menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Phù phổi

user

Ngày:

26/07/2018

user

Lượt xem:

402

Bài viết thứ 09/25 thuộc chủ đề “Các bệnh Nội hô hấp”

Phù phổi là tình trạng có thừa dịch trong phổi. Dịch tập trung trong nhiều túi khí ở phổi (phế nang), làm người bệnh khó thở. Nguyên nhân thường gặp nhất của phù phổi là suy tim (trường hợp này gọi là phù phổi do tim). Tuy nhiên, phù phổi có thể do nhiều tình trạng khác gây nên mà không phải ảnh hưởng trực tiếp từ tim (phù phổi không do tim).

Bệnh nhân bị phù phổi đột ngột cần nhập viện khẩn cấp. Việc điều trị bao gồm thở oxy, thuốc để loại bỏ dịch ra khỏi phổi (thuốc lợi tiểu) và các thuốc khác giúp tim hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, còn nhiều biện pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây phù phổi. Phù phổi có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tim và mạch máu có vai trò gì?

Chức năng chính của tim là bơm máu đi khắp cơ thể. Máu có vai trò sống còn, giúp vận chuyển dưỡng chất và cả sản phẩm dư thừa. Một trong các dưỡng chất có trong máu là oxy.

Tim bên phải nhận máu đã khử oxy (thiếu oxy) từ cơ thể. Sau khi đi qua tâm nhĩ phải và tâm thất phải, máu được bơm đến phổi. Tại đây, máu nhận oxy và thải CO2. Khi rời khỏi phổi, máu chảy trở lại tâm nhĩ trái. Sau đó, máu đi vào tâm thất trái và được bơm vào động mạch chủ, cung cấp máu cho toàn cơ thể. Các mạch máu vận chuyển máu được oxy hóa đi đến tất cả các mô trong cơ thể. Tại đây, oxy và các dưỡng chất khác đi vào trong tế bào và được sử dụng để thực hiện các chức năng quan trọng của cơ thể.

Phù phổi có thường gặp không?

Phù phổi là một tình trạng thường gặp ở người cao tuổi nhưng rất ít gặp ở người trẻ. Có khoảng 1 trong khoảng 15 người từ 75-84 tuổi và 1 trong số 7 người từ 85 tuổi trở lên bị suy tim.

Dòng máu bình thường ở tim và phổi

Nguyên nhân gây phù phổi là gì?

Phù phổi có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Tăng áp lực mạch máu trong phổi (tăng áp phổi). Tình trạng này thường xảy ra kèm với suy tim.
  • Tổn thương các mạch máu rất nhỏ (mao mạch) trong phổi, làm cho dịch dễ đi vào phổi hơn. Tình trạng này xảy ra kèm với tổn thương phổi, ví dụ hít khói thuốc hoặc viêm phổi.
  • Suy chức năng mạch bạch huyết (giúp loại bỏ dịch ra khỏi phổi).

Phù phổi thường do nguyên nhân suy tim. Khi tim không thể bơm hiệu quả máu đi khắp cơ thể, lượng máu tĩnh mạch mang máu đi qua phổi đến tim trái tăng lên. Khi áp lực trong các mạch máu này tăng, dịch được đẩy vào trong các túi khí (phế nang) trong phổi. Lượng dịch này làm giảm vận chuyển oxy đi qua phổi, gây ra khó thở.

Suy tim gây ra phù phổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân này bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Bất cứ bệnh nào về tim gây yếu hoặc xơ cứng cơ tim (bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh cơ tim giãn nở).
  • Hẹp hoặc hở van tim (van hai lá hoặc van động mạch chủ).
  • Nhịp tim bất thường.
  • Tăng huyết áp nặng, đột ngột.

Phù phổi cũng có thể do các tình trạng khác ngoài bệnh tim, bao gồm:

  • Đến vùng núi cao.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn (ARDS).
  • Tổn thương thận cấp hoặc bệnh thận mạn.
  • Tổn thương phổi do khí độc hoặc nhiễm trùng nặng.
  • Sau một chấn thương nặng.

Triệu chứng của phù phổi là gì?

Các triệu chứng của phù phổi có thể bao gồm ho ra máu hoặc bọt hồng, khó thở khi nằm hoặc không thể nói câu hoàn chỉnh do khó thở. Có khi bạn cần phải nằm ngủ với kê cao gối ở đầu và nửa thân trên. Các triệu chứng khác bao gồm lo lắng hoặc vật vã, suy giảm ý thức, vã mồ hôi.

Phù phổi được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ thăm khám:

  • Tần số và nhịp tim.
  • Đo huyết áp.
  • Dùng ống nghe để tìm âm thanh bệnh lý ở phổi, cho thấy có dịch bất thường.
  • Nghe âm thổi ở tim, cho thấy van tim có vấn đề.

Các xét nghiệm

Có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu, dùng để khảo sát:
  • Thiếu máu.
  • Chức năng thận.
  • Nồng độ muối trong máu (điện giải đồ).
  • Phù phổi có do nhồi máu cơ tim hay không.
  • Một chất gọi là natriuretic peptide (BNP), chất này có xu hướng tăng ở bệnh nhân suy tim.
  • Theo dõi nồng độ oxy trong máu với oxy kế theo mạch đập (pulse oximetry), phương pháp này dùng một cảm biến đặt lên vùng da mỏng, như ở ngón tay.
  • X quang phổi để tìm dấu hiệu suy tim hoặc các vấn đề khác ở phổi, như viêm phổi.
  • Siêu âm tim để xem có vấn đề ở cơ tim hay không (như yếu, dày, suy chức năng giãn nở, hẹp hoặc hở van tim, hoặc dịch bao quanh tim).
  • Điện tim để tìm dấu hiệu của nhồi máu cơ tim hoặc vấn đề về nhịp tim.

Phù phổi được điều trị như thế nào?

Bệnh nhân bị phù phổi đột ngột cần được nhập viện khẩn cấp. Bệnh nhân cần được điều trị với oxy, thuốc để loại bỏ dịch ra khỏi phổi (thuốc lợi tiểu) và các thuốc khác giúp tim hoạt động hiệu quả hơn.

Các biện pháp điều trị bổ sung tùy thuộc nguyên nhân gây phù phổi.

Bệnh nhân cũng cần được điều trị khẩn cấp cho nguyên nhân gây phù phổi, ví dụ điều trị nhồi máu cơ tim, bệnh do độ cao hoặc tổn thương thận cấp.

Nếu oxy và thuốc không điều trị phù phổi thành công, có thể cần dùng máy thở hoặc các phương pháp khác giúp thở cho đến khi tình trạng phù phổi được cải thiện.

Có biến chứng nào không?

Nếu phù phổi vẫn tiếp diễn, nó có thể gây tăng áp lực trong tim phải và thậm chí suy tim phải. Suy tim phải có thể gây phù chân, ứ dịch ở bụng (báng bụng), gan to và sung huyết.

Dự đoán về tiến triển của bệnh (tiên lượng) ra sao?

Tiên lượng phụ thuộc vào nguyên nhân gây phù phổi. Phù phổi có thể cải thiện nhanh hoặc chậm. Tuy nhiên, phù phổi cũng có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. http://patient.info/health/pulmonary-oedema
  2. Chronic heart failure: Management of chronic heart failure in adults in primary and secondary care; NICE Clinical Guideline (August 2010)
  3. Acute and Chronic Heart Failure; European Society of Cardiology (2012)
  4. Murray JF; Pulmonary edema: pathophysiology and diagnosis. Int J Tuberc Lung Dis. 2011 Feb;15(2):155-60, i.
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích