menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bên nhau ngày mưa (Bài viết số 26)

user

Ngày:

13/07/2022

user

Lượt xem:

94

Bài viết thứ 26/41 thuộc chủ đề “Bên nhau ngày mưa”

Chương trình “BÊN NHAU NGÀY MƯA”

Bệnh nhân ung thư có xu hướng cô đơn, đau buồn vì gánh nặng bệnh tật. Điều trị ung thư thường là hành trình phức tạp với nhiều trở ngại có thể xảy ra bất chừng.

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư hẳn sẽ không cô đơn khi nhận thấy vẫn có nhiều người thân và bạn đồng hành bên mình. Tình người ấm áp có thể xoa dịu phần nào nỗi đau từ bệnh tật.

Để ghi lại những khoảnh khắc, những kỷ niệm cùng nhau đối diện và vượt qua khó khăn, góp phần lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng động người bệnh mới, Dự án Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư, Tổ chức Y học cộng đồng tổ chức chương trình “BÊN NHAU NGÀY MƯA” để người bệnh và bạn đồng hành chia sẻ thêm bài học về YÊU THƯƠNG mà họ đã cảm nhận trong cuộc sống.

Thời gian: Từ 06/12/2021 – 20/12/2021

Tại: Group “Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư”

Bài viết số 26:

BỐ TÔI – BÊN NHAU NGÀY MƯA

Tôi viết với niềm vui, hạnh phúc nhất (chỉ hơi buồn một chút thôi). Tôi luôn tin một điều rằng hiện tại chỉ là một bước đệm, bước chuẩn bị để bố đến một nơi nào đó đẹp hơn trong vũ trụ này, bởi bố là người rất tốt.
Bên nhau ngày mưa (Bài viết số 26)
Bên nhau ngày mưa (Bài viết số 26)

Mẹ nói ngày mẹ mang bầu tôi, bố toàn đi câu cá về tẩm bổ cho mẹ và hy vọng một thằng nhóc khỏe mạnh, thông minh ra đời nhưng cuối cùng lại là thằng tôi.

Bố cõng tôi lên cổ đi từ nhà ngoại leo đồi về nhà tôi vào ngày tôi còn bé xíu. Hôm đó trăng sáng chiếu xuyên qua từng kẽ lá hắt xuống đường làng, gió thổi vi vu hoà cùng tiếng côn trùng du dương như một bản nhạc. Bố uống rượu với ông ngoại, bố say và vui. Bố cứ lắc lư khiến tôi ở trên cao cứ phải bám cho chặt.

Bố vẫn hay bắt những con muỗm cốm béo ngậy mỗi khi đi cắt lúa ngoài đồng mùa gặt mang về cho tôi vì bố biết “bộ trưởng bộ khói um” là tôi rất thích món muỗm nướng vàng vùi tro rơm thơm nức.

Bố mua váy áo mới cho tôi mỗi chuyến đi công tác Hà Nội dù ngày đó còn khó khăn, thậm chí ở quê con gái mặc váy còn bị soi nhiều lắm. Ấy vậy mà bố mua hẳn cho tôi quả mini zip làm mưa làm gió thời đó.

Bố chở tôi lên thành phố chơi, đi mua bánh đa tận Kế khi đi làm về thấy tôi ngồi ngoài cổng khóc vì bị bắt nạt. Ngày đó tôi còn nhỏ, mặc mỗi cái quần đùi đỏ như thằng con trai (không mặc áo) thế mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Những ấn tượng mạnh đi vào tiềm thức từ nhỏ nên dù thời gian có kéo dài bao lâu đi chăng nữa cũng như mới ngày hôm qua rõ nét.

Vui nhất là mỗi dịp Tết về, bố mẹ sắm quần áo mới cho chị em tôi, mua bánh pháo buộc lên cây hồng xiêm trước nhà và đốt. Chúng tôi bịt tai lại, mắt hân hoan chăm chú nhìn từng quả phảo nổ trên dây cho đến hết vẫn còn xì khói bàng bạc, mùi pháo bay phảng phất, xác pháo đỏ rực cả góc vườn xuân.

Bố như vị cứu tinh xuất hiện khi tôi đi học trường chuyên ở xa, xe bị tuột xích ngang đường giữa trưa nắng chang chang và đang đứng khóc. Bố xuất hiện như ông Bụt trong truyện cổ tích xuống sửa xe, tra xích và từ đó trở đi bố thay xe đạp chở tôi đi học luôn mỗi ngày, hồi đó tôi mới học lớp 5 loắt choắt đen nhẻm đen nhèm.

Ngày đó lần đầu tôi được ra Hà Nội thăm lăng Bác. Chị mẹ cho tôi 2 nghìn còn dặn đi mua thuốc chống say xe. Sau khi mua thuốc tôi chỉ còn dư chút đỉnh đi chơi. Buổi chiều về bố đón, thấy bạn bè quà lớn quà nhỏ bố hỏi quà của tôi đâu, tôi nức nở kể: “con không có tiền”. Bố lúc đó rất giận mẹ, mà sáng bố hỏi tôi nói 2 nghìn mà bố nghe lộn thành 20 nghìn nên không cho thêm nữa, khỏi phải nói tôi lại khóc như mưa.

Bố chẳng nói gì chỉ lặng lẽ dúi vào tay tôi thêm chút tiền mỗi khi đưa tôi ra bến xe đi học Đại học. Ngày đó mẹ cho mỗi tháng 400 ngàn, bố đưa đi lại dấm dúi thêm cho 200-300 nữa vì sợ con gái đói, bố dặn phải bí mật không nói với mẹ.

Bố chẳng nói gì ngoài câu “bố phải về ngay chiều còn phải làm tiếp” khi tranh thủ bắt xe từ Bắc Ninh (nơi bố đang lái máy ủi) ra Hà Nội mang tiền cho tôi đóng học phí. Hồi đó bố say xe mà vẫn phải quay về luôn, tôi thương quá đứng nhìn theo và khóc như mưa. Tôi thầm hứa sẽ phải học thật giỏi, phải kiếm học bổng, phải đi du học, phải làm cho bố tự hào nhất.

Bố chẳng nói gì chỉ lặng lẽ làm món thịt ướp gừng, tương, mắc khén,… mỗi khi tôi về nhà chỉ bởi một lần ăn xong tôi hét lên “ngon thế”. Bố ướp cả tương giềng nướng cứ thơm nức, giờ mặc dù có bán các món đặc sản tôi ăn cũng thấy không thể nào ngon bằng.

Bố làm vẻ mặt không vui và chỉ nói “mày mua làm gì cho phí tiền, để dành đấy lo cho bản thân” khi con gái mua cho bố chiếc áo sơ mi rồi sau đó lúc không có ai lại thấy bố mặc, soi mình trong gương tủm tỉm cười, bố tôi tủm tỉm cười là đẹp trai nhất.

Bố đi cứu người bị người ta chém vào tay phải đi viện băng bó, vậy mà khi tôi về bố chỉ nói đúng một câu: “Cái áo bị chém rách mất rồi”.

Bố đã về hưu nhưng vẫn phụ mẹ chở hàng, không quản nắng mưa đi bán, bố bảo dành tiền nhỡ có đứa nào khó khăn bố còn giúp.

Bố bắt mẹ phải ra chăm tôi vì sợ con ốm, con đau, con tuyệt vọng rồi làm điều dại dột khi con bị mất phương hướng những năm tháng tuổi trẻ.

Có một hôm hai mẹ con đang nằm xem phim, bố gọi điện ra cho mẹ bảo đúng một câu: “Bật xem kênh VTV2”. Con gái bật sang thấy tivi đang chiếu: “Sự cô đơn của người cha”, con gái chỉ biết khóc cũng giống như khi buồn bố chỉ biết uống rượu.

Nhà mình là vậy, không quen với việc thể hiện cảm xúc với đối phương. Yêu thương là vậy nhưng không nói ra bằng lời chỉ âm thầm hành động và cảm nhận.

Viết về bố chắc vài cuốn sách chẳng hết.

Bố là điều tuyệt vời nhất mà thượng đế đưa xuống trần gian.

Người viết: Tâm Sáng

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích