menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Chuẩn bị bệnh nhân trước hóa trị

user

Ngày:

17/11/2019

user

Lượt xem:

1241

Bài viết thứ 11/11 thuộc chủ đề “Hóa trị”

Tại sao bệnh nhân cần được chuẩn bị trước hóa trị?

Hóa trị là một quá trình điều trị ung thư cho các trẻ bằng cách truyền, tiêm hóa chất nhiều lần và thường kéo dài vài tháng đến vài năm; việc này sẽ làm trẻ có cảm giác đau, khó chịu do tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng nặng, suy kiệt sau các đợt hóa chất mạnh, liều cao.

Chúng ta đều biết rằng, trẻ em là không dễ để tiêm tĩnh mạch, nhất là khi phải tiêm nhiều lần, do đó rất cần một đường truyền an toàn, vững chắc, có thể sử dụng lâu dài để hạn chế rủi ro do hóa chất bị thoát khỏi lòng mạch khi tiêm và tránh đau đớn, sợ hãi cho trẻ khi bị tiêm quá nhiều. Hóa trị còn làm cho miễn dịch (khả năng đề kháng bệnh tật) của trẻ bị giảm, do đó những ổ viêm nhiễm tiềm ẩn của trẻ nếu chưa được kiểm soát tốt có thể nhiễm trùng nặng nề hơn và là khởi nguồn cho tình trạng nhiễm trùng toàn thân.

Ngoài ra trẻ cần được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm thăm dò chức năng một số cơ quan để tiên lượng trước khả năng dung nạp với các tác dụng gây độc lên các chức năng liên quan hóa trị. Thêm nữa trẻ cần được chuẩn bị tâm lý, thay đổi cách ăn uống, sinh hoạt an toàn khi hóa trị, và cần được nâng cao thể trạng tối đa. Chính vì vậy, nếu không nằm trong nhóm có chỉ định bắt buộc phải hóa trị khẩn cấp do ngay từ lúc đang chẩn đoán bệnh trẻ đã có sẵn biến chứng đe dọa tính mạng thì tất cả các trẻ khác trước hóa trị ung thư cần 1 số bước chuẩn bị. Các thao tác này được tiến hành song song với việc các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh cho trẻ, phẫu thuật xác định bản chất khối u. Thời gian để có đầy đủ bằng chứng về phân loại u, hội chẩn bắt đầu phác đồ điều trị hóa trị có thể mất một vài tuần.

Chuẩn bị các vấn đề gì trước hóa trị?

  1. Đặt 1 đường truyền tĩnh mạch trung tâm cố định. Bệnh nhi có thể được gây mê tại phòng mổ để đặt buồng tiêm dưới da, thời gian sử dụng được trong vài năm. Dạng thứ hai là đường truyền catheter ngoại biên (thường được đặt lưu từ cánh tay), thời gian sử dụng được trong vài tuần, trẻ có thể được an thần, gây mê nhẹ tại phòng thủ thuật hoặc phòng mổ.
  2. Khám răng hàm mặt, tai mũi họng để kiểm tra các ổ nhiễm trùng tiềm ẩn. Răng sâu của trẻ cần nên được trám, nhổ, xử lý gọn gàng trước khi vào hóa chất.
  3. Thăm dò thường quy chức năng gan, thận, tim, phổi cho trẻ trước hóa trị. Hay gặp nhất là trẻ có thể sẵn có bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, viêm gan siêu vi. Những trẻ này phải được hội chẩn chuyên khoa để lên kế hoạch điều trị dự phòng, theo dõi định kỳ, và tiên lượng nguy cơ biến chứng trước hóa trị.
  4. Hướng dẫn trẻ, cha mẹ ăn các nhóm thức ăn an toàn, thực phẩm giàu năng lượng được khuyến cáo cho trẻ ung thư, những trẻ có tình trạng dinh dưỡng càng tốt, mức độ thành công hóa trị càng cao. Bên cạnh đó, cần thực hành rửa tay tốt, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân tránh nhiễm trùng. Trẻ cần làm quen việc thường xuyên bị truyền dịch, tiêm thuốc, uống thuốc, súc miệng thuốc sát trùng. Ngoài ra chuẩn bị sẵn các hoạt động giải trí tại chỗ cho trẻ vì trẻ sẽ thường xuyên ở 1 chỗ trên giường nhiều ngày.
  5. Cha mẹ cần quen dần với cách phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ để báo lại thông tin chính xác cho nhân viên y tế.
  6. Cùng thảo luận với bác sĩ để biết quá trình chẩn đoán, điều trị của trẻ sẽ được tiến hành như thế nào, thời điểm cho từng giai đoạn. Nếu trẻ phải phẫu thuật mới xác định chẩn đoán, thì kết quả bản chất ung thư bằng giải phẫu bệnh phải mất vài ngày – vài tuần mới có. Tùy theo mức độ diễn tiến bệnh bác sĩ sẽ quyết định chờ đợi kết quả hay can thiệp điều trị trước cho trẻ theo định hướng.

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích