menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Bệnh thận mạn tính

user

Ngày:

30/07/2018

user

Lượt xem:

3389

Bài viết thứ 03/19 thuộc chủ đề “Các bệnh nội thận tiết niệu”

Bệnh thận mạn tính (Chronic Kidney Disease – CKD) có nghĩa là thận của bạn không còn làm việc tốt như trước. Có nhiều nguyên nhân gây ra CKD. Trường hợp nặng có thể có nhiều biểu hiện đa dạng nhưng phần lớn các trường hợp là ở dạng vừa và nhẹ, xảy ra ở người lớn tuổi, không gây ra triệu chứng và không tiến triển thành suy thận. Người có bệnh thận mạn tính ở bất kì giai đoạn nào đều bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Đó là nguyên do quan trọng để tầm soát bệnh lí này ngay từ khi bệnh còn ở thể nhẹ. Điều trị có thể không chỉ làm chậm tiến triển bệnh mà con giảm nguy cơ phát triển bệnh tim hay đột quỵ.

Thận và nước tiểu

Hai thận nằm về phía bên ở phần trên của ổ bụng, phía sau ruột và cạnh hai bên cột sống. Mỗi thận có kích thước tương đương một quả cam lớn nhưng có hình hạt đậu.

Động mạch lớn – động mạch thận – đưa máu đến mỗi thận. Động mạch chia thành nhiều mạch máu nhỏ (gọi là mao mạch) xuyên suốt thận. Ở phần vỏ thận, các mạch máu nhỏ chụm lại với nhau hình thành nên cấu trúc gọi là cầu thận.

Mỗi cầu thận có chức năng giống như một máy lọc. Cầu thận cho phép các sản phẩm thừa và một lượng nước, muối từ máu đi qua nó để vào trong một kênh nhỏ gọi là ống thận. Chất lỏng còn lại ở cuối mỗi ống gọi là nước tiểu. Nước tiểu đi xuống trong một ống dài nối từ mỗi thận đến bàng quang gọi là niệu quản. Nước tiểu được dự trữ trong bàng quang đến khi chúng ta đi tiểu thì được tống ra ngoài.

Chức năng chính của thận gồm:

  • Lọc ra các sản phẩm thải từ máu, các sản phẩm này sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu.
  • Giúp điều hoà huyết áp, một phần nhờ đưa nước ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và một phần nhờ tạo ra nội tiết tố giúp điều hoà huyết áp
  • Tạo ra một nội tiết tố được gọi là erythropoietin, có tác dụng kích thích tuỷ xương sản sinh hồng cầu, giúp ngăn chặn bệnh thiếu máu.
  • Giúp giữ nhiều loại muối và hoá chất trong máu ở nồng độ thích hợp.
Xem thêm bài Thận và hệ tiết niệu củaBS. Nguyễn Minh Nguyên và BS. Đinh Thị Phương Hoài

Bệnh thận mạn tính (CKD) là gì?

CKD có nghĩa là thận bị bệnh hoặc tổn thương ở một phương diện nào đó hoặc bị già đi. Kết quả là thận làm việc không hiệu quả như trước nữa. Vì vậy, nhiều chức năng thận bị ảnh hưởng. Có nhiều tình trạng có thể gây ra CKD.

Giải thích một số thuật ngữ:

  • Mạn tính: đang tiến triển, dai dẳng và lâu dài. Nó không có nghĩa nghiêm trọng như nhiều người nghĩ. Bạn có thể bị CKD nhẹ. Có rất nhiều người bị CKD nhẹ.
  • Suy thận mạn là thuật ngữ đôi khi được dùng với nghĩa gần giống CKD. CKD là thuật ngữ nhẹ hơn, vì suy thận ngụ ý thận đã hoàn toàn không còn làm việc được, trong khi hầu hết trường hợp CKD thì không như vậy, phần lớn người bị CKD chỉ giảm vừa hay giảm nhẹ chức năng thận, thường không gây ra triệu chứng và thận chưa bị “suy”.
  • Tổn thương thận cấp: được dùng trong trường họp suy thận cấp. Có nghĩa là chức năng thận bị ảnh hưởng nhanh-trong vài giờ hoặc vài ngày. Ví dụ, thận có thể bị triệu chứng nếu bạn bị nhiễm trùng máu nặng ảnh hưởng đến thận. Nó ngược với CKD có sự suy giảm chức năng thận từ từ-qua nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Làm sao để chẩn đoán CKD?

Bệnh thận mãn tính

Một xét nghiệm máu đơn giản có thể ước lượng lưu lượng máu được lọc bởi các máy lọc nhỏ (cầu thận) trong thận trong một khoảng đơn vị thời gian. Xét nghiệm này được gọi là độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Độ lọc cầu thận bình thường từ 90ml/phút/1,73m trở lên. Nếu một số cầu thận không lọc được nhiều như bình thường, khi đó thận được gọi là giảm hay hư hỏng chức năng thận.

Xét nghiệm eGFR liên quan đến một xét nghiệm máu đo lường một loại hoá chất gọi là creatinine.

Creatinine là sản phẩm phân rã của cơ. Creatinine bình thường được lọc ra từ máu và thải qua thận. Nếu thận không hoạt động tốt và các cầu thận không lọc được máu như bình thường thì mức creatinine trong máu sẽ tăng lên.

Mức lọc cầu thận eGFR được tính dựa trên tuổi, giới tính và mức creatinine máu. Phép tính này được điều chỉnh lại nếu áp dụng với người gốc Phi-Caribbean.

CKD được chẩn đoán bởi eGFR và các yếu tố khác, và được chia thành 5 giai đoạn:

Giai đoạn CKD eGFR ml/phút/1,73m
Giai đoạn 1: mức lọc cầu thận cho thấy chức năng thận bình thường nhưng bạn đã được cho biết mình có bệnh hoặc tổn thương về thận. Ví dụ, bạn có thể có protein hoặc máu trong nước tiểu, bất thường ở thận, viêm thận, v.v.. Từ 90 trở lên
Giai đoạn 2: chức năng thận giảm nhẹ VÀ bạn đã được cho biết mình có bệnh hoặc tổn thương thận. Người có mức lọc cầu thận từ 60 đến 89 mà trước đó không được chẩn đoán là đã có bệnh thận hay tổn thương thận thì không được xem là mắc bệnh thận mạn (CKD) 60 đến 89
Giai đoạn 3: giảm chức năng thận vừa (có hoặc không có bệnh thận trước đó). Ví dụ, một người lớn tuổi có thận bị lão hoá có thể bị suy giảm chức năng thận mà không có bệnh thận đặc trưng nào) 45 đến 59(3A)

30 đến 44(3B)

Giai đoạn 4: suy giảm chức năng thận nặng. (có hoặc không có bệnh thận trước đó) 15 đến 29
Giai đoạn 5: suy giảm chức năng thận rất nặng. Đôi khi được gọi là suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận đã hình thành Dưới 15

Chú ý: Bình thường eGFR có thể thay đổi nhẹ giữa các lần đo khác nhau. Trong một số trường hợp, những thay đổi này có thể thực sự đủ lớn để chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác và sau đó chuyển ngược lại. Tuy nhiên, miễn là mức lọc cầu thận không tiến triển xấu dần đi, giá trị trung bình là quan trọng nhất.

Những người nào nên được kiểm tra eGFR?

Xét nghiệm eGFR máu thông thường được thực hiện một cách thường qui cho những người mắc bệnh thận hoặc có những rối loạn ảnh hưởng đến thận, như đái tháo đường hay tăng huyết áp. Xét nghiệm này cũng được làm trong qui trình kiểm tra của nhiều trường hợp khác. Nếu bạn được phát hiện mắc phải CKD thì eGFR thường được làm định kì đều đặn để theo dõi chức năng thận.

Mức độ phổ biến của CKD?

Cứ mỗi 10 người thì có 1 người mắc CKD. Bệnh có thể được phát hiện ở bất kỳ độ tuổi nào và nhiều tình trạng bệnh lí có thể gây CKD. Càng lớn tuổi càng nhiều người mắc bệnh này và nữ mắc bệnh nhiều hơn.

Mặc dù khoảng hơn một nửa số người ở tuổi 75 có CKD, phần lớn những người này không thực sự có bệnh ở thận mà thận của họ chỉ bị lão hóa theo diễn tiến tự nhiên.

Hầu hết các trường hợp CKD ở mức nhẹ và vừa.

Điều gì gây nên CKD?

Một số tình trạng có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn đến thận và/hoặc ảnh hưởng tới chức năng thận và dẫn đến CKD. 3 nguyên nhân phổ biến ở Anh chiếm đến khoảng 3 trong 4 trường hợp CKD ở người lớn là:

  • Đái tháo đường: bệnh thận do đái tháo đường là một biến chứng thường gặp ở bệnh đái tháo đường.
  • Tăng huyết áp: huyết áp cao không chữa trị hoặc chữa trị không đầy đủ là một nguyên nhân lớn của CKD. Tuy nhiên, CKD cũng có thể gây tăng huyết áp, vì thận có vai trò trong điều hoà huyết áp. Khoảng 9/10 người bị CKD giai đoạn 3-5 có tăng huyết áp.
  • Thận lão hoá: lão hóa có thể gây suy giảm chức năng thận. Khoảng hơn một nửa số người ở độ tuổi 75 mắc CKD. Phần lớn các trường hợp này không tiến triển vượt quá giai đoạn vừa trừ khi có thêm những vấn đề khác về thận như bệnh thận do đái tháo đường.

Những rối loạn khác gây ra CKD ít gặp hơn gồm:

  • Bệnh lí ở các máy lọc nhỏ (cầu thận), như viêm cầu thận.
  • Hẹp động mạch dẫn máu đến thận (hẹp động mạch thận).
  • Bệnh thận đa nang.
  • Tắc nghẽn dòng nước tiểu, và nhiễm trùng thận tái đi tái lại.

Tuy nhiên, danh sách này chưa đầy đủ và còn có nhiều nguyên nhân khác.

Các triệu chứng của CKD?

Với CKD từ nhẹ đến vừa, tương đương giai đoạn 1 đến 3, bạn thường ít khi có triệu chứng hay cảm thấy không khoẻ. (Tuy nhiên, có thể có một số triệu chứng của các bệnh nền như đau thận ở một số trường hợp bệnh thận). CKD thường được chẩn đoán bằng kiểm tra eGFR trước khi có triệu chứng.

Các triệu chứng thường xuất hiện khi CKD trở nên nghiêm trọng (giai đoạn 4) hoặc tệ hơn. Các triệu chứng ban đầu thường mơ hồ và không điển hình, như cảm thấy mệt mỏi, ít năng lượng hơn bình thường, và chỉ không cảm thấy khoẻ. Với các trường hợp CKD nặng hơn, các triệu chứng có thể phát triển bao gồm:

  • Khó suy nghĩ rõ ràng
  • Giảm khẩu vị
  • Sụt cân
  • Da khô, ngứa
  • Chuột rút
  • Ứ dịch gây nên sưng bàn chân và mắt cá chân
  • Sưng quanh mắt
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Nhợt nhạt vì thiếu máu
  • Cảm thấy mệt mỏi

Nếu chức năng thận giảm đến giai đoạn 4 hoặc 5 thì nhiều vấn đề khác có thể phát sinh, như thiếu máu và mất cân bằng calci, phosphate và các chất khác trong máu. Điều này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác, như mệt mỏi do thiếu máu, xương mỏng hoặc dễ gãy do mất cân bằng calci và phosphate. Suy thận giai đoạn cuối (giai đoạn 5) sẽ gây tử vong nếu không điều trị.

Tôi có cần làm các xét nghiệm khác?

Như đã đề cập, eGFR được làm để chẩn đoán và khảo sát sự tiến triển và mức độ nặng của CKD. Ví dụ, xét nghiệm này nên được làm đều đặn ít nhất 1 lần mỗi năm với người ở giai đoạn 1 hoặc 2 CKD, và thường xuyên hơn ở những người ở giai đoạn 3, 4 hoặc 5 CKD.

Thỉnh thoảng bạn nên kiểm tra nước tiểu đều đặn bằng que đo để kiểm tra máu và protein trong nước tiểu, và làm các xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ các hóa chất Natri, Kali, Calci và Phosphate trong máu. Nếu có các vấn đề khác, có thể sẽ cần làm thêm các xét nghiệm khác, khi đó bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn. Ví dụ:

  • Siêu âm thận hoặc sinh thiết thận có thể được khuyên làm nếu có nghi ngờ một số bệnh lí thận nhất định. ví dụ, nếu bạn có rất nhiều protein hoặc máu trong nước tiểu, nếu bạn có cơn đau có thể có nguyên nhân từ thận,v.v…
  • Siêu âm hoặc lấy mẫu xét nghiệm (sinh thiết) không cần thiết trong hầu hết các trường hợp. Vì hầu hết người bị CKD có nguyên nhân đã được xác định gây ra hư hại chức năng thận, như biến chứng của đái tháo đường, huyết áp cao hoặc lão hoá.
  • Nếu CKD tiển triển đến giai đoạn 3 hay nặng hơn thì có thể phải làm thêm nhiều xét nghiệm khác. ví dụ, xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu và mức độ thay đổi của lượng hormone tuyến cận giáp (PTH). PTH liên quan đến sự điều chỉnh lượng calci và phosphate trong máu.

Điều trị CKD

Điều trị trong hầu hết trường hợp CKD thường được thực hiện bởi các bác sĩ đa khoa. Bởi vì hầu hết các ca là từ nhẹ đến vừa (giai đoạn 1-3) và không yêu cầu sự điều trị đặc biệt. Bác sĩ đa khoa của bạn có thể khuyên bạn đến chuyên khoa nếu bạn phát triển giai đoạn 4 hoặc 5 CKD, hoặc bất kì giai đoạn nào nếu bạn có vấn đề hoặc triệu chứng cần sự can thiệp chuyên khoa.

Các nghiên cứu cho thấy, ở nhiều người, điều trị ở các giai đoạn sớm CKD có thể ngăn chặn hoặc làm chận tiến triển thành bệnh suy thận thực sự.

Mục đích của điều trị bao gồm:

  • Điều trị các bệnh nền, nếu có thể
  • Ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển CKD
  • Giảm nguy cơ phát sinh các bệnh tim mạch
  • Giảm các triệu chứng và các rối loạn do CKD

Điều trị bệnh nền tại thận

Nhiều tình trạng khác nhau có thể gây CKD. Có phương pháp điều trị đặc hiệu cho từng trường hợp cụ thể- ví dụ:

  • Kiểm soát đường máu tốt đối với những người có bệnh đái tháo đường.
  • Kiểm soát huyết áp cho những người bị tăng huyết áp.
  • Điều trị kháng sinh cho những người có nhiễm trùng thận tái lặp.
  • Phẫu thuật cho người bị tắc nghẽn đường tiểu.

Ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của CKD

Sau khi CKD đã phát triển, trong nhiều trường hợp nó có xu hướng dần dần trở nên tồi tệ hơn qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi nguyên nhân cơ bản đã được xử lý. Bạn cần phải kiểm tra tổng quát ngay hiện tại và sau đó bởi bác sĩ hoặc y tá theo dõi chức năng thận của bạn – kiểm tra độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Họ cũng sẽ điều trị và tư vấn cho bạn làm thế nào để ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của CKD. Việc này thường bao gồm:

  • Kiểm soát huyết áp. Việc điều trị quan trọng nhất để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của CKD, bất kể nguyên nhân cơ bản, là giữ cho huyết áp của bạn được kiểm soát tốt. Hầu hết những người bị CKD sẽ cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp của họ. Bác sĩ sẽ đề ra một mức huyết áp phù hợp, thường là dưới 130/80 mm Hg, và thậm chí thấp hơn ở một số tình huống.
  • Xem lại việc sử dụng thuốc. Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng đến thận và làm CKD nặng hơn. Ví dụ, nếu bạn có CKD thì không nên dùng các loại thuốc chống viêm, trừ khi đó là lời khuyên của bác sĩ. Bạn cũng có thể cần phải điều chỉnh liều thuốc đang dùng nếu tình trạng CKD trở nên tồi tệ.

Giảm nguy cơ phát sinh bệnh tim mạch

Những người bị CKD tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên. Những người bị CKD tăng gấp hai mươi lần khả năng chết vì bệnh tim mạch liên quan hơn là vì CKD. Đây là lý do tại sao việc giảm mọi yếu tố nguy cơ tim mạch khác là rất quan trọng. (Xem chuyên đề gọi là Phòng ngừa bệnh tim mạch để biết chi tiết) . Một cách ngắn gọn, việc này bao gồm:

  • Kiểm soát huyết áp (và nồng độ đường trong máu nếu bạn có bệnh đái tháo đường).
  • Thuốc hạ cholesterol (gọi là statin), thường được dùng cho những người bị CKD.
  • Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ trong lối sống cho phù hợp. Có nghĩa là:
  • Ngừng hút thuốc nếu bạn hút thuốc và giảm lượng rượu nếu bạn uống quá nhiều.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối.
  • Giữ cân nặng và vòng eo của bạn.
  • Hoạt động thể dục thường xuyên.

Nếu bạn có nồng độ protein trong nước tiểu cao thì bạn có thể được khuyên dùng thuốc ngay cả khi huyết áp ở mức bình thường. Có một loại thuốc  thực chất là một loại enzyme (ACE), nó ức chế chuyển hoá angiotensin (ví dụ, captopril, enalapril, ramipril, lisinopril) đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho một số người bị CKD, vì nó làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và có thể ngăn chặn sự chuyển biến xấu đi của chức năng của thận.

Làm giảm triệu chứng và những vấn đề gây ra bởi CKD

Nếu CKD trở nên nghiêm trọng, bạn có thể cần điều trị để chống lại các vấn đề khác nhau gây ra bởi sự suy giảm chức năng thận. Ví dụ như:

  • Bệnh thiếu máu có thể tiến triển, do đó cần được điều trị bằng sắt hoặc erythropoietin – một hormone thường được sản xuất bởi thận.
  • Nồng độ canxi và phosphate trong máu bất thường có thể cần điều trị.
  • Bạn có thể được tư vấn về lượng nước uống vào, và lượng muối dùng như thế nào là vừa đủ.
  • Bác sĩ có thể cho những lời khuyên dinh dưỡng khác để giúp bạn kiểm soát nồng độ canxi và kali trong cơ thể.

Nếu tiến triển đến CKD giai đoạn cuối, bạn có khả năng phải lọc thận hoặc ghép thận để tồn tại.

Những người có CKD giai đoạn 3 hoặc tệ hơn nên được chủng ngừa cúm mỗi năm, và chủng ngừa một lần đối với phế cầu. Những người mắc CKD giai đoạn 4 nên được chủng ngừa viêm gan B.

Tiên lượng

CKD các giai đoạn 1-3 (từ nhẹ đến vừa) là phổ biến, với hầu hết các trường hợp xảy ra ở người lớn tuổi. Bệnh có xu hướng tiến triển nặng lên từ từ qua vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, tỉ lệ tiến triển khác nhau tùy từng trường hợp, và thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bất kỳ nguyên nhân cơ bản. Ví dụ, một số bệnh có thể làm chức năng thận của bạn trở nên tồi tệ hơn một cách tương đối nhanh chóng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, CKD tiến triển rất chậm. Chỉ có một số nhỏ những người CKD tiến triển đến CKD giai đoạn cuối (giai đoạn 5) đòi hỏi phải lọc thận hoặc ghép thận.

Đối với nhiều người CKD, họ có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tim mạch trong giai đoạn cuối CKD.

Tóm lại, các yếu tố sau đây có thể thay đổi tiên lượng của bạn:

  • Chú ý đến việc kiểm soát huyết áp.
  • Xem xét cẩn thận các loại thuốc để đảm bảo rằng người sử dụng ít có nguy cơ bị biến chứng trên thận.
  • Giảm nguy cơ phát sinh bệnh tim mạch

Tài liệu tham khảo

http://patient.info/health/chronic-kidney-disease-leaflet

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích