menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính: Các phương pháp điều trị

user

Ngày:

17/10/2020

user

Lượt xem:

3874

Bài viết thứ 23/26 thuộc chủ đề “Các bệnh Huyết học”

Trong bài viết này: bạn sẽ tìm hiểu về các phương pháp điều trị khác nhau mà bác sĩ sử dụng cho người bệnh bạch mầu dòng tủy mạn tính (CML). Phần này giải thích các phương pháp điều trị được coi là chăm sóc tiêu chuẩn cho CML. Chăm sóc tiêu chuẩn nghĩa là phương pháp điều trị được coi là tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Khi quyết định kế hoạch điều trị cho bản thân, người bệnh được khuyến khích cân nhắc các thử nghiệm lâm sàng như một lựa chọn điều trị. Thử nghiệm lâm sàng (TNLS) là một nghiên cứu nhằm thử nghiệm một phương pháp điều trị mới. Thông qua TNLS, các bác sĩ muốn tìm hiểu liệu phương pháp điều trị mới có an toàn, hiệu quả, và tốt hơn phương pháp điều trị tiêu chuẩn không. Các TNLS có thể là thử nghiệm một loại thuốc mới, một sự phối hợp mới của các phương pháp điều trị tiêu chuẩn hoặc liều lượng mới của các thuốc tiêu chuẩn hoặc những phương pháp điều trị khác. Thử nghiệm lâm sàng là một lựa chọn điều trị mà người bệnh có thể cân nhắc trong tất cả các giai đoạn của CML. Bác sĩ điều trị của bạn có thể giúp bạn xem xét cân nhắc tất cả các phương pháp điều trị trước khi quyết định chọn phương pháp nào.

Tổng quan

Trong chăm sóc ung thư, các bác sỹ từ các chuyên khoa khác nhau sẽ làm việc cùng nhau để tạo thành một kế hoạch điều trị toàn diện trong đó các phương pháp điều trị khác nhau được kết hợp với nhau. Cách làm này được gọi là điều trị đa phương thức. Trong điều trị cho bệnh nhân CML, điều tối quan trọng là người điều trị phải là bác sỹ chuyên khoa huyết học hoặc chuyên khoa ung thư có kinh nghiệm trong điều trị ung thư máu. Bác sỹ chuyên khoa huyết học là bác sĩ chuyên điều trị những rối loạn về máu. Bác sỹ chuyên khoa ung thư là bác sĩ chuyên về điều trị ung thư. Đội ngũ chăm sóc ung thư bao gồm các chuyên gia ở các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác nhau, như : trợ lý bác sĩ, điều dưỡng ung thư, nhân viên công tác xã hội, dược sĩ, chuyên gia tư vấn, chuyên gia dinh dưỡng, cố vấn tài chính, và những người khác.

Các phương pháp điều trị phổ biến cho CML được mô tả dưới đây. Tiếp theo đó là những thông tin về hiệu quả điều trị và các khuyến nghị điều trị phổ biến theo giai đoạn bệnh. Kế hoạch chăm sóc của người bệnh bao gồm những phương án để giúp phòng ngừa các triệu chứng và tác dụng phụ, cũng như điều trị bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ mà bạn gặp phải. Đây là những phần rất quan trọng trong điều trị ung thư.

Các phương án điều trị và các khuyến nghị điều trị phụ thuộc và nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn bệnh, các tác dụng phụ có thể xảy ra, nguyện vọng và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh. Điều trị CML đã được cải thiện đáng kể trong 16 năm qua, cách điều trị đã thay đổi hoàn toàn và giúp người bệnh sống lâu hơn.

Người bệnh nên dành thời gian để tìm hiểu về tất cả các lựa chọn điều trị của mình và hãy hỏi bác sỹ về bất cứ điều gì chưa hiểu rõ. Nói chuyện với bác sĩ điều trị về mục đích của mỗi phương pháp điều trị và những gì sẽ xảy ra  trong khi điều trị. Hỏi đội ngũ chăm sóc của bạn về chi phí điều trị cũng rất quan trọng, rất nhiều loại thuốc được đưa ra dưới đây cần được sử dụng liên tục suốt cuộc đời.

Các phương pháp điều trị bằng thuốc

Các liệu pháp điều trị toàn thân sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các loại thuốc này được đưa qua đường máu để đến tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. Các liệu pháp điều trị toàn thân này thường được bác sĩ huyết học hoặc bác sĩ ung thư kê đơn.

Đường phổ biến sử dụng trong các liệu pháp điều trị toàn thân bao gồm: đường tĩnh mạch (IV) đưa thuốc vào tĩnh mạch qua kim, và đường miệng – nuốt thuốc dạng viên nén hoặc viên nang

Các liệu pháp điều trị toàn thân được sử dụng điều trị CML bao gồm:

  • Điều trị đích
  • Điều trị hóa chất
  • Điều trị miễn dịch

Mỗi liệu pháp trên sẽ được trình bày cụ thể hơn dưới đây. Mỗi người bệnh có thể chỉ nhận duy nhất 1 liệu pháp điều trị tại 1 thời điểm hoặc kết hợp các liệu pháp cùng lúc. Các loại thuốc điều trị ung thư cần được đánh giá liên tục. Vì vậy thường xuyên trao đổi với bác sĩ là cách tốt nhất để tìm hiểu về các loại thuốc bạn đang được kê đơn và sử dụng: mục đích sử dụng, các tác dụng phụ có thể xảy ra hoặc tương tác giữa các loại thuốc.

Điều trị đích

Điều trị đích là một phương pháp nhắm vào các gen, proteins, hoặc môi trường mô đóng góp và sự phát triển và tồn tại của ung thư. Phương pháp điều trị này ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng lên các tế bào lành

Không phải tất cả loại ung thư đều có cùng mục tiêu nhắm tới. Để tìm ra hiệu quả điều trị tốt nhất, bác sĩ của bạn có thể làm các xét nghiệm nhận định tình trạng gen, protein, và các yếu tố khác liên quan đến bệnh bạch cầu của bạn. Điều này giúp bác sĩ tìm được điều trị hiệu quả và phù hợp nhất cho mỗi người bệnh. Hơn nữa, các nghiên cứu về điều trị đích vẫn đang được tiếp thục thực hiện để tìm thêm các mục tiêu phân tử cụ thể và có những hướng điều trị mới.

Đối với CML, mục tiêu là loại protein duy nhất được gọi là BCR-ABL tyrosine kinase enzyme. Thuốc nhắm vào BCR-ABL tyrosine kinase enzyme được gọi là TKIs. Các TKIs có thể làm dừng hoạt động của BCR-ABL, đồng thời làm cho các tế bào CML chết nhanh hơn.

Điều quan trọng người bệnh cần ghi nhớ là phải tránh làm cha hoặc mang bầu trong khi sử dụng thuốc này vì có rất nhiều rủi ro cho sự phát triển của đứa trẻ. Để tìm ra cách điều trị tốt nhất, người bệnh nên hỏi với bác sĩ của họ về những nguy cơ và lợi ích của các thuốc này, bao gồm những tác dụng phụ có thể xảy ra và làm thế nào để quản lý tác dụng phụ. Ví dụ, các thuốc này thuốc có thể gây viêm gan, đây sẽ là vấn đề với những người đang có bệnh viêm gan. Vì vậy, người bệnh cần làm xét nghiệm viêm gan trước khi bắt đầu điều trị với bất kỳ thuốc nào trong nhóm này. Ngoài ra, một số TKIs có thể tương tác với một số loại thực phẩm, vitamins, và các chất bổ sung. Hãy hỏi bác sỹ của bạn về những loại thực phẩm, vitamins, các chất bổ sung bạn cần tránh. Nếu một người bệnh gặp nhiều tác dụng phụ khi điều trị bằng một TKI, bác sĩ sẽ kê đơn một loại TKI khác cho người bệnh để thay thế.

Các loại TKIs để điều trị CML

Hiện có 5 TKIs để điều trị CML:

  • Imatinib (Gleevec). Imatinib là thuốc điều trị đích đầu tiên được Cục quản lý thực phẩm và thuốc của hoa kỳ (FDA) chấp thuận cho điều trị CML vào năm 2001. Dùng 1 đến 2 viên/ngày. Thuốc hoạt động tốt hơn so với điều trị hóa chất cho người bệnh CML và gây ra ít tác dụng phụ hơn (xem phía dưới). Hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn CML mạn tính có công thức máu trở về mức khỏe mạnh và lách co nhỏ lại sau khi điều trị thuốc. Quan trọng nhất là, 80% đến 90% bệnh nhân CML giai đoạn mạn tính được chẩn đoán xác định sớm và điều trị imatinib đã không còn phát hiện thấy các tế bào có nhiễm sắc thể Philadelphia. Imatinib cũng có thể được sử dụng với các loại ung thư khác, như bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) với sự hiện diện của nhiễm sắc thể PhiladelphiaNguy cơ kháng thuốc CML sau khi bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn với điều trị với imatinib là rất thấp. Những bệnh nhân vẫn còn một lượng nhỏ tế bào mang nhiễm sắc thể Philadenphia sẽ ở giai đoạn mạn tính lâu hơn nếu dùng imatinib so với các phương pháp điều trị trước đây. Vẫn còn quá sớm để biết các đáp ứng điều trị này sẽ kéo dài bao lâu  hoặc bệnh nhân có được chữa khỏi chỉ với loại thuốc này không. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị với imatinib từ những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên năm 1999 đến nay vẫn không xuất  hiện tế bào có nhiễm sắc thể Philadelphia.

Những tác dụng phụ của imatinib là nhẹ nhưng có thể bao gồm: đau dạ dày – điều này không phổ biến khi dùng imatinib với thức ăn, thay đổi về công thức máu, giữ nước, sưng xung quanh mắt, mệt mỏi, tiêu chảy, và chuột rút.

  • Dasatinib (Sprycel): Dasatinib được FDA cấp phép để điều trị ban đầu cho bệnh nhân mắc CML mới được chẩn đoán là giai đoạn mạn tính và khi các thuốc khác không có tác dụng. Là loại thuốc viên thường được dùng 1 viên/ngày hoặc đôi khi là 2 viên/ngày tùy thuộc vào liều thuốc. Những tác dụng phụ của thuốc bao gồm: thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, các vấn đề về phổi: tràn dịch màng phổi, tăng áp động mạch phổi. Bác sĩ sẽ theo dõi công thức máu của bệnh nhân thường xuyên sau khi điều trị dasatinib và có thể điều chỉnh hoặc ngưng dùng thuốc tạm thời nếu công thức máu của bệnh nhân giảm quá thấp. Dasatinib cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu, ứ dịch, tiêu chảy, phát ban, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn. Dasatinib cần acid trong dạ dày để được hấp thu vì vậy người bệnh không nên dùng các thuốc chống acid.
  • Nilotinib (Tasigna). Nilotinib được FDA cấp phép để điều trị ban đầu cho bệnh nhân mới được chẩn đoán là CML giai đoạn mạn tính và khi một số loại thuốc khác không có tác dụng. Đây là thuốc dạng nang dùng đường miệng 2 lần/ngày khi đói. Những tác dụng phụ phổ biến bao gồm: giảm công thức máu, phát ban, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy và ngứa. Những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra nhưng không phổ biến bao gồm: tăng đường huyết, ứ dịch và viêm tụy hoặc viêm gan. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của nilotinib bao gồm những vấn đề về tim và mạch máu có thể đe dọa tính mạng dẫn đến rối loạn nhịp tim, hẹp mạch máu, đột quỵ, đột tử. Những tác dụng phụ đó rất hiếm, nhưng người bệnh có thể cần xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe tim mạch trong quá trình điều trị. Thuốc này có thể tương tác với các thuốc khác làm tăng những rủi ro đó, nên người bệnh cần đảm bảo báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc họ đang sử dụng.
  • Bosutinib (Bosulif). Năm 2012, Bosutinid được FDA cấp phép cho điều trị CML khi 1 trong các TKIs khác không có hiệu quả hoặc ở bệnh nhân gặp quá nhiều tác dụng phụ. Những tác dụng phụ phổ biến của thuốc này bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn và nôn, thiếu máu, đau bụng, mệt mỏi, sốt, dị ứng, và vấn đề về gan.
  • Ponatinib (Iclusig). Ponatinib cũng đã được FDA cấp phép năm 2012 để điều trị cho bệnh nhân CML khi 1 trong các TKIs khác không còn hiệu quả hoặc bệnh nhân gặp quá nhiều tác dụng phụ. Ponatinib cũng nhắm vào tế bào CML có đột biến đặc trưng- T315I, là nguyên nhân làm cho các tế bào này kháng lại những TKIs khác. Những tác dụng phụ phổ biến của thuốc này bao gồm tăng huyết áp, phát ban, đau bụng, mệt mỏi, đau đầu, da khô, táo bón, sốt, đau khớp, và buồn nôn. Ponatinib cũng có thể gây ra các vấn đề tim mạch, hẹp mạch máu nghiêm trọng, cục máu đông, đột quỵ hoặc các vấn đề về gan

Đánh giá hiệu quả điều trị của TKIs

Người bệnh CML điều trị TKI nên được nhóm điều trị ung thư kiểm tra sức khỏe thường xuyên với đội chăm sóc sưc khỏe để đánh giá hiệu quả điều trị. Để bắt đầu, kiểm tra thường quy 3 tháng một lần trong năm đầu tiên điều trị. Đáp ứng của CML bao gồm:

  • Đáp ứng hoàn toàn về huyết học:
    • Bạch cầu và tiểu cầu ở mức bình thường/khỏe mạnh
    • Không có dấu hiệu của tế bào máu bất thường (tế bào blast).
    • Kích thước lách trong giới hạn bình thường và không sờ thấy khi khám sức khỏe
    • Không có triệu chứng của CML
  • Đáp ứng một phần:
    • Lượng tế bào máu vẫn chưa bình thường
    • Có thể vẫn còn tế bào blast trong máu
    • Lách có thể vẫn to.
    • Triệu chứng và kết quả xét nghiệm máu có cải thiện từ khi bắt đầu điều trị

Những đáp ứng điều trị này có thể thay đổi theo thời gian, và vẫn có nguy cơ CML sẽ nặng lên nếu không có cách điều trị hiệu quả hơn. Đôi khi điều này có nghĩa là cần tiếp tục điều trị với TKI đang sử dụng để xem cách điều trị này có cho kết quả tốt hơn không hay cần đổi sang dùng một loại TKI khác

Những xét nghiệm đặc trưng khác được sử dụng để tìm những tế bào có nhiễm sắc thể Philadelphia hoặc chứa gen kết hợp BCR-ABL. Khi CML được chẩn đoán, nhiễm sắc thể Philadelphia được tìm thấy ở hầu hết tủy xương và tế bào máu của người bệnh. Khi một người được xét nghiệm có đáp ứng hoàn toàn về huyết học, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm tìm phản ứng di truyền học tế bào ví dụ như xét nghiệm FISH

  • Đáp ứng di truyền tế bào hoàn toàn có nghĩa là không tìm thấy tế bào có nhiễm sắc thể Philadelphia bằng các xét nghiệm di truyền tế bào thông thường.
  • Đáp ứng di truyền tế bào một phần có nghĩa còn 1% đến 35% lượng tế bào vẫn còn nhiễm sắc thể Philadelphia.
  • Đáp ứng di truyền tế bào mức độ thấp có nghĩa còn nhiều hơn 35% tế bào có nhiễm sắc thể Philadelphia.

Đáp ứng phân tử có thể được xác định khi  làm xét nghiệm PCR  để tìm gen kết hợp BCR-ABL.

  • Đáp ứng phân tử cơ bản là khi có rất ít tế bào (ít hơn 1000 lần so với khi chẩn đoán) có gen kết hợp BCR-ABL được tìm thấy ở tủy xương hoặc máu ngoại vi.
  • Đáp ứng phân tử hoàn toàn là khi không có tế bào có gen kết hợp BCR-BAL được tìm thấy ở tủy xương hoặc máu ngoại vi

Mục tiêu quan trọng và tiên quyết của việc điều trị là đạt được đáp ứng di truyền tế bào hoàn toàn. Để xác định điều này có thể cần thực hiện thêm sinh thiết tủy xương nếu chưa xác định được rõ thuốc có hiệu quả với người bệnh không. Hoặc, cần  sinh thiết tủy xương sau 6 đến 12 tháng điều trị để xác nhận đáp ứng di truyền. Hiện vẫn chưa rõ liệu một trong các loại thuốc này có chữa khỏi hẳn CML không. Bệnh này vẫn có thể tái phát nếu dừng điều trị. Nếu điều trị với một trong các loại thuốc TKIs có hiệu quả, người bệnh sẽ  không còn bằng chứng về nhiễm sắc thể Philadelphia trong tủy xương và có xét nghiệm máu bình thường. Tình trạng này được gọi là thuyên giảm bệnh hoàn toàn về mặt di truyền tế bào. Hiện tại người bệnh được khuyến cáo nên dùng những loại thuốc này suốt đời để phòng tránh CML tái phát. Những nghiên cứu gần đây cho thấy  một số bệnh nhân có thể chấm dứt điều trị một cách an toàn sau khi có đáp ứng tốt và ổn định với TKI.

Giám sát điều trị

Các xét nghiệm máu có độ nhạy cao như PCR và FISH, thường được thực hiện 3 tháng một lần trên mẫu máu sau khi bệnh nhân đã dương tính với các xét nghiệm di truyền tế bào trên tế bào tủy xương. Những bệnh nhân có xét nghiệm nhiễm sắc thể Philadelphia âm tính (Ph (-)) thường cần phải làm xét nghiệm PCR để tìm phản ứng phân tử. Những bệnh nhân có sự giảm nhanh các tế bào có Ph (+) trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị thường có kết quả điều trị tốt nhất.

Xét nghiệm có độ nhạy cao nhất để chẩn đoán CML là xét nghiệm định lượng phân tử PCR phiên mã ngược (Q-RT-PCR). Xét nghiệm này được khuyến nghị tiến hành trên mẫu máu của bệnh nhân 3 tháng một lần. Xét nghiệm này có thể tìm thấy 1 tế bào CML trong số 1 triệu tế bào máu bình thường. Khi kết quả âm tính, rất có thể CML đã gần bị tiêu diệt hết. Mặt khác, nếu người bệnh tiếp tục dùng thuốc theo chỉ dẫn mà kết quả của xét nghiệm này cho thấy CML bắt đầu tăng lên, thì phương pháp điều trị hiện tại có thể đã không còn hiệu quả. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ phải thay đổi phác đồ điều trị trước khi tình trạng bệnh ngày càng xấu đi.

Đôi khi, các thuốc TKI không còn tác dụng do CML trở nên kháng thuốc. Một trong các nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do bệnh nhân không dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định, do đó, quan trọng là người bệnh phải tuân thủ đúng theo các chỉ dẫn dùng thuốc của bác sỹ. Ngay cả khi bệnh nhân dùng thuốc đúng cách, CML vẫn có thể trở nên kháng TKI, đó là lý do tại sao bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên bằng xét nghiệm di truyền tế bào, FISH hoặc PCR để đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc.

Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính: Các phương pháp điều trị

Nguồn: [https://www.intechopen.com/books/leukemia/modern-therapy-of-chronic-myeloid-leukemia]

Dasatinib và nilotinib đã được chứng minh là mang lại đáp ứng di truyền tế bào toàn bộ sớm hơn và nhiều hơn ở các bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc CML so với imatinib. Tuy nhiên, imatinib đã được đưa vào sử dụng trong thời gian dài hơni do được phát minh trước, đồng thời, không có sự khác biệt về tỷ lệ sống thêm toàn bộ giữa các TKI trong điều trị bước một. Bosutinib và ponatinib là những loại thuốc mới, cả hai đều có thể tạo ra đáp ứng di truyền tế bào toàn bộ ở các bệnh nhân CML, trong đó ponatinib là TKI duy nhất hiện nay có hiệu quả trên các bệnh nhân có đột biến T315I. Do các tác dụng phụ nghiêm trọng, cần thận trọng và theo dõi cẩn thận khi sử dụng ponatinib sau khi thất bại với các TKI khác. Nếu loại thuốc bạn đang sử dụng không còn hiệu quả, bạn có thể được khuyến cáo tăng liều hoặc thay thế bằng một TKI khác.

CML được điều trị bằng TKI trong thời gian dài có thể được gọi là ung thư mãn tính (ung thư không thể chữa khỏi nhưng điều trị liên tục, còn được gọi là điều trị kéo dài, có thể kiểm soát trong nhiều tháng hoặc nhiều năm).

Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn sự phát triển và phân chia của chúng.

Một lộ trình hóa trị thường bao gồm một số chu kỳ cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Bệnh nhân có thể được sử dụng một hoặc đồng thời nhiều loại thuốc hóa chất cùng một lúc.

Hydroxyurea (Droxia, Hydrea) là hóa chất được sử dụng dưới dạng viên nang có tác dụng làm giảm số lượng bạch cầu, đưa các tế bào máu trở lại mức bình thường trong vòng vài ngày hoặc vài tuần và giảm kích thước lá lách, tuy nhiên, thuốc không làm giảm tỷ lệ phần trăm tế bào có đột biến nhiễm sắc thể Philadelphia và không ngăn chặn giai đoạn bùng phát. Mặc dù có ít tác dụng phụ, hydroxyurea không được ưu tiên sử dụng trong điều trị bước một ở các bệnh nhân CML giai đoạn mãn tính, thay vào đó, imatinib hoặc các TKI khác thường được khuyến cáo càng sớm càng tốt. Điều này có nghĩa là các bệnh nhân CML không nhất thiết phải sử dụng hydroxyurea, hoặc chỉ cần dùng trong thời gian ngắn. Tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng cụ thể và thường giảm dần theo thời gian.

Năm 2012, thuốc Omacetaxine mepesuccinate (Synribo) đã được FDA (Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận cho những bệnh nhân mắc CML giai đoạn mãn tính hoặc giai đoạn tăng tốc không đáp ứng với các TKI. Omacetaxine được dùng dưới dạng tiêm dưới da hàng ngày trong 7 đến 14 ngày. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm giảm tiểu cầu, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, suy nhược, kích ứng da tại nơi dùng thuốc, sốt và nhiễm khuẩn.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch, hay còn được gọi là liệu pháp sinh học, được thiết kế nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Bằng cách sử dụng các chất liệu tự nhiên của cơ thể hoặc nhân tạo, liệu pháp này giúp cải thiện, nhắm mục tiêu hoặc phục hồi chức năng hệ thống miễn dịch. Interferon (Alferon, Infergen, Intron A, Roferon-A) là một đại diện tiêu biểu, nó có thể làm giảm số lượng bạch cầu và đôi khi làm giảm số lượng tế bào đột biến có nhiễm sắc thể Philadelphia.

Interferon được dùng hàng ngày hoặc hàng tuần bằng cách tiêm dưới da. Các tác dụng phụ hay gặp gần giống như triệu chứng của cúm, ví dụ như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và chán ăn. Khi sử dụng liên tục, interferon cũng có thể gây kiệt sức và rối loạn trí nhớ. Interferon từng là phương pháp điều trị chính cho các bệnh nhân CML giai đoạn mãn tính trước khi tìm ra imatinib. Hiện nay, nó không còn được khuyến cáo là phương pháp điều trị bước một do các thuốc TKI mang lại hiệu quả cao vượt trội và ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, không giống như TKI, interferon an toàn khi sử dụng với bệnh nhân có thai.

Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về các tác dụng phụ có thể xảy ra đối với liệu pháp miễn dịch bạn sử dụng.

Ghép tủy/cấy ghép tế bào gốc

Cấy ghép tủy xương là thủ thuật y khoa, trong đó tủy xương của người bệnh được thay thế bằng các tế bào chuyên biệt cao, hay các tế bào gốc tạo máu, từ đó phát triển thành tủy xương khỏe mạnh. Các tế này được tìm thấy cả trong máu và tủy xương. Ngày nay, quy trình này thường được gọi là cấy ghép tế bào gốc hơn là ghép tủy, do bản chất là cấy ghép tế bào gốc tạo máu, không phải là mô tủy xương thực sự.

Trước khi đề nghị cấy ghép, các bác sĩ giải thích cho bệnh nhân về những rủi ro của phương pháp điều trị này. Họ cũng sẽ xem xét một số yếu tố khác, chẳng hạn như giai đoạn bệnh, kết quả điều trị trước đó, tuổi và tình trạng sức khỏe chung. Mặc dù đây là phương pháp điều trị duy nhất có thể chữa khỏi CML, nhưng hiện nay lại ít được sử dụng hơn, do cấy ghép tủy có rất nhiều tác dụng phụ, trong khi TKIs rất hiệu quả đối với CML và ít tác dụng phụ hơn.

Có 2 hình thức ghép tế bào gốc tùy thuộc vào nguồn gốc của tế bào: ghép tế bào gốc đồng loài (ALLO) và tự thân (AUTO). ALLO sử dụng tế bào gốc được hiến tặng, trong khi AUTO sử dụng tế bào của chính bệnh nhân. Ở cả hai hình thức này, đầu tiên, bệnh nhân sẽ được hóa trị và/hoặc xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư trong tủy xương, máu và các bộ phận khác của cơ thể, sau đó tiến hành ghép các tế bào gốc tạo máu thay thế để tạo ra tủy xương khỏe mạnh. Chỉ có phương pháp cấy ghép ALLO mới được sử dụng để điều trị CML.

Các tác dụng phụ phụ thuộc vào loại cấy ghép, sức khỏe toàn trạng của bệnh nhân và các yếu tố khác.

Xem thêm bài viết: Cấy ghép tủy xương/ Cấy ghép tế bào gốc là gì?

Chăm sóc và điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ

Bệnh bạch cầu và việc điều trị bệnh bạch cầu thường gây ra các tác dụng phụ. Bên cạnh các phương pháp điều trị nhằm làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ bệnh, điều trị giảm nhẹ các triệu chứng và quản lý tác dụng phụ cũng là một phần rất quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân. Cách tiếp cận này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ các nhu cầu về thể chất, tinh thần và nhu cầu xã hội của bệnh nhân.

Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Bất kỳ bệnh nhân nào, bất kể tuổi tác hoặc loại ung thư, đều có thể được chăm sóc giảm nhẹ. Điều trị giảm nhẹ cho hiệu quả tốt nhất nếu được bắt đầu sớm ngay khi cần trong quá trình điều trị ung thư. Thực tế bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu thường được điều trị bệnh cùng lúc với chăm sóc giảm nhẹ để giảm các tác dụng phụ. Những bệnh nhân này ít có triệu chứng nghiêm trọng hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và  hài lòng hơn với việc điều trị.

Các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ rất đa dạng, thường bao gồm thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, các kỹ năng thư giãn, hỗ trợ tinh thần và các liệu pháp khác. Bệnh nhân cũng có thể được chăm sóc giảm nhẹ bằng cách thức tương tự như các phương pháp điều trị triệt căn bệnh bạch cầu, ví dụ như hóa trị. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ về mục đích của mỗi phương pháp điều trị trong kế hoạch điều trị của bạn.

Xem thêm chuỗi bài viết Bồi dưỡng khi điều trị ung thư

Trước khi bắt đầu điều trị, bạn hãy trao đổi với các nhân viên y tế về các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ. Khi gặp vấn đề trong và sau khi điều trị, bạn cần báo càng sớm càng tốt cho bác sỹ hoặc cán bộ y tế để được xử lý kịp thời.

Lựa chọn điều trị theo giai đoạn bệnh

Giai đoạn mãn tính

Mục tiêu trước mắt là làm giảm các triệu chứng của CML. Các mục tiêu dài hạn là giảm hoặc loại bỏ các tế bào có nhiễm sắc thể Philadelphia, từ đó làm chậm hoặc ngăn chặn bệnh chuyển sang giai đoạn bùng phát. Lựa chọn điều trị đầu tay là các TKI (xem Liệu pháp nhắm trúng đích ở trên). Việc ghép tế bào gốc đồng loài ALLO sẽ được tính đến khi điều trị với các TKI thất bại.

Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính: Các phương pháp điều trị

Giai đoạn tăng tốc

Các thuốc sử dụng cho CML giai đoạn mãn tính có thể được sử dụng cho bệnh nhân CML giai đoạn tăng tốc. Mặc dù điều trị bằng TKI cho hiệu quả tốt, tuy nhiên không thể cho kết quả tối ưu như khi sử dụng ở giai đoạn mãn tính. Dasatinib hoặc nilotinib có hiệu quả hơn trong việc kéo dài thời gian bệnh không tiến triển, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn có tình trạng tái mắc CML trong vòng 2 năm. Do đó, việc cấy ghép tế bào gốc đồng loài ALLO nên được tính đến khi có thể. Nếu bệnh nhân không được khuyến cáo ALLO hoặc không có người hiến tặng phù hợp, bệnh nhân có thể được sử dụng các TKI hoặc tham gia các thử nghiệm lâm sàng.

Giai đoạn bùng phát

Điều trị bằng TKI chỉ có hiệu quả trong vài tháng đối với bệnh nhân CML ở giai đoạn bùng phát, nhưng có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh trong khi tiến hành ghép tế bào gốc. Ghép tế bào gốc khi bệnh nhân có đáp ứng với imatinib hoặc dasatinib sẽ cho kết quả điều trị tốt hơn. Mặc dù trong giai đoạn bùng phát, tỉ lệ thành công của phương pháp này thấp hơn so với giai đoạn mãn tính, nhưng ghép tế bào gốc/ tủy xương cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt đối với một số bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân được sử dụng imatinib hoặc dasatinib kết hợp với hóa trị liệu tương tự như phác đồ điều trị trên bệnh bạch cầu cấp tính, chẳng hạn như bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) hoặc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL). Khoảng 20% ​​đến 30% số bệnh nhân này có sự thuyên giảm bệnh, tuy nhiên, hầu hết sẽ tái phát trong vòng vài tuần đến vài tháng. Trong giai đoạn này, Hydroxyurea (xem phần Hóa trị liệu) thường được dùng cho bệnh nhân để kiểm soát nồng độ tế bào máu. Nếu bệnh nhân không thể cấy ghép tế bào gốc/tủy xương, bác sĩ có thể đề nghị họ tham gia các thử nghiệm lâm sàng .

CML kháng trị

Nếu thấy bệnh bạch cầu không đáp ứng với điều trị, người bệnh cần trao đổi với các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị CML kháng thuốc. Các bác sĩ khác nhau có thể có những ý kiến ​​khác nhau về các phác đồ tối ưu. Thử nghiệm lâm sàng cũng có thể là một lựa chọn. Tham khảo thêm các ý kiến khác có thể giúp bệnh nhân thoải mái và tin tưởng hơn khi xác định hướng điều trị của bản thân.

Liệu trình điều trị có thể bao gồm sự kết hợp giữa cấy ghép tế bào gốc/tủy xương, hóa trị và điều trị nhắm trúng đích. Chăm sóc giảm nhẹ cũng là một phần rất quan trọng để giúp ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng cùng tác dụng phụ.

Đối với hầu hết mọi người, chẩn đoán bệnh bạch cầu kháng trị có thể tạo ra các áp lực tâm lý lớn. Bạn và gia đình nên chia sẻ những cảm xúc của bản thân với bác sĩ, y tá hoặc các nhân viên y tế khác, thậm chí là các bệnh nhân khác thông qua các nhóm hỗ trợ xã hội.

Bệnh thuyên giảm và khả năng tái phát CML

Chưa có bằng chứng cho thấy imatinib, dasatinib, hoặc nilotinib, hoặc các loại thuốc mới hơn như bosutinib, ponatinib, hoặc omacetaxine có thể chữa khỏi hoàn toàn CML. Bệnh được xác định là thuyên giảm khi không còn phát hiện bệnh bạch cầu trong cơ thể bằng các xét nghiệm di truyền tế bào và không còn triệu chứng của bệnh. Điều này cũng có thể được gọi là “không có bằng chứng về bệnh” hoặc NED.

Sự thuyên giảm này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sự không chắc chắn này khiến nhiều bệnh nhân lo lắng CML sẽ tái phát trở lại, do đó, họ cần trao đổi với bác sỹ về khả năng bệnh tái phát. Hiểu rõ nguy cơ bệnh tái phát và các lựa chọn điều trị có thể giúp bệnh nhân có sự chuẩn bị tốt hơn nếu tái mắc CML.

Nếu bệnh bạch cầu tái phát mặc dù đã được điều trị trước đó, quy trình các xét nghiệm sẽ được tiến hành lại để đánh giá lại tình trạng bệnh. Sau khi các xét nghiệm này được thực hiện, bác sỹ sẽ trao đổi với bệnh nhân về các lựa chọn điều trị. Thông thường, kế hoạch điều trị sẽ bao gồm các phương pháp điều trị được mô tả ở trên, chẳng hạn như liệu pháp nhắm trúng đích, hóa trị liệu và liệu pháp miễn dịch, nhưng chúng có thể được kết hợp hoặc được sử dụng với các cách kết hợp và liều lượng khác với lúc trước. Bác sĩ có thể đề xuất với người bệnh tham gia các thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành về các phương pháp điều trị mới. Cho dù bệnh nhân lựa chọn phác đồ nào, chăm sóc giảm nhẹ cũng có vai trò rất quan trọng để làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Những bệnh nhân tái mắc CML sau khi thuyên giảm thường trải qua những cảm xúc như mất niềm tin hoặc sợ hãi. Chia sẻ với các nhân viên y tế và tham khảo thêm các phương pháp hỗ trợ có thể giúp họ đối phó với tình trạng này..

Nếu điều trị không hiệu quả

Không phải lúc nào bệnh nhân cũng có thể khỏi hay hồi phục sau quá trình điều trị. Nếu CML không thể kiểm soát, bệnh sẽ tiến triển và có thể dẫn đến giai đoạn cuối.

Kết quả này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bệnh nhân, do đó, điều quan trọng là người bệnh cần trò chuyện cởi mở và trung thực với các nhân viên y tế hoặc người thân để giải tỏa cảm xúc cá nhân. Các nhân viên y tế được trang bị kiến thức, kỹ năng nên có thể hỗ trợ cho người bệnh và gia đình người bệnh. Điều quan trọng nhất là đảm bảo cho bệnh nhân thoải mái về thể chất, được được kiểm soát tốt các cơn đau và các tác dụng phụ.

Bệnh nhân bệnh bạch cầu tiến triển và dự kiến thời gian ​​sống thêm dưới 6 tháng có thể cần dịch vụ chăm sóc cuối đời. Đây là dịch vụ chăm sóc tại nhà được thiết kế để mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể cho những bệnh nhân giai đoạn cuối có thời gian sống thêm ngắn. Đây có thể là một lựa chọn khả thi đối với nhiều gia đình.

Xem thêm bài viết Những ngày cuối đời của bệnh nhân ung thư

Tài liệu tham khảo

Dịch từ www.cancer.net, Thông tin cho bệnh nhân từ Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO).

https://www.cancer.net/cancer-types/leukemia-chronic-myeloid-cml/types-treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích