menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ống thông tĩnh mạch và cổng ngoại vi trong điều trị ung thư

user

Ngày:

28/01/2019

user

Lượt xem:

1618

Bài viết thứ 06/11 thuộc chủ đề “Hóa trị”

Trong quá trình điều trị ung thư, tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch khá phổ biến. Hóa chất hóa trị, truyền máu, thuốc kháng sinh và dịch truyền tĩnh mạch (IV) cũng được truyền vào cơ thể theo cách này. Ngoài ra, mẫu máu cũng được lấy qua tĩnh mạch. Để thuận tiện hơn, một thiết bị y tế gọi là ống thông tĩnh mạch (catheter) hoặc cổng ngoại vi sẽ được cấy vào cơ thể bệnh nhân.

Các kiểu ống thông tĩnh mạch

Ống thông tĩnh mạch (catheter) là một ống rỗng bằng nhựa mềm, dài và hẹp. Bác sĩ sử dụng ống thông để đưa thuốc vào tĩnh mạch hay còn gọi là tiêm tĩnh mạch.

Khi điều trị bằng đường tĩnh mạch, bác sĩ tiêm thuốc bằng một cây kim nhỏ qua ống thông này, được gọi là ống thông tĩnh mạch kiểu thông thường. Y tá sẽ có thể đâm kim vào cẳng tay hoặc bàn tay của bệnh nhân. Ngoài việc áp dụng cho hóa trị, chất lỏng hoặc các loại thuốc khác cũng được truyền vào cơ thể theo cách này, chẳng hạn như thuốc chống ói.

Ống thông tĩnh mạch thông thường sẽ được rút ra khi quá trình điều trị trong ngày kết thúc. Nhưng cũng có thể giữ nó trong 2-3 ngày nếu nó ổn định và không gây khó chịu. Với mỗi lần điều trị, bạn sẽ được thay ống thông mới.

Khi điều trị ung thư bằng hóa trị, việc sử dụng ống thông trong tĩnh mạch rất phổ biến. Tuy nhiên, nó cũng không phải là lựa chọn tốt nhất cho tất cả mọi người hay phương pháp điều trị. Nguyên nhân:

  • Việc sử dụng đường truyền tĩnh mạch có thể kéo dài mỗi tuần hoặc vài ngày. Điều này thật khó chịu khi có cây kim thường xuyên gắn trên cơ thể.
  • Y tá có thể gặp trở ngại khi đặt kim tiêm vào tĩnh mạch thường xuyên.
  • Hóa trị có thể gây tổn thương mô nếu hóa chất không được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Nếu tĩnh mạch ở bàn tay và cánh tay của bạn nhỏ hoặc khó đặt kim vào, nguy cơ cao khi hóa chất bị tiêm lệch vào mô xung quanh tĩnh mạch.

Bác sĩ có thể sử dụng ống thông lớn hơn vì thế phải đặt chúng ở tĩnh mạch lớn ở cánh tay hoặc trên cổ.

Bác sĩ có thể sử dụng loại ống thông hoàn toàn dưới da. Nó được kết nối với một đĩa nhỏ bằng nhựa hoặc kim loại gọi là cổng ngoại vi (port), toàn bộ thiết bị này được gọi là port-a-cath. Đầu ống thông cũng có thể ở bên ngoài cơ thể, giúp cho y tá đưa thuốc vào. Khi không điều trị, đầu ống thông được đóng lại bằng kẹp hoặc chụp đầu. Một số ống thông có 2 hoặc 3 đầu vào. Chúng được gọi là ống thông đôi lumen hoặc ống thông ba lumen. Kiểu ống thông này sẽ giúp bác sĩ có thể bơm được nhiều thuốc trong một thời điểm.

Các loại ống thông khác nhau

Có vài loại ống thông khác nhau, nhưng chúng hoạt động theo những nguyên tắc chung. Việc lựa chọn ống thông tùy vào nhiều yếu tố:

  • Thời gian điều trị ung thư
  • Phương pháp điều trị
  • Cách thức chăm sóc ống thông đơn giản hay phức tạp
  • Chi phí

Kiểu ống thông sẽ quyết định nơi đặt và cách đặt. Sự khác nhau giữa các kiểu ống thông như sau:

  • Ống thông tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên (PICC). Hay gọi là ống PICC. Bác sĩ được đào tạo sẽ đặt nó trong một tĩnh mạch lớn gần khuỷu tay của bạn. Bạn sẽ được gây tê tại chỗ để làm tê da và mô khi cấy PICC.
  • Ống thông Hickman. Bác sĩ sẽ đặt ống thông Hickman vào tĩnh mạch lớn dưới xương đòn hoặc từ tĩnh mạch cổ. Ống sẽ nằm dưới da. Đầu ra thường nằm ở phần trên ngực. Bạn sẽ được gây tê tại chỗ khi cấy ống thông Hickman. Thuốc an thần sẽ giúp bạn thư giãn và cảm thấy buồn ngủ.
  • Cổng ngoại vi hoặc port-a-cath. Bệnh nhân thường được gây tê tại chỗ hoặc gây mê khi bác sĩ cấy cổng ngoại vi vào cơ thể. Ống thông nằm dưới da ngực hoặc cánh tay.

Cổng ngoại vi nằm hoàn toàn dưới da. Bạn có thể nhìn thấy hoặc cảm thấy một vết sưng nhỏ trên ngực hoặc cánh tay. Nhưng bạn sẽ không thấy đầu ống thông. Khi tiêm thuốc, y tá sẽ làm tê da bằng kem bôi, sát trùng và đặt một cây kim vào cổng. Tiêm thuốc hay lấy mẫu máu đều thông qua kim tiêm này.

Lợi ích của ống thông tĩnh mạch và cổng ngoại vi

Ống thông tĩnh mạch ở cánh tay hoặc cổ có thể giữ lại trong vài tuần hoặc vài tháng. Bác sĩ có thể sử dụng nó để:

  • Giảm số lần đưa kim vào tĩnh mạch, hay còn gọi là đặt kim dính (needle stick). Nó còn có lợi ích khi bệnh nhân có các tĩnh mạch nhỏ hoặc bị tổn thương. Những tĩnh mạch này thường khó lấy ven hơn. Ngoài ra, đặt ống thông có ích khi bệnh nhân cần xét nghiệm máu thường xuyên hoặc sợ kim tiêm.
  • Truyền máu hoặc điều trị nhiều hơn một lần tại một thời điểm.
  • Giảm nguy cơ tổn thương mô và cơ. Điều này có thể xảy ra nếu thuốc rò rỉ ra bên ngoài tĩnh mạch hay còn gọi là thoát mạch. Khả năng bị thoát mạch xảy ra nhiều đối với ống thông tĩnh mạch kiểu thông thường.
  • Tránh bầm tím hoặc chảy máu nếu bệnh nhân có vấn đề về máu khó đông như số lượng tiểu cầu thấp.
  • Bệnh nhân có thể điều trị hóa trị tại nhà thay vì tới bệnh viện. Ngoài ra, liệu pháp truyền liên tục cũng sử dụng phương pháp này.

Các cổng ngoại vi có thể được giữ nguyên trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bác sĩ sử dụng nó để:

  • Giảm số lượng kim tiêm.
  • Điều trị trong thời gian dài. Kim tiêm có thể giữ lại trong cổng ngoại vi trong vài ngày.
  • Khi áp dụng với hơn một lần điều trị hay hơn một loại thuốc ở cùng thời điểm. Lúc này, ống thống hai đầu sẽ được sử dụng.
  • Làm xét nghiệm máu và hóa trị trong cùng ngày với 1 cây kim.

Chăm sóc cho ống thông và cổng

Mỗi loại ống thông đường tĩnh mạch luôn kèm theo tác dụng phụ và rủi ro nhất định. Chúng bao gồm nhiễm trùng, tắc nghẽn và hình thành cục máu đông. Có các vấn đề ít gặp hơn như xoắn ống thông dưới da hoặc ống thông hoặc cổng bị lệch vị trí. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ và các nguy cơ đó.

Chăm sóc ống thông tĩnh mạch hoặc cổng ngoại vi sẽ làm giảm các rủi ro. Nếu ống thông đường tĩnh mạch có đầu ra nằm ngoài da, hãy quan tâm đặc biệt đến đầu típ và vùng xung quanh nó. Bạn cũng phải rửa ống thông bằng chất lỏng vô trùng mỗi ngày. Điều này ngăn ống không bị tắc nghẽn. Dịch vụ chăm sóc tĩnh mạch có thể giúp đỡ cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái. Họ có thể giúp bạn ở nhà hoặc tại phòng khám bác sĩ.

Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn chi tiết về việc chăm sóc ống thông hoặc cổng ngoại vi. Một số hướng dẫn căn bản được liệt kê dưới đây:

  • Rửa tay trước khi chạm vào ống thông để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Không chạm vào đầu ống thông khi nắp đang mở.
  • Làm theo hướng dẫn vệ sinh khu vực xung quanh và cách thay băng.
  • Giữ không khí không lọt vào ống thông. Phải chắc chắn rằng đầu ống hoặc kẹp (clamp) được kẹp chặt ngoại trừ trong quá trình điều trị.
  • Tránh không làm đứt hoặc gãy ống thông.
  • Xả một lượng nhỏ chất lỏng vào ống thông để nó không bị tắc. Y tá có thể chỉ cho bạn cách làm.
  • Giữ cho khu vực ống thông không ướt.

Cổng ngoại vi nằm dưới da nên ít phải để ý hơn. Hãy hỏi bác sĩ để biết hướng dẫn về chăm sóc vùng đó. Làm theo các hướng dẫn cho đến khi nó lành lại. Nếu cổng ngoại vi không được sử dụng thường xuyên cho hóa trị, bác sĩ có thể bơm dịch lỏng định kỳ để giúp nó không bị tắc.

Các dấu hiệu cảnh báo của ống thông hoặc vấn đề về cổng

Liên hệ ngay với bác sĩ nếu:

  • Khu vực này trở nên đỏ, sưng, đau, bầm tím hoặc ấm.
  • Chảy máu.
  • Sốt.
  • Có chất lỏng rỉ ra ngoài.
  • Bạn bị khó thở hoặc chóng mặt.
  • Phần ống thông ngoài cơ thể dài hơn bình thường.
  • Bạn không thể bơm chất lỏng qua ống thông hoặc cổng ngoại vi. Có thể nó bị tắc. Không bao giờ được cố bơm chất lỏng vào ống thông.

Tháo bỏ ống thông tĩnh mạch và cổng ngoại vi

Bác sĩ sẽ lấy ống thông hoặc cổng ngoại vi khi không cần dùng nữa.

Nếu bạn sử dụng ống thông tĩnh mạch PICC, bác sĩ sẽ kéo nhẹ ống cho đến khi cảm thấy lỏng lẻo. Sau đó, ống thông sẽ được rút ra. Việc này thường không đau nên cũng không cần gây mê.

Khi sử dụng cổng ngoại vị hoặc ống thông tĩnh mạch ở cổ hoặc ngực, bác sĩ sẽ rạch da và nhẹ nhàng lấy cổng ngoại vi hay ống thông. Bạn có thể cần gây tê tại chỗ hoặc an thần.

Các câu hỏi nên hỏi bác sĩ

  • Tại sao nên sử dụng ống thông hoặc cổng ngoại vi?
  • Nguy cơ của việc sử dụng ống thông hoặc cổng ngoại vi?
  • Bảo hiểm sức khỏe của tôi có chi trả chi phí cấy dụng cụ này không?
  • Tôi cần làm gì trước khi cấy ống thông hoặc cổng ngoại vi?
  • Tôi có cảm thấy đau khi bác sĩ cấy ống thông hoặc cổng ngoại vi không?
  • Thời gian thực hiện trong bao lâu?
  • Ống thông hoặc cổng ngoại vi ở trong cơ thể bao lâu?
  • Tôi nên chăm sóc ống thông hoặc cổng ngoại vi của tôi như thế nào?
  • Tôi có thể nhìn thấy hay cảm thấy ống thông hoặc cổng ngoại vi không?
  • Tôi có thể mặc quần áo như bình thường không?
  • Tôi có thể tắm và bơi không?
  • Tôi có thể tập thể dục không?
  • Ống thông hoặc cổng ngoại vi có gây cản trở xạ trị hay soi chụp không?
  • Tôi nên gọi cho ai nếu gặp vấn đề?

Tài liệu tham khảo

Catheters and Ports in Cancer Treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích