menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chế độ ăn và ung thư vú

user

Ngày:

01/07/2022

user

Lượt xem:

950

Bài viết thứ 89/82 thuộc chủ đề “Ung thư vú”

Nội dung chính Ẩn

Người dịch: Hoàng Thu Hà

Hiệu đính: BS Nguyễn Văn Tùng (Bệnh viện K3 Tân Triều)

Chế độ ăn như thế nào trong và sau khi điều trị ung thư vú vẫn đang là vấn đề được quan tâm. Bệnh nhân có thể thay đổi vị giác, tăng hoặc giảm cảm giác ngon miệng vì thế có thể gây tăng hoặc giảm cân. Trong bài viết này, chúng tôi xem xét cách thức xử trí với những thay đổi này để có một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh.

Mặc dầu chúng tôi đưa vào nhiều thông tin và nhấn mạnh đến việc tuân thủ một lối sống lành mạnh, bạn cũng đừng cảm thấy quá áy náy nếu mình không thể tuân tuyệt đối, nhất là trong lúc bạn còn đang phải đương đầu với những tác động cả về thể chất lẫn tinh thần do việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú mang đến. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm được sự cân bằng phù hợp với mình.

Bạn có thể đã nghe đến nhiều lý thuyết khác nhau và câu chuyện về chế độ ăn và ung thư. Điều này có thể làm bạn bối rối và lẫn lộn nhất là khi còn có nhiều thông tin khác về ung thư vú và điều trị ung thư vú mà bạn đang phải tìm hiểu. Chúng tôi sẽ giải thích cơ sở khoa học của một số lý thuyết đó và thảo luận liệu chế độ ăn và lối sống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú quay trở lại (ung thư vú tái phát) hay không.

Bạn có thể thảo luận bất kỳ mối lo ngại nào với bác sĩ hoặc điều dưỡng, hoặc yêu cầu được gửi tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng (là người có chuyên môn chăm sóc sức khỏe chuyên đánh giá và điều trị các vấn đề về ăn uống và dinh dưỡng).

Chế độ ăn lành mạnh là gì?

Ăn uống lành mạnh quan trọng đối với tất cả mọi người, nhưng khi bạn mắc ung thư vú thì bạn sẽ thấy ảnh hưởng của chế độ ăn uống lên cơ thể bạn rõ rệt hơn. Chế độ ăn cân bằng đã cho thấy có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Hướng dẫn ăn uống tốt (Eatwell)

Chế độ ăn uống lành mạnh nghĩa là cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong cả bốn nhóm thực phẩm chính mỗi ngày. Hướng dẫn Eatwell cho thấy các loại thực phẩm khác nhau bạn nên ăn và nên ăn theo tỷ lệ nào.

Hướng dẫn này khuyên bạn:

  • Ăn ít nhất năm phần rau quả một ngày
  • Các bữa ăn có khoai tây, bánh mì, cơm hoặc các chất đường bột khác (chọn ngũ cốc toàn phần khi có thể)
  • Sử dụng sữa hoặc các sản phẩm thay thế sữa (chọn các loại ít chất béo, ít đường và kiểm tra nhãn để đảm bảo chúng có canxi)
  • Ăn một số loại đậu, hạt, cá, trứng, thịt và các protein khác (ít nhất hai bữa cá mỗi tuần, trong đó có một bữa có loại cá nhiều dầu như cá hồi hoặc cá thu)

Thêm vào đó:

  • Hạn chế thức ăn nhiều đường
  • Chọn dầu ăn không bão hòa và sử dụng với lượng nhỏ
  • Không ăn thường xuyên thức ăn có nhiều muối và chất béo
  • Hạn chế chất cồn càng nhiều càng tốt, uống không quá 14 đơn vị cồn một tuần (tương đương 1 lon bia 6 độ hoặc 100 ml rượu vang) và nên chia cho ít nhất ba ngày nếu bạn uống đến lượng này trong một tuần.
Hướng dẫn Eatwell
Hướng dẫn Eatwell

Ăn lành mạnh không có nghĩa là bạn phải từ bỏ hết các món ăn mà bạn yêu thích, kể cả những món có nhiều dầu mỡ, nhiều muối hay nhiều đường. Nếu bạn tuân theo Hướng dẫn Eatwell bạn vẫn có thể thỉnh thoảng thưởng thức các thức ăn này, chỉ cần bạn đảm bảo có được sự cân bằng đúng.

Chế độ ăn Địa Trung Hải là một ví dụ về chế độ ăn có sự pha trộn cân bằng các nhóm thực phẩm này. Chế độ ăn này nhiều rau, hoa quả và có chứa chất béo tốt cho sức khỏe như dầu ô liu.

Đường ẩn

Một số thực phẩm dường như tốt nhưng lại có nhiều đường như hoa quả sấy khô có chứa nhiều đường hơn hoa quả tươi rất nhiều, các đồ uống có cồn và một số thực phẩm ăn kiêng cũng có thể có hàm lượng đường cao. Vậy nên, tốt nhất là kiểm tra nhãn khi xem xét lượng đường ăn vào.

Chế độ ăn trong khi điều trị

Điều trị ung thư vú có thể có nhiều tác dụng phụ, một số tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến những thực phẩm hoặc đồ uống bạn thích. Sinh hoạt thường ngày của bạn có thể bị gián đoạn, có thể ảnh hưởng tới giờ ăn của bạn. Trải qua thời gian đầy căng thẳng và lo âu cũng có thể ảnh hưởng tới sự ngon miệng của bạn, làm cho bạn ăn nhiều hoặc ăn ít hơn thường lệ.

Ăn sau phẫu thuật

Hầu hết mọi người cảm thấy muốn ăn uống trở lại vào ngày sau phẫu thuật và dần dần thấy ăn uống ngon miệng trở lại như thường. Ăn tốt sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục và lành vết mổ.

Ảnh hưởng của hóa trị

Thật khó nói cơ thể bạn sẽ phản ứng thế nào với hóa trị. Bạn có thể ăn như bình thường trong suốt thời gian điều trị hoặc các tác dụng phụ có thể làm thói quen ăn uống của bạn thay đổi. 

Nguy cơ nhiễm trùng

Hóa trị có thể làm giảm số lượng tế bào bạch cầu, như vậy có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Bạn sẽ được xét nghiệm máu đều đặn trong suốt quá trình điều trị để kiểm tra số lượng các tế bào máu. Nếu bạn có nguy cơ nhiễm trùng cao, bạn có thể được tư vấn tuân theo một chế độ ăn cụ thể. Các bác sĩ hóa trị sẽ giải thích thêm về điều này nếu cần.

Tuân thủ các quy định vệ sinh khi bảo quản thực phẩm, chuẩn bị và chế biến. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Giảm cảm giác ngon miệng

Điều trị ung thư vú có thể làm giảm cảm giác ngon miệng. Nếu bạn điều trị ung thư vú tái phát thì cảm giác ngon miệng có thể bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ của điều trị và của chính bệnh ung thư.

Nếu không thấy ngon miệng lắm hoặc vị giác thay đổi ảnh hưởng tới chế độ ăn, thì ăn những bữa ăn nhỏ và thường xuyên có thể tốt hơn ăn một bữa ăn lớn, như:

  • Ăn năm đến sáu bữa nhỏ hoặc đồ ăn nhẹ mỗi ngày thay cho ba bữa ăn lớn.
  • Uống sữa lắc, sinh tố, nước ép hoặc súp nếu bạn cảm thấy không muốn ăn thức ăn rắn.
  • Vận động một chút nếu bạn có thể làm được (đi bộ một quãng ngắn trước bữa ăn), việc đó có thể làm tăng cảm giác ngon miệng.
  • Không nên uống nhiều nước trước hoặc trong các bữa ăn để không làm giảm cảm giác ngon miệng.

Một số thuốc được dùng cùng với hóa trị như là các thuốc steroids có thể làm tăng cảm giác ngon miệng, nếu bạn lo lắng về tăng cân thì:

  • Hãy chọn thực phẩm và đồ uống ít chất béo
  • Hãy ăn nhiều hoa quả và rau tươi
  • Hãy xem xét hàm lượng đường của thực phẩm kể cả một số thực phẩm ăn kiêng
  • Tránh đồ uống có đường

Buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn có thể là vấn đề đối với một số người trong và sau điều trị hóa trị. Các thuốc chống nôn có thể hỗ trợ giảm buồn nôn và nôn. Nhóm bác sĩ hóa trị có thể giúp tìm ra thuốc phù hợp với bạn.

Uống nhiều chất lỏng như là nước hoặc trà thảo dược. Uống các ngụm nhỏ thường xuyên tốt hơn uống thật nhiều trong một lần.

Ăn ít và ăn thường xuyên có thể là hữu ích nếu bạn đang thấy mệt. Trà thảo mộc như là bạc hà và gừng cũng có thể giúp làm dịu dạ dày.

Một số người thấy rằng ăn thức ăn lạnh giúp giảm cảm giác buồn nôn (thức ăn nóng có thể có mùi hơn).

Viêm loét miệng

Hóa trị có thể làm đau hoặc khô miệng, làm cho việc ăn uống khó khăn hơn.

Bạn có thể thực hiện một số điều sau:

  • Vệ sinh răng hoặc răng giả bằng bàn chải mềm sau khi ăn và dùng chỉ nha khoa nhẹ nhàng làm sạch kẽ chân răng.
  • Sử dụng nước xúc miệng không cồn (nhóm bác sĩ hóa trị có thể khuyến nghị loại nước xúc miệng).
  • Chọn thức ăn mềm hoặc dạng lỏng như là súp, món hầm, sinh tố và món tráng miệng.
  • Làm dịu miệng và lợi bằng các viên đá lạnh và kem que không đường.
  • Uống đồ uống có ga không đường để giúp thơm miệng.
  • Sử dụng ống hút khi uống.
  • Tránh thức ăn cứng giòn, mặn, mùi nồng, chua hoặc nóng.
  • Tránh đồ uống chua như là nước chanh, nước cam và nước ép nho.

Nếu bạn sử dụng răng giả thì hãy làm vệ sinh đều đặn và cố gắng hạn chế sử dụng nhất có thể.

Hút thuốc lá và uống rượu có thể làm tình trạng viêm loét tiến triển tệ hơn.

Thay đổi vị giác

Vị giác của bạn có thể thay đổi trong khi điều trị hóa chất, làm cho vị thức ăn trở nên nhạt nhẽo hoặc khác đi. Bạn có thể muốn ăn các thức ăn có mùi vị mạnh, do đó sử dụng các loại rau thơm và gia vị trong nấu ăn có thể thích hợp với bạn. Hãy thử nhiều loại thức ăn để tìm ra loại mà bạn thích nhất. Trong khi bạn không thích những món khoái khẩu cũ nữa, thì có thể bạn lại tìm ra những món khoái khẩu mới.

Một số loại hóa chất có thể làm bạn cảm thấy có vị kim loại trong miệng. Sử dụng dao cắt bằng nhựa hoặc bằng gỗ thay cho dao kim loại, sử dụng nồi và chảo thủy tinh để nấu ăn có thể giúp giảm vị kim loại.

Táo bón

Ăn uống ít, hoạt động ít hơn và sử dụng thuốc đều có thể dẫn tới tình trạng táo bón.

Sử dụng thực phẩm nhiều chất xơ có thể làm giảm táo bón, như:

  • Ngũ cốc bữa sáng nhiều chất xơ như là ngũ cốc dạng cám hoặc bánh mì nguyên cám
  • Các loại đỗ hạt và đậu lăng
  • Rau (rau tươi hoặc đông lạnh)
  • Gạo lứt
  • Hoa quả tươi, đông lạnh, đóng hộp hoặc khô
  • Bánh mì đen
  • Mì sợi từ bột mì nguyên cám

Uống nhiều chất lỏng (sáu tới tám cốc nước một ngày) và tập thể dục đều đặn như đi bộ.

Nếu tình trạng táo bón không cải thiện thì hãy xin sự tư vấn của nhóm bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ đa khoa.

Tiêu chảy

Thỉnh thoảng một số thuốc hóa trị có thể gây tiêu chảy. Bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định thuốc tiêu chảy nếu cần.

Hãy liên lạc với nhóm bác sĩ hóa trị nếu bạn bị tiêu chảy từ bốn lần trở lên trong vòng 24 giờ.

Ảnh hưởng của xạ trị

Xạ trị thường không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, nhưng vẫn nên có một chế độ ăn cân bằng và uống nhiều nước.

Nếu bạn đi du lịch, hãy mang theo nước uống và đồ ăn nhẹ và lên kế hoạch các bữa ăn dễ chuẩn bị khi bạn về đến nhà.

Ảnh hưởng của liệu pháp nội tiết

Tăng cân

Một số người bị tăng cân khi đang uống thuốc nội tiết để điều trị ung thư vú, cần nghiên cứu thêm để hiểu lý do tại sao.

Cholesterol cao

Các thuốc của liệu pháp nội tiết như là anastrozole và letrozole có thể làm tăng mức cholesterol xấu trong máu.

Nếu bạn có quá nhiều cholesterol xấu có thể gây tích tụ ở thành mạch máu dẫn tới bệnh mạch vành hoặc các bệnh khác.

Tuân theo chế độ ăn lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp bạn giảm cholesterol xấu. Bác sĩ có thể nói cho bạn hiểu về cách xét nghiệm cholesterol và bạn cần thay đổi điều gì trong chế độ ăn.

Mua sắm và nấu ăn trong khi điều trị

Các nhiệm vụ đơn giản như là mua sắm và nấu ăn có thể làm bạn kiệt sức trong quá trình điều trị cũng như khi bạn đã phục hồi. Bạn nên để những người khác hỗ trợ thêm, cho dù bạn vốn là người quen tự mình làm mọi việc. Bạn cũng có thể tận dụng ưu thế của mua hàng online hoặc yêu cầu các cửa hàng trong khu vực bạn nếu họ có dịch vụ đặt hàng qua điện thoại và giao hàng.

Hãy xem website www.breastcancernow.org/fatigue để có thêm thông tin về ứng phó với mệt mỏi trong và sau khi điều trị.

Chế độ ăn cho các bệnh khác

Nếu bạn đã theo một chế độ ăn cụ thể do bạn mắc các bệnh như đái tháo đường, Crohn hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS) thì mắc ung thư vú không có nghĩa rằng chế độ ăn của bạn phải thay đổi. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng lên chế độ ăn của bạn hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe hiện hành nào, hãy nói chuyện với điều dưỡng hoặc nhóm bác sĩ điều trị. Họ có thể trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng hoặc đội ngũ nhân viên y tế khác để đảm bảo những bệnh khác của bạn vẫn được kiểm soát trong quá trình điều trị.

Ăn uống lành mạnh sau điều trị

Sau điều trị ung thư vú, bạn có thể lên cân hoặc giảm cân, hoặc bạn có thể muốn biết liệu chế độ ăn có thể đóng vai trò gì trong sự phục hồi và sức khỏe của bạn trong tương lai.

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ đa khoa hoặc điều dưỡng. Họ có thể đánh giá liệu cân nặng của bạn là hợp lý hay chưa. Để làm việc này họ sẽ đo cân nặng và chiều cao của bạn để tính ra chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn. Nếu BMI của bạn quá cao hoặc quá thấp, họ có thể giúp bạn đưa ra chế độ ăn, gửi bạn tới chuyên gia dinh dưỡng nếu cần hoặc giới thiệu bạn tham gia các câu lạc bộ ở địa phương giúp mọi người quản lý cân nặng và tích cực hoạt động hơn.

Nếu bạn tăng cân

Chúng ta thường tăng cân khi lượng calo ăn vào lớn hơn lượng calo chúng ta đốt đi trong các hoạt động và tập luyện hàng ngày.

Một số người lên cân trong và sau khi điều trị, có thể là do:

  • Tác dụng phụ của một số thuốc có thể làm tăng cảm giác ngon miệng
  • Cơ thể giữ nước
  • Ít hoạt động
  • Ăn nhiều hơn khi bạn đang lo âu hoặc do thay đổi thói quen ăn thường nhật
  • Mãn kinh (do điều trị)

Giảm cân thế nào là an toàn?

Nếu bạn cần giảm cân sau điều trị, nên giảm chừng 0,5-1kg/tuần.

Cách để giảm cân lành mạnh và kiểm soát được cân nặng là thay đổi cách thức ăn uống và tập luyện, như:

  • Giảm khẩu phần ăn bằng cách sử dụng bát đĩa ăn nhỏ hơn
  • Ăn ít nhất năm phần hoa quả và rau một ngày
  • Chọn bánh mì, bột mì toàn phần và ngũ cốc toàn phần (loại không tinh chế)
  • Sử dụng thực phẩm ít chất béo như là sữa tách bơ, sữa tách một nửa chất béo hoặc phô mai ít béo
  • Ăn thịt nạc và cắt bỏ càng nhiều mỡ càng tốt
  • Đưa các loại đậu đỗ hạt vào chế độ ăn
  • Hạn chế sử dụng thức uống có cồn
  • Hạn chế bánh quy, bánh ngọt, socola và khoai tây chiên
  • Chọn các món ăn lành mạnh hơn khi đi ăn ngoài và nhớ rằng đồ ăn đó có thể có nhiều chất béo và calo.

Cùng với ăn chế độ ăn lành mạnh, bạn cần cố gắng tập đều đặn bài tập cường độ vừa phải. Bạn có thể đọc thêm thông tin về hoạt động thể chất trong và sau điều trị ung thư vú trên website www.breastcancernow.org.

NHS đã phát triển chương trình giảm cân 12 tuần khi kết hợp với Hiệp hội Dinh dưỡng Anh. Bạn có thể tải hướng dẫn và tìm thấy nhiều thông tin về giảm cân tại www.nhs.uk/live-well/healthy-weight.

Một số công ty Dược đưa ra dịch vụ giảm cân miễn phí để đánh giá cân nặng của bạn, đưa ra tư vấn và hỗ trợ tích hợp.

Nếu bạn bị giảm cân

Nếu bạn bị gầy đi trong khi điều trị thì một số thay đổi đơn giản trong chế độ ăn có thể giúp bạn. Để lên cân hợp lý, bạn cần ăn thêm calo và protein. Hướng tới ăn ba bữa và một số bữa ăn nhẹ (dựa vào hướng dẫn Eatwell). Ăn thêm thức ăn giàu đạm như là thịt nạc, cá, trứng, các quả hạch (hạch nhân, hạt điều, óc chó…), đậu lăng và các loại đỗ hạt. Sử dụng chất béo tốt cho sức khỏe như quả bơ, dầu oliu, dầu hạt nho và bơ lạc nhạt. Bổ sung thêm sữa bột hoặc bột đạm vào đồ uống, thức ăn cũng tốt.

Bác sĩ điều trị của bạn có thể chỉ định các đồ uống giàu đạm hoặc giàu năng lượng nếu bạn cần lên cân hoặc họ có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia dinh dưỡng.

Sự khỏe mạnh của xương

Đối với một số người, các điều trị như hóa trị hoặc liệu pháp nội tiết có thể ảnh hưởng tới xương, tức là có thể làm tăng nguy cơ loãng xương hoặc mật độ xương giảm.

Điều quan trọng là có chế độ ăn giàu canxi, vì canxi rất quan trọng cho xương chắc khỏe.

Các nguồn canxi tốt như:

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa (kể cả các loại ít béo) như là sữa chua, bơ, phô mai,…
  • Ngũ cốc ăn sáng có bổ sung canxi
  • Hoa quả sấy khô như là mơ, quả vả
  • Cá có xương ăn được như cá cơm, cá mòi, cá trắng hoặc cá hộp có chứa xương mềm như cá hồi
  • Rau lá xanh như xúp lơ xanh (bông cải xanh), cải xoong và cải xoăn
  • Đậu lăng, đậu gà, đậu tây, đậu xanh, đậu hầm nhừ và đậu phụ (protein thực vật làm từ đậu nành)
  • Các quả hạch và hạt như là hạnh nhân, quả hạch brazil, hạt phỉ và hạt vừng
  • Đậu bắp

Cơ thể cần vitamin D để giúp hấp thụ canxi, nguồn vitamin D chính là ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy vitamin D từ một số thực phẩm, như:

  • Bơ thực vật
  • Lòng đỏ trứng
  • Cá béo như là cá trích và cá mòi
  • Ngũ cốc ăn sáng có bổ sung Vitamin D

Bác sĩ điều trị có thể khuyến nghị viên uống bổ sung canxi và vitamin D.

Thực phẩm bổ sung

Nếu chế độ ăn của bạn không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu trong hoặc sau điều trị thì bác sĩ điều trị có thể chỉ định thêm thực phẩm bổ sung. Ví dụ, nếu xương bị ảnh hưởng bác sĩ có thể chỉ định dùng viên canxi hoặc vitamin D.

Tuy nhiên, chỉ sử dụng thực phẩm bổ sung khi bạn vấn đề về phục hồi sau điều trị.

Các sản phẩm thảo dược – thuốc Đông y

Một số người phân vân liệu các sản phẩm thảo dược có giúp hỗ trợ sức khỏe không, ví dụ làm giảm các tác dụng phụ của điều trị. Tuy nhiên, tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm thảo dược hiện chưa rõ ràng và một số sản phẩm có thể ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh ung thư. Hãy nói với bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ đa khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi dùng.

Bạn cũng có thể tìm thấy thông tin về thuốc thảo dược trên website của trung tâm Sloane Kettering www.mskcc.org.

Chế độ ăn, lối sống và nguy cơ ung thư vú tái phát

Bạn có thể nghe thấy rằng chế độ ăn và lối sống có thể ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư vú quay trở lại (tái phát).

Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF) khuyến nghị rằng những người đã mắc ung thư vú cần tuân theo tư vấn giảm nguy cơ ung thư tái phát, gồm ăn chế độ ăn lành mạnh có nhiều chất xơ và ít chất béo bão hòa, năng hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý và hạn chế chất cồn (nếu có uống).

Chế độ ăn

Thực phẩm nhiều chất xơ

Có một số bằng chứng rằng chất xơ có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú tái phát nhưng cần nghiên cứu thêm.

Thực phẩm giàu chất xơ thường ít calo và có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Chất xơ có nhiều lợi ích cho sức khỏe gồm cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và một số ung thư.

Thực phẩm giàu chất xơ gồm:

  • Thực phẩm toàn phần như là gạo lứt, yến mạch, bột mì nguyên cám và hạt diêm mạch
  • Đậu lăng và các loại đỗ hạt
  • Thực phẩm tinh bột như là khoai tây và khoai lang (còn vỏ)
  • Rau và hoa quả

Chất béo bão hòa

Như chất xơ một số bằng chứng cho rằng chất béo bão hòa có thể làm giảm nguy cơ tái phát, nhưng cần nghiên cứu thêm.

Bạn nên hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể, đặc biệt là chất béo bão hòa, vì nó làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch.

Thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao như:

  • Thịt mỡ
  • Thịt đã chế biến (xúc xích)
  • Các sản phẩm sữa còn chất béo (sữa nguyên chất, kem và phô mai rắn)
  • Socola, bánh quy và bánh ngọt

Hãy cố gắng thay thế các thực phẩm kém lành mạnh này bằng các chất béo không bão hòa tốt hơn cho cơ thể có trong các thực phẩm như là:

  • Dầu oliu, dầu hạt nho
  • Cá nhiều dầu như là cá hồi và cá thu
  • Quả bơ
  • Hạt của các loại quả hạch (óc chó, hạnh nhân…) và các loại hạt

Nếu bạn ăn các thực phẩm có chứa chất béo bão hòa, hãy chọn các thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Ví dụ, hãy chọn các sản phẩm sữa ít béo như là sữa tách bơ, sữa chua ít chất béo, phô mai ít béo, thịt nạc (thịt gà và thịt gà tây).

Đậu nành và thực phẩm có chứa estrogen thực vật

Các thực phẩm từ đậu nành như là sữa đậu nành và đậu phụ có chứa các hợp chất tự nhiên gọi là estrogen thực vật (phytoestrogens). Các thực phẩm như là đậu gà và hạt lanh cũng chứa estrogen thực vật.

Estrogen thực vật có cấu trúc hóa học tương tự như chất nội tiết estrogen. Do estrogen có thể thúc đẩy một số ung thư vú phát triển, một số người lo không biết thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng có chứa estrogen thực vật có thể có ảnh hưởng giống như như estrogen và làm tăng nguy cơ tái phát hay không.

Bằng chứng hiện nay gợi ý rằng chế độ ăn có chứa các estrogen thực vật có trong tự nhiên là an toàn nếu bạn bị ung thư vú và còn có thể tốt cho sức khỏe.

Các estrogen thực vật cũng có trong các thảo dược chữa bệnh như là cây thiên ma, cỏ ba lá đỏ và cây xô thơm là các thảo dược đôi khi được dùng để giảm nhẹ triệu chứng bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác. Tuy nhiên, các thảo dược này không được khuyên dùng do có bằng chứng hạn chế và đối nghịch nhau về tính hiệu quả và an toàn.

Thực phẩm hữu cơ

Một số người chọn ăn thực phẩm hữu cơ như là cách để giảm thuốc bảo vệ thực vật trong chế độ ăn. Tuy nhiên người ta không thấy có mối liên quan nào giữa áp dụng chế độ ăn hữu cơ (trước hoặc sau khi chẩn đoán bệnh) và nguy cơ tái phát ung thư vú.

Các siêu thực phẩm

Thuật ngữ “siêu thực phẩm” được sử dụng để nói đến những thực phẩm rõ ràng có lợi ích ngăn ngừa hoặc điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Một số loại thức ăn được gọi là “siêu thực phẩm” gồm quả việt quất xanh, quả mâm xôi, trà xanh và súp lơ xanh (bông cải xanh).

Không có bằng chứng rằng thực phẩm có thể làm giảm nguy cơ phát triển hoặc tái phát ung thư vú.

Chế độ ăn đặc biệt cho người ung thư

Một số người mắc ung thư vú quan tâm đến việc sử dụng chế độ ăn đặc biệt, có thể là do họ tin rằng những chế độ ăn đó có thể làm giảm nguy cơ tái phát. Các chế độ ăn này thường khuyên người ta nên ăn hoặc tránh ăn các loại thực phẩm nào đó.

Không có bằng chứng vững chắc rằng chế độ ăn đặc biệt làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.

Các chế độ ăn đặc biệt thường là rất nghiêm ngặt, đắt đỏ và đôi khi có thể dẫn tới thiếu dinh dưỡng. Việc này có thể dẫn đến các tình trạng khác như là thiếu máu (quá ít tế bào hồng cầu trong máu), các bệnh về xương như mật độ xương thấp hoặc loãng xương.

Nếu bạn định thay đổi chế độ ăn hoặc muốn tìm thêm các chế độ ăn khác nhau, bạn có thể nói chuyện với nhóm bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Ăn lành mạnh theo phương pháp Bristol Whole Life Approach

Ăn lành mạnh theo phương pháp Bristol Whole Life Approach là các hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư và các bệnh khác. Chế độ ăn chủ yếu chú trọng vào ăn các thực phẩm thô như gạo lức (gạo nguyên cám) thay cho gạo trắng, một lượng vừa phải thịt, các loài rau và hoa quả đa dạng.

Ăn lành mạnh theo phương pháp Bristol Whole Life Approach hướng tới hỗ trợ mọi người ăn uống lành mạnh và đối phó tốt hơn với tác động về thể chất và tinh thần của ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng rằng tuân theo các khuyến nghị này sẽ làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.

Chế độ ăn không có sữa

Một số người mắc ung thư vú lo lắng về ăn các thực phẩm từ sữa động vật và tin rằng tuân theo chế độ ăn không có sữa sẽ làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.

Trong chế độ ăn không có sữa, các thực phẩm từ sữa động vật được thay thế bằng các thực phẩm không sữa như là các sản phẩm từ đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa dừa và sữa gạo.

Không có bằng chứng vững chắc chắn rằng tuân theo chế độ ăn không sữa sẽ làm giảm nguy cơ tái phát. Do các thực phẩm từ sữa là một trong những nguồn canxi chính nên cần đưa các thực phẩm này vào chế độ ăn.

Chế độ ăn thực dưỡng

Chế độ ăn thực dưỡng là chế độ ăn giàu ngũ cốc toàn phần, ít chất béo và protein. Có nhiều loại chế độ ăn thực dưỡng khác nhau và một số chế độ nghiêm ngặt hơn các chế độ khác. Các chế độ ăn này cũng gồm các hướng dẫn về chuẩn bị thực phẩm, lối sống và môi trường sống.

Chế độ ăn này thường rất nghiêm ngặt và ít calo, canxi, sắt, các vitamin nhóm B và các chất dinh dưỡng khác, nên có thể không phù hợp, thậm chí là có hại cho bạn. Hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng hoặc nhóm bác sĩ điều trị để được tư vấn.

Chất cồn

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng uống chất cồn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Uống chất cồn có ảnh hưởng tới tiên lượng của ung thư vú hay không thì hiện chưa rõ.

Viện Sức khỏe và chăm sóc Quốc gia (NICE) khuyến nghị những người mắc ung thư vú hạn chế lượng chất cồn uống vào dưới 5 đơn vị một tuần.

Sử dụng dụng cụ tính đơn vị online, bạn có thể tính được bao nhiêu đơn vị chất cồn trong lượng bạn uống vào, như:

  • 235 ml bia có độ cồn mạnh trung bình (4%) = 1 đơn vị
  • Một cốc vang 175 mm (12,5%) = 2 đơn vị
  • 25 ml rượu mạnh (40%) = 1 đơn vị

Cần nhớ rằng chất cồn sinh ra nhiều calo.

Hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng hút thuốc lá có thể ảnh hưởng tới nguy cơ tái phát ung thư vú, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu đển có thêm thông tin.

Chúng ta biết hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh, nếu bạn muốn dừng hút thuốc lá thì có nhiều chương trình có thể giúp bạn. Hãy nói chuyện với dược sĩ, bác sĩ đa khoa hoặc điều dưỡng để được tư vấn.

Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ tái phát nhưng cần nghiên cứu để có thêm thông tin.

Hoạt động thể chất đều đặn có thể giúp cải thiện sức khỏe dài hạn của bạn như giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và một số loại ung thư.

Chế độ ăn và ung thư vú tái phát

Nếu bạn mắc ung thư vú tái phát thì các phương pháp điều trị và bản thân ung thư đều có thể ảnh hưởng lên chế độ ăn, nhất là cảm giác ngon miệng và thay đổi vị giác.

Tài liệu tham khảo

https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc98_diet_and_breast_cancer_2019_web.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích