng có thể được đo. Các kết quả của các xét nghiệm này hỗ trợ cho chẩn đoán mãn kinh. Đôi khi bạn sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ chất nội tiết được gọi là AMH (hormone antimullerian) do xét nghiệm này đưa ra thông tin chính xác hơn về hoạt động của buồng trứng. Siêu âm buồng trứng cũng có thể hữu ích và thường được thực hiện ở một vài bệnh viện khác.

Xem thêm bài Quản lý tác dụng phụ mãn kinh sau điều trị và chẩn đoán ung thư vú nguyên phát

Mang thai sau điều trị ung thư vú

Một số bác sĩ khuyên phụ nữ chờ ít nhất hai năm trước khi có thể mang thai, là do khả năng ung thư quay trở lại có thể giảm đi theo thời gian, và bạn có thể gặp nguy cơ ung thư tái phát lớn nhất trong hai năm đầu sau chẩn đoán.

Chờ đợi thời gian dài có thể không thích hợp đối với mọi phụ nữ. Nếu bạn đang nghĩ tới việc mang thai trước khi kết thúc chu kỳ hai năm, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng.

Đối mặt với vấn đề vô sinh vĩnh viễn

Một số phụ nữ được điều trị ung thư vú sẽ đối mặt với khả năng vô sinh vĩnh viễn. Điều này có thể gây đau đớn và khó chấp nhận, đặc biệt là nếu nó đến vào lúc bạn đang có kế hoạch lập gia đình hoặc trước khi bạn kết thúc hôn nhân. Nó có thể thay đổi cảm giác của bạn về bản thân bạn như là phụ nữ và bạn có thể cảm thấy căng thằng, đau buồn, mất mát mà ung thư đã gây ra cho bạn.

Nếu bạn lo ngại về bất kỳ vấn đề gì liên quan tới khả năng sinh sản, bạn có thể thấy hữu ích khi nói chuyện về cảm giác của bạn với bác sĩ chuyên về sinh sản. Bất kể bạn có cảm giác như thế nào hãy nhớ rằng bạn không phải ứng phó một mình.

Có nhiều thông tin về khả năng vô sinh tạm thời và vĩnh viễn trong các quyển sách Khả năng sinh sản và điều trị ung thư vú Phụ nữ trẻ với ung thư vú. 

Tránh thai sau ung thư vú

Nếu bạn có quan hệ tình dục với nam giới, quan trọng là thảo luận việc tránh thai với bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể gửi bạn tới phòng khám kế hoạch hóa gia đình hoặc bác sĩ gia đình để họ có thể khuyên bạn các biện pháp tránh thai thích hợp nhất với bạn. Phụ nữ điều trị ung thư vú (kể cả điều trị tamoxifen) được khuyến nghị sử dụng các phương pháp tránh thai không có nội tiết, như là bao cao su, Femidom (bao tránh thai cho phụ nữ) hoặc màng chắn âm đạo.

Bạn cần sử dụng biện pháp tránh thai tin cậy trong và sau khi điều trị.

Có thể sử dụng vòng tránh thai. Tuy nhiên bạn cần thảo luận với bác sĩ vì không phải tất cả các loại đều phù hợp cho các phụ nữ ung thư vú.

Viên thuốc tránh thai ít khi được khuyên dùng sau chẩn đoán ung thư vú, vì các chất nội tiết trong thuốc tránh thai có thể thúc đẩy bất kỳ tế bào ung thư vú nào còn lại phát triển. Tuy nhiên có thể dùng viên thuốc tránh thai khẩn cấp do nó là một liều đơn và nhiều khả năng không ảnh hưởng tới ung thư vú. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ mối lo ngại nào.

Tài liệu tham khảo

https://www.breastcancercare.org.uk/information-support/publication/moving-forward-people-living-beyond-breast-cancer-bcc197

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích