menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Sinh hoạt thường ngày sau mổ cắt dạ dày

user

Ngày:

14/10/2018

user

Lượt xem:

3602

Bài viết thứ 50/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Biên dịch: Vũ Phương, Kim Huệ, Diệu Hương

Sinh hoạt sau mổ cắt dạ dày (mổ hở hoặc mổ “nội soi cứng”)

Thay đổi lớn nhất trong sinh hoạt sau phẫu thuật (điều trị ngoại khoa) là chế độ ăn uống. Dù cắt một phần hay cắt toàn bộ dạ dày, hãy thảo luận với bác sĩ điều trị, điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng để biết thêm về tình trạng sau mổ, tiến triển của các triệu chứng (di chứng) sau phẫu thuật qua đó tìm ra giải pháp phù hợp cho bản thân. Ngoài chú ý về chế độ ăn, bệnh nhân cần lưu tâm đến các sinh hoạt thường ngày và điều chỉnh dần dần để thoải mái hơn và phục hồi sau mổ tốt hơn. Ví dụ: nỗ lực duy trì thể lực bằng các vận động nhẹ nhàng hằng ngày như đi bộ, tập tăng dần theo quá trình phục hồi của cơ thể.

  • Các triệu chứng ở hệ tiêu hóa sau phẫu thuật. Việc cắt dạ dày thường ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tùy ca mổ (cắt toàn bộ dạ dày, cắt một phần dạ dày phía môn vị, cắt dạ dày phía thượng vị,…) mà các triệu chứng sau phẫu thuật có thể khác nhau. Trước phẫu thuật, thức ăn được ăn vào qua đường miệng sẽ lưu lại ở dạ dày, qua quá trình co bóp sẽ chuyển dần xuống ruột. Sau phẫu thuật cắt dạ dày, thức ăn trực tiếp đi thẳng xuống ruột gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, gọi là hội chứng Dumping. Hội chứng Dumping có các triệu chứng sớm và các triệu chứng muộn (xem bài viết Xử trí một số tác dụng ngoại ý sau khi cắt dạ dày). Ngoài ra, chứng trào ngược, khó tiêu chướng bụng cũng khá phổ biến.
  • Các triệu chứng sau khi phẫu thuật loại bỏ toàn bộ dạ dày. Khi cắt bỏ toàn bộ dạ dày, thức ăn sẽ đi trực tiếp từ thực quản xuống ruột non nên dễ xảy ra hội chứng Dumping (còn gọi là Hội chứng tống thức ăn). Dinh dưỡng được hấp thu ở ruột non, nhưng ruột non không thể phình ra thay cho dạ dày được. Một lần không được ăn nhiều quá, việc nhai kỹ và ăn từng ít một là rất quan trọng. Nếu nhu động ruột không được tốt thì dễ xảy ra các triệu chứng trào ngược, hoặc tiêu chảy.
  • Các triệu chứng sau khi cắt dạ dày phần môn vị. Vì môn vị của dạ dày có nhiệm vụ đẩy thức ăn đã được tiêu hóa trong dạ dày xuống tá tràng (phần đầu của ruột non), nếu phần này bị cắt, thức ăn sẽ đi từ dạ dày xuống ruột dễ dàng và không kiểm soát, dễ gây ra hội chứng Dumping. Cần lưu ý các triệu chứng như khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, …
  • Các triệu chứng sau khi cắt bỏ dạ dày có bảo tồn môn vị. Khác với phẫu thuật ở trên, phẫu thuật này vẫn giữ lại chức năng môn vị nên việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng là khá tốt, sự tăng giảm đường huyết cũng xảy ra chậm rãi hơn nên ít xảy ra các triệu chứng do Dumping. Tuy nhiên, ngay sau khi phẫu thuật chức năng của môn vị chưa được phục hồi hoàn toàn nên có trường hợp thức ăn không đi đến tá tràng. Cảm giác no bụng và chướng bụng, đầy bụng dễ xảy ra.
  • Các triệu chứng sau khi cắt bỏ dạ dày phần thượng vị. Do phần thượng vị có chức năng ngăn chặn thức ăn và dịch tiết dạ dày trào ngược lên thực quản, nếu phần này bị cắt, thức ăn và dịch dạ dày dễ bị trào ngược, dẫn đến triệu chứng viêm thực quản do trào ngược gây ra nóng ngực.
  • Các triệu chứng khác. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng khác như: viêm thực quản do trào ngược, thiếu máu, loãng xương,…

Sinh hoạt sau cắt khối u bằng nội soi mềm (phẫu tích dưới niêm mạc)

Phương pháp này thường dùng khi bệnh ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ nằm trong lớp nông của dạ dày. Bằng cách mổ này, các chức năng như co bóp của dạ dày không bị tổn hại nhiều nên thể lực sẽ nhanh chóng phục hồi. Về cơ bản, chế độ ăn sau phẫu thuật cũng giống với lúc trước phẫu thuật. Sau khi ra viện, trong vòng 2 đến 3 tuần là hầu như có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng sau phẫu thuật, hãy tránh những công việc cần thể lực, vận động quá mạnh, ăn uống vô độ, uống rượu hoặc tắm bồn nước nóng quá lâu,…

Sinh hoạt trong khi hóa trị

Cùng với tiến bộ của các thuốc điều trị ung thư (hóa trị) và các phương pháp hỗ trợ, nhiều bệnh nhân có thể dùng thuốc hóa trị ngoại trú mà không cần nhập viện. Việc này giúp người bệnh vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống thường nhật như làm việc, làm việc nhà, trông trẻ, …, nhưng một số bệnh nhân có thể thấy bất an vì không có bác sĩ ở bên cạnh thường xuyên. Hãy hỏi bác sĩ điều trị về những tác dụng phụ của thuốc và cách khắc phục. Trong quá trình điều trị, hãy thảo luận về những điểm còn lo lắng và nghi vấn. Việc tìm thêm hỗ trợ từ người nhà và những người xung quanh, và tự mình tìm hiểu các phương pháp xử trí các tác dụng ngoại ý phù hợp với bản thân cũng quan trọng. Bệnh nhân không cần phải quá lo lắng khi điều trị bằng hóa trị. Hãy cố gắng sinh hoạt hằng ngày với cảm giác giống lúc khoẻ mạnh trước đó, tùy thể trạng của mình mà điều tiết thích hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. https://ganjoho.jp/public/support/dietarylife/postoperative.html
  2. https://ganjoho.jp/public/cancer/stomach/follow_up.html
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích