menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Kiểm soát và phòng ngừa cao huyết áp

user

Ngày:

16/08/2018

user

Lượt xem:

660

Bài viết thứ 05/06 thuộc chủ đề “Các bệnh Nội tổng quát”

Huyết áp là gì?

Huyết áp là lực đẩy của máu tác động lên thành các mạch máu (động mạch). Động mạch mang máu từ tim đến phổi, ở đây máu nhận oxy, rồi oxy được cung cấp cho các cơ quan và mô cơ thể. Các cơ quan và mô sử dụng oxy để tạo năng lượng cho các hoạt động của chúng. Các mạch máu khác được gọi là tĩnh mạch, mang máu ít oxy và chứa chất thải đến tim và phổi.

Nên đo huyết áp thường xuyên như thế nào?

Bạn nên đo huyết áp của mình ít nhất 2 năm 1 lần nếu huyết áp trong mức bình thường. Nên đo thường xuyên hơn nếu huyết áp cao hơn bình thường.

Huyết áp được đo như thế nào?

Một băng quấn chứa túi hơi sẽ được quấn quanh cánh tay của bạn. Không khí được bơm vào trong túi hơi. Huyết áp của bạn được đo trong khi băng quấn ôm chặt cánh tay.

Các con số của huyết áp có ý nghĩa gì?

Huyết áp gồm 2 con số. Chúng được tách ra bởi một dấu gạch chéo, ví dụ như 110/80. Bạn có thể nghe đọc là “110 trên 80”. Con số thứ nhất là áp lực tác động lên thành động mạch khi tim co bóp. Nó được gọi là huyết áp tâm thu. Con số thứ hai là áp lực tác động lên thành động mạch khi tim giãn ra giữa các lần co bóp. Đây là huyết áp tâm trương.

Có phải huyết áp giống nhau ở mọi thời điểm?

Huyết áp có thể tăng hoặc giảm tùy thời điểm: giảm khi ngủ và tăng khi hoạt động hay căng thẳng. Điều đó là bình thường. Huyết áp của bạn là trị số trung bình của vài lần đo khác nhau.

Phân loại huyết áp như thế nào?

Huyết áp của bạn sẽ thuộc một trong bốn nhóm: bình thường, tiền cao huyết áp, cao huyết áp độ 1 hay cao huyết áp độ 2. Những người có tiền cao huyết áp có nguy cơ chuyển thành cao huyết áp gấp 2 lần người có huyết áp bình thường. Phát hiện tiền cao huyết áp rất quan trọng. Nếu bạn bị tiền cao huyết áp, bạn có thể thay đổi lối sống để ngăn ngừa cao huyết áp.

Cao huyết áp có thể có tác hại gì đối với cơ thể?

Trước khi cao huyết áp gây ra triệu chứng, nó đã gây hại đến nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể.

  • Mạch máu – Cao huyết áp lâu ngày có thể gây hại đến thành động mạch. Thành động mạch tổn thương sẽ dễ thu hút các chất kết dính được gọi là mảng xơ vữa. Dần dần, mảng xơ vữa tiến triển làm động mạch cứng và hẹp đi, tạo nên tình trạng xơ vữa động mạch. Sự kết hợp giữa xơ vữa động mạch và cao huyết áp là nền tảng của đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
  • Tim – Khi áp lực máu tăng, tim phải làm việc nhiều hơn để chuyển oxy đến các mô. Lâu dần, tim sẽ to hơn. Thành tim có thể bị dày lên hoặc mỏng lại. Tim sẽ không bơm đủ cho nhu cầu của cơ thể. Các mô bị thiếu oxy, gây nên mệt mỏi, suy nhược và các vấn đề về hô hấp.
  • Não – Cao huyết áp có thể làm tắc các mạch máu não, làm cho các vùng não này bị thiếu oxy. Mạch máu não cũng có thể bị vỡ. Tình trạng này gọi là đột quỵ. Khi đó, các tế bào trong vùng não này có thể bị chết. Đột quỵ gây tổn thương não không hồi phục hoặc dẫn đến tử vong.
  • Thận – Thận lọc máu, đưa các chất thải ra khỏi cơ thể. Mạch máu thận dễ bị tổn thương do cao huyết áp. Khi thận không hoạt động bình thường, khả năng kiểm soát sự cân bằng muối và nước trong cơ thể bị gián đoạn, dẫn đến suy thận.
  • Mắt – Cao huyết áp có thể làm teo các mạch máu ở mắt, gây nên các vấn đề về thị lực và có thể dẫn đến mù.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của cao huyết áp là gì?

Các yếu tố sau gây tăng nguy cơ cao huyết áp:

  • Tuổi: Cao huyết áp gia tăng theo độ tuổi.
  • Chủng tộc: Cao huyết áp dễ xảy ở người gốc Phi hơn các chủng tộc khác.
  • Tiền sử gia đình: Cao huyết áp có tính gia đình.
  • Tiền sử bản thân: Các bệnh mạn tính như đái tháo đường và suy thận làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
  • Tiền sử mắc tiền sản giật.

Thói quen nào có thể ảnh hưởng đến huyết áp?

Thói quen cũng ảnh hưởng đến huyết áp. Đây là những thứ chúng ta có thể thay đổi. Bạn sẽ có nguy cơ cao huyết áp nếu:

  • Thừa cân.
  • Ít vận động.
  • Hút thuốc lá.
  • Uống nhiều rượu bia.
  • Chế độ ăn nhiều mỡ, ít trái cây và rau.
  • Chế độ ăn nhiều muối.

Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ cao huyết áp?

Thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ tăng huyết áp trong tương lai:

  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân.
  • Uống ít rượu bia.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế muối.
  • Thay đổi chế độ ăn: ăn nhiều thực phẩm tốt cho tim mạch.
  • Giảm căng thẳng.
Xem thêm bài "Chế độ ăn DASH – Ăn uống lành mạnh để khống chế huyết áp"

Tôi sẽ được điều trị như thế nào nếu thay đổi lối sống không làm giảm huyết áp?

Nếu chỉ thay đổi lối sống không làm giảm huyết áp thì cần sử dụng thuốc. Có nhiều loại thuốc có khả năng hạ huyết áp. Điều quan trọng là bạn vẫn phải tiếp tục dùng thuốc dù cảm thấy đã khỏe mạnh.Hơn nữa, bạn vẫn cần tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh ngay cả khi dùng thuốc để giúp huyết áp trong giới hạn bình thường.

Cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến thai kỳ?

Cao huyết áp trong thời kỳ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả vấn đề phát triển của thai nhi, sinh non và làm nặng thêm các vấn đề có sẵn do cao huyết áp. Nếu bạn bị cao huyết áp mạn tính (lâu dài) và có dự định sinh con, hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra trước khi mang thai. Trong suốt thai kỳ, huyết áp phải được đo thường xuyên. Bạn sẽ được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật. Bạn có thể phải làm một số xét nghiệm đặc biệt để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Cao huyết áp thai kỳ là gì?

Cao huyết áp xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 2 (sau tuần lễ thứ 20) của thai kỳ được gọi là cao huyết áp thai kỳ.Cách điều trị phụ thuộc vào huyết áp của bạn. Đa số phụ nữ bị cao huyết áp thai kỳ đều chỉ tăng huyết áp nhẹ. Tuy nhiên, một vài người lại bị cao huyết áp nặng và có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng. Tất cả thai phụ có cao huyết áp thai kỳ đều phải được kiểm soát chặt chẽ để chắc chắn rằng huyết áp không quá cao và không có dấu hiệu của tiền sản giật.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một rối loạn cao huyết áp nghiêm trọng, có thể xảy ra trong thai kỳ và vài tuần sau sinh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, nó có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và em bé. Tiền sản giật làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp và bệnh tim mạch về sau.

Một số biện pháp tránh thai không nên dùng nếu bị cao huyết áp?

Một số biện pháp tránh thai không nên dùng đối với phụ nữ bị cao huyết áp, bao gồm:

  • Tránh thai bằng nội tiết tố: Các phương pháp này có dùng nội tiết tố estrogen và progestin, chứa trong thuốc uống, miếng dán hoặc vòng âm đạo tránh thai.
  • Thuốc tiêm tránh thai: Biện pháp tránh thai này không nên sử dụng nếu huyết áp tâm thu từ 160 trở lên và huyết áp tâm trương từ 100 trở lên.

Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về việc sử dụng các thuốc hay phương pháp tránh thai nói trên.

Liệu pháp nội tiết sử dụng trong mãn kinh có thể ảnh hưởng đến huyết áp không?

Huyết áp thường không thay đổi nhiều khi sử dụng liệu pháp nội tiết. Liệu pháp nội tiết làm giảm huyết áp ở một số phụ nữ, nhưng lại làm tăng huyết áp ở một số phụ nữ khác.Ảnh hưởng của liệu pháp nội tiết lên huyết áp là không biết trước được, do vậy tất cả phụ nữ có sử dụng liệu pháp nội tiết nên kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Giải thích thuật ngữ

Bệnh tim mạch: Bệnh của tim và các mạch máu.

Cao huyết áp thai kỳ: Cao huyết áp khởi phát sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ.

Đột quỵ: Sự gián đoạn đột ngột của dòng máu đến toàn bộ hay một phần của não, do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, thường gây mất ý thức và liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Huyết áp tâm thu: Là áp lực của máu trong động mạch khi tim co bóp, còn gọi là huyết áp tối đa.

Huyết áp tâm trương: Là áp lực của máu trong động mạch khi tim giãn, còn gọi là huyết áp tối thiểu.

Liệu pháp nội tiết: Điều trị bằng estrogen và progestin nhằm giúp cải thiện triệu chứng do suy giảm các nội tiết tố này.

Nhồi máu cơ tim: Một vùng cơ tim bị tổn thương do sự cung cấp máu bị gián đoạn. Hầu hết nguyên nhân là do hẹp hoặc tắc nghẽn các động mạch vành nuôi tim.

Oxy: Loại khí cần thiết để duy trì sự sống.

Sinh non: Sinh trước tuần lễ thứ 37 của thai kỳ.

Thai nhi: Cơ thể/Sinh mệnh phát triển trong tử cung từ tuần thứ 9 của thai kỳ đến khi kết thúc thai kỳ.

Tiền sản giật: Một rối loạn có thể xảy ra trong suốt thai kỳ, hoặc sau khi sinh, trong đó có cao huyết áp và các dấu hiệu tổn thương cơ quan như tăng lượng đạm/protein trong nước tiểu, giảm tiểu cầu, bất thường chức năng gan thận, đau bụng vùng thượng vị, phù phổi, đau đầu nặng hoặc rối loạn thị giác.

Xơ vữa động mạch: Còn được gọi là xơ cứng động mạch, xảy ra  do sự tích tụ các mảng xơ vữa trong thành mạch gây hẹp và tắc động mạch.

Tài liệu tham khảo

https://www.acog.org/Patients/FAQs/Managing-High-Blood-Pressure

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích