menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ (Nội ống) (DCIS)

user

Ngày:

19/07/2020

user

Lượt xem:

2169

Bài viết thứ 03/82 thuộc chủ đề “Ung thư vú”

Biên dịch: Phùng Thị Hương, Hoàng Thu Hà

Hiệu đính: ThS.BS.CK1 Nguyễn Trần Bảo Chi

Bài viết này dành cho những người muốn hiểu biết thêm thông tin về Ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ (nội ống) (DCIS). Bài viết mô tả ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ là gì, các triệu chứng, chẩn đoán và điều trị.

Chúng tôi hi vọng thông tin này giúp bạn hiểu thêm về DCIS, thảo luận bất kỳ câu hỏi nào bạn đưa ra với bác sỹ và được tham dự càng nhiều càng tốt vào bất kỳ quyết định điều trị nào.

Ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ (nội ống) (DCIS) là gì?

  • DCIS là dạng sớm của ung thư vú và chiếm chừng 12% tất cả các loại ung thư vú.
  • Ung thư vú bắt đầu khi các tế bào trong vú bắt đầu phân chia và phát triển theo cách bất thường.
  • Vú gồm các tiểu thùy (các tuyến sản xuất sữa) và các ống dẫn (ống mang sữa tới núm vú), các tiểu thùy và ống dẫn sữa được bao quanh bởi các mô tuyến, mô sợi và các mô mỡ.
  • Khi các tế bào ung thư phát triển bên trong ống dẫn sữa của vú nhưng vẫn còn ở bên trong ống (in situ) thì được gọi là DCIS. Các tế bào ung thư vẫn chưa có khả năng lan ra ngoài các ống này vào các mô vú xung quanh hoặc tới các bộ phận khác của cơ thể. Do vẫn còn ở trong ống dẫn sữa nên DCIS có tiên lượng rất tốt.
  • Bạn có thể thấy DCIS được mô tả theo các cách khác nhau như là ung thư tiền xâm lấn, ung thư nội ống hoặc ung thư không xâm lấn, hoặc ung thư vú giai đoạn 0.

Các triệu chứng của DCIS

  • DCIS thường không có triệu chứng. Hầu hết DCIS được phát hiện khi khám sàng lọc vú hoặc được chụp X quang vú vì lý do khác.
  • Thi thoảng DCIS được phát hiện ra khi nhiều người có thay đổi ở vú như là khối bướu hoặc tiết dịch núm vú. Tuy nhiên nếu một ai đó mắc DCIS mà có thay đổi ở vú thì nhiều khả năng họ cũng sẽ mắc ung thư vú xâm lấn.
  • Một số người mắc ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ cũng bị mảng đỏ ở núm vú giống như bệnh Paget vú, mặc dầu điều này hiếm.

Chẩn đoán

DCIS có thể được chẩn đoán khi sử dụng một loạt các xét nghiệm, có thể gồm một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

Chẩn đoán vôi hóa

Nếu bạn không có triệu chứng và được gọi lại sau chụp X quang vú thì có thể là do bạn có một vài đốm trắng bé xíu nhìn thấy trên phim X quang. Các đốm trắng này là các đốm của muối canxi và được gọi là vôi hóa. Vôi hóa có thể là do DCIS. Tuy nhiên, không phải tất cả các vôi hóa tìm được đều là DCIS. Nhiều phụ nữ phát triển vôi hóa lành tính (không phải ung thư) trong vú khi họ già đi.

Nếu bạn có nốt vôi hóa hóa, bạn sẽ được chụp thêm nhũ ảnh chẩn đoán để xem vôi hóa chi tiết hơn nữa. Đôi khi cũng có thể được siêu âm vú.

Nếu nốt vôi hóa không lành tính rõ ràng thì bạn sẽ được sinh thiết dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh để giúp chẩn đoán. Dùng nhũ ảnh để định vị chính xác vị trí vôi hóa cần sinh thiết. Đôi khi sử dụng siêu âm nhưng việc này ít phổ biến hơn. Thủ thuật này được thực hiện như là cho bệnh nhân ngoại trú nên bạn có thể ra về sớm sau đó.

Nếu bạn được sinh thiết, đôi khi bạn được đặt một cái kẹp (hoặc vật đánh dấu) nhỏ bằng kim loại vào vú ở nơi mẫu sinh thiết được lấy ra để có thể tìm lại được khu vực này nếu cần sinh thiết hoặc phẫu thuật bổ sung. Vật đánh dấu này được để lại trên vú là an toàn và không cần được lấy ra, thậm chí nếu không cần thêm thủ thuật nào nữa.

Nhận kết quả

Nhân viên tại phòng khám sẽ nói cho bạn khi nào bạn nhận được kết quả sinh thiết. Bạn thường sẽ được hẹn quay lại phòng khám để nhận kết quả.

Kết quả được mô tả như thế nào

  • Độ mô học thấp – các tế bào ung thư nhìn gần như giống với tế bào bình thường và thường phát triển chậm
  • Độ mô học trung bình – các tế bào ung thư nhìn ít khác với tế bào bình thường và đang phát triển nhanh hơn.
  • Độ mô học cao – các tế bào ung thư nhìn gần như bị thay đổi và thường đang phát triển nhanh.
Để có thêm thông tin đề nghị xem bài viết Tìm hiểu kết quả giải phẫu bệnh

DCIS có thể phát triển thành ung thư vú xâm lấn hay không?

Nếu DCIS không được điều trị thì các tế bào ung thư có thể có khả năng lan ra bên ngoài các ống dẫn sữa vào các mô vú xung quanh, và được gọi là ung thư vú xâm lấn. Ung thư xâm lấn có tiềm năng lan tới các bộ phận khác của cơ thể.

Trong một số trường hợp, DCIS sẽ không bao giờ phát triển thêm hoặc tăng trưởng chậm đến nỗi nó sẽ không bao giờ gây hại trong cuộc sống. Mặc dù kích thước và độ mô học của DCIS có thể giúp dự đoán liệu nó có trở thành xâm lấn hay không, hiện nay không có cách nào để biết liệu điều này có xảy ra hay không. DCIS độ mô học cao nhiều khả năng trở thành ung thư vú xâm lấn và phát triển nhanh hơn là DCIS có độ mô học thấp.

Điều trị như thế nào?

Mục tiêu của điều trị là loại bỏ tất cả DCIS ra khỏi bên trong vú để giảm nguy cơ trở thành ung thư vú xâm lấn.

Do không có cách nào biết khi nào hoặc liệu DCIS sẽ trở thành ung thư vú xâm lấn hay không, thường có khuyến nghị điều trị, và có thể dẫn tới điều trị không cần thiết hoặc điều trị quá mức đối với một số người.

Nghiên cứu đang được thực hiện nhằm làm rõ các trường hợp của DCIS nào sẽ trở thành xâm lấn và chúng có thể an toàn để không cần điều trị hay không. Nếu bạn được chẩn đoán DCIS độ mô học thấp thì bạn có thể được mời tham dự thử nghiệm lâm sàng.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi hay sự quan tâm nào về chẩn đoán của mình bạn nên nói với bác sĩ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật gần như luôn là phương thức điều trị đầu tiên cho DCIS. Có thể là phẫu thuật bảo tồn vú, hoặc có thể là cắt bỏ toàn bộ vú.

Bạn có thể được đề xuất chọn giữa hai kiểu phẫu thuật này phụ thuộc vào kích thước và vị trí khu vực ung thư. Bác sỹ phẫu thuật sẽ thảo luận với bạn về việc này.

Gần như nhiều khả năng phẫu thuật cắt bỏ vú được đề xuất nếu:

  • DCIS ảnh hưởng đến một khu vực lớn trong vú
  • DCIS có ở từ hai khu vực của vú trở lên (mặc dù nếu các khu vực là nhỏ, có thể có hai đường mổ cục bộ rộng thay cho việc cắt toàn bộ vú;

Định vị sang thương

Hầu hết các trường hợp DCIS là không thể sờ thấy được nên một quy trình được gọi là định vị thường được sử dụng vào hôm trước hoặc vào ngày phẫu thuật bảo tồn vú. Việc này được làm trong khoảng thời gian 30 phút và giúp đánh dấu chính xác khu vực sẽ cắt bỏ khi phẫu thuật. Một dây dẫn (chỉ kim loại) rất nhỏ được đưa vào vị trí nghi ngờ dưới hướng dẫn của nhũ ảnh hoặc siêu âm. Nếu bạn định vị dưới hướng dẫn nhũ ảnh, vú của bạn sẽ bị ép trong suốt thời gian thủ thuật. Bạn sẽ được gây tê cục bộ làm tê liệt khu vực phẫu thuật nhưng vẫn có cảm giác không thoải mái. Sau khi đã định vị chỉ kim loại xong, bạn sẽ chụp nhũ ảnh để kiểm  tra xem có đặt đúng vị trí chưa. Khi xác định chỉ kim loại đã đúng vị trí, nó sẽ được cố định lại bằng băng keo và để đó cho đến khi phẫu thuật.

Một số bệnh viện đang sử dụng thủ thuật định vị mới, sử dụng một hạt phóng xạ liều thấp (có kích thước của hạt gạo) được đưa vào mô vú thay cho dây kim loại. Thủ thuật này có thể được thực hiện tới 2 tuần trước khi phẫu thuật. Trong khi phẫu thuật, sử dụng một đầu dò đặc biệt để định vị hạt và hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật tới mô cần được cắt bỏ cùng với hạt phóng xạ.

Tái tạo vú

Nếu bạn phải phẫu thuật cắt bỏ vú bạn sẽ có khả năng xem xét tái tạo vú. Việc này có thể được thực hiện đồng thời với việc phẫu thuật (tái tạo tức thì) hoặc sau vài tháng hoặc vài năm (tái tạo trì hoãn).

Có một số phụ nữ không chọn hoặc không thể  tái tạo vú. Họ có thể dùng túi ngực thay thế hoặc không làm gì cả.

Vét hạch bạch huyết

Hầu hết phụ nữ mắc DCIS sẽ không phải phẫu thuật để vét hạch bạch huyết. Những người mắc ung thư vú xâm lấn sẽ thường phải vét hạch bạch huyết để kiểm tra xem có hạch bạch huyết nào dưới cánh tay có chứa tế bào ung thư vú hay không. Việc này giúp quyết định liệu điều trị bổ sung sẽ mang lại lợi ích cho bạn.

Thường không khuyến nghị vét hạch bạch huyết cho những người mắc DCIS do các tế bào ung thư vú chưa phát triển khả năng lan ra bên ngoài ống dẫn sữa vào mô vú xung quanh và do vậy không thể lan tới hạch bạch huyết.

Tuy nhiên nếu bạn được phẫu thuật cắt bỏ vú thì bác sĩ có thể thảo luận sinh thiết hạch lính gác đồng thời, do có thể khó tiếp cận tới hạch gác sau này nếu tìm thấy ung thư vú xâm lấn.

Sinh thiết hạch gác nhận biết được liệu (các) hạch bạch huyết có tế bào ung thư hay không. Nếu không có tế nào ung thư, có nghĩa là các hạch khác cũng không có, nên không cần vét thêm hạch bạch huyết.

Nếu các kết quả sinh thiết hạch gác cho thấy rằng (các) hạch đầu tiên có tế bào ung thư thì có thể phẫu thuật thêm hoặc xạ trị vào các hạch bạch huyết còn lại.

Đôi khi một khu vực ung thư vú xâm lấn được tìm thấy cùng với DCIS. Nếu như vậy, nó sẽ ảnh hưởng tới các điều trị mà bạn sẽ được thực hiện và bạn có thể cần phẫu thuật hạch bạch huyết dưới cánh tay để kiểm tra liệu chúng có chứa tế bào ung thư hay không. Để có thêm thông tin đề nghị đọc quyển Trọn gói thông tin ung thư vú nguyên phát.

Các điều trị bổ trợ

Sau khi phẫu thuật bạn có thể cần tiếp tục điều trị, gọi là điều trị bổ trợ. Điều trị bổ trợ có thể bao gồm xạ trị và, trong một số trường hợp có thể liệu pháp nội tiết. Mục đích của các điều trị này là giảm nguy cơ DCIS quay lại hoặc phát triển thành ung thư xâm lấn. Không sử dụng liệu pháp hóa trịliệu pháp trúng nắm trúng đích (sinh học) để điều trị DCIS.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu bạn được phẫu thuật bảo tồn thì bạn có thể được xạ trị. Thường không cần xạ trị sau phẫu thuật cắt vú đối với DCIS.

Xạ trị được thực hiện như bạn là bệnh nhân ngoại trú, chừng 4 tới 6 tuần sau phẫu thuật. Xạ trị thường được thực hiện hàng ngày (từ thứ hai tới thứ sáu) trong ba tuần.

Bác sĩ của bạn sẽ giải thích những lợi ích của xạ trị và nói cho bạn các tác dụng phụ bất kỳ của quá trình xạ trị. Để có thêm thông tin hãy đọc cuốn sách Xạ trị cho ung thư vú nguyên phát

Liệu pháp nội tiết 

Nhiều liệu pháp nội tiết làm việc theo cách khác nhau để chặn ảnh hưởng của estrogen lên tế bào ung thư. Liệu pháp nội tiết thường được chỉ định nếu ung thư vú của bạn có các thụ thể trong các tế bào liên kết với chất nội tiết estrogen, được gọi là ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen hay là ung thư vú ER+. Khi estrogen liên kết với các thụ thể này, nó có thể kích thích các tế bào ung thư phát triển. Nếu không tìm thấy các thụ thể estrogen thì gọi là ung thư vú âm tính với thụ thể estrogen hay là ung thư vú ER- và liệu pháp nội tiết sẽ không có lợi.

Mọi ung thư vú xâm lấn được xét nghiệm tìm các thụ thể nội tiết bằng cách dùng mô từ lần sinh thiết hoặc sau phẫu thuật. Có thể thực hiện xét nghiệm tìm thụ thể progesteron (một chất nội tiết khác). DCIS có thể được xét nghiệm tìm các thụ thể nội tiết này nhưng thường không được thực hiện.

Lợi ích của liệu pháp nội tiết cho những người có DCIS dương tính ER thay đổi theo các phương pháp điều trị khác được thực hiện và nó không được khuyến nghị cho mọi người. Nếu DCIS được xét nghiệm và tìm thấy là ER+ thì bác sĩ sẽ thảo luận việc sử dụng liệu pháp nội tiết với bạn. Thuốc được gọi là tamoxifen hoặc các thuốc được gọi là chất ức chế aromatase (cho những phụ nữ sau mãn kinh) có thể được chỉ định cho một số phụ nữ.

Một số nghiên cứu thấy rằng sử dụng liệu pháp nội tiết sau phẫu thuật làm giảm nguy cơ DCIS quay trở lại (tái phát) và nguy cơ phát triển thành ung thư vú xâm lấn, nhưng những phụ nữ uống thuốc nội tiết không sống lâu hơn những người không uống.

Đối mặt với DCIS

Nhận tin bạn bị ung thư vú DCIS có thể là thời điểm khó khăn và đầy lo lắng. Mỗi người phản ứng khác nhau với việc chẩn đoán và có cách thức đối mặt khác nhau.

Mặc dù DCIS là bệnh ung thư vú ở giai đoạn sớm với tiên lượng rất tốt, một số người cảm thấy rất lo lắng và sợ hãi khi bị chẩn đoán. Mọi người thường đấu tranh giữa các điều trị như là phẫu thuật cắt bỏ vú, và rằng DCIS có thể không bao giờ gây bất kỳ nguy hại gì cho họ.

Một số người miễn cưỡng nói họ lo lắng về việc bị chẩn đoán DCIS do họ lo ngại những người khác sẽ nhìn bệnh này không nguy hiểm bằng các loại ung thư vú khác, hoặc họ có thể than phiền khi mà họ không được điều trị hóa chất. Do điều này họ có thể cảm thấy khó có thể yêu cầu hỗ trợ. Nhưng có những người có thể hỗ trợ bạn và không nên lo sợ khi yêu cầu được giúp đỡ. Hãy để cho mọi người biết về cảm nhận của bạn, đặc biệt là gia đình mình và bạn bè có thể làm họ hỗ trợ thêm.

Một số người cũng có thể thảo luận các cảm giác hoặc lo lắng của mình với y tá hoặc bác sỹ. Có thể nói với chuyên gia tư vấn hoặc chuyên gia điều trị, có thể họ sẽ giải thích sâu thêm cho bạn. Y tá, bác sĩ điều trị hoặc bác sỹ địa phương có thể thường xuyên giúp bạn trong vấn đề này.

Tài liệu tham khảo

https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc39_dcis_2018_web.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích