menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bốn bước để sống chung với bệnh tiểu đường

user

Ngày:

29/12/2022

user

Lượt xem:

632

Bài viết thứ 66/71 thuộc chủ đề “Bệnh tiểu đường”

Biên dịch: Trần Thị Dung

Hiệu đính: BS. Võ Thành Lai  –  BS. Lương Thị Cẩm Nhung

 

Bước 1: Tìm hiểu về bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường thường gặp 3 nhóm chính:

  • Bệnh tiểu đường loại 1 là một rối loạn chuyển hóa, trong đó cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất insulin được. Như mọi người đã biết, Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra, có vai trò quan trọng trong việc hấp thu đường và chuyển hóa chúng thành loại năng lượng ATP để cung cấp cho hoạt động của cơ thể. Vì vậy, cơ thể chúng ta cần sản xuất một lượng insulin vừa đủ mỗi ngày để sống.
  • Bệnh tiểu đường loại 2 là rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất do thiếu hụt insulin tương đối, tức là insulin vẫn tiết ra với số lượng bình thường nhưng thiếu so với nhu cầu của cơ thể. Ở type bệnh này, bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình bằng thuốc uống hoặc bổ sung insulin hằng ngày.
  • Bệnh tiểu đường thai kỳ là một rối loạn chuyển hóa thường gặp ở phụ nữ trong lúc mang thai và hầu như sẽ hết hẳn sau sinh. Mặc dù bệnh sẽ hết hẳn và thường không để lại di chứng sau sinh nhưng nó tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau này cho thai phụ và con của họ.

Người bệnh là mắt xích quan trọng nhất trong việc theo dõi và quản lý bệnh tiểu đường. Vì vậy bạn nên tìm hiểu thêm các thông tin về bệnh tiểu đường từ các nguồn chính thống, chẳng hạn:

  • Bạn có thể trao đổi với bác sĩ hoặc các chuyên gia về tiểu đường để được hỗ trợ tốt nhất.
  • Ngoài ra bạn có thể tham gia các khóa học hay cộng đồng tiểu đường, hoặc tìm hiểu về tiểu đường thông qua các trang thông tin y tế tin cậy,…

Để kiểm soát bệnh tiểu đường một cách hợp lý, bạn nên có một chế độ ăn lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, vận động nhiều hơn và tuân thủ điều trị hằng ngày.

Tại sao phải theo dõi và quản lý bệnh tiểu đường hằng ngày?

Khi lượng đường trong máu của bạn gần với mức bình thường, bạn sẽ cảm thấy:

– Có nhiều năng lượng hơn

– Bớt mệt mỏi và khát nước

– Đi tiểu ít thường xuyên hơn

– Ít bị nhiễm trùng hơn (chẳng hạn nhiễm trùng da, hoặc nhiễm trùng tiểu,…)

Ngoài ra khi lượng đường trong máu được kiểm soát, bạn cũng sẽ giảm nguy cơ gặp các biến chứng do bệnh tiểu đường như:

– Đau tim hoặc đột quỵ

– Các biến chứng về mắt có thể dẫn đến giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn.

– Các tổn thương thần kinh biểu hiện bằng: đau, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay và bàn chân

– Các biến chứng ở thận

– Và các vấn đề về răng và nướu.

 

Bước 2: Theo dõi và quản lý bệnh tiểu đường theo ABCs

Các chỉ số cần theo dõi theo ABCs bao gồm: 

– Chỉ số HbA1c

– Huyết áp (Blood pressure)

– Chỉ số Cholesterol

Chỉ số HbA1c

Chỉ số HbA1c là gì?

HbA1c là một chỉ số rất quan trọng, nó phản ánh lượng đường trong máu trung bình trong ba tháng. 

Chỉ số này khác với chỉ số đường máu mà bạn đo hằng ngày.

Tại sao chỉ số này lại quan trọng như vậy?

Vì khi dựa vào chỉ số này, bác sĩ có thể đánh giá bệnh tiểu đường của bạn đã được kiểm soát tốt hay chưa. Trên cơ sở đó đưa ra kế hoạch điều trị kịp thời để phòng ngừa các biến chứng do tiểu đường (như biến chứng tại tim, thận, mạch máu, bàn chân và cả ở mắt).

Chỉ số HbA1c ở ngưỡng bao nhiêu thì hợp lý?

Đa phần ngưỡng HbA1c < 7% là an toàn đối với  người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nó có thể khác đối với bạn. Vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ về ngưỡng HbA1c an toàn của bạn.

Huyết áp (Blood pressure)

huyet-ap

Chỉ số Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.

Tại sao theo dõi chỉ số này lại quan trọng?

Khi huyết áp của bạn tăng quá cao, nó sẽ khiến tim bạn phải làm việc quá sức. Điều này có thể dẫn đến những cơn đau tim, đột quỵ và có thể ảnh hưởng thận và mắt của bạn.

Chỉ số huyết áp mục tiêu là bao nhiêu?

Hầu hết người mắc bệnh tiểu được nên kiểm soát huyết áp mục tiêu dưới 130/80 mmHg. Điều này có thể khác đối với bạn. Hãy đến khám và trao đổi với bác sĩ về ngưỡng huyết áp mục tiêu của bạn.

Chỉ số Cholesterol

Chỉ số  Cholesterol là gì?

Có hai loại cholesterol trong máu của bạn: LDL và HDL.

LDL hay cholesterol “xấu” có thể tích tụ và làm tắc nghẽn mạch máu. Nó có thể gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.

HDL hay cholesterol “tốt” giúp loại bỏ cholesterol “xấu” khỏi mạch máu.

Chỉ số LDL và HDL ở mức bao nhiêu là hợp lý?

Hãy hỏi bác sĩ về mục tiêu điều trị đối với các chỉ số cholesterol. Nó có thể khác nhau đối với từng người. Nếu bạn trên 40 tuổi, bạn có thể cần dùng thuốc statin để giảm lượng cholesterol trong máu.

 

Bước 3: Hãy học cách chung sống với bệnh tiểu đường

Thông thường, bạn sẽ thấy khó khăn khi sống chung với bệnh tiểu đường. Có thể bạn đã biết các biện pháp để quản lý bệnh tiểu đường nhưng gặp khó khăn trong việc tuân thủ điều trị ngày qua ngày. Phần này sẽ cung cấp cho bạn một số lời khuyên khi sống chung với bệnh tiểu đường bao gồm 3 phần chính: vượt qua stress, ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên.

Vượt qua stress

Stress có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn. Vì vậy bạn nên tìm hiểu các cách để giảm stress như hít thở sâu, làm vườn, đi dạo, thiền, làm công việc yêu thích hoặc nghe bản nhạc bạn thích,…

Hãy yêu cầu sự giúp đỡ nếu bạn cảm thấy không vượt qua được. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi tâm sự với người khác chẳng hạn với bác sĩ, nhân viên y tế, bạn bè hoặc thành viên gia đình,….

Ăn uống lành mạnh

–  Lên kế hoạch bữa ăn cho bệnh tiểu đường với sự giúp đỡ từ đội ngũ y tế của bạn.

– Hãy chọn những thực phẩm có ít calo, chất béo, đường và muối.

– Ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và pho mát ít chất béo hoặc tách béo.

– Uống nhiều nước lọc hơn thay vì nước trái cây và nước uống có ga.

– Bạn có thể thử công thức sau đây cho từng bữa ăn:

  • 1/2 đĩa là trái cây và rau quả
  • 1/4 đĩa là protein nạc, chẳng hạn như đậu, thịt gà
  • 1/4 còn lại là ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như gạo lứt, mì ống,…

dia-thuc-an

Vận động thường xuyên

Hãy đặt mục tiêu tăng dần với các ngày trong tuần. Bắt đầu chậm bằng cách đi bộ 10 phút, 3 lần một ngày.

– Vận động mạnh ít nhất 2 lần/tuần chẳng hạn tập gym, tập yoga, hoặc làm vườn (đào và trồng cây bằng dụng cụ)….

– Kiểm soát cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn và kế hoạch vận động hợp lý

Những việc bạn cần làm mỗi ngày

 Tuân thủ điều trị hằng ngày. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn cần dùng aspirin để ngừa đau tim và đột quỵ ở các đối tượng có nguy cơ cao.  Nên đến khám và trao đổi với bác sĩ ngay nếu bạn không đủ tiền mua thuốc hoặc có bất kỳ tác dụng phụ khi dùng thuốc.

– Kiểm tra bàn chân của bạn hằng ngày. Tái khám ngay nếu vết loét lâu lành.

– Vệ sinh răng miệng mỗi ngày

– Bỏ thuốc lá

– Theo dõi lượng đường trong máu và ghi lại các chỉ số đường huyết của bạn hằng ngày.

– Theo dõi và ghi lại chỉ số huyết áp của bạn hằng ngày nếu bác sĩ yêu cầu

– Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về bệnh tiểu đường.

 

Bước 4: Tái khám và kiểm tra định kì

Bạn nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần/ năm.

Tại mỗi lần khám, hãy chắc chắn rằng bạn có:

– Kiểm tra huyết áp

– Kiểm tra cân nặng

– Khám chân.

Hai lần mỗi năm, bạn nên kiểm tra chỉ số HbA1c. Nếu chỉ số này >7 hãy kiểm tra thường xuyên hơn.

Mỗi năm một lần, bạn nên:

–  Kiểm tra chỉ số Cholesterol máu

–  Khám chân.

–  Khám răng miệng 

–  Khám mắt

– Làm xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề về thận

– Tiêm phòng cúm.

Bạn cũng nên tiêm phòng viêm phổi do phế cầu, viêm gan siêu vi B.

 

Một số điều bạn cần nhớ:

– Bạn là mắt xích quan trọng nhất trong việc theo dõi và quản lý bệnh tiểu đường của mình.

– Thực hiện theo bốn bước trên có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.

– Tuân thủ điều trị để đạt được các mục tiêu đặt ra.

– Hãy tìm tới sự giúp đỡ khi cần.

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/managing-diabetes/4-steps#step1

https://diabetes.org/diabetes/high-blood-pressure

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích