menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Tôi đã quá 27 tuổi, liệu có nên tiêm vắc xin phòng HPV không?

user

Ngày:

01/07/2022

user

Lượt xem:

2008

Bài viết thứ 14/18 thuộc chủ đề “Các câu hỏi thường gặp về sản phụ khoa”

Virus HPV là gì?

Human papillomavirus (HPV) là một loại DNA virus thuộc họ Papillomaviridae, là một trong những tác nhân lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Hơn 40 type virus gây u nhú ở người có thể lây nhiễm sang các vùng sinh dục của cả nam và nữ giới, bao gồm dương vật, âm hộ, hậu môn, âm đạo, cổ tử cung và trực tràng.

Hiện nay, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng hàng thứ 4 ở nữ giới. Hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV. Có tổng cộng 15 type HPV có liên quan đến sự phát triển ung thư cổ tử cung.

Xem thêm bài viết Ung thư cổ tử cung và cách phòng ngừa

Vắc xin HPV?

Vắc xin HPV bảo vệ sự lây nhiễm virus HPV. Hiện nay, có ba loại vắc xin ngăn ngừa lây nhiễm virus HPV gây bệnh đã được cấp phép:

  • Vắc xin nhị giá (Cervarix), ngừa 2 type HPV 16 và 18;
  • Vắc xin tứ giá (Gardasil), ngăn ngừa nhiễm 4 type HPV: 6, 11, 16, 18;
  • Vắc xin cửu giá (Gardasil 9), ngăn ngừa nhiễm 9 type HPV: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58.
Xem thêm bài viết Vaccine chống virus papilloma ở người (HPV)

Ai nên tiêm ngừa HPV?

Đối với những người chưa từng nhiễm HPV, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên tới 99%. Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) và Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến nghị tiêm phòng HPV cho trẻ gái và trẻ trai ở độ tuổi mục tiêu từ 11–12 tuổi (nhưng có thể tiêm từ 9 tuổi trở lên) để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư sinh dục (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật) và mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) liên quan đến nhiễm HPV.

Đối với những người từ 13-26 tuổi chưa được tiêm chủng, khuyến cáo tiêm vắc xin HPV bất kể đã có quan hệ tình dục, đã nhiễm HPV trước đó hay chưa.

Lịch tiêm

  • Trẻ dưới 15 tuổi: tiêm 2 liều, liều 2 cách liều đầu 6 – 12 tháng. Nếu liều 2 tiêm cách liều 1 dưới 5 tháng, khuyến nghị tiêm thêm liều thứ 3.
  • Người từ đủ 15 tuổi trở lên: tiêm 3 liều (1 – 2 tháng và 6 tháng sau khi tiêm liều thứ nhất).
Lịch tiêm vắc xin HPV
Lịch tiêm vắc xin HPV

Tôi đã quá 27 tuổi, vậy có nên tiêm vắc xin HPV không?

Vắc xin HPV hiện đã được cấp phép sử dụng cho phụ nữ và nam giới đến 45 tuổi, việc sử dụng vắc xin ở nhóm đối tượng này an toàn và có thể ngăn ngừa nhiễm mới các type HPV do vắc xin tạo ra nếu trước đó chưa bị nhiễm. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ trong độ tuổi này đều đã từng phơi nhiễm với HPV, do đó lợi ích sức khỏe cộng đồng tổng thể của việc tiêm vắc xin HPV ở phụ nữ 27–45 tuổi giảm đi rõ rệt, nghĩa là hiệu quả không cao.

Việc tiêm vắc xin chỉ ngăn ngừa nhiễm mới các type chưa nhiễm, không có tác dụng điều trị các type đã nhiễm trước đó. Đối với một số phụ nữ từ 27–45 tuổi trước đây chưa được tiêm chủng, bác sĩ thể xem xét nguy cơ nhiễm HPV mới của khách hàng và liệu vắc xin HPV có thể mang lại lợi ích hay không, sau đó đưa ra thông tin tư vấn, khách hàng là người đưa ra quyết định.

Những phụ nữ từ 27–45 tuổi có nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc tiêm chủng là những người có nguy cơ cao nhiễm mới HPV, bao gồm: nhóm trẻ tuổi, có nhiều bạn tình và mới mắc các bệnh lây qua đường tình dục gần đây.

Những người phụ nữ 27–45 tuổi có quan hệ chung thủy một vợ một chồng lâu dài thì không có nguy cơ bị nhiễm mới HPV, do đó không khuyến cáo tiêm vắc xin.

Tôi đã tiêm đủ vắc xin nhị giá/ tứ giá, có cần tiêm bổ sung vắc xin cửu giá không?

Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo những người đã tiêm đủ phác đồ vắc xin tứ giá, không cần thiết phải tiêm thêm vắc xin cửu giá do việc tiêm chủng bổ sung không mang lại nhiều lợi ích.

Tôi đã tiêm đủ liều vắc xin HPV, vậy tôi có cần tầm soát ung thư cổ tử cung không?

Việc tiêm phòng HPV không ảnh hưởng đến lịch khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư cổ tử cung. Do đó, tất cả phụ nữ dù tiêm vắc xin HPV hay không đều phải khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn của Bác sĩ phụ khoa.

Xem thêm bài viết Tầm soát ung thư cổ tử cung

Tài liệu tham khảo

  1. Kamolratanakul S, Pitisuttithum P. Human Papillomavirus Vaccine Efficacy and Effectiveness against Cancer. Vaccines. 30/11/2021;9(12):1413.
  2. Kim JJ, Simms KT, Killen J, Smith MA, Burger EA, Sy S, và c.s. Human papillomavirus vaccination for adults aged 30 to 45 years in the United States: A cost-effectiveness analysis. PLOS Med. thg 3 2021;18(3):e1003534.
  3. Saslow D, Andrews KS, Manassaram-Baptiste D, Smith RA, Fontham ETH, Group the ACSGD. Human papillomavirus vaccination 2020 guideline update: American Cancer Society guideline adaptation. CA Cancer J Clin. 2020;70(4):274–80.
  4. EtR for HPV Vaccination of Adults 27-45 Years Old | CDC [Internet]. 2019 [cited 2 Tháng Sáu 2022]. Available at: https://www.cdc.gov/vaccines/acip/recs/grade/HPV-adults-etr.html
  5. HPV Vaccination Recommendations | CDC [Internet]. 2022 [cited 2 Tháng Sáu 2022]. Available at: https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/hpv/hcp/recommendations.html
  6. Human Papillomavirus Vaccination [Internet]. [cited 2 Tháng Sáu 2022]. Available at: https://www.acog.org/en/clinical/clinical-guidance/committee-opinion/articles/2020/08/human-papillomavirus-vaccination
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích