Thứ Sáu , 29 Tháng Mười Một 2024

Giảm đau trong điều trị ung thư

Bài viết thứ 10 trong 73 bài thuộc chủ đề Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ
 

Nhiều bệnh nhân ung thư phải trải qua cơn đau trong khi hoặc sau quá trình điều trị. Tuy nhiên, các nhân viên y tế hoàn toàn có thể giúp bệnh nhân kiểm soát gần như hoàn toàn những cơn đau có liên quan đến ung thư, có thể hạn chế ảnh hưởng của tác dụng phụ trong chăm sóc và điều trị ung thư. Vì vậy, bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ về những triệu chứng đau đang trải qua. Hãy thảo luận với bác sĩ về những triệu chứng mới hoặc những thay đổi liên quan tới các triệu chứng đang có. Các bác sĩ sẽ dựa trên những thông tin này xây dựng kế hoạch điều trị cụ thể để giảm đau và hạn chế tác dụng phụ. Phương pháp chăm sóc này gọi là điều trị triệu chứng hay còn gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc xoa dịu (palliative care). Trong một số trường hợp, nhóm chăm sóc của bạn có thể trao đổi trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa về chăm sóc giảm nhẹ.

giảm đau trong điều trị ung thư

Tầm quan trọng của giảm đau trong điều trị ung thư

Cơn đau liên quan tới ung thư có thể bao gồm nhiều dạng khác nhau. Cơn đau có thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, có thể do chính khối u gây ra hoặc khi khối u di căn tới xương hay các cơ quan khác của cơ thể, hoặc do khối u phát triển lớn hơn về kích cỡ và gây chèn ép tủy sống, hoặc dây thần kinh. Đau trong ung thư cũng có thể do các thủ thuật xét nghiệm để chẩn đoán và/hoặc tiên lượng như sinh thiết, chọc dò tủy sống (spinal tap), chọc hút/sinh thiết tủy xương (bone marrow aspiration/biopsy).

Đau cũng có thể do quá trình phẫu thuật hoặc điều trị gây ra. Cơn đau có thể mới xảy ra hoặc tồn tại trong một thời gian dài và liên tục. Cơn đau có thể đột nhiên tăng cường độ mặc dù bệnh nhân đang trong quá trình điều trị giảm đau. Hiện tượng này được gọi là đau bộc phát (breakthrough pain). Cơn đau bộc phát thường xảy ra giữa hai liều điều trị giảm đau. Cơn đau này thường không liên quan với một khoảng thời gian nhất định nào trong ngày hoặc với tư thế vận động.

Dù bạn đang trải qua bất kì dạng đau nào, điều cần thiết là hãy trao đổi với bác sĩ, y tá hoặc thành viên trong nhóm chăm sóc về cảm giác này. Một số bệnh nhân không muốn nói với bác sĩ là họ đang bị đau. Họ có thể nghĩ rằng cơn đau là dấu hiệu cho thấy ung thư đang lan rộng hoặc xấu đi. Một số bệnh nhân khác lại nghĩ rằng những cơn đau đơn giản chỉ là một phần của việc chung sống với ung thư và họ không nên than vãn về điều này. Tuy những suy nghĩ này là có thể hiểu được, có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau, và mọi bệnh nhân có quyền được sống với ít đau đớn nhất có thể.

Điều quan trọng nhất bạn nên nhớ là việc không chỉ ra những cơn đau có liên quan tới ung thư có thể làm cho các triệu chứng hoặc tác dụng phụ của điều trị ung thư trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân không nhất thiết phải trải qua những triệu chứng có thể xảy ra do đau như chán ăn, chán nản, lo âu, giận giữ, lo lắng hoặc căng thẳng. Tìm ra giải pháp giảm đau có thể giúp bệnh nhân năng động hơn, ngủ ngon và ăn ngon hơn. Điều này cũng giúp bệnh nhân có hứng thú với các hoạt đông khác và có những khoảng thời gian ý nghĩa bên gia đình và bạn bè.

Một số điểm cần quan tâm khi điều trị giảm đau

Một số bệnh nhân lo lắng rằng thuốc giảm đau có thể gây nghiện. Điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, thuốc giảm đau thường không gây nghiện nếu được sử dụng ở liều lượng và lịch trình phù hợp. Các bác sĩ điều trị chăm sóc giảm nhẹ đã được đào tạo cẩn trọng trong kê đơn thuốc giảm đau. Đồng thời các bác sĩ có thể giảm dần liều dùng khi bạn đã đỡ/bớt đau. Nếu bạn hoặc các thành viên trong gia đình có tiền sử nghiện rượu hoặc thuốc phiện, hãy nói thông tin này cho bác sĩ. Khi biết được thông tin này, các bác sĩ có thể giúp phòng ngừa các vấn đề có liên quan.

Các bệnh nhân ung thư thường lo lắng về tác dụng phụ của thuốc giảm đau. Mặc dù một số loại thuốc giảm đau có tác dụng phụ như buồn nôn, mất ngủ, nhầm lẫn hoặc ảo giác, không phải bệnh nhân nào cũng gặp những tác dụng phụ này. Nếu bạn đang lo lắng về các tác dụng phụ cụ thể của thuốc giảm đau, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ và tìm hiểu xem các tác dụng phụ này có thể được hạn chế bằng cách nào không, hoặc tìm các liệu pháp giảm đau thay thế. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu tác dụng phụ không giảm bớt, hãy trao đổi với bác sĩ nhằm xem xét thay đổi thời gian dùng thuốc, liều lượng và loại thuốc giảm đau.

Các phương thức điều trị giảm đau

Sau khi có những thông tin về cơn đau của bạn, bác sĩ có thể đề xuất kế hoạch điều trị giảm đau (pain-relief plan). Một vài bệnh viện có các chuyên gia về giảm đau và chăm sóc giảm nhẹ. Các chuyên gia này tập trung vào những tổn thương thể chất và tâm lý do tác dụng phụ của điều trị ung thư. Họ có thể giúp các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân đang trải qua những cơn đau khó kiểm soát. Các bác sĩ có thể chọn điều trị giảm đau theo các cách khác nhau:

  • Điều trị nguyên nhân gây đau. Ví dụ, một khối u có thể chèn ép dây thần kinh và gây đau. Việc cắt bỏ khối u này bằng phẫu thuật hoặc làm nhỏ kích cỡ của nó bằng hóa trị hoặc xạ trị sẽ giúp làm giảm hoặc loại bỏ cơn đau.
  • Thay đổi cách cảm nhận cơn đau bằng thuốc. Một số thuốc giảm đau có thể thay đổi cách cơ thể cảm nhận về cơn đau, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Tác động vào quá trình truyền tín hiệu đau tới não bộ bằng thủ thuật. Nếu các loại thuốc giảm đau không có tác dụng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn tới một chuyên gia về giảm đau để cân nhắc một số liệu pháp giảm đau đặc biệt. Liệu pháp này có thể liên quan đến việc tiêm thuốc vào tủy sống, dây thần kinh hoặc là các mô xung quanh dây thần kinh để ngăn chặn tín hiệu đau.

Các loại thuốc giảm đau

Phòng tránh sự xuất hiện và tiến triển của cơn đau là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Khi sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc thường xuyên theo lịch trình cố định. Uống thuốc đúng giờ đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giúp duy trì ổn định mức thuốc giảm đau trong cơ thể. Đây chính là cách hiệu quả nhất để kiểm soát cơn đau hằng ngày. Khi những cơn đau đột phát xuất hiện, bác sĩ sẽ dùng thêm những liều thuốc giảm đau “cứu cánh” (rescue/extra doses). Bác sĩ sẽ dựa vào lượng thuốc giảm đau mà bạn đang sử dụng định kỳ hằng ngày để quyết định liều thuốc giảm đau cứu cánh. Ngược lại, tùy vào số lần sử dụng liều giảm đau cứu cánh mà bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh liều dùng định kỳ hằng ngày.

Có rất nhiều loại thuốc giảm đau đang được sử dụng rộng rãi. Tùy vào loại thuốc và tình trạng cụ thể của bệnh nhân, các bác sĩ có thể đưa ra các phương án điều trị khác nhau. Một số bệnh nhân dùng thuốc uống, một số khác có thể dùng thuốc tiêm tĩnh mạch (tiêm ven), tiêm dưới da hoặc thuốc dán.

  • Thuốc giảm đau không thuộc nhóm Opioids. Những thuốc này là lựa chọn cho các bệnh nhân bị đau nhẹ. Các bác sĩ đôi khi cũng kê đơn thuốc giảm đau này kết hợp với một số loại thuốc giảm đau khác khi cơn đau nặng hơn. Thuốc nhóm này bao gồm:
    • Thuốc kháng viêm Non-steroid (NSAIDs), ví dụ như Ibuprofen (Advil hoặc Motrin)
    • Acetaminophen (Tylenol)
  • Thuốc giảm đau thường dùng cho các bệnh khác. Một số thuốc thường dùng để giảm đau cho các bệnh khác, đặc biệt là đau dây thần kinh, bao gồm:
    • Thuốc chống trầm cảm, như Duloxetine (Cymbalta)
    • Thuốc ngừa động kinh, như Gabapentin (Gralise, Neurontin) và Pregabalin (Lyrica)
  • Thuốc giảm đau nhóm Opioids, hay còn gọi là thuốc phiện dùng trong y tế.Các loại thuốc này thường được sử dụng song song với thuốc giảm đau không thuộc nhóm Opioids. Nhóm này bao gồm nhiều loại từ các nhà sản xuất khác nhau:
    • Hydrocodone
    • Fentanyl
    • Hydromorphone
    • Methadone
    • Morphine
    • Oxycodone
    • Oxymorphone

Các bác sĩ sẽ xem xét kê đơn thuốc Opioids cho bệnh nhân bị đau nặng không thể kiểm soát được bằng các loại thuốc giảm đau trước đó. Vì nguy cơ gây nghiện liên quan tới người bệnh hoặc người thân, các bác sĩ thường chủ động trao đổi với bệnh nhân về vấn đề này. Bệnh nhân và người nhà cũng nên chú ý cất giữ kỹ lưỡng những loại thuốc này ở nơi an toàn để người khác không lấy sử dụng. Nếu sử dụng thuốc này ngoài chỉ định của bác sĩ, các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra, thậm chí gây tử vong.

  • Thuốc Cannabis (Marijuana)/Cannabinoid dùng trong y tế. Một vài loại thuốc dạng này đã được cấp phép sử dụng cho các cơn đau mãn tính. Hiện nay, chưa có đầy đủ bằng chứng để Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ASCO) khuyến khích dùng Cannabis như là lựa chọn đầu tiên để giảm đau. Tuy nhiên nếu nơi bạn sống cho phép sử dụng loại thuốc này, đó có thể là một lựa chọn đi kèm với các phương pháp khác để khống chế những cơn đau khó kiểm soát.

Thuốc không phải là lựa chọn duy nhất để kiểm soát cơn đau. Một vài bệnh nhân cảm thấy vật lý trị liệu là cách hiệu quả để giảm đau. Thêm vào đó, các phương pháp khác cũng có thể được sử dụng như liệu pháp bổ sung (complementary therapy). Những phương thức này bao gồm các kĩ thuật và cách thức khác nhau để xoa dịu các triệu chứng/khó chịu liên quan tới thể chất và tinh thần, đa dạng từ thiền định đến châm cứu. Cách hiệu quả nhất để kiểm soát cơn đau thường là kết hợp nhiều phương pháp.

Tài liệu tham khảo

http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/pain/treating-pain-with-medication