menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Vấn đề tình dục sau điều trị ung thư vú

user

Ngày:

03/03/2021

user

Lượt xem:

996

Bài viết thứ 48/82 thuộc chủ đề “Ung thư vú”

Việc mắc ung thư vú gần như chắc chắn sẽ ảnh hướng lên cảm giác của bạn về tình dục và sự gần gũi.

Bạn có thể cảm thấy không có ham muốn tình dục cũng như không muốn gần gũi người khác vào lúc bạn đang phải đối mặt với ung thư vú, hoặc có khi bạn thấy tình dục giúp mình cảm thấy bình thường hơn trong một khoảng thời gian nào đó. Đây là trạng thái tâm lý phổ biến bởi điều trị ung thư vú có thể gây ảnh hưởng lên cơ thể cũng như cảm xúc và ảnh hưởng này lại có thể tác động lên hoạt động tình dục và ham muốn tình dục.

Phần này của tài liệu sẽ chỉ ra ung thư vú và điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng như thế nào đến tình dục, sự gần gũi cũng như các mối quan hệ trong hiện tại và tương lai.

Ung thư vú có thể ảnh hưởng lên đời sống tình dục của người phụ nữ và mỗi người sẽ cảm nhận sự thay đổi ấy theo cách khác nhau. Nhìn chung bất kỳ sự thay đổi nào của cơ thể đều có thể ảnh hưởng tới sự tự tin và cảm nhận về sự nữ tính bên trong con người bạn. Bạn có thể cảm thấy lo lắng về trải nghiệm tình dục đầu tiên sau khi mắc ung thư vú, hoặc lo lắng “chuyện ấy” sẽ không còn được giống như trước kia. Nếu bạn đang trong một mối quan hệ tốt với người bạn đời hoặc người yêu, bạn có thể đã thấy rằng đời sống tình dục của mình thay đổi sau chẩn đoán ung thư vú. Hoặc bạn có thể lo lắng về triển vọng của việc bắt đầu một mối quan hệ tình ái với một người mới trong tương lai.

Tất cả những lo lắng này là bình thường và sẽ cần thời gian để sự tự tin của bạn quay trở lại và để bạn có cảm giác thoải mái khi gần gũi với bạn đời/người yêu hoặc có quan hệ tình dục trở lại.

“Tình dục đầy đủ” thường có nghĩa là tình dục có giao hợp, nhưng hãy cố gắng nghĩ rộng hơn về tình dục và xem xét các cách thức gần gũi khác. Bạn có thể thấy điều này sẽ làm giảm sự lo lắng và áp lực của bạn và cho phép bạn yêu quý cơ thể mình hoặc cơ thể của người bạn đời/người yêu theo một cách khác.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Điều trị ung thư vú có thể có nhiều ảnh hưởng lên sự gần gũi và tình dục.

Một số điều trị như phẫu thuật và xạ trị có thể gây đau đớn, khó chịu hoặc làm giảm sự nhạy cảm. Các điều trị khác có thể gây các triệu chứng mãn kinh, bao gồm cả chứng khô âm đạo. Hóa trị có thể gây ra nhiều vấn đề với sự kích thích và cực khoái, đặc biệt là thời gian đầu sau điều trị. Một số điều trị có thể gây mệt lả.

Phần này xem xét điều trị và các tác dụng phụ của điều trị có thể ảnh hưởng như thế nào lên tình dục và sự gần gũi và đưa ra các lời khuyên có thể giúp bạn.

Đau và tê bì

Điều trị ung thư vú có thể gây đau, tê bì và nhạy cảm vì nhiều lý do.

Các điều trị phổ biến gây ra các hiện tượng trên là:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Các liệu pháp nội tiết, nhất là các chất ức chế aromatase (nội tiết bậc 2) gồm letrozole, anastrozole và exemestane.

Sau phẫu thuật vú bạn có thể vẫn tiếp tục cảm thấy đau và cánh tay bạn có thể cảm thấy cứng trong một vài tuần hoặc lâu hơn. Đối với một số người thì đau sau phẫu thuật có thể kéo dài và thường liên quan tới tổn thương dây thần kinh xảy ra khi phẫu thuật. Kiểu đau này thường đi kèm với cảm giác bỏng, cảm giác đè ép và tê bì.

Nếu bạn có xạ trị thì khu vực được xạ trị có thể có hiện tượng tăng cảm giác đau xảy trong hoặc sau điều trị, đôi khi bạn cảm thấy rất đau khi chạm vào.

Sử dụng liệu pháp nội tiết, đặc biệt là các thuốc ức chế aromatase (nội tiết bậc 2) có thể làm bạn bị đau hoặc cứng khớp.

Các thuốc hóa trị (như là docetaxel) cũng có thể gây tê bì và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân (được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại vi) cũng như đau cơ và khớp.

Bạn có thể thấy khó khăn hoặc rất đau khi chạm, ôm hoặc gần gũi với bạn đời/người yêu. Điều này có thể làm bạn cảm thấy khó chịu ngay cả khi nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Một số điều trị có thể gây khô âm đạo, làm cho việc quan hệ hoặc gần gũi trở nên đau đớn hoặc gây cảm giác khó chịu.

Nếu bạn đang bị đau, bạn có thể đang muốn tập trung vào việc hồi phục sức khỏe trở lại và có thể không có năng lượng hoặc không có ham muốn gần gũi hoặc tình dục

Các mẹo nhỏ giúp ích cho việc gần gũi nếu bạn bị đau hoặc tê bì

  1. Dùng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu do đau. Bạn nên chủ động uống thuốc trước khi gần gũi hoặc quan hệ tình dục để thuốc có thời gian phát huy hiệu quả.

Đau do phẫu thuật hoặc xạ trị sẽ giảm dần khi khu vực được điều trị đã lành vết thương. Tuy nhiên, nếu thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen không phát huy tác dụng thì bạn nên đi khám bác sĩ để được đánh giá đau một cách đầy đủ.

Các chất bôi trơn và chất làm ẩm có thể giúp giảm đau do khô và kích ứng âm đạo gây ra.

  1. Cố gắng hiểu được cảm giác cơ thể của bạn

Tự khám phá cơ thể của bạn có thể giúp bạn biết được kiểu gần gũi nào làm cho bạn thích thú hoặc vị trí nào bạn thấy bị đau hoặc nhạy cảm.

  1. Thử một vài cách gần gũi khác

Cùng nhau đọc tiểu thuyết “tươi mát” và đụng chạm, vuốt ve  nhau một cách thân mật) có thể giúp bạn ít phải gắng sức hơn và tránh được các khu vực đau hoặc nhạy cảm trên cơ thể bạn.

  1. Thử các tư thế khác nhau

Thử một vài tư thế quan hệ khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy tư thế mà bạn thấy dễ chịu nhất. Đó có thể là tư thế sẽ có ít tác động lực lên ngực của bạn nhất, ví dụ như nằm cạnh nhau ở tư thế “úp thìa” (bạn tình nằm phía sau bạn).

  1. Nói chuyện cởi mở với nhau

Bạn có thể có cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng về việc bị đau trong khi quan hệ. Bạn đời/người yêu của bạn có thể cũng có cảm giác lo lắng và sợ hãi như vậy. Nói chuyện một cách thẳng thắn cởi mở với bạn đời/người yêu của mình cụ thể kiểu hoạt động nào có thể gây đau hoặc nhạy cảm sẽ giúp cả hai cảm thấy thư giãn hơn.

Mệt lả

Mệt lả là trạng thái cực kỳ mệt mỏi mà nghỉ ngơi hoặc ngủ không làm hết được ngay và là một tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư. Trạng thái mệt lả có thể trở nên tồi tệ hơn khi việc điều trị vẫn được tiếp tục và có thể vẫn tiếp diễn khi điều trị kết thúc.

Các điều trị có khả năng gây mệt lả phổ biến nhất là hóa trị và xạ trị, và đôi khi liệu pháp nội tiết cũng có thể gây mệt lả. Phẫu thuật cũng có thể ảnh hưởng tới mức năng lượng của bạn nhất là khi bạn phải trải qua phẫu thuật nhiều lần.

Nếu bạn cảm thấy mệt lả, bạn có thể không muốn quan hệ tình dục một chút nào hoặc bạn có thể muốn đảm nhận vai trò ít “tích cực” hơn. Điều này có thể khó khăn nếu trước đó bạn luôn là người hăng hái trong hoạt động tình dục. Điều quan trọng là hiểu được giới hạn của mình ở thời điểm hiện tại và không nên thúc ép bản thân quá nhiều. Tình trạng mệt lả sẽ giảm dần giảm theo thời gian và sau đó bạn lại có thể có nhiều năng lượng hơn cho hoạt động tình dục.

Lời khuyên nếu bạn cảm thấy mệt lả

  1. Cố gắng tập luyện

Tăng cường lượng tập luyện có thể giúp giảm mệt lả.

  1. Nói chuyện với bác sĩ điều trị

Nếu bạn cảm thấy mệt lả, hãy nói cho nhóm bác sĩ điều trị biết. Đôi khi nguyên nhân mệt lả có thể được điều trị – ví dụ nếu bạn thiếu máu, bạn có thể được chỉ định dùng viên sắt bổ sung.

  1. Giảm stress

Dành thời gian với bạn đời/người yêu mà không cần có quan hệ tình dục. Bạn và bạn đời/người yêu có thể trao đổi với với nhau  trước để thống nhất về việc sẽ không có quan hệ tình dục thời điểm đó. Đùa giỡn, vuốt ve bằng tay và chân với nhau là cách tuyệt vời để cảm thấy gắn bó với bạn đời/người yêu khi bạn có ít năng lượng.

Các triệu chứng mãn kinh

Các triệu chứng mãn kinh có thể xảy ra do điều trị ung thư vú kể cả khi  bạn chưa mãn kinh, có thể gồm:

  • Bốc hỏa
  • Ra mồ hôi ban đêm
  • Khô âm đạo
  • Giảm ham muốn tình dục

Các triệu chứng mãn kinh như vậy có thể có ảnh hưởng đến sự gần gũi và tình dục.

Mãn kinh có thể làm cho bạn có ít cảm giác hơn khi được kích thích, nghĩa là có thể cần nhiều thời gian kích thích hơn để đạt cực khoái hoặc mức độ cực khoái có thể giảm xuống. Hoặc đơn giản bạn có thể cảm thấy quá mệt không có hứng thú gì với tình dục, và đôi khi bốc hỏa hoặc ra mồ hôi ban đêm có thể làm cho việc nằm chung giường hoặc gần gũi trở nên khó khăn.

Phụ nữ trẻ hơn đang được điều trị ung thư vú có thể có triệu chứng ban đầu của mãn kinh mạnh hơn so với mãn kinh tự nhiên. Bị mãn kinh vào lúc còn trẻ có thể làm cho một số người cảm thấy mình già hơn tuổi thực của mình, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực lên cảm giác khi quan hệ tình dục.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Các triệu chúng mãn kinh như bốc hỏa, có thể gây cảm giác rất khó chịu và có thể có tác động xấu lên chất lượng sống của bạn. Tuy nhiên có những điều có thể giúp để giảm nhẹ tình trạng này. Ghi nhật ký khi bạn bị bốc hỏa có thể giúp bạn xác định được tình trạng bốc hỏa của bạn hoặc bất kể điều gì kích thích cơn bốc hỏa mà bạn có thể tránh được. Nếu bạn biết khi nào bốc hỏa thì bạn có thể chủ động chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với cơn bốc hỏa

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Để có các lời khuyên về quản lý các triệu chứng và có thêm thông tin đề nghị xem bài viết 
Quản lý tác dụng phụ mãn kinh sau điều trị và chẩn đoán ung thư vú nguyên phát

Khô và ngứa âm đạo

Khô âm đạo là triệu chứng phổ biến, thường gây khó chịu ở phụ nữ sau điều trị ung thư vú. Một số điều trị ảnh hưởng lên nồng độ nội tiết tố estrogen trong cơ thể bạn. Giảm mức estrogen hoặc chặn tác dụng của nó trên mô đích có thể gây những thay đổi ở âm đạo, như khô hoặc ngứa âm đạo.

Do estrogen giúp duy trì độ ẩm của âm đạo và độ đàn hồi của âm đạo, việc thiếu hụt nhiều estrogen có thể làm cho âm đạo trở nên khô, kém mềm mại, và có thể làm cho quan hệ tình dục hoặc việc gần gũi bị đau. Nếu không được điều trị, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn, do vậy điều quan trọng là bạn cần tìm đến trợ giúp khi cần.

Bạn vẫn có thể tận hưởng các hình thức gần gũi khác, ngay cả khi âm đạo của bạn không được bôi trơn hoặc bạn không muốn dùng bổ sung các chất bôi trơn mà chúng tôi đề dưới đây.

Khô âm đạo có thể không phải là tác dụng phụ mà bác sĩ điều trị của bạn thường nói đến nhưng nếu bạn có vấn đề đó thì hãy thảo luận điều này với điều dưỡng hoặc bác sĩ.

Có nhiều cách điều trị có thể giúp cải thiện chứng khô âm đạo gồm chất làm ẩm âm đạo và bôi trơn âm đạo. Các chất này có thể được bác sĩ kê đơn, mua ở cửa hàng thuốc hoặc trên internet.

Điều trị không dùng nội tiết cho chứng khô âm đạo

Hiện có nhiều sản phẩm dùng cho chứng khô âm đạo. Bạn có thể cần thử dùng nhiều sản phẩm khác nhau để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất cho bạn. Ví dụ một số loại có thể làm bạn đau, hoặc gây ngứa. Bạn có thể không tìm thấy sản phẩm phù hợp với bạn ngay từ đầu nhưng cần kiên trì cho tới khi bạn tìm thấy.

Nếu bạn vẫn bị khô âm đạo và ngứa và không thể tìm thấy một sản phẩm phù hợp cho mình thì bạn cần nói chuyện với bác sĩ hoặc các chuyên viên chăm sóc sức khỏe để tìm xem có các lựa chọn khác không.

Chất làm ẩm âm đạo

Chất làm ẩm âm đạo có thể giúp làm giảm nhẹ chứng khô và sự khó chịu bất kể khi có hoạt động tình dục hay không. Các chất này có thể được sử dụng vài ngày một lần nhưng cần được sử dụng đều đặn theo thời gian để có hiệu quả tốt nhất.

Một số sản phẩm trong nhóm này gồm:

  • Hyalofemme
  • Regelle
  • Reprens MD
  • YES VM

Các chất làm ẩm thường được dùng dưới dạng thuốc đặt âm đạo (một khối nhỏ hòa tan trong âm đạo) hoặc một dụng cụ bôi kiểu tampon

Chất bôi trơn âm đạo

Chất bôi trơn âm đạo có xu hướng có tác dụng ngắn hơn chất làm ẩm và là loại gốc dầuầu hoặc gốc nước. Nếu bạn đang dùng bao cao su thì cần tránh các chất bôi trơn gốc dầu do chúng có thể làm rách bao cao su.

Các chất bôi trơn để giúp giảm ma sát và đau trong khi quan hệ tình dục và gần gũi, nhưng ngoài ra cũng có thể được dùng rộng hơn hơn để làm giảm chứng khô rát và khó chịu.

Các chất bôi trơn gồm:

  • Astroglide
  • Pasante TLC
  • Pjur
  • Sylk
  • YES WB

Hiện có các chất bôi trơn dưới dạng viên đặt âm đạo, dạng tuýp chất lỏng hoặc gel, hoặc trong các túi nhỏ dùng một lần.

Bạn có thể dùng chất bôi trơn và chất làm ẩm cùng với nhau.

Một số phụ nữ thấy rằng gel diệt tinh trùng làm cho giao hợp dễ chịu hơn.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Các mẹo để tìm ra chất làm ẩm và chất bôi trơn

  • Tìm website của nhà sản xuất để thấy các sản phẩm khác nhau. Mỗi nhà sản xuất sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau nên cần xem sản phẩm hoạt động thế nào, có chất gì trong đó và nhận xét của người dùng.
  • Một số sản phẩm sẽ là sản phẩm hữu cơ, thực vật hoặc không có paraben – điều này có thể quan trọng đối với bạn.
  • Một số nhà sản xuất sẽ cung cấp các mẫu miễn phí để thử, cho phép bạn thử các sản phẩm khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy sản phẩm phù hợp với bạn.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Các bài tập vùng sàn chậu

Tập bài tập vùng sàn chậu cũng có thể giúp tăng dòng máu tới khu vực này và giúp bạn học cách thư giãn các cơ này trong khi quan hệ tình dục và gần gũi để giảm đau tới mức thấp nhất. Biết cách thư giãn các cơ này cũng có thể giúp giảm đau trong khi khám khu vực chậu, ví dụ khi bạn cần làm xét nghiệm pap smear để phát hiện ung thư cổ tử cung.

Bạn có thể cảm nhận các cơ vùng sàn chậu bằng cách cố gắng dừng dòng nước tiểu khi bạn đi vệ sinh. Tuy nhiên chúng tôi không khuyến nghị bạn làm việc này một cách thường xuyên do điều này có thể gây hại cho bàng quang.

Để củng cố vùng sàn chậu, bạn có thể ngồi thoải mái và thít các cơ từ 10 tới 15 lần liên tiếp, không nín thở hoặc thít cơ bụng, cơ mông và cơ đùi đồng thời. Khi bạn quen với tập bài này thường xuyên, bạn có thể cố gắng giữ mỗi lần thít cơ trong vài giây. Mỗi tuần, lại tăng thêm số lần thít cơ. Luôn luôn có khoảng nghỉ giữa các lần tập.

Bạn cũng có thể thử dùng dụng cụ nong âm đạo để có thể nhẹ nhàng làm giãn âm đạo giúp cải thiện tình trạng teo âm đạo. Dụng cụ nong âm đạo có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn bị đau rát trong khi quan hệ tình dục, bằng cách giúp làm tăng sự mềm mại của âm đạo. Hiện có bộ dụng cụ nong âm đạo với nhiều kích thước khác nhau, và dụng cụ nhỏ nhất có thể được dùng trước tiên với chất bôi trơn để làm cho việc nong dễ chịu hơn. Bạn có thể mua dụng cụ nong âm đạo online hoặc từ các nhà thuốc.

Giao hợp và thủ dâm

Nếu bạn thấy thoải mái, bản thân giao hợp có thể giúp kích thích dòng máu tới âm đạo và sẽ giúp duy trì độ mềm mại và độ đàn hồi của âm đạo. Dùng dụng cụ rung hoặc thủ dâm có thể giúp bạn theo cơ chế tương tự.

Điều trị nội tiết cho chứng khô âm đạo

Điều trị được sử dụng phổ biến nhất cho chứng khô âm đạo là liệu pháp thay thế nội tiết (HRT). Tuy nhiên HRT thường không được khuyến nghị cho phụ nữ sau khi được chẩn đoán ung thư vú, nhưng một số chuyên gia sẽ cân nhắc kê đơn điều trị nội tiết được đưa trực tiếp vào âm đạo trong thời gian ngắn, gồm có viên đặt âm đạo, thuốc viên, kem hoặc vòng có estrogen.

Sử dụng estrogen âm đạo có thể giảm thiểu lượng estrogen hấp thụ vào cơ thể. Estrogen âm đạo có thể được kê đơn  cho phụ nữ uống tamoxifen, do tamoxifen được cho là tương tác với bất kỳ estrogen nào trong máu. Nếu bạn đang uống chất ức chế aromatase (thuốc nội tiết bậc 2) như letrozole, anastrozole và exemstane, thì estrogen âm đạo thường không được đề xuất sử dụng, nhưng bạn có thể chuyển sang dùng tamoxifen.

Bạn có thể nói chuyện với nhóm bác sĩ điều trị về sử dụng các loại điều trị nội tiết này. Nhóm bác sĩ điều trị cũng có thể gửi bạn tới khám tại bác sĩ sản phụ khoa.

Chứng khô và ngứa âm đạo cũng có thể do nhiễm khuẩn gây ra, nên tốt nhất là đến khám bác sĩ đa khoa để loại trừ khả năng nhiễm khuẩn.

Thay đổi cách thức trải qua cực khoái

Ung thư vú và điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng đến cách bạn trải nghiệm cực khoái.

Nếu bạn có các triệu chứng mãn kinh do điều trị, bạn có thể cảm thấy kém nhạy cảm hơn với kích thích tình dục, có nghĩa là có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt cực khoái hoặc cường độ cực khoái có thể bị giảm.

Có một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy hóa trị có thể gây ra nhiều vấn đề làm cho cực khoái khó đạt được hơn.

Các vấn đề tránh thai và khả năng sinh sản

Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ trong khi đang điều trị ung thư vú có an toàn không?

Người ta cho rằng các thuốc hóa trị không thể đi vào tinh dịch hoặc dịch âm đạo, nhưng cũng chưa có đủ bằng chứng để hoàn toàn loại trừ điều này. Trong vài ngày đầu sau hóa trị, bạn có thể cần tránh giao hợp không có biện pháp bảo vệ như quan hệ tình dục đường miệng, hoặc bất kỳ sự tiếp xúc nào có thể làm giây tinh dịch hoặc dịch âm đạo, để đảm bảo rằng bạn đời/người yêu không phơi nhiễm với các thuốc hóa trị. Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn sử dụng các phương pháp rào chắn để tránh thai như bao cao su trong một vài ngày sau khi hóa trị.

Nếu bạn đang hóa trị, tốt nhất là tránh quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ.

Có thai trong khi điều trị ung thư vú có an toàn không?

Nói chung phụ nữ được khuyên không nên có thai trong khi đang điều trị ung thư vú, do điều trị ung thư vú có thể gây hại cho bào thai trong giai đoạn phát triển sớm.

Nếu bạn có quan hệ tình dục với nam giới, bạn cần thảo luận về việc tránh thai với bác sĩ điều trị của bạn. Họ có thể gửi bạn tới phòng khám bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa để tư vấn cho bạn về biện pháp tránh thai thích hợp nhất với bạn.

Tôi có thể có thai sau điều trị ung thư vú được không?

Sau điều trị ung thư vú, nếu bạn ở tuổi 40 hoặc hơn thì bạn vẫn có khả năng có thai trừ khi bạn không có kinh nguyệt trong ít nhất một năm. Nếu bạn dưới 40 tuổi thì vẫn có thể có thai trừ khi bạn không có kinh nguyệt trong hai năm. Tuy nhiên đây là hướng dẫn chung và thay đổi theo từng người.

Đối với một số người điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng vĩnh viễn tới khả năng sinh sản. Đối mặt với khả năng vô sinh vĩnh viễn có thể rất đau đớn, thậm chí cả khi bạn không có ý định xem xét việc sinh con. Bạn cũng có thể cảm thấy bị cô lập với những người cùng tuổi vì điều này và không thể chia sẻ với ai cảm giác mất mát của bạn.

Để có thêm thông tin về mãn kinh sớm và vô sinh và các hỗ trợ hiện có cho phụ nữ trẻ, đề nghị xem bài viết 
Ung thư vú ở phụ nữ trẻ  Ung thư vú trong và sau khi mang thai một năm

Tài liệu tham khảo

https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc110_your_body_intimacy_and_sex_web.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích