menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ung thư vú di căn xương

user

Ngày:

28/05/2018

user

Lượt xem:

6123

Bài viết thứ 14/82 thuộc chủ đề “Ung thư vú”

Ung thư vú di căn xương xảy ra khi ung thư nguyên phát ở vú đã lan tới xương.

Chúng tôi hy vọng cuốn sách mỏng này sẽ giúp bệnh nhân giải đáp một số thắc mắc và giúp bệnh nhân có thể thảo luận các giải pháp liên quan với các bác sĩ điều trị cho mình.

Chúng tôi khuyến khích bệnh nhân nên tìm đọc bộ tài liệu thông tin về ung thư vú di căn, có các thông tin hữu ích từ lúc bạn được chẩn đoán cho đến suốt qua điều trị và chăm sóc. Tài liệu cũng bao gồm thông tin chi tiết về tác động của ung thư vú di căn lên thể xác lẫn tinh thần.

Ung thư vú di căn xương là gì?

Ung thư vú thứ phát xảy ra khi tế bào ung thư vú lan từ ung thư nguyên phát (ung thư ban đầu) ở vú tới những bộ phận khác của cơ thể như là xương. Quá trình di căn có thể xảy ra qua đường máu hoặc bạch huyết.

Ung thư vú dạng này còn được gọi là ung thư vú tiến triển, di căn, khối u thứ phát hoặc ung thư vú giai đoạn 4.

Xương là một trong những vị trí phổ biến mà ung thư vú di căn tới. Vị trí xương thường bị di căn nhất là:

  • xương đốt sống,
  • xương sườn,
  • xương sọ,
  • xương chậu, hoặc
  • xương cánh tay và xương đùi.

Ung thư vú di căn xương không giống như là ung thư bắt đầu ở xương. Các tế bào ung thư đã lan tới xương là tế bào ung thư vú.

Tiên lượng

Khi ung thư vú lan tới xương thì có thể điều trị được nhưng không thể chữa khỏi. Điều trị thường có mục tiêu chính là nhằm kiểm soát và làm chậm sự lan rộng của ung thư, giảm nhẹ các triệu chứng và mang lại chất lượng sống tốt nhất cho bệnh nhân càng lâu càng tốt.

Sau khi bị chẩn đoán ung thư vú di căn, nhiều người muốn biết họ có thể sống được bao lâu nữa. Do có những cải thiện trong điều trị nên ngày càng có nhiều người sống lâu hơn sau khi nhận chẩn đoán. Tuy nhiên, việc dự đoán tuổi thọ là rất khó do mỗi trường hợp là khác nhau và còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác.

Bác sĩ có thể nói cho bạn về diễn biến có thể xảy ra của ung thư vú di căn. Bạn có thể lo lắng vì câu trả lời của bác sĩ là mơ hồ không rõ ràng, nhưng quả thật, không thể dự đoán chính xác đáp ứng của mỗi người với điều trị và chúng ta chỉ có thể tập trung vào làm những thứ tốt nhất trong thời điểm hiện tại.

Xương

Xương có 2 loại tế bào sống chính:

  • Tế bào hủy xương hay còn gọi là hủy cốt bào, có nhiệm vụ hủy bỏ một số lượng nhỏ xương bị thương tổn hoặc già nua.
  • Tế bào tạo xương hay còn gọi là nguyên bào xương, có nhiệm vụ giúp tạo xương mới.

Quá trình hủy xương và tạo xương xảy ra liên tục suốt cuộc đời để giúp hệ xương chắc khỏe.

Khi tế bào ung thư vú xâm lấn vào trong xương, nó sinh ra nhiều chất để phá vỡ sự cân bằng của hai quá trình này. Tế bào hủy xương hoạt động mạnh hơn và kết quả là xương bị phá hủy nhanh hơn là tái tạo. Điều này có thể dẫn đến một số triệu chứng của ung thư vú di căn xương.

Các khu vực ung thư vú di căn xương có thể xuất hiện dưới dạng:

  • Tiêu xương – ung thư gây gãy xương hoặc làm mỏng xương.
  • Tạo xương – ung thư làm xương cứng và dày hơn.

Thông thường, các vị trí ung thư vú di căn xương có cả hai đặc tính này.

Các triệu chứng  

Bệnh nhân có thể có một vài triệu chứng khác nhau hoặc không có triệu chứng gì. Nhiều người bị ung thư vú di căn xương cảm thấy vẫn khỏe và vẫn kiểm soát được triệu chứng của mình.

Các triệu chứng chính của ung thư vú di căn xương là:

  • Đau, có thể đau hơn khi nằm xuống.
  • Nứt (gãy) xương.

Ung thư vú di căn xương cũng có thể gây ra:

  • Chèn ép tủy sống gây đau lưng, đi đứng khó, tê tay chân và không kiểm soát được đại tiện và tiểu tiện;
  • Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu thấp có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, thiếu máu, thâm tím da và chảy máu;
  • Quá nhiều canxi trong máu có thể gây nên những triệu chứng như là nôn và buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, đi tiểu nhiều, lơ mơ và khát nước.

Các triệu chứng có thể từ nhẹ tới nặng, phụ thuộc vào vị trí và số lượng xương bị di căn. Việc quan trọng là báo với bác sĩ khi có triệu chứng mới hoặc thay đổi các triệu chứng cũ.

Đôi khi ung thư vú di căn xương có thể được chẩn đoán bằng xạ hình xương trước khi bệnh nhân thấy bất kỳ triệu chứng nào.

Tôi cần làm những xét nghiệm gì?

Bác sĩ sẽ khám cho bạn và thảo luận với bạn về các triệu chứng. Bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều xét nghiệm sau để giúp xác nhận chẩn đoán và giám sát bệnh lâu dài.

Chụp X quang xương

Phim X quang sẽ cho thấy những thay đổi trong xương. Nhưng phim X quang có thể không hiện rõ những điểm ung thư xâm lấn nhỏ.

Xạ hình xương

Kiểm tra xương bằng cách chụp hình toàn bộ hệ xương, có thể giúp xác định những thay đổi của xương do chấn thương, phục hồi sau chấn thương, hoặc các bệnh lý như ung thư gây ra.

Một lượng nhỏ dược chất có hoạt tính phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch, thường là vào tay, 2-3 giờ trước khi xạ hình xương. Chất này giúp hiển thị những thay đổi ở xương (thường được gọi là điểm nóng).

MRI (Chụp cộng hưởng từ)

MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra một loạt các hình ảnh bên trong cơ thể. MRI không làm cơ thể phơi nhiễm với phóng xạ tia X.

Chụp CT (Chụp cắt lớp vi tính)

Kỹ thuật chụp này, còn được gọi là CAT scan, sử dụng máy quét đặc biệt dùng tia X và máy tính để dựng lại hình ảnh chi tiết của cơ thể.

Chụp PET-CT

Kỹ thuật chụp này tạo ra hình ảnh ba chiều chi tiết cả về kết cấu và chức năng của các bộ phận hoặc cơ quan đang được khảo sát.

Kỹ thuật này thường không được dùng để chẩn đoán ung thư vú di căn xương, nhưng có thể giúp các bác sĩ xác nhận chẩn đoán khi cần thiết..

Xét nghiệm máu

Khi ung thư vú di căn tới các bộ phận khác nhau của cơ thể, nó gây ra một số thay đổi có thể đo đạc được bằng xét nghiệm máu, như tăng canxi trong máu. Khi đó, xét nghiệm máu có thể được dùng để theo dõi thay đổi trong quá trình điều trị.

Bác sĩ sẽ thảo luận xem nên làm loại xét nghiệm nào và tại sao lại chọn nó.

Xét nghiệm chất chỉ thị ung thư

Bác sĩ có thể đề nghị làm một số xét nghiệm đo chất chỉ thị ung thư (tumor markers) trong máu, thường có bản chất là các protein liên quan tới ung thư vú. Chúng có thể cung cấp thông tin về việc bạn đáp ứng điều trị như thế nào hoặc liệu ung thư có đang tiến triển hay không. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa chắc chắn về về độ chính xác của xét nghiệm, tần suất/lịch trình và lợi ích của xét nghiệm chất chỉ thị ung thư nên không phải tất cả các bác sĩ đều dùng xét nghiệm này cho tất cả bệnh nhân của mình.

Sinh thiết xương

Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ sẽ có thể nói cho bạn biết liệu bạn đã bị di căn xương hay chưa từ các triệu chứng và xét nghiệm hình ảnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì sinh thiết có thể giúp xác nhận chẩn đoán và quyết định điều trị nào là thích hợp.

Ung thư vú di căn vào tủy xương

Trong một số trường hợp, ung thư vú di căn ảnh hưởng tới hoạt động của tủy xương.

Tủy xương là vật liệu xốp có trong phần rỗng của xương. Tủy xương tạo nên tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) để thay thế các tế bào máu đã được sử dụng trong cơ thể.

Ung thư vú di căn vào tủy xương có thể làm hạ hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu và có thể dẫn tới thiếu máu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và thâm tím da hoặc chảy máu.

Bác sĩ có thể đề nghị làm các xét nghiệm máu và sinh thiết tủy xương để xác nhận chẩn đoán.

Tôi sẽ được điều trị với những phương pháp nào?

Bệnh nhân sẽ được điều trị giảm nhẹ triệu chứng như là giảm đau, duy trì và cải thiện khả năng vận động, thuốc làm xương chắc, và làm chậm sự phát triển của ung thư. Phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Giảm đau
  • Liệu pháp làm chắc xương
  • Liệu pháp nội tiết
  • Liệu pháp nhắm trúng đích (liệu pháp sinh học)
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Phẫu thuật

Các điều trị này có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau.

Khi đưa ra quyết định về điều trị tốt nhất cho bạn, các bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như:

  • Ung thư ở trong xương ở mức độ nào.
  • Ung thư đã lan tới các cơ quan khác hay chưa.
  • Bạn có những triệu chứng gì.
  • Bạn đã được điều trị như thế nào trong quá khứ.
  • Đặc tính của ung thư.
  • Bạn đã mãn kinh hay chưa.
  • Sức khỏe tổng trạng của bạn.

Các bác sĩ sẽ thảo luận cách điều trị với bệnh nhân và có lưu tâm đến mong muốn của bạn. Họ sẽ nói chuyện với bạn về các lựa chọn, giải thích mục đích của điều trị và giúp bạn xem xét và cân nhắc các lợi ích so với các tác dụng phụ/ngoại ý có thể xảy ra.

Liệu pháp làm chắc xương

Biphosphonates và denosumab là các thuốc tác dụng theo cách hơi khác nhau để làm chắc các xương và làm giảm tổn thương do ung thư gây ra.

Các thuốc này cũng giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu để nó không quá cao.

Bisphosphonates

Là nhóm các thuốc làm chậm quá trình hủy xương trong khi cho phép xương mới được sinh ra như thường lệ. Bisphosphonates có tác dụng này bằng cách làm giảm số lượng và hoạt động của hủy cốt bào trong xương.

Biphosphonates có thể được đưa vào cơ thể qua:

  • Đường truyền (qua ven hay tĩnh mạch).
  • Đường uống (viên nén hoặc viên con nhộng.

Các điều trị bằng đường uống và truyền tĩnh mạch đều có hiệu quả và bác sĩ sẽ khuyến nghị loại nào thích hợp cho bạn.

Truyền tĩnh mạch (IV) Bisphosphonates

Thường thì bệnh nhân cần được xét nghiệm máu trước khi truyền thuốc, bao gồm xét nghiệm chức năng thận (xem phần tác dụng phụ của bisphosphonates và denosumab) và kiểm tra lượng can-xi trong máu.

  • Truyền disodium pamidronate (Aredia) qua tĩnh mạch bệnh nhân trong khoảng 90 phút, khoảng 3-4 tuần/lần.
  • Truyền Axit Ibandronic (Bondronat) cho bệnh nhân trong vòng 15 – 60 phút, khoảng 3-4 tuần/lần.
  • Truyền Axit Zoledronic (Zometa) cho bệnh nhân trong vòng 15-30 phút, khoảng 3-4 tuần/lần. Một khi bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc này khoảng 1 năm rồi thì bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị cứ 12 tuần/lần.

Thuốc uống bisphosphonates

Uống bisphosphonates hàng ngày. Tốt nhất là dùng thuốc này sau khi thức dậy vào buổi sáng, trước khi ăn/uống và chỉ uống thuốc với nước lọc mà thôi. Thuốc không hấp thụ được khi có thức ăn hoặc chất lỏng có chứa canxi, như là sữa, trong dạ dày. Có nghĩa là bệnh nhân không nên ăn hay uống gì cả khoảng 1 tiếng trước và sau khi uống bisphosphonates. Bạn nên đứng hoặc ngồi trong một giờ sau khi uống thuốc để tránh sự khó chịu trong thực quản.

  • Thuốc axit Ibandronic (Bondronat) dạng viên nén.
  • Thuốc Disodium clodronate (Bonefos, Loron, Clasteon) có thể uống dạng viên nén hoặc viên nhộng.

Denosumab (Xgeva)

Denosumab là một dạng liệu pháp nhắm đích (liệu pháp sinh học) chuyên điều trị ung thư vú di căn xương.

Thuốc denosumab giảm sự tiêu xương, giảm nguy cơ xảy ra biến chứng do di căn xương như gãy xương. Thuốc này tác dụng bằng cách gắn vào và ức chế chất có tên gọi là RANKL liên quan tới quá trình tiêu xương.

Thường thì thuốc sẽ được dùng suốt thời gian mà ung thư di căn xương còn trong tầm kiểm soát.

Denosumab được tiêm dưới da cứ 4 tuần một lần.

Tác dụng phụ của bisphosphonates và denosumab

Mỗi người phản ứng khác nhau với thuốc và một số người có tác dụng phụ/ngoại ý nhiều hơn những người khác. Các tác dụng phụ có thể khác nhau tùy vào từng thuốc làm chắc xương, nhưng thường là nhẹ.

Nếu bạn lo ngại về bất kỳ tác dụng phụ nào, không kể đến việc tác dụng phụ có được liệt kê ở đây hay không, hãy nói chuyện với bác sĩ do họ có thể giúp bạn xử trí các tác dụng phụ.

Các triệu chứng giống như bị cúm

Bipshosphonates và denosumab có thể gây ra các triệu chứng giống cúm như là đau khớp và cơ, mệt lả, run rùng mình và sốt.

Hạ canxi máu

Bipshosphonates và denosumab có thể làm lượng canxi trong máu hạ xuống quá thấp, được gọi là chứng hạ canxi máu.

Các triệu chứng sớm gồm tê ran xung quanh miệng và môi, ở bàn tay và bàn chân. Bác sĩ thường kê đơn bổ sung Canxi và Vitamin D cùng với bisphosphonates và denosumab để ngăn ngừa lượng canxi trong máu hạ quá thấp.

Ăn chế độ ăn cân bằng gồm thực phẩm có chứa canxi và Vitamin D cũng có thể có tác dụng hỗ trợ. Canxi có trong hầu hết các sản phẩm từ sữa như là sữa và pho mát, và trong rau lá xanh như là cải bó xôi hoặc bông cải xanh. Bạn cũng có thể tìm thấy canxi trong các loại hạt đỗ rang, cá trích, cá mòi, các quả hạch và trái cây khô như là mơ và quả vả.

Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Vitamin D có trong bơ, margarine, lòng đỏ trứng, cá béo như là cá thu và cá trích, dầu gan cá nước lạnh và ngũ cốc bữa sáng có bổ sung vitamin D. Vitamin D cũng được cơ thể tạo ra khi da được phơi ra nắng.

Các xét nghiệm máu sẽ được đề nghị để kiểm tra mức canxi và vitamin D trong máu trước khi bắt đầu dùng denosumab.

Ảnh hưởng của bisphosphonates truyền tĩnh mạch lên thận

Bisphosphonates truyền tĩnh mạch có thể ảnh hưởng tới chức năng thận mặc dù không phải tất cả bisphosphonates đều gây hại giống nhau. Bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng thận của bệnh nhân trước khi truyền tĩnh mạch bisphosphonates.

Denosumab có lợi điểm là không gây hại cho thận.

Các vấn đề về xương hàm

Hoại tử xương hàm (ONJ) không phổ biến nhưng là một tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài của các thuốc làm chắc xương.

ONJ xảy ra khi một số xương hàm mất nguồn cung cấp máu và chết đi. Hàm dưới hay bị ảnh hưởng hơn.

Các triệu chứng gồm:

  • Đau hàm dai dẳng
  • Lỏng chân răng
  • Lợi/nướu sưng, tấy đỏ hoặc có vết loét.

Điều trị ONJ là rất khó, nên việc quan trọng là cố gắng ngăn ngừa. Thói quen vệ sinh răng miệng có thể làm giảm nguy cơ bị ONJ; việc này bao gồm đánh răng đều đặn và làm sạch bằng chỉ nha khoa, đảm bảo răng khít tốt và kiểm tra răng đều đặn ở nha sĩ.

Đến nha sĩ kiểm tra trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc làm chắc xương. Hãy nói với nha sĩ rằng bạn đang/sẽ dùng thuốc làm chắc xương vì thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề như nhiễm trùng và lâu lành sau khi làm thủ thuật răng miệng.

Hãy nói với bác sĩ nếu nha sĩ đề nghị bạn cần điều trị răng miệng.

Trong trường hợp hiếm gặp, ONJ cũng có thể ảnh hưởng tới tai. Nếu bạn bị đau tai, chảy dịch từ tai hoặc nhiễm trùng tai trong khi đang dùng thuốc làm chắc xương, hãy liên lạc với bác sĩ.

Nứt gãy xương

Mặc dầu hiếm gặp, các thuốc làm chắc xương có thể gây nứt gãy xương. Người ta chưa hiểu hết nguyên nhân nhưng hiện tượng này hay xảy ra ở những người dùng thuốc lâu dài.

Nứt gãy xương có thể xảy ra do chấn thương hoặc không do chấn thương. Nếu bạn bị đau hông, đùi hoặc háng mãi không khỏi, hãy liên lạc với bác sĩ để được đánh giá.

Có thai

Dùng thuốc bisphosphonates hoặc denosumab trong khi mang thai có thể có gây hại lên sự phát triển của trẻ. Một số phụ nữ vẫn có thể mang thai thậm chí khi kinh nguyệt của họ không đều hoặc đã dừng, vì vậy nên dùng các biện pháp tránh thai có hiệu quả như là bao cao su.

Liệu pháp nội tiết

Liệu pháp nội tiết được sử dụng để điều trị những dạng ung thư vú  kích thích phát triển nhờ hormone estrogen. Dạng ung thư này có các cảm thụ thể trên tế bào đính với estrogen, và được gọi là ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen hay là ung thư vú ER+.

Mô từ ung thư vú nguyên phát thường được xét nghiệm để tìm xem có ER+ hay không. Tuy nhiên, ở một số người thì các thụ thể estrogen thay đổi trong quá trình phát triển ung thư vú di căn. Do đó, bác sĩ có thể thảo luận về việc sinh thiết xương (hoặc một khu vực khác của ung thư vú di căn) để xét nghiệm lại tìm cảm thụ thể nội tiết.

Nếu trước đây bệnh nhân đã từng được điều trị liệu pháp nội tiết thì bác sĩ có thể kê đơn cùng loại thuốc hoặc có thể thay thế loại khác. Có khi phải mất đến 2-3 tháng mới thấy được hiệu quả của liệu pháp nội tiết.

Thuốc dùng trong liệu pháp nội tiết phổ biến nhất là tamoxifen, goreselin (Zoladex), các chất ức chế aromatase (anastrozole, exemestane và letrozole) và fulvestrant (Faslodex).

Để biết thêm thông tin về các thuốc của liệu pháp nội tiết kể cả các tác dụng phụ, hãy tìm đọc các tài liệu về thuốc.

Liệu pháp nhắm đích (sinh học)

Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách chặn sự phát triển và lan tỏa của ung thư. Các thuốc này nhắm vào và can thiệp vào các quá trình giúp tế bào ung thư phát triển.

Các liệu pháp nhắm đích được dùng phổ biến nhất hiện nay là phù hợp cho những người có ung thư vú có biểu hiện HER2 cao (được gọi là dương tính với HER2). HER2 là một protein giúp tế bào ung thư phát triển.

Có nhiều xét nghiệm để đo mức biểu hiện HER2, thường được thực hiện trên mô lấy từ ung thư vú nguyên phát. Tuy nhiên, ở một số người thì mức độ HER2 có thể thay đổi trong quá trình điều trị, nên bác sĩ có thể thảo luận về việc sinh thiết lại để xét nghiệm lại HER2.

Thuốc dùng phổ biến nhất của liệu pháp nhắm đích cho ung thư vú dương tính với HER2  là trastuzumab (Herceptin). Những loại thuốc khác trong lớp này bao gồm trastuzumab emtansine (Kadcyla), pertuzumab (Perjeta) và Lapatinib (Tyverb).

Các thuốc ngắm đích khác để điều trị ung thư vú thứ phát gồm palbociclib (Ibrance), riociclib (Kisqali), everolimus (Afinitor), denosumab (Xvega) và bevacizumab (Avastin).

Để biết thêm chi tiết xin vui lòng xem các tài liệu về Trastuzumab (Herceptin).

Hóa trị

Hóa trị là việc dùng thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư.

Có nhiều loại thuốc hóa trị dùng điều trị ung thư vú di căn. Những thuốc này có thể được dùng đơn lẻ hoặc kết hợp. Loại thuốc bệnh nhân được kê đơn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại thuốc nào đã được dùng trước đây và trong thời gian bao lâu.

Muốn biết thêm thông tin, xin xem cuốn Hóa trị dành cho ung thư vú, hoặc đọc các quyển sách về từng loại hóa chất riêng biệt.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng để  giảm đau và ngăn ngừa ung thư phát triển thêm ở khu vực di căn. Xạ trị cũng có thể được dùng sau phẫu thuật để ổn định những vùng xương bị yếu đi.

Tia xạ thường  phát huy tác dụng vài tuần sau khi đợt xạ trị kết thúc, nên bệnh nhân có thể không cảm nhận được ngay tác dụng của nó. Việc đau nhiều hơn một hoặc hai ngày sau xạ trị không phải là chuyện hiếm.

Xạ trị thường được chiếu theo một liều duy nhất hoặc chia thành nhiều liều trong vài ngày. Xạ trị thường được thực hiện một lần duy nhất ở mỗi vùng bị di căn. Tuy nhiên, một số người có thể cần xạ trị thêm ở cùng khu vực, phụ thuộc vào liều xạ đã chiếu trong quá khứ.

Xạ phẫu

Xạ phẫu là điều trị bằng xạ trị rất chính xác, có thể được xem xét cho một số người có một hoặc một số ít điểm/nốt di căn xương.

Phương pháp này cho phép chiếu tia phóng xạ với độ chính xác cực cao và hạn chế tối đa việc gây tổn thương cho mô xung quanh.

Xạ phẫu cũng có thể được gọi là CyberKnife, là tên của máy xạ. Xạ phẫu là dạng điều trị đặc biệt và có thể chưa khả thi ở nơi bạn sống. Hãy hỏi thêm bác sĩ xem xạ phẫu có phù hợp với bạn không.

Đồng vị phóng xạ

Đây là cách thức khác của xạ trị, mặc dầu hiếm được sử dụng để điều trị ung thư vú di căn xương và hiện chỉ là một phần của thử nghiệm lâm sàng. Đồng vị phóng xạ được dùng dưới dạng chất lỏng được tiêm vào tĩnh mạch. Đồng vị phóng xạ theo dòng máu và đưa tia xạ tới vùng xương bị di căn. Đôi khi đồng vị phóng xạ là hữu ích khi có một vài khu vực ung thư trên cơ thể.

Phẫu thuật

Khi ung thư vú lan tới xương thì có thể làm xương yếu đi và nhiều khả năng bị gãy. Phẫu thuật chỉnh hình can thiệp lên hệ cơ-xương-khớp có thể được cân nhắc để điều trị hoặc phòng ngừa gãy xương do ung thư.

Đôi khi phẫu thuật là cũng là giải pháp điều trị khi tủy sống bị chèn ép. Loại phẫu thuật này gọi là phẫu thuật giải áp.

Tạo hình đốt sống

Nếu ung thư vú di căn gây ra đau nghiêm trọng ở lưng và tổn thương xương ở cột sống thì bạn có thể được tiêm xi măng sinh học vào xương để ổn định, làm chắc xương và giảm đau.. Ở một số nơi chuyên nghiệp, thủ thuật tạo hình đốt sống bằng xi măng sinh học này chỉ mất khoảng một giờ và bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.

Chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ

Chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc hỗ trợ chú trọng vào việc kiểm soát triệu chứng. Đó là phần cực kỳ quan trọng của chăm sóc và điều trị cho những người bị ung thư vú di căn và có thể cải thiện đáng kể chất lượng sống cho họ và gia đình họ.

Nhiều người thường hiểu nhầm rằng chăm sóc giảm nhẹ gắn liền với chăm sóc cuối đời/cận tử. Tuy nhiên, chăm sóc giảm nhẹ là việc nên làm tại bất kỳ giai đoạn nào, có thể làm song song với điều trị ức chế khối u, để giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng như là đau hoặc mệt mỏi. Chăm sóc giảm nhẹ cũng có thể giúp cải thiện các ảnh hưởng về mặt cảm xúc, xã hội và tinh thần do ung thư vú di căn gây ra lên người bệnh.

Nhiều bệnh nhân cảm thấy nhiều lợi ích từ chăm sóc giảm nhẹ, hãy hỏi thêm bác sĩ của bạn về việc này. Một số người có thể tự tìm đến các đơn vị điều trị chăm sóc giảm nhẹ.

Xử trí các triệu chứng của ung thư vú di căn xương

Nhiều người mắc ung thư vú di căn xương cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng có thể ảnh hưởng tới chất lượng sống nếu bạn không kiểm soát tốt.

Đau

Ung thư vú di căn xương có thể gây đau tại vùng bị ảnh hưởng hoặc ở nơi gần đó mặc dầu không phải tất cả điểm di căn sẽ gây đau.

Đau có thể đến rồi đi, và có thể đau từ nhẹ tới nặng. Bạn cũng có thể cảm thấy đau âm ỉ, đau bỏng rát hoặc đau như dao đâm. Bạn có thể thấy đau liên tục, đau hơn tại một số thời điểm nào đó như vào buổi tối, hoặc khi ở những tư thế hay cử động cụ thể.

Đau có thể ảnh hưởng tới khả năng đi lại và chất lượng cuộc sống của bạn, nhưng hầu hết chúng có thể được giảm nhẹ và kiểm soát.

Khi bạn nói chuyện với bác sĩ hoặc điều dưỡng, bạn nên nói cụ thể đau ở đâu và cảm giác như thế nào. Điều này sẽ giúp nhân viên y tế quyết định cách kiểm soát cơn đau cho bạn. Bạn có thể thấy hữu ích khi ghi lại nhật ký cơn đau.

Có nhiều điều trị có hiệu quả trong việc xử trí cơn đau do ung thư vú di căn xương gây ra, gồm thuốc giảm đau và xạ trị.

Cùng với thuốc giảm đau, bác sĩ thường sử dụng các thuốc khác gồm thuốc kháng viêm và steroid. Thuốc điều trị trầm cảm hoặc chống động kinh cũng có thể giúp ích đối với một số loại đau đặc thù.

Để đảm bảo việc kiểm soát đau toàn thời gian, bạn cần uống thuốc đều đặn, ngay cả khi bạn không bị đau nhiều. Đó là do việc giảm đau thường khó hơn khi bệnh nhân chờ đến khi đau nặng mới bắt đầu xử trí.

Nếu thấy thuốc giảm đau không hiệu quả, hãy nói với bác sĩ  để xem họ có thể kê đơn thuốc khác. Bạn cũng có thể được cho thuốc giảm đau dùng thêm để dùng giữa các liều đang dùng theo lịch nếu bạn bị đau thêm (đau bất chợt).

Nếu không kiểm soát được cơn đau, bạn có thể được gửi đến bác sĩ chuyên về chăm sóc giảm nhẹ hoặc kiểm soát triệu chứng.

Yếu xương và gãy xương

Ung thư di căn vào xương có thể làm xương bị yếu và làm tăng nguy cơ bị gãy. Tình trạng này còn được gọi là gãy xương bệnh lý, nghĩa là xương gãy do bệnh chứ không phải do tai nạn gây ra.

Nếu xương bị gãy, bạn có thể cần được phẫu thuật để chữa trị. Bạn cũng có thể được điều trị bằng thuốc để phòng ngừa gãy xương trong tương lai.

Chèn ép tủy sống

Chèn ép tủy sống là một nguy cơ cho những người bị ung thư vú di căn tới xương cột sống. Chúng có thể xảy ra khi:

  • Xương đốt sống bị sụp và tạo áp lực lên tủy sống.
  • Ung thư phát triển trong hoặc gần cột sống, gây áp lực lên tủy sống.

Vì tủy sống là một chùm dây thần kinh chạy từ não tới phần dưới của lưng và được bảo vệ trong cột sống, các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Rất đau lưng hoặc đau lưng không giải thích được. Cơn đau cũng có thể xảy ra phía trước phần ngực và bụng.
  • Đau lưng thay đổi khi nằm xuống, đứng dậy hoặc khi nâng đồ vật.
  • Khó đi lại.
  • Tê hoặc đau như kim châm ở ngón tay, ngón chân hoặc mông.
  • Khó khăn trong kiểm soát tiểu tiện và đại diện.

Điều quan trọng là cần liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nói trên và vào bất kỳ lúc nào. Chèn ép tủy sống có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng dài lâu nếu không được chẩn đoán và xử trí nhanh, bạn cần tìm tư vấn y khoa càng sớm càng tốt.

Chèn ép tủy sống thường được điều trị bằng xạ trị và steroids. Một số người có thể được phẫu thuật hoặc kết hợp cả ba phương pháp này.

Tăng can-xi máu

Ung thư vú di căn vào xương có thể làm nhiều canxi được phóng thích vào máu. Tình trạng có quá nhiều canxi trong máu được gọi là tăng canxi máu.

Tăng canxi máu có thể gây ra các triệu chứng như là:

  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Bị táo bón
  • Mất khả năng tập trung
  • Lơ mơ
  • Rất khát nước
  • Đi tiểu nhiều
  • Yếu cơ
  • Lú lẫn

Tăng canxi máu có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán nhanh, nên bạn cần được tư vấn y khoa nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng nói trên. Bác sĩ sẽ khám và thường yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ canxi.

Nhằm giảm nhẹ những triệu chứng kể trên, bệnh nhân nên uống nhiều nước. Tuy nhiên nhiều người cần được truyền dịch vào tĩnh mạch để đào thải can-xi dư thừa ra khỏi cơ thể. Nếu bạn chưa dùng thuốc làm chắc xương thì bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc này.

Ăn thức ăn có chứa canxi hoặc uống canxi bổ sung thường không gây ra chứng tăng canxi máu.

Mệt mỏi

Mệt mỏi liên quan đến ung thư là một trong những triệu chứng phổ biến nhất mà người bệnh thường trải nghiệm. Thỉnh thoảng ai cũng có cảm giác mệt mỏi, nhưng mệt mỏi như đuối sức liên quan đến ung thư thì tệ hơn nhiều. Mệt từng cơn hoặc mệt lả liên tục, có thể gây bực bội và buồn nản.

Có rất nhiều nguyên nhân, do yếu tố tâm lý ví dụ như đối diện với kết quả chẩn đoán ung thư, hay do cơ thể bị tác dụng phụ của điều trị, do ăn không ngon, do thuốc, do giấc ngủ bị gián đoạn hoặc do ung thư tiến triển.

Mệt mỏi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chống chọivới bệnh ung thư và khả năng theo đuổi chương trình điều trị.

Mệt mỏi còn gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, có một vài điều mà bệnh nhân có thể tự giúp mình kiểm soát mệt mỏi và giảm thiểu tác động của nó.

  • Nói chuyện với bác sĩ vì tùy theo nguyên nhân mà có những cách xử trí khác nhau.
  • Viết nhật ký mệt mỏi ghi lại mức độ mệt mỗi ngày, kèm lý do có thể giúp bạn nhận diện các nguyên nhân gây mệt và nghỉ ngơi phù hợp hơn.
  • Lên kế hoạch cho từng ngày để cân bằng thời gian hoạt động và nghỉ ngơi.
  • Cố gắng có một ít hoạt động thể chất cho dù chỉ là đi bộ một đoạn ngắn.
  • Chấp nhận rằng mình sẽ có ngày khỏe, ngày mệt.
  • Nếu phải đi đâu hay làm gì trong dịp đặc biệt thì nên nghỉ ngơi nhiều trước đó.
  • Cố gắng ăn đủ chất.
  • Nếu ăn không ngon miệng, thì ăn lượng nhỏ lại, chia làm nhiều lần và uống thật nhiều nước để giữ cơ thể không bị thiếu nước. Bạn cũng có thể đến gặp chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để có thêm lời khuyên.
  • Chấp nhận sự giúp đỡ từ mọi người để dưỡng sức và làm được những gì mình yêu thích.

Để có thêm thông tin về quản lý mệt mỏi, hãy xem thêm tài liệu Thông tin về ung thư vú di căn.

Huyết khối

Những người bị ung thư vú có nguy cơ bị huyết khối cao hơn bình thường. Đó là do bản thân căn bệnh ung thư và một số điều trị ung thư gây ra.

Bạn cũng có thể gặp nguy cơ hình thành huyết khối được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Những người mắc DVT có nguy cơ bị thuyên tắc phổi là do một phần của huyết khối vỡ ra và di chuyển tới phổi.

Huyết khối có thể nguy hiểm nhưng điều trị được nên điều quan trọng là báo với bác sĩ các triệu chứng càng sớm càng tốt.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số sau đây, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức:

  • Đau, tấy đỏ/ biến màu, nóng và sưng phù bắp chân, chân hoặc đùi
  • Sưng phù, tấy đỏ hoặc nhạy với đau ở nơi đường truyền trung tâm được cấy vào để đưa hóa chất vào khi hóa trị, ví dụ ở cánh tay, khu vực ngực hoặc ở trên cổ
  • Khó thở
  • Đau ngực như bị bó nghẹt

Ho không rõ nguyên nhân (có thể ho ra máu).

Hoạt động thể chất

Mặc dầu có ít nghiên cứu về lợi ích của việc tập thể dục ở những người ung thư vú di căn xương, một vài nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của tập luyện đối với những người mắc ung thư vú nguyên phát.

Các kết quả là tích cực và nhiều khả năng những người mắc ung thư vú di căn có thể có lợi ích tương tự từ tập thể dục. Tuy nhiên bạn cần cẩn thận hơn một chút.

Tập luyện đều đặn có thể giúp:

  • Cơ thể săn chắc, khỏe mạnh, và linh hoạt
  • Kiểm soát cân nặng (khi được kết hợp với chế độ ăn lành mạnh)
  • Tăng sức đề kháng và miễn dịch
  • Giảm huyết áp
  • Giảm mệt mỏi

Những người tập thể dục, thậm chí tập nhẹ nhàng, trong khi điều trị có thể dung nạp điều trị tốt hơn, ít bị đau, mệt và ngủ ngon hơn.

Tập luyện đều đặn là gì?

Nhiều hướng dẫn gợi ý rằng “tập luyện đều đặn” có nghĩa là 30 phút tập luyện cường độ vừa phải ít nhất năm ngày trong tuần. Ban đầu, thời lượng này có thể là nhiều nếu bạn mới tập, nên trước khi bắt đầu hãy thảo luận với bác sĩ.

Bạn có thể bắt đầu nhẹ nhàng và tập tăng dần, không cần 30 phút cùng một lúc. Có nhiều cách để đưa việc tập thể dục vào trong cuộc sống hàng ngày, nên việc tham gia tập gym hoặc tới các lớp tập là không cần thiết.

“Cường độ vừa phải” nghĩa là bạn thở hổn hển hơn, người trở nên ấm hơn và tim bạn đập nhanh hơn thông thường. Tuy nhiên bạn vẫn có thể nói chuyện và không cần cố công tập quá mạnh làm gì.

Tập thể dục và ung thư vú di căn xương

Ảnh hưởng phổ biến nhất của ung thư vú di căn xương – yếu xương và gãy xương – cũng hay gặp ở những người bị loãng xương. Ở những người này, việc tập luyện đều đặn làm tăng độ chắc của xương và làm giảm nguy cơ gãy xương. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bài tập chịu trọng lượng cơ thể thường xuyên như đi bộ là lựa chọn tốt nhất để làm xương chắc. Do xương dễ bị gãy hơn, hãy tránh các hoạt động thể thao mạnh bạo hay có va chạm như bóng bầu dục.

Ở những người có di căn tới xương cột sống, nguy cơ bị chèn ép tủy sống cao hơn nên cần tránh các động tác xoắn vặn cột sống hoặc gập người nhiều về phía trước.

Để có thêm thông tin về tập thể dục và ung thư vú di căn, hãy xem thêm tài liệu Thông tin về ung thư vú di căn.

Sống chung với ung thư vú di căn xương

Biết được rằng ung thư đã lan tới xương có thể gây ra hàng loạt cảm xúc. Có thể có lúc bạn cảm thấy rất cô độc hoặc sợ hãi, bất an, buồn bã, không chắc chắn, trầm cảm hoặc giận dữ.

Bạn cũng có thể một mình đối mặt với những cảm giác này hoặc với sự hỗ trợ của những người thân. Một số người muốn có hỗ trợ từ những người có chuyên môn; bạn có thể nói chuyện với điều dưỡng chuyên về ung thư vú, điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ hoặc các điều dưỡng chuyên chăm sóc tại nhà. Họ có hiểu biết tốt về các nhu cầu cụ thể của những người mắc ung thư di căn và biết cách giúp bạn đối phó. Họ cũng có kiến thức chuyên môn về kiểm soát đau và xử trí các triệu chứng để giúp bạn vượt qua những khó khăn trước mắt.

Tài liệu tham khảo

https://www.breastcancercare.org.uk/information-support/secondary-metastatic-breast-cancer/secondary-breast-cancer-diagnosis/secondary-breast-cancer-in-bone

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích