menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Xử trí một số tác dụng ngoại ý sau khi cắt dạ dày

user

Ngày:

14/10/2018

user

Lượt xem:

4173

Bài viết thứ 51/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Biên dịch: Kim Huệ, Vũ Phương, Diệu Hương

Việc cắt dạ dày thường ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tùy ca mổ (cắt toàn bộ dạ dày, cắt một phần dạ dày phía môn vị, cắt dạ dày phía thượng vị,…) mà các triệu chứng sau phẫu thuật có thể khác nhau. Trước phẫu thuật, thức ăn được ăn vào qua đường miệng sẽ lưu lại ở dạ dày, qua quá trình co bóp sẽ chuyển dần xuống ruột. Sau phẫu thuật cắt dạ dày, thức ăn trực tiếp đi thẳng xuống ruột gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, gọi là hội chứng Dumping. 

Hội chứng Dumping giai đoạn đầu

Sau khi cắt dạ dày, thức ăn có hàm lượng đường cao nhanh chóng đi thẳng vào tá tràng hoặc phần trên của ruột làm mức đường huyết sẽ tăng đột ngột, kích thích cơ thể tiết ra một loại hormone đặc biệt như serotonin và vasoactive intestinal polypeptide (VIP). Trong vòng 30 phút sau khi ăn, bệnh nhân có thể ra mồ hôi lạnh, tim đập nhanh (đánh trống ngực), chóng mặt, buồn ngủ, sôi bụng (bụng kêu dữ dội), rệu rã, đỏ mặt hoặc tái nhợt, tiêu chảy…

Cách xử trí

  • Mỗi lần ăn một lượng ít, chia ra làm nhiều lần.
  • Nhai kỹ và ăn chậm. Ngoài ra nên lưu ý về món ăn, tránh các món nhiều tinh bột dễ tiêu hóa ngay, hoặc thức ăn lỏng và đồ uống quá ngọt.
  • Hạn chế uống nước trong khi ăn (hạn chế nuốt ngay thức ăn).

Nếu triệu chứng vẫn tiếp diễn, hãy hỏi thêm bác sĩ.

Hội chứng Dumping giai đoạn sau

Trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ dạ dày phần môn vị, thức ăn sẽ xuống ngay ruột non. Tùy theo độ hấp thụ đường từ đường ruột, mức đường huyết có thể tăng quá nhanh khiến cơ thể tiết ra một lượng lớn insulin nhằm hạ chỉ số đường huyết. Khi đó, lượng insulin này ngược lại có thể làm hạ đường huyết quá mức. Thường thì sau khi ăn 2 – 3 tiếng bệnh nhân sẽ có triệu chứng chóng mặt, kiệt sức, toát mồ hôi, run rẩy, trường hợp nặng có thể mất ý thức.

Cách xử trí

  • Hiện tượng này xảy ra do hạ đường huyết và nhiều trường hợp có những “dự cảm” như hạ đường huyết lúc đói bụng, có thể biết trước.
  • Khi đó có thể cải thiện bằng cách bổ sung đường. Nếu cảm thấy sắp bị, hoặc 2 – 3 tiếng sau khi ăn, bệnh nhân có thể ăn thêm bữa lỡ. Lúc đi ra ngoài thì nên đem theo kẹo bánh để có thể dùng ngay.
  • Nên hạn chế ăn các món có nhiều đường hoặc tinh bột. Những thức ăn này hấp thụ rất nhanh, làm tăng đường máu, dẫn đến phản ứng hạ đường huyết.

Viêm thực quản do trào ngược

Trong trường hợp cắt bỏ phần đầu của dạ dày (thượng vị), các dịch tiêu hóa như dịch dạ dày, dịch ruột, dịch tiết của gan bị trào ngược, gây ra các triệu chứng như nóng ngực.

Cách xử trí

Cần lưu tâm đến thời gian cần để tiêu hóa thức ăn, nên ăn trước khi ngủ từ 2 – 4 tiếng. Hạn chế ăn thức ăn nhiều mỡ và không nằm ngay sau khi ăn. Nếu nằm, phải để phần trên cơ thể nằm cao hơn, nếu dịch tiêu hóa ngược thì nên thử uống nước. Vận động nhẹ có thể giúp kiểm soát triệu chứng.

Thiếu máu

Sau khi cắt bỏ dạ dày, tùy vào kích cỡ bị cắt mà cơ thể sẽ có thể khó hấp thụ vitamin B12 hơn. Vitamin này cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu. Ngoài ra, cơ thể cũng sẽ sản xuất ít dịch dạ dày giúp chuyển hóa và hấp thụ sắt. Vì hai nguyên nhân thiếu vitamin B12 và thiếu sắt, cơ thể dễ bị thiếu máu. Tuy nhiên, vitamin B12 được dự trữ trong gan nên thiếu máu thường xuất hiện sau khi phẫu thuật cắt bỏ dạ dày vài năm.

Cách xử trí

Lượng thức ăn có thể ít đi nhưng nên chú ý bổ sung sắt. Để bổ sung các dưỡng chất thiếu hụt, nên hỏi điều dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng về các thức ăn phù hợp. Nên kiểm tra định kỳ, nếu cần thiết thì uống bổ sung sắt, tiêm vitamin B12. Nhìn chung, những người bị cắt bỏ dạ dày (còn tùy vào kích cỡ bị cắt bỏ) thường tiêm bổ sung vitamin B12 một năm 1 – 2 lần.

Bệnh loãng xương

Sau khi phẫu thuật dạ dày, việc hấp thụ calci không được tốt nên xương sẽ yếu hơn và dễ gãy xương.

Cách xử trí

Tùy theo nhu cầu, bác sĩ sẽ có thể kê toa thêm calci hoặc vitamin D. Cùng với việc ăn uống cân bằng dinh dưỡng, việc vận động để tăng cường sức khoẻ, tắm nắng thích hợp cũng rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo

  1. https://ganjoho.jp/public/support/dietarylife/postoperative.html
  2. https://ganjoho.jp/public/cancer/stomach/follow_up.html
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích