menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bên nhau ngày mưa (Bài viết số 35)

user

Ngày:

23/09/2022

user

Lượt xem:

49

Bài viết thứ 35/41 thuộc chủ đề “Bên nhau ngày mưa”

Chương trình “BÊN NHAU NGÀY MƯA”

Bệnh nhân ung thư có xu hướng cô đơn, đau buồn vì gánh nặng bệnh tật. Điều trị ung thư thường là hành trình phức tạp với nhiều trở ngại có thể xảy ra bất chừng.

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư hẳn sẽ không cô đơn khi nhận thấy vẫn có nhiều người thân và bạn đồng hành bên mình. Tình người ấm áp có thể xoa dịu phần nào nỗi đau từ bệnh tật.

Để ghi lại những khoảnh khắc, những kỷ niệm cùng nhau đối diện và vượt qua khó khăn, góp phần lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng động người bệnh mới, Dự án Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư, Tổ chức Y học cộng đồng tổ chức chương trình “BÊN NHAU NGÀY MƯA” để người bệnh và bạn đồng hành chia sẻ thêm bài học về YÊU THƯƠNG mà họ đã cảm nhận trong cuộc sống.

Thời gian: Từ 06/12/2021 – 20/12/2021

Tại: Group “Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư”

Bài viết số 35:

ĐƯA CON QUA QUẢNG ĐƯỜNG CONG VÀ DÀI – BÊN NHAU NGÀY MƯA

Bên nhau ngày mưa số 35
Bên nhau ngày mưa số 35

Chuyện bắt đầu từ sau cuộc thi “CÙNG NON SÔNG CẤT CÁNH”, đây là cuộc thi thường niên dành cho khối Trung học phổ thông (THPT) do Vietnam Airlines tài trợ. Nhưng đến cuối năm 2019 tổ chức thêm cho khối Trung học cơ sở (THCS). Năm đó, giải nhất cấp III thuộc về đội chủ nhà trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trường tôi đại diện Quận 9 đi thi cũng đoạt giải I khối THCS. Đó là thắng lợi mà thầy trò chúng tôi miệt mài mấy tháng ròng rã “ăn, ngủ, mơ” cùng lịch sử. Thế mà nào ngờ, niềm vui chưa kịp sẻ chia thì…

Đúng dịp lễ hiến chương nhà giáo, bụng tôi đau dữ dội, không chịu được phải nhờ ba chở đi khám ở bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Dọc đường đi nhiều lúc gặp ổ gà, tôi ôm bụng vì thốn. Sau khi thăm khám và chụp MRI, bác sĩ kết luận tôi bị ung thư. Từ ngoài hàng ghế chờ, ba nghe được bệnh tình của con gái, ông thất thần như người mất hồn. Còn tôi, cố trấn tỉnh bản thân để không rơi nước mắt. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên tôi đón nhận tin sét. Hơn mười năm trước, một ngày thứ năm đầy nắng năm 2009, em gái người yêu tôi gọi báo: “Em báo cho chị tin này, chị phải hết sức bình tĩnh – anh Vũ … mất rồi!” Tôi chết lặng người… Chỉ còn một tháng thôi thế mà…Hai chiếc áo dài đính hôn tôi còn chưa được… Tình yêu đầu đời bao giờ cũng đẹp và thơ mộng nhưng cũng để cho ta nhiều nỗi đau và kỉ niệm. Sau cú sốc đó, tôi chuyển trường về dạy gần nhà và sống cùng bố mẹ đến ngày nay. Những ngày tháng dài, tôi chỉ biết lao vào công việc và say sưa với những bài học lịch sử cùng lũ học trò cùng đam mê. Mọi chuyện cũng dần trôi vào dĩ vãng khi tôi có được niềm vui tràn ngập của nghề đưa đò sang sông. Nhưng chỉ có một điều đến nay tôi vẫn còn tiếc nuối là khoảng thời gian dài tôi miệt mài mà quên chăm chút cho bản thân, quên hẳn những yêu thương ngọt ngào dành cho ba mẹ. Tôi đã không vượt qua được số phận vẫn mãi để cha mẹ không yên lòng vì duyên lỡ làng của con gái không hề kém cạnh nhan sắc như tôi…

Và giờ đây đón nhận tiếng sét ngang tai với căn bệnh hiểm nghèo, tôi càng xót xa hơn khi nghĩ đến mẹ cha. Bao lâu nay tôi thật vô tâm, bao lâu nay tôi chỉ biết công việc mà quên hẳn gia đình, quên hẳn cả phút giây vui chơi cho riêng mình. Tôi suy sụp thật sự…

Thế rồi, tôi phải chuyển viện lên trung tâm ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Những tháng ngày đi khám, ba chở tôi đi bằng xe máy. Đây là những ngày tôi gần ba nhất vì thường ngày hai cha con thường xuyên khắc khẩu. Rồi tôi cũng nhập viện phẫu thuật. Những ngày ở viện, mẹ chăm sóc tôi. Ở cái tuổi gần bảy mươi đáng lẽ ra phải được con cháu phụng dưỡng nhưng ba mẹ tôi giờ phải nuôi con bệnh. Có đêm tôi không ngủ được, hai ông bà thức trắng đêm ngồi ở hàng ghế trước cửa phòng nói chuyện với nhau. Sau đêm ấy, tôi dặn lòng phải khỏe, phải cố gắng, phải sống vì người ở lại. Những ngày ở bệnh viện, bạn bè và đồng nghiệp đến động viên, thăm hỏi đã tiếp thêm động lực để bản thân không ngừng cố gắng tiến về phía trước.

Sau đó, tôi chuyển khoa nội 4 để tiếp tục điều trị. Ba muốn tôi dùng thuốc tốt nhất trong khi đó nhà tôi không có điều kiện. Với số tiền gần 15 năm đi dạy tích góp không đủ để chạy chữa cho tôi khi bác sĩ bảo: Ngựa chạy đừng dài! Hai cha con lủi thủi ra ghế đá ngồi, ba móc điện thoại trong túi ra gọi cho một chú để định giá tài sản nhà tôi. Giọng ông chùn xuống khi họ trả giá thấp. Tôi chỉ biết mím chặt môi cố ngăn không cho nước mắt chực trào.

Những ngày được về nhà, mẹ đều theo làm bạn với con gái. Mặc dù bà chẳng biết nhiều chữ, cũng chẳng thể làm giấy tờ nhưng một mực vẫn muốn đi theo tái khám cùng con, làm bạn cùng con trên mọi nẻo đường. Rồi 8 toa hóa chất cũng xong. Tôi cũng bị rớt toa, cũng tiêu chảy, cũng vật vã… Nhưng lúc nào cũng có ba mẹ ở bên cổ vũ: “Ráng lên con, ăn nhiều vô cho có máu. Người ta ăn cái này, cái kia, mày không chịu ăn”.

Đúng đời có lắm chữ ngờ! Sau khi được xuất viện được 1 tháng, bác sĩ bảo tôi phải nhập viện phát hiện buồng trứng phải có vấn đề. Tôi chết lặng, cố trấn tĩnh bản thân thông báo cho người nhà chuẩn bị cuộc chiến mới. Khi tôi làm xong các xét nghiệm để chuẩn bị phẫu thuật lần thứ hai thì đột ngột khoa Ngoại II cho xuất viện. Bác sĩ giải thích khối u trong bụng tôi nó gieo rắc khắp nơi rồi không phẫu thuật được. Tôi thật sự sốc nặng, chẳng lẽ vô phương cứu chữa…Trời ạ….

Từ đó, những ngày tháng kinh hoàng, bụng tôi đau và căng cứng. Cha mẹ tôi bằng mọi cách phải cứu con gái nên trở lại khoa xin được nhập viện điều trị nhưng một mực họ không cho. Về nhà, tôi ăn uống không nổi. Với tâm lý bị nhà thương trả về, tôi và ba mẹ chạy vạy khắp nơi: tìm gặp bác sĩ ở bệnh viện Chợ rẫy, tôi cũng có ý định về Bến Tre chữa thuốc Nam…tôi sốc và stress!

Sau đó, tôi lang thang trên internet tìm đọc sách vì tôi muốn tìm cho mình một sự sống dù chỉ là cơ hội mong manh. Tôi tậu về hai quyển: UNG THƯ KHÔNG PHẢI LÀ BỆNH MÀ LÀ CƠ CHẾ TỰ CHỮA LÀNH VÀ UNG THƯ, SỰ THẬT, HƯ CẤU, GIAN LẬN…Nhờ đó mà tôi tĩnh tâm hơn, cố gắng cười nhiều hơn, tinh thần thoải mái hơn. Kỳ lạ thay, bụng tôi cũng giảm đau hẳn và mềm ra. Sự hoảng loạn của tôi làm cho ba mẹ trở nên bất an, ông bà bảo tôi phải đi ung bướu để tìm kiếm một tia hi vọng mong manh.

Lần này, tôi gặp ngay bác sĩ khoa Nội 4, bác sĩ cho nhập viện và gặp lại bác sĩ điều trị. Lần này, đích thân bác ấy đưa qua gửi gắm khoa ngoại I. Thế là tôi phẫu thuật lần 2. Thế là thêm 12 toa nữa thế là lại thêm nguồn sống nguồn hi vọng. Sau khi vào xong toa 1, tay tôi bị cháy ben và phải đặt buồng tim. Định vô toa thứ 3 thì bị thủy đậu. Sau 11 ngày điều trị, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Lần này, cũng rớt toa, ói lênh láng, lúc lạnh, lúc nóng… đủ thứ triệu chứng hành hạ tôi.

Những lúc cơn đau hành hạ, những lúc mệt mỏi rã rời, mẹ đều bên tôi. Tôi đã dựa mình vào vai mẹ thở từng hồi mà nghe hơi ấm len dần trong cơ thể. Một sự yên tâm lạ thường. Đến cuối cùng, con cũng hiểu được giá trị của tình yêu thương. Bàn tay dù thô ráp, chai sạn; đôi vai dù xương xóc nhưng vẫn mãi là điểm tựa an toàn cho con. Từ lúc bệnh đến giờ, tôi cảm thấy mình gần gia đình hơn, yêu thương mọi người hơn và cố gắng thể hiện tình cảm ra ngoài hơn. Trước đây tính tôi hay cứng nhắc, làm theo quy tắc, sống theo chuẩn mực. Nhưng nay, tôi sống đơn giản, nghĩ đơn giản và làm đơn giản. Vì bệnh nhân ung thư chỉ có ngày hôm nay nhưng chưa chắc có ngày mai.

Mười hai toa cũng qua, dựa trên các kết quả Tổng quát, bác sĩ cho tôi xuất viện nhưng tôi yêu cầu chụp MRI vùng bụng. Lần này, tôi lại có vé về cơ sở I để phẫu thuật lần 3. Có ai như tôi không? Phẫu thuật 3 lần, 3 năm liên tiếp lại cùng 1 khoa, riết rồi bác sĩ bảo tôi là khách vip của khoa luôn. Lần này, tôi bình tĩnh đón nhận sự việc không như lần thứ 2. Tranh thủ chút thời gian trước phẫu thuật, tôi đi chơi, chụp ảnh, đạp xe, nấu ăn, cùng ba mẹ chăm bón khu vườn mai mấy năm nay là nguồn thu nhập duy nhất ba đầu tư 20 toa thuốc cho cô con gái nhiều bất hạnh…

Giờ đây, khi ngồi gõ những dòng này, tôi đã phẫu thuật xong và chuẩn bị cho tháng tái khám đầu tiên của mình. Rảnh rỗi, tôi lại đọc 2 quyển sách: VƯỢT LÊN SỐ PHẬN, NƠI NÀO CÓ Ý CHÍ NƠI ĐÓ CÓ CON ĐƯỜNG – đây là hai quyển sách hay, vực dậy tinh thần, các cô bác, anh chị tìm đọc nhé!

Cũng có lúc tôi muốn bỏ cuộc, nước mắt giàn giụa vì đau đớn, mất niềm tin vào y học nhưng nhờ có sự động viên và chăm sóc của ba mẹ, thăm hỏi của bạn bè, tôi cũng đã vượt qua. Trong mắt ba mẹ, tôi là đứa con mọn, kém may mắn mà mẹ vẫn thường bảo tôi: “hồng nhan bạc phận”. “Nhưng ba mẹ ơi, con muốn nói con không hề kém may mắn vì bên con lúc nào cũng có tình thương yêu của ba mẹ và bạn bè đồng hành”.Để vượt qua nỗi sợ hãi bệnh tật, để nuôi dưỡng mầm xanh hi vọng, để kéo dài sự sống đến hôm nay là nhờ có sự tiếp sức, động viên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng, nhất là ba mẹ. Giờ con đã bắt đầu tin phép màu rồi ba mẹ ạ, ba mẹ chính là phép màu của đời con. Cho con xin được dẫn lời nhà thơ Chế Lan Viên như lời cảm ơn sâu sắc dành tặng mẹ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Một lần nữa, con cảm ơn ba mẹ đã dìu con đi suốt quảng đường cong và dài dường như vô tận này.

Người viết: Tran Lien

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích