menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Hiểu về bệnh tiểu đường: Chẩn đoán và điều trị

user

Ngày:

04/10/2016

user

Lượt xem:

699

Bài viết thứ 11/71 thuộc chủ đề “Bệnh tiểu đường”

Làm thế nào để nhận biết bệnh tiểu đường?

Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn mắc bệnh tiểu đường nếu bạn có một số yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường, hoặc nếu bạn có mức đường cao trong nước tiểu. Mức đường máu (còn gọi là glucose máu, đường huyết) có thể cao do tụy không sản xuất hoặc sản xuất ít insulin (tiểu đường loại 1) hoặc do cơ thể không đáp ứng bình thường với insulin (tiểu đường loại 2).

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một trong ba xét nghiệm sau đây. Trong đa số trường hợp, bác sĩ của bạn sẽ lặp lại xét nghiệm có giá trị cao hơn để xác định chẩn đoán:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: là xét nghiệm kiểm tra mức đường máu của bạn vào buổi sáng trước khi ăn. Nếu mức đường máu lớn hơn hoặc bằng 126 mg/dl, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: là xét nghiệm trong đó bạn sẽ phải uống một lượng glucose hằng định. Sau đó tiến hành lấy máu xét nghiệm mỗi 30 đến 60 phút trong suốt 3 tiếng sau khi uống. Nếu sau khi uống 2 tiếng mà mức đường máu của bạn vẫn cao hơn hoặc bằng 200mg/dl. Bạn có thể mắc bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm HbA1c máu: là một xét nghiệm máu đơn giản cho biết mức đường máu trung bình của bạn trong 2-3 tháng gần đây. Nếu HbA1c cao hơn hoặc bằng 6,5%, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường.

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm tự kháng thể kênh vận chuyển kẽm 8 (ZnT8Ab). Xét nghiệm máu này, cùng với những thông tin khác và kết quả những xét nghiệm khác. Có thể giúp chẩn đoán xác định một người mắc bệnh tiểu đường loại 1. Mục đích của xét nghiệm ZnT8Ab là để chẩn đoán nhanh và chính xác nhằm điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh tiểu đường như thế nào?

Điều trị bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý phức tạp mà bạn không thể tự điều trị. Bác sĩ sẽ giúp bạn vạch ra một kế hoạch điều trị tiểu đường phù hợp với bạn, và dễ hiểu. Bạn có thể cần một vài bác sĩ chuyên khoa khác trong nhóm bác sĩ điều trị tiểu đường của mình. Gồm bác sĩ chuyên khoa bàn chân, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa mắt và bác sĩ chuyên khoa tiểu đường (bác sĩ chuyên khoa nội tiết).

Điều trị tiểu đường đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ đường máu (và duy trì đường máu ở mức bác sĩ yêu cầu) với sự phối hợp giữa thuốc, thể dục và chế độ ăn. Bằng cách theo dõi sát việc ăn cái gì và ăn khi nào, bạn có thể hạn chế tối đa hoặc tránh được “hiệu ứng bập bênh” làm thay đổi đột ngột lượng đường máu, yêu cầu điều chỉnh ngay liều lượng thuốc, đặc biệt là insulin.

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 1, tụy của bạn không tiết đủ insulin mà cơ thể cần để sử dụng đường tạo năng lượng. Bạn sẽ cần insulin dưới dạng tiêm hoặc bơm liên tục. Học cách để tiêm insulin cho bản thân hoặc cho con bạn mới đầu dường như là phần làm nản lòng nhất trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Nhưng thật sự nó dễ dàng hơn bạn nghĩ nhiều.

Một số người mắc bệnh tiểu đường sử dụng bơm insulin được lập trình để cho ra lượng insulin như đã cài đặt. Khi sử dụng, bạn và bác sĩ sẽ lên chương trình để bơm này cho ra một lượng insulin hằng định trong cả ngày (liều căn bản – liều nền). Thêm vào đó, bơm cũng được cài đặt để cho ra liều insulin phù hợp với mức đường máu của bạn trước khi ăn (liều tác dụng nhanh).

Insulin có 5 loại:

  • Insulin tác dụng nhanh (bắt đầu tác dụng trong một vài phút và kéo dài 2-4 tiếng)
  • Insulin thường hay insulin tác dụng ngắn (bắt đầu tác dụng trong 30 phút và kéo dài 3 – 6 tiếng)
  • Insulin tác dụng trung bình (bắt đầu tác dụng trong 1-2 tiếng và kéo dài 18 tiếng)
  • Insulin tác dụng kéo dài (bắt đầu tác dụng trong 1-2 tiếng và kéo dài 24 tiếng)
  • Insulin tác dụng đặc biệt kéo dài (ultra-long-acting) (bắt đầu tác dụng trong 1-2 tiếng và kéo dài 42 tiếng)

Insulin tác dụng nhanh dạng hít (ví dụ: Afrezza) cũng đã được FDA cho phép sử dụng trước khi ăn. Nó phải được phối hợp cùng insulin tác dụng kéo dài ở bệnh nhân tiểu đường loại 1 và không nên sử dụng ở bệnh nhân hút thuốc hoặc mắc bệnh phổi mạn tính. Insulin dạng này được chuẩn bị ở dạng liều đơn dùng một lần. Insulin hỗn hợp cũng có thể được chỉ định và có sẵn cho những bệnh nhân cần dùng nhiều hơn một loại insulin.

Degludec (Tresiba) là một loại insulin tác dụng đặc biệt kéo dài, cung cấp một lượng insulin nền kéo dài hơn 42 tiếng. Nó cũng có sẵn ở dạng phối hợp với insulin tác dụng nhanh (Ryzodeg 70/30).

Mỗi kế hoạch điều trị được thiết kế phù hợp với mỗi cá nhân và có thể điều chỉnh phụ thuộc vào khẩu phần ăn, cường độ vận động cũng như những thời điểm bị stress/căng thẳng hoặc bị bệnh.

Bằng cách kiểm tra mức đường máu, bạn có thể nắm được sự thay đổi về nhu cầu insulin của cơ thể và có thể trao đổi với bác sĩ để tìm ra liều insulin tốt nhất cho mình.

Người mắc bệnh tiểu đường thường kiểm tra đường máu nhiều lần trong ngày bằng một dụng cụ gọi là máy đo đường máu (glucometer). Máy này có thể đo lượng đường trong máu, thường được lấy từ đầu ngón tay thấm qua một dải giấy thấm đặc biệt. Hiện nay cũng có thiết bị mới là hệ thống đo glucose máu liên tục (continuous glucose monitoring systems, CGMS) gắn vào cơ thể để đo đường máu cứ vài phút một lần trong suốt một tuần. Tuy nhiên, hệ thống này kiểm tra đường máu qua da chứ không phải qua máu. Do vậy ít chính xác hơn máy đo đường máu theo cách thông thường.

Một số trường hợp bệnh tiểu đường loại 2 thì ăn kiêng và tập thể dục là đủ để kiểm soát đường máu. Một vài bệnh nhân sẽ cần đến thuốc, bao gồm insulin và một số thuốc dạng uống.

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2 hoạt động theo nhiều cách khác nhau để đưa đường máu trở về mức bình thường. Chúng bao gồm:

  • Thuốc làm tăng sản xuất insulin của tụy, bao gồm: chlorpropamide (Diabinese), glimepiride (Amaryl), glipizide (Glucotrol), glyburide (Diabeta, Micronase), nateglinide (Starlix) và  repaglinide (Prandin).
  • Thuốc làm giảm hấp thu đường ở ruột, ví dụ: acarbose(Precose) and miglitol (Glyset)
  • Thuốc làm tăng tác dụng của insulin, ví dụ pioglitazone (Actos) và  rosiglitazone (Avandia).
  • Thuốc làm giảm sản xuất đường tại gan và giảm kháng insulin, ví dụ: metformin (Glucophage).
  • Thuốc làm tăng sản xuất insulin ở tuỵ hoặc tăng mức insulin trong máu và/hoặc giảm sản xuất đường tại gan. Bao gồm: albiglutide (Tanzeum), alogliptin (Nesina), dulaglutide (Trulicity), linagliptin (Tradjenta), exenatide (Byetta, Bydureon), liraglutide (Victoza), saxagliptin (Onglyza), and sitagliptin (Januvia).
  • Thuốc ngăn cản tái hấp thu glucose ở thận và tăng thải glucose qua nước tiểu. Gọi là thuốc ức chế sodium-glucose co-transporter 2 (SGLT2): canaglifozin (Invokana), dapagliflozin (Farxiga), và empagliflozin (Jardiance).
  • Pramlinitide là một hormone tổng hợp dạng tiêm. Nó có tác dụng làm giảm đường máu sau khi ăn ở những bệnh nhân tiểu đường có sử dụng insulin.

(Tên thuốc bao gồm tên hóa học chung và tên thuốc tại Mỹ ghi trong dấu ngoặc)

Một số viên thuốc chứa nhiều hơn một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Chúng bao gồm empagliflozin/linagliptin (Glyxambi) mới được cấp phép gần đây. Thành phần của nó gồm có thuốc ức chế SGLT2 làm ngăn chặn tái hấp thu glucose ở thận kết hợp với thuốc ức chế DPP-4. Làm tăng hormone kích thích tụy tăng tiết insulin và làm giảm sản xuất glucose tại gan.

Dinh dưỡng và thời gian ăn cho bệnh nhân bệnh tiểu đường

Một chế độ ăn kiêng cân bằng hợp lý là điều rất cần thiết với bệnh nhân tiểu đường. Vì vậy hãy làm việc với các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đề ra một kế hoạch dinh dưỡng hợp lý. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 1. Thời gian của liều insulin phụ thuộc vào hoạt động và chế độ ăn của bạn. Bạn ăn khi nào và ăn bao nhiêu cũng quan trọng như là bạn ăn cái gì. Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị 3 bữa ăn chính và 3 hoặc 4 bữa ăn nhẹ mỗi ngày để duy trì sự cân bằng thích hợp giữa mức insulin và lượng đường trong máu.

Sự cân bằng giữa tinh bột (carbohydrates), đạm (proteins) và chất béo (lipids) trong thực đơn sẽ giúp giữ mức đường máu đạt mục tiêu. Lượng của mỗi thành phần trên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cân nặng và sở thích của bạn. Theo dõi lượng carbohydrate – nghĩa là biết được bạn cần bao nhiêu và bạn đã ăn bao nhiêu. Là chìa khóa để kiểm soát đường máu. Nếu bạn thừa cân hãy lựa chọn thực đơn có ít carbohydrate, ít chất béo/ít năng lượng hay ăn kiêng kiểu Mediterenean có thể giúp quản lý cân nặng. Chất béo bão hòa trong thực đơn của bạn không nên nhiều hơn 7% và bạn cũng nên hạn chế chất béo chuyển hóa.

Tập thể dục trong tiểu đường

Một yếu tố quan trọng khác trong chương trình kiểm soát bệnh tiểu đường là tập thể dục. Dù là bệnh tiểu đường loại nào, bạn hãy bàn bạc với bác sĩ trước khi bắt đầu các chương trình tập thể dục. Tập thể dục giúp tăng hoạt động của insulin và có thể giúp hạ đường máu. Để ngăn ngừa hạ đường huyết quá thấp gây nguy hiểm. Hãy kiểm tra đường máu của bạn và nếu cần thiết có thể ăn một ít thực phẩm chứa carbohydrate khoảng 30 phút trước khi tập thể dục. Nếu bạn cảm thấy có triệu chứng của hạ đường huyết. Dừng tập thể dục và bổ sung đường bằng thực phẩm hoặc nước uống có carbohydrates. Đợi 15 phút, kiểm tra lại đường máu. Nếu vẫn còn quá thấp thì có thể ăn thêm một lần nữa.

Tập thể dục có thể giúp giảm đường máu ở một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và có thể ngăn ngừa bệnh ở những người có nguy cơ mắc bệnh.

Với bệnh nhân tiểu đường (ở cả 2 loại). Tập thể dục có thể làm giảm khả năng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và cải thiện tuần hoàn. Tập thể dục cũng có thể làm giảm stress. Bệnh nhân tiểu đường loại 2 cần phải giảm cân có thể có nhiều lợi ích từ các hoạt động thể dục mức trung bình. Hầu hết bệnh nhân sẽ được khuyến khích tập thể dục ít nhất 150 phút một tuần với các hoạt động thể lực mức độ trung bình, ví dụ như đi bộ. Thông thường những bài tập sức cơ sẽ được khuyến khích ít nhất 2 lần một tuần. Hãy nói chuyện với bác sĩ để biết được cách tập nào là phù hợp với bạn.

Thay đổi lối sống với bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh nên đeo một vòng tay hoặc miếng dán (MedicAlert) trên đó ghi chú mình mắc bệnh tiểu đường. Nó sẽ giúp những người khác biết được tình trạng bệnh của bạn khi bạn bị hạ đường máu nghiêm trọng và không được tỉnh táo. Hoặc trong trường hợp bạn bị tai nạn và cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Việc nhận biết rằng bạn đang mắc bệnh tiểu đường là rất quan trọng vì hạ đường huyết có thể bị nhầm lẫn với say rượu. Và nạn nhân thường không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu không được điều trị ngay, hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê hay co giật. Ngoài ra, vì cơ thể sẽ chịu nhiều stress hơn khi bạn bị bệnh hoặc chấn thương. Đường máu của bạn cần được kiểm tra bởi các nhân viên y tế hoặc bác sĩ cấp cứu cho bạn.

Hãy chăm sóc răng miệng thật tốt vì bệnh tiểu đường có thể làm nặng thêm các bệnh lý nha chu.

Các phương pháp điều trị thay thế ở bệnh tiểu đường

Vitamins và muối khoáng

Không bao giờ được điều trị bệnh tiểu đường chỉ với những thuốc thuộc nhóm này. Tuy nhiên, có những điều bạn có thể làm ngoài việc sử dụng thuốc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Để kiểm soát mức đường máu và hạn chế các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Crom và biotin: Mặc dù Crom có thể ảnh hưởng đến insulin và chuyển hóa glucose. Chưa có bằng chứng nào về lợi ích của việc bổ sung Crom trong điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, Crom có thể tìm thấy ở rất nhiều thức ăn, ví dụ: rau xanh, đậu và ngũ cốc. Có nhiều nghiên cứu cho rằng biotin hay còn gọi là Vitamin H khi sử dụng cùng với Crom sẽ làm tăng chuyển hóa đường ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, không có một nghiên cứu nào cho thấy việc sử dụng biotin đơn độc là có tác dụng.

Vitamin B6 và B12: Hai vitamins này có thể giúp điều trị đau thần kinh do tiểu đường nếu nồng độ những vitamin này trong máu thấp. Và tình trạng này góp phần gây đau thần kinh. Những trường hợp còn lại thì không có bằng chứng chứng minh tác dụng của chúng trong điều trị bệnh tiểu đường.

Vitamin C: Vitamin C trong máu có thể thấp do thiếu insulin (insulin được cho là có vai trò trong việc hấp thu vitamin C). Lượng vitamin C hợp lý có thể giúp cơ thể duy trì mức cholesterol trong giới hạn tốt và giữ mức đường máu trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, sử dụng nhiều vitamin C có thể gây sỏi thận và các vấn đề khác. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Vitamin E: Vitamin E có thể hạn chế tổn thương mạch máu và bảo vệ thận và mắt khỏi các biến chứng. Tuy nhiên, quá nhiều vitamin E có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, như tăng nguy cơ đột quỵ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung loại vitamin này.

Magie: Magie giúp kiểm soát mức đường máu. Một vài bệnh nhân bệnh tiểu đường bị thiếu Magie nghiêm trọng. Bổ sung Magie trong trường hợp này có thể giúp cải thiện tác dụng của insulin.

Tương tác tinh thần/cơ thể: Liệu pháp tâm tưởng, liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback), thiền, liệu pháp thôi miên và yoga. Có thể làm giảm các hormones liên quan tới stress, có thể giúp ổn định đường huyết. Liệu pháp phản hồi sinh học còn có thể giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để chứng minh vai trò của nó trong điều trị bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Sử dụng cây thuốc: Thuốc kem Capsaicin, một loại thuốc mỡ địa phương được làm từ cây ớt cayenne. Đã được ghi nhận là có thể giúp giảm đau tay chân ở một vài bệnh nhân bị tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường. Tuy nhiên những bệnh nhân đã mất cảm giác ở tay và/hoặc chân. Nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc này vì họ có thể không cảm nhận được cảm giác bỏng gây ra do thuốc. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi định sử dụng loại sản phẩm này.

Tinh dầu hoa anh thảo: Tinh dầu này được cho là có tác dụng ở giảm đau ở bệnh thần kinh do tiểu đường. Tuy nhiên công dụng này vẫn chưa được chứng minh.

Bạch quả, tỏi, húng quế, quả cà ri, nhân sâm và táo gai là những vị thuốc khác đã từng được coi là có tác dụng điều trị triệu chứng bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh vai trò của chúng. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại cây nào.

Tài liệu tham khảo

http://www.webmd.com/diabetes/guide/understanding-diabetes-detection-treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích