menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Hiểu đúng về thực phẩm liên quan tới sức khỏe

user

Ngày:

21/01/2018

user

Lượt xem:

4543

Bài viết thứ 03/12 thuộc chủ đề “Thông tin dinh dưỡng chung”

Ở Việt Nam nhiều người đang dùng SAI từ “Thực phẩm chức năng” để chỉ cho nhiều thứ thật ra chưa được chứng minh “chức năng” gì. Y học cộng đồng xin giới thiệu bản dịch bài viết cùng tên của bà Umegaki Keizo, Trưởng trung tâm thông tin thuộc Viện nghiên cứu Sức khỏe và Dinh dưỡng Nhật Bản.

hãy hiểu đúng về thực phẩm liên quan tới sức khỏe

Phân loại thực phẩm liên quan tới sức khỏe

Hàng ngày, những gì chúng ta ăn uống vào cơ thể được chia ra làm 2 loại: Thực phẩm và Dược phẩm. Thực phẩm chức năng thuộc vào nhóm thực phẩm (Hình 1).

Các thực phẩm liên quan tới sức khỏe được chia làm 2 nhóm. Một nhóm là thực phẩm mang chức năng tốt cho sức khỏe, được chính phủ cho phép ghi rõ chức năng, được gọi là Thực phẩm có tác dụng đặc định đối với sức khỏe và thực phẩm có chức năng dinh dưỡng. Nhóm kia là các loại thực phẩm không được phép ghi chức năng, nhưng trong dân gian lại hay bị gọi thành “thực phẩm chức năng”. Việc ghi rõ thực phẩm mang chức năng tốt cho sức khỏe do Luật tăng cường sức khỏe quy định. Trong khi đó, “Cái được gọi là thực phẩm chức năng” gồm có các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm hỗ trợ dinh dưỡng, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe, thực phẩm thiên nhiên… Những loại thực phẩm này không có định nghĩa mang tính pháp lý.

Hình 1. Phân loại Thực phẩm và Dược phẩm ở Nhật Bản.

Những loại thực phẩm mang chức năng tốt cho sức khỏe được chỉ định là những sản phẩm được nhà nước xác định là có tác dụng và an toàn đối với con người và cho phép ghi rõ trên nhãn. Đối với loại thực phẩm có chức năng dinh dưỡng, những loại vitamin và khoáng chất đã từ lâu được công nhận về tác dụng và độ an toàn đối với con người thì nếu đáp ứng được quy định của chính phủ về hàm lượng có trong sản phẩm đó thì được phép ghi chức năng dinh dưỡng trên nhãn. Những sản phẩm nói trên cũng chỉ là một trong những mặt hàng thực phẩm, KHÔNG ĐƯỢC GHI “có tác dụng “trị bệnh” hoặc “điều trị” như thuốc y tế.

“Cái hay được gọi là thực phẩm chức năng” cũng không được ghi những chức năng về sức khỏe và dinh dưỡng trên nhãn. Trong trường hợp này, nhà sản xuất và phân phối hay tìm cách phổ biến “Câu chuyện của người đã sử dụng” để quảng bá cho tác dụng của sản phẩm.

Trong những sản phẩm được phân loại thành “cái gọi là thực phẩm chức năng” có những sản phẩm được ca ngợi là có tác dụng điều trị bệnh tật giống như thuốc, hoặc có thêm thành phần dược phẩm một cách bất hợp pháp. Những mặt hàng này, nếu bị các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện ra, sẽ bị công bố và liệt vào danh sách những “thuốc y tế không được công nhận và không có giấy phép”.

Thực phẩm chức năng khác với thuốc y tế như thế nào

Các loại thực phẩm chức năng được chế tạo dưới dạng viên hoặc viên nang rất dễ nhầm lẫn với thuốc y tế nhưng đây là hai hai mặt hàng hoàn toàn khác nhau. Đó là sự khác nhau về chất lượng sản phẩm (hàm lượng chất có hiệu lực, và có chất gây hại hay không), tính hiệu quả và an toàn có cơ sở khoa học cụ thể hay không (chứng cớ về khả năng điều trị bệnh) và môi trường sử dụng (có cơ cấu hỗ trợ mang tính chuyên môn hay không).

Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, điều quan trọng là trong sản phẩm đó phải có “một lượng nhất định” những thành phần có hiệu quả và không có thành phần gây hại”. Tất cả các loại thuốc y tế đều được chế tạo dựa trên quy định về GMP (Good Manufacturing Practice) – “Quy định Sản xuất Tốt”, để đảm bảo có được sản phẩm có chất lượng ổn định. Nhưng hiện nay, phần lớn các thực phẩm chức năng không được chế tạo dựa trên tiêu chuẩn GMP này. Cũng có người nhầm lẫn giữa thuốc Bắc (Kampoyaku) và thực phẩm chức năng. Mặc dù cùng sử dụng cùng thành phần thực vật, nhưng thuốc Bắc tại Nhật Bản là thuốc y tế được đảm bảo về chất lượng.

Cũng có những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là “có sử dụng thành phần thuốc y tế”. Nhưng thực ra, hàm lượng của thành phần của chất được ghi trên nhãn có trong sản phẩm đó ít đến mức không thể hy vọng là có tác dụng được. Cách sử dụng cũng như mục đích sử dụng cũng khác với thuốc y tế. Ví dụ: Gluosamine hydrochloride, một chất được cho là có tác dụng tốt trên khớp, thật ra đang được dùng trong một số thuốc y tế thông dụng (mua không cần đơn) nhóm 3 theo kiểu làm “phụ gia” chứ không phải vì là thành phần mang hiệu lực. Hoặc Hyaluronic acid được sử dụng để làm thuốc cải thiện chức năng của khớp chẳng hạn. Acid này chỉ có tác dụng khi ở dạng sản phẩm sau tinh chế với độ thuần khiết cao và được các cơ sở y tế dùng để tiêm vào khớp chứ không phải dùng qua đường uống.

Khác với các loại thực phẩm chức năng, các loại dược phẩm đã được nghiên cứu và kiểm tra độ an toàn và tính hiệu quả trong việc chữa bệnh cho người và được các bác sĩ, dược sĩ tham gia tư vấn để đảm bảo cho người sử dụng an toàn và có hiệu quả. Ngoài ra, đối với những loại dược phẩm được Bộ trưởng Bộ Y tế cấp phép lưu hành chính thức trong nước (Nhật Bản), nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng thì Nhà nước sẽ có chế độ cứu trợ tác dụng ngoại ý để hỗ trợ. Ngược lại, các thực phẩm chức năng thì không có chế độ này.

Những vấn đề của thực phẩm chức năng

Nói tới thực phẩm chức năng, chúng ta thường mường tượng rằng đó là loại thực phẩm mà “nếu sử dụng sẽ có lợi cho sức khỏe”. Tuy nhiên, có loại thực phẩm được kiểm chứng rõ ràng về tính an toàn và hiệu quả sử dụng, nhưng cũng có loại hoàn toàn không được đánh giá gì. Ngoài ra, cũng có loại thêm vào thành phần thuốc y tế một cách bất hợp pháp.

Về tác hại của thực phẩm chức năng, người ta chia thành “tác hại kinh tế” do mua và sử dụng loại hàng đắt tiền và “tác hại sức khỏe”. Nhìn chung, loại liên quan tới tác hại sức khỏe thường là các sản phẩm dạng viên hoặc viên nang. Lý do là vì các sản phẩm dạng viên và viên nang dễ bị nhầm với dược phẩm và dễ bị sử dụng để “chữa bệnh”. Hơn nữa, vì nồng độ/hàm lượng của một số chất nhất định có thể cao hơn trong các sản phẩm này, so với thức ăn hàng ngày, thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng lên cơ thể mạnh hơn và do vậy dễ có những tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, những sản phẩm đắt tiền và hiếm thường có xu hướng gây hiểu nhầm là có thể kỳ vọng vào tác dụng chữa bệnh.

Thực phẩm chức năng cũng có thể ảnh hưởng lên sức khỏe do sử dụng sản phẩm kém chất lượng, dùng quá nhiều, dùng ở người bị dị ứng/mẫn cảm hoặc tương tác với thuốc y tế. Cách nghĩ “Thực phẩm chức năng là thực phẩm nên có uống nhiều thì cũng không có vấn đề gì” sẽ dẫn tới việc tự ý sử dụng quá nhiều khi thấy không có hiệu quả, cũng là một đặc điểm rất cần lưu ý.

Vì có quá nhiều loại thực phẩm chức năng, và người tiêu dùng tự phán đoán sử dụng chúng, nên hiện các cơ quan hữu trách của Nhật Bản không thể nắm bắt được chính xác hiện trạng cụ thể về tác hại lên sức khỏe của thực phẩm chức năng. Theo một cuộc khảo sát do Cục Bảo vệ Sức khỏe và Phúc lợi Tokyo, có khoảng 4% số người sử dụng thực phẩm chức năng cho biết cơ thể có vấn đề, đa phần là tiêu chảy, đau bụng, những triệu chứng dị ứng như phát ban, mẩn ngứa… Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết chức năng gan đã bị ảnh hưởng ở một số người.

Một trong những ví dụ về tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe là việc dùng thực phẩm chức năng cùng với thuốc y tế, đặc biệt là ở những người đang bị ốm. Khi cơ thể đang yếu, bệnh nhân dễ bị ảnh hưởng xấu bởi những thành phần hấp thụ thêm. Trong trường hợp này, khi dùng chung với thuốc y tế, thì hiệu quả thuốc có thể bị giảm, và dễ gặp tác dụng phụ/ngoại ý hơn. Ví dụ: đối với người sử dụng thuốc chống đông máu Warfarin, nếu uống loại nước Aojiru, một loại thực phẩm chức năng có nhiều Vitamin K hoặc ăn natto (một loại đậu tương luộc chín lên men) thì chúng sẽ tương tác nhau làm giảm hiệu quả của warfarin, tăng nguy cơ bị tắc mạch máu (hiện tượng huyết khối).

Vì vậy, ngay cả những chất mà chúng ta thu nạp hàng ngày từ thực phẩm, như vitamin hoặc khoáng chất, nếu được cô đặc thành chế phẩm thì có thể dẫn tới tương tác thuốc khi sử dụng cùng với thuốc y tế. Hiện nay, hầu như rất khó nắm bắt và dự đoán được khả năng tương tác chéo giữa thực phẩm chức năng và thuốc y tế. Lý do là vì không có số liệu chính xác về lượng và độ tinh khiết của những nguyên liệu đang sử dụng trong các loại thực phẩm này. Hơn nữa, người tiêu dùng thường tự quyết định sử dụng những sản phẩm chưa rõ thành phần, liều lượng và ảnh hưởng lên sức khỏe con người, nên cũng không thể phán đoán được có xảy ra tương tác thuốc hay không.

Những cách quảng cáo liên quan tới thực phẩm chức năng cần lưu ý

Thực phẩm chức năng thường được chào bán với những câu văn hấp dẫn như: “Người nổi tiếng cũng sử dụng”, “Có những hóa chất hiếm”, “Đã trị được bệnh”, “Đã có bằng sáng chế”, “Đã được giải thưởng…”. Những câu văn như trên không đảm bảo cho tính hiệu quả, an toàn của sản phẩm. Thực phẩm chức năng, dù gì cũng chỉ là thực phẩm nên chúng ta cần phải cẩn thận với loại câu như “Đã trị được bệnh”. Cho tới thời điểm này, chưa có chứng cớ nào rõ ràng cho thấy thực phẩm chức năng đã trị được bệnh. Bảng dưới đây tổng hợp những loại câu nói phổ biến thường quảng cáo kèm các loại thực phẩm chức năng và các điểm lưu ý.

1

“Có hiệu quả ngay”, “Vạn năng”, “Cao nhất”, “Kỳ diệu”, “Đáng ngạc nhiên” Cần lưu ý tới những luận điệu tạo cảm giác kỳ vọng vào những điều kỳ diệu

2

“Thiên nhiên, tự nhiên”, “Hãy yên tâm vì đây là thực phẩm”, “An toàn với phụ nữ có mang và trẻ em” Các loại câu văn gây ấn tượng về tính an toàn. Trong những chất tự thiên, thiên nhiên cũng có nhiều chất độc. Ngay cả những chất đã biết rõ, trường hợp dùng quá nhiều cũng có khả năng gây hại. Không có thực phẩm chức năng nào đã được kiểm định là an toàn trên phụ nữ có thai và trẻ em.

3

“Có thành phần bí mật”, “Thành phần hiếm có”, “Chất có bản quyền” Những câu trên không có liên quan gì tới công hiệu mà các bạn mong đợi. Dù có là chất có bản quyền thì cũng không liên quan gì tới công hiệu cả.

4

“Được cho là có tác dụng với xxx”. “Có thành phần hiệu lực xxx” Cách nói mang tính truyền miệng thường không minh bạch. Dù có thành phần hiệu lực nhưng với hàm lượng thấp thì cũng không thể có công hiệu như mong đợi.

5

“Đã chữa được bệnh xxx” Những loại thực phẩm chức năng mà ai cũng có thể mua được thì không thể nào có tác dụng đủ mạnh để chữa bệnh. Ngoài ra, không có báo cáo nào nói về việc kiểm chứng tác dụng chữa bệnh trên người của các thực phẩm đó.

6

“Liệu pháp cổ truyền”, “Có chuyên gia công nhận”, “Có câu chuyện thực tế” Đây là những thông tin thu được trong những điều kiện đặc biệt và không chứng minh hiệu lực một cách khách quan. Cũng có khả năng bệnh khỏi là do tác dụng chính của thuốc điều trị mà người ta không nhắc tới. Câu chuyện trải nghiệm của một số người không có chứng cớ rõ ràng, và cũng đã có trường hợp là bịa đặt.

7

Được chính phủ (Bộ Y tế-Lao động-Phúc lợi hoặc Cục Bảo vệ Người tiêu dùng) chứng nhận Trừ những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe được cấp phép, chính phủ không kiểm tra tính an toàn, hiệu lực của sản phẩm và KHÔNG chứng nhận bất cứ loại thực phẩm chức năng nào.

Bảng 2. Những cách nói hay được dùng để quảng cáo “thực phẩm chức năng”.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát, người sử dụng thực phẩm chức năng thường có xu hướng nghĩ rằng “Sản phẩm có đắt đi chăng nữa thì cũng nên ghi rõ tác dụng”. Tuy nhiên hiện nay, ngoài các loại vitamin và chất khoáng, chưa có hóa chất nào có chứng cớ đầy đủ về tác dụng trên cơ thể người để có thể ghi trên nhãn mác. Mặt khác, giả sử có tác dụng đi chăng nữa thì cũng có nghĩa rằng chúng có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Những sản phẩm chỉ nhấn mạnh tới tác dụng mà không đề cập tới những tác hại tiềm ẩn thì không thể nói là những sản phẩm đáng tin. Ngay cả với những sản phẩm tốt thì cũng không phải là an toàn đối với tất cả mọi người. Tùy người, tùy cách sử dụng mà ảnh hưởng xấu vẫn có thể xảy ra.

Mua hàng qua mạng internet

Mạng internet phổ biến đã khiến việc mua bán các loại thực phẩm chức năng cả trong và ngoài nước trở nên dễ dàng. Mua hàng qua mạng rất tiện lợi nhưng cũng có điểm bất lợi là “Không thể tự tay cầm hàng lên xem”, “Không xác nhận được tất cả mọi chi tiết ghi trên nhãn hàng”, “Không trực tiếp hỏi được về sản phẩm”… nên không thể xác nhận đầy đủ về sản phẩm trước khi mua. Hơn một nửa thực phẩm chức năng bị công bố là vi phạm pháp luật đã và đang được mua bán qua mạng.

Do các cơ quan chức năng không đủ sức để điều tra toàn diện việc bán hàng qua mạng nên vẫn có những sản phẩm được bán ra với quảng cáo quá tay. Ví dụ, “Sản phẩm có thể tăng chiều cao thêm 10 cm dù đã qua độ tuổi trưởng thành!” là những chuyện hoàn toàn không thể có nhưng vẫn được quảng cáo. Đối với những sản phẩm có cơ sở sản xuất và chất lượng rõ ràng, đã được bản thân sử dụng nhiều lần thì việc tiếp tục mua trên mạng internet khá tiện lợi. Tuy nhiên, việc mua qua mạng những sản phẩm không biết rõ, không thể xác nhận chi tiết thì thật không phải là cách thông minh.

Cách sử dụng phù hợp

Điểm cơ bản của việc nâng cao sức khỏe là “Ăn uống cân bằng về dinh dưỡng, tập luyện phù hợp và nghỉ ngơi”. Người khỏe mạnh ai cũng có thể hiểu được rằng các thực phẩm chức năng sẽ không có tác dụng như thuốc y tế. Mặc dù thực phẩm chức năng không thể chữa được bệnh, nhưng cũng có người lo lắng cho sức khỏe của mình, hoặc bị ốm đau và muốn dùng thử những thực phẩm này. Hơn nữa, người thân, bạn bè, người quen biết lo lắng cho mình và cũng giới thiệu thì hẳn lại càng muốn sử dụng thử xem sao. Trước hết, điều quan trọng là phải bình tĩnh nghĩ xem liệu mình có “thực sự cần loại thực phẩm chức năng” đó hay không. Tuy nhiên nếu bạn vẫn muốn sử dụng thì cần lưu ý mấy điểm như sau:

  1. Trước khi sử dụng

Trước hết, hãy lựa chọn sản phẩm có hình dạng, liều lượng, mùi, vị tương tự với thực phẩm tự nhiên chứ đừng lựa chọn những sản phẩm dễ sử dụng quá liều/nhiều như loại dạng viên hoặc viên nang. Đừng dựa vào những câu văn hấp dẫn trong quảng cáo hoặc dựa vào kinh nghiệm của những người đã từng sử dụng, mà cần phải TỰ MÌNH TÌM HIỂU về tính an toàn, công hiệu của những thành phần có trong sản phẩm đó. Chúng ta nên biết rằng những thông tin mà bạn bè, người quen cung cấp, phần lớn đều do người bán hàng cung cấp. Chúng ta hãy xác nhận xem, sản phẩm đó có nhãn GMP (hình 2) đảm bảo về chất lượng sản phẩm, lượng hóa chất có trong sản phẩm hoặc địa chỉ nhà sản xuất để liên lạc khi cần thiết… hay không.

  1. Khi sử dụng

Luôn nhớ rằng đó là một loại thực phẩm và được sử dụng với vai trò hỗ trợ. Dùng thực phẩm chức năng cần kèm theo nỗ lực để làm sao cải thiện thói quen cuộc sống (ví dụ xem lại việc thay đổi chế độ ăn uống, tập thói quen vận động…). Không sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng dưới dạng viên hoặc viên nang cùng một lúc và không nên mong đợi các loại thực phẩm đó có tác dụng như thuốc y tế. Tránh dùng chung với thuốc y tế. Trường hợp muốn dùng chung, nên hỏi ý kiến của các nhà chuyên môn như bác sĩ, dược sĩ. Cần ghi lại quá trình sử dụng (tham khảo bảng 3) để biết rõ bản thân có cảm thấy tốt hơn trong quá trình sử dụng hay không. Khi cảm thấy tình trạng sức khỏe không tốt thì nên dừng ngay và xin tư vấn từ các nhân viên/ cơ quan y tế.

Để biết thêm những kiến thức cơ bản, chi tiết về thực phẩm chức năng cũng như tính an toàn, hiệu lực của các thành phần hóa chất, hãy tham khảo “Thông tin về tính an toàn và hiệu lực của Thực phẩm chức năng” do Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Dinh dưỡng Nhật Bản phát hành.

Tên thuốc 1

(Tên công ty sản xuất)

Tên thuốc 2

(Tên công ty sản xuất)

Ghi chú

(Tình trạng cơ thể/ thắc mắc)

Ngày/tháng/năm 2 viên x 3 lần 2 viên x 1 lần Tình trạng không thay đổi gì
Ngày/tháng/năm 2 viên x 3 lần Không uống Tình trạng tốt
Ngày/tháng/năm Không uống 2 viên x 1 lần Tình trạng xấu (đau dạ dày)
Ngày/tháng/năm 2 viên x 3 lần 2 viên x 1 lần Tình trạng xấu (bị mẩn ngứa)

Bảng 3. Bảng theo dõi quá trình sử dụng “thực phẩm chức năng”.

Ghi chú:

Những chất có chức năng dinh dưỡng được phép ghi trên nhãn là 12 loại vitamin, gồm có (Acid Niacin, Acid Pantothenic (Vitamin B5), Biotin (Vitamin H), Vitamin A, B1, B2, B6, B12, C, D, E, Acid folic) và 5 loại vi khoáng (sắt, canxi, ma-giê, đồng, kẽm). Các loại thực phẩm này phải được quy định rõ lượng dùng an toàn của thành phần tương ứng trong 1 ngày và lượng của thành phần đó phải nằm trong phạm vi tối thiểu được quy định. Và trên nhãn dán không những ghi rõ chức năng dinh dưỡng mà còn phải ghi cả những điểm cần phải chú ý nữa.

Xem thêm bài Chế độ dinh dưỡng trong việc phòng ngừa bệnh ung thư của Ths.BS. Nguyễn Duy Sinh

Tài liệu tham khảo

http://www.kokusen.go.jp/wko/pdf/wko-201306_01.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích