menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Huyết áp thấp nguyên nhân, điều trị và dự phòng

user

Ngày:

21/08/2018

user

Lượt xem:

3327

Bài viết thứ 03/06 thuộc chủ đề “Các bệnh Nội tổng quát”

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp thấp thoạt nghe có vẻ như là mục tiêu để phấn đấu vì cao huyết áp có thể gây nên nhiều biến chứng đáng sợ. Tuy nhiên, đối với nhiều người, huyết áp thấp có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt và ngất xỉu. Trong những ca bệnh nặng, huyết áp thấp có thể đe dọa đến tính mạng.

Mặc dù huyết áp là khác nhau ở mỗi người, chỉ số huyết áp tâm thu (con số phía trên trong kết quả đo huyết áp) dưới 90 milimet thủy ngân (mmHg) hoặc huyết áp tâm trương (con số bên dưới) nhỏ hơn 60 mmHg thường được coi là huyết áp thấp.

Các nguyên nhân gây huyết áp thấp rất đa dạng, từ tình trạng mất nước đơn giản cho đến các rối loạn nghiêm trọng hơn do bệnh nội khoa hoặc liên quan đến phẫu thuật. Huyết áp thấp có thể chữa trị được, nhưng điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này để điều trị đúng cách.

Triệu chứng của huyết áp thấp

Đối với một số người, huyết áp thấp có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là khi huyết áp giảm xuống đột ngột hoặc có kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Chóng mặt hoặc hoa mắt
  • Ngất xỉu (ngất)
  • Thiếu tập trung
  • Mờ mắt
  • Buồn nôn
  • Da lạnh, ẩm, nhợt nhạt
  • Thở gấp và thở nông
  • Mệt mỏi
  • Trầm cảm
  • Khát

Huyết áp thấp

Hình 1: Triệu chứng của trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong nhiều trường hợp, huyết áp thấp là không nghiêm trọng. Nếu bạn có huyết áp thấp ổn định và cảm thấy khỏe, bác sĩ của bạn có thể sẽ chỉ theo dõi bạn định kỳ. Thậm chí việc thỉnh thoảng bị chóng mặt hoặc hoa mắt cũng có thể chỉ là vấn đề nhỏ – ví dụ khi nó là kết quả của tình trạng mất nước nhẹ do ở ngoài nắng hoặc ngâm trong bồn nước nóng quá lâu. Trong những tình huống này, vấn đề cần quan tâm không phải là huyết áp giảm bao nhiêu mà là giảm nhanh như thế nào.

Dù vậy, điều quan trọng là vẫn nên đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng hạ huyết áp nào vì đôi khi chúng có thể là biểu hiện của những vấn đề nghiêm trọng hơn. Việc ghi lại các triệu chứng, thời điểm xảy ra và việc bạn đang làm tại thời điểm đó có thể giúp ích cho việc chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Huyết áp là chỉ số áp lực trong động mạch trong kỳ hoạt động (co) và nghỉ ngơi (giãn) của mỗi nhịp tim. Bạn cần biết:

  • Huyết áp tâm thu: Con số đầu tiên (trên) trong kết quả đo huyết áp, cho biết áp lực mà tim gây nên khi bơm máu vào động mạch để đẩy máu đến các cơ quan trong cơ thể.
  • Huyết áp tâm trương: Con số thứ hai (dưới) trong kết quả đo huyết áp, cho biết áp lực trong động mạch khi tim đang nghỉ ngơi giữa các nhịp đập.

Huyết áp thấp_2

Hình 2: Đo huyết áp

Hướng dẫn hiện hành cho rằng huyết áp bình thường là nhỏ hơn hoặc bằng 120/80 mmHg mặc dù nhiều chuyên gia nghĩ rằng 115/75 là con số thích hợp hơn.

Mặc dù bạn luôn có thể đo chính xác chỉ số huyết áp bất cứ lúc nào, huyết áp không phải là cố định. Nó có thể thay đổi đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn – đôi khi từ nhịp tim này đến nhịp tim tiếp theo, tùy thuộc vào vị trí cơ thể, nhịp thở, mức độ căng thẳng, tình trạng sức khỏe, thuốc bạn đang uống, đồ ăn, thức uống, hay thậm chí còn tùy thuộc vào thời điểm trong ngày. Huyết áp thường thấp nhất vào ban đêm và tăng mạnh lúc thức dậy.

Huyết áp: Có thể thấp đến mức nào?

Huyết áp được coi là thấp với bạn có thể lại là bình thường đối với người khác. Hầu hết các bác sĩ chỉ xem huyết áp thấp kinh niên (mạn tính) là quá thấp khi nó gây ra các triệu chứng đáng kể.

Một số chuyên gia cho rằng huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu thấp hơn 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg. Chỉ cần có một trong hai chỉ số huyết áp thấp thì huyết áp của bạn đã bị coi là thấp hơn bình thường. Cụ thể hơn, nếu huyết áp tâm thu là 115 mmHg (hoàn hảo!), nhưng huyết áp tâm trương là 50 mmHg, bạn bị xem là có huyết áp thấp hơn so với bình thường.

Sự giảm huyết áp đột ngột cũng có thể gây nguy hiểm. Một sự thay đổi chỉ 20 mmHg – ví dụ khi giảm huyết áp tâm thu từ 110 xuống 90 – đã có thể gây chóng mặt và ngất xỉu khi não không được cung cấp đủ máu. Sự giảm huyết áp nhanh, đặc biệt là do mất máu không kiểm soát được, nhiễm khuẩn nặng hoặc dị ứng (sốc phản vệ), có thể đe dọa đến tính mạng.

Vận động viên và những người tập thể dục thường xuyên có xu hướng có huyết áp thấp hơn và nhịp tim chậm hơn. Vì vậy, nhìn chung, người không hút thuốc, theo chế độ ăn lành mạnh và duy trì cân nặng thích hợp cũng thường có huyết áp thấp hơn và nhịp tim chậm hơn.

Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của các rối loạn nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Các bệnh có thể gây ra huyết áp thấp

Một số tình trạng bệnh có thể gây ra huyết áp thấp, bao gồm:

  • Mang thai. Vì hệ tuần hoàn của người phụ nữ giãn ra nhanh chóng trong quá trình mang thai, huyết áp có xu hướng giảm. Trong 24 tuần đầu của thai kỳ, huyết áp tâm thu thường giảm từ 5 đến 10 mmHg và huyết áp tâm trương giảm từ 10 đến 15 mmHg. Điều này là bình thường, và sau khi sinh con, huyết áp thường trở lại mức trước khi mang thai.
  • Bệnh tim. Một số bệnh tim có thể dẫn đến huyết áp thấp bao gồm nhịp tim rất chậm, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim suy tim . Những bệnh này có thể gây ra huyết áp thấp vì chúng làm cơ thể không có đủ máu lưu thông.
  • Bệnh nội tiết. Chức năng tuyến giáp suy giảm (nhược giáp) hoặc tăng mạnh (cường giáp) có thể làm huyết áp thấp. Ngoài ra, các tình trạng khác như suy  thượng thận (bệnh Addison), lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) và đôi khi bệnh tiểu đường, cũng có thể gây ra huyết áp thấp.
  • Mất nước. Đây là tình trạng mà cơ thể bị mất nước nhiều hơn lượng nước nhận vào. Ngay cả việc mất nước nhẹ cũng có thể gây ra suy nhược, chóng mặt và mệt mỏi. Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và tập thể thao nặng đều có thể dẫn đến mất nước.
  • Nghiêm trọng hơn nhiều là tình trạng sốc giảm thể tích (hypovolemic shock), một biến chứng của mất nước có thể đe dọa đến tính mạng. Nó xảy ra khi thể tích máu thấp gây nên giảm huyết áp đột ngột và làm giảm lượng oxy đến các mô và cơ quan. Nếu không được điều trị, sốc giảm thể tích nặng có thể gây tử vong trong vòng vài phút hoặc vài giờ.
  • Mất máu. Mất rất nhiều máu do chấn thương nghiêm trọng hoặc chảy máu nội tạng làm giảm lượng máu trong cơ thể, dẫn đến sự tụt huyết áp nghiêm trọng. Đây cũng là một ví dụ có thể gây nên sốc giảm thể tích.
  • Nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết). Nhiễm trùng huyết có thể xảy ra khi nhiễm trùng trong cơ thể lan vào máu. Những bệnh này có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn gây tụt huyết áp đe dọa đến tính mạng.
  • Phản ứng dị ứng nặng ( sốc phản vệ). Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa đến tính mạng. Những tác nhân phổ biến của sốc phản vệ bao gồm thực phẩm, một vài loại thuốc, nọc độc côn trùng và cao su. Sốc phản vệ có thể gây ra khó thở, nổi mề đay, ngứa, sưng cổ họng và tụt huyết áp.
  • Thiếu các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn. Thiếu các vitamin B12 và folate có thể gây thiếu máu (tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ các tế bào hồng cầu) dẫn đến huyết áp thấp.

Các loại thuốc có thể gây ra huyết áp thấp

Một số loại thuốc có thể gây ra huyết áp thấp, bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu.
  • Thuốc chẹn alpha (alpha-blocker).
  • Thuốc chẹn beta (beta-blocker).
  • Thuốc cho bệnh Parkinson.
  • Một số thuốc chống trầm cảm (tricyclic antidepressants).
  • Sildenafil (Viagra), đặc biệt là khi kết hợp với các thuốc trị bệnh tim hay nitroglycerine.

Các loại huyết áp thấp

Các bác sĩ thường phân chia huyết áp thấp thành các loại khác nhau tùy vào nguyên nhân và các yếu tố khác. Một số loại huyết áp thấp bao gồm:

  • Huyết áp thấp khi đứng lên (hạ huyết áp theo tư thế) . Đây là sự giảm huyết áp đột ngột khi bạn đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm. Thông thường, lực hấp dẫn làm cho máu dồn về chân khi bạn đứng. Cơ thể ứng phó với hiện tượng này bằng cách tăng nhịp tim và co mạch máu, qua đó đảm bảo rằng bạn có đủ máu bơm lên não. Tuy nhiên, ở những người bị hạ huyết áp theo tư thế, cơ chế ứng phó này không hoạt động tốt và huyết áp giảm xuống khi bạn đứng dậy, dẫn đến các triệu chứng chóng mặt, choáng váng, mờ mắt và thậm chí ngất xỉu.

Hạ huyết áp theo tư thế có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm mất nước, nằm lâu trên giường, khi mang thai, bệnh tiểu đường, bệnh tim, bị bỏng, khi nhiệt độ quá cao, giãn tĩnh mạch chân nặng và một số rối loạn thần kinh. Một số thuốc cũng có thể gây tụt huyết áp theo tư thế, đặc biệt là những loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi (calcium blocker) và thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors), cũng như thuốc chống trầm cảm, thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson và rối loạn cương dương.

Hạ huyết áp theo tư thế đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi, được ghi nhận ở 20% những người trên 65 tuổi. Nhưng hạ huyết theo áp tư thế cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ tuổi, khỏe mạnh đứng lên đột ngột sau khi ngồi chéo chân hay ngồi xổm trong thời gian dài.

  • Huyết áp thấp sau bữa ăn . Đây là hiện tượng giảm huyết áp đột ngột sau bữa ăn, chủ yếu ghi nhận ở những người cao tuổi.

Cũng giống như trọng lực kéo máu chảy về chân khi bạn đứng, một lượng lớn máu sẽ chảy về hệ tiêu hóa sau khi ăn. Thông thường, cơ thể dung hòa hiện tượng này bằng cách tăng nhịp tim và co thắt một vài mạch máu để giúp duy trì huyết áp bình thường. Tuy nhiên, ở một số người, các cơ chế giữ cân bằng này không hoạt động tốt, dẫn đến chóng mặt, ngất và té ngã. Hạ huyết áp sau khi ăn có xu hướng ảnh hưởng đến những người có huyết áp cao hoặc bị rối loạn hệ thần kinh tự chủ như bệnh Parkinson. Giảm liều lượng thuốc chữa cao huyết áp và ăn nhiều bữa nhỏ, ít carbohydrate (ví dụ: tinh bột) có thể giúp giảm các triệu chứng này.

  • Huyết áp thấp do các tín hiệu thần kinh bị sai (hạ huyết áp qua trung gian thần kinh) . Rối loạn này làm huyết áp giảm khi đứng lâu, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và ngất xỉu.

Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, và có vẻ như nguyên nhân là do “sự hiểu lầm” giữa tim và não. Khi bạn đứng trong thời gian dài, huyết áp sẽ giảm do máu bị dồn về chân. Thông thường, cơ thể của bạn sẽ tự điều chỉnh để giữ huyết áp trong mức bình thường. Tuy nhiên, ở những người bị hạ huyết áp qua trung gian thần kinh, các dây thần kinh trong tâm thất trái của tim lại truyền tín hiệu báo cho não rằng huyết áp đang quá cao, chứ không phải là quá thấp. Kết quả là não “ra lệnh” làm giảm nhịp tim gây giảm huyết áp hơn nữa. Điều này làm máu dồn về chân nhiều hơn và càng ít máu đến não, dẫn đến choáng váng và ngất xỉu.

  • Huyết áp thấp do tổn thương hệ thần kinh (teo đa hệ thống gây hạ huyết áp theo tư thế) . Còn được gọi là hội chứng Shy-Drager, loại rối loạn hiếm gặp này gây tổn thương tăng dần lên hệ thần kinh tự chủ. Hệ thần kinh tự chủ vốn có nhiệm vụ kiểm soát các chức năng không tự ý như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và sự tiêu hóa. Mặc dù tình trạng này cũng đi kèm triệu chứng run cơ, cử động chậm, rối loạn phối hợp vận động và phát âm, cũng như tiểu tiêu không kiểm soát, đặc điểm chính của nó là hạ huyết áp mạnh khi đứng/ngồi và tăng huyết áp rất cao khi nằm xuống.

Ai có nguy cơ bị huyết áp thấp

Huyết áp thấp có thể xảy ra ở bất kỳ ai, mặc dù một số loại huyết áp thấp sẽ phổ biến hơn tùy thuộc vào độ tuổi hoặc các yếu tố khác.

  • Tuổi: Sự tụt huyết áp khi đứng lên hoặc sau khi ăn xảy ra chủ yếu ở người trên 65 tuổi. Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và người còn trẻ.
  • Thuốc: Những người dùng một vài loại thuốc nhất định, ví dụ thuốc chẹn alpha trong điều trị cao huyết áp, có nguy cơ bị huyết áp thấp nhiều hơn.
  • Một vài loại bệnh: Bệnh Parkinson , bệnh tiểu đường và một số bệnh tim khiến bạn có nhiều nguy cơ bị huyết áp thấp hơn.

Huyết áp thấp_3

Biến chứng

Huyết áp thấp có biến chứng như thế nào?

Tình trạng huyết áp thấp vừa phải không chỉ gây ra chóng mặt và suy nhược mà còn có thể gây ngất xỉu và nguy cơ chấn thương do té ngã. Huyết áp thấp nghiêm trọng vì bất kỳ nguyên nhân nào đều có thể làm cơ thể thiếu oxy để hoạt động bình thường, dẫn đến tổn thương tim và não.

Huyết áp thâp tháp thì bị cần chuẩn gì gặp bác sĩ?

Bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt khi kiểm tra huyết áp. Bạn nên mặc áo sơ mi ngắn tay đến gặp bác sĩ để túi hơi (cuff) của dụng cụ đo huyết áp có thể được quấn quanh cánh tay của bạn đúng cách.

Bởi vì một số thuốc – như thuốc không cần kê toa chống cảm lạnh, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngừa thai và những loại thuốc khác – có thể ảnh hưởng đến huyết áp, tốt hơn là bạn nên mang theo danh sách các loại thuốc và chất bổ sung bạn đang uống đến gặp bác sĩ. Trước khi có lời khuyên của bác sĩ, đừng ngưng dùng bất cứ loại thuốc nào dù bạn nghĩ rằng chúng có thể ảnh hưởng đến huyết áp của bạn.

Vì buổi khám bệnh có thể xảy ra chóng vánh, và vì thường có nhiều thủ tục cần phải làm, tốt hơn là bạn nên chuẩn bị kỹ cho buổi khám bệnh. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho buổi khám bệnh và những câu hỏi bác sĩ có thể hỏi bạn.

Huyết áp thấp – Những gì bạn có thể làm

  • Tìm hiểu kỹ về những thủ tục cần làm trước buổi khám bệnh. Khi đặt lịch khám, hãy nhớ hỏi về các thủ tục bạn cần làm trước ngày khám bệnh, chẳng hạn như hạn chế ăn uống trước buổi xét nghiệm máu.
  • Ghi lại bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải, bao gồm cả những triệu chứng có vẻ không liên quan đến huyết áp thấp.
  • Ghi lại các thông tin cá nhân cơ bản, bao gồm cả tiền sử bệnh huyết áp thấp của gia đình, những căng thẳng hoặc thay đổi lớn trong cuộc sống gần đây.
  • Liệt kê danh sách tất cả thuốc men cũng như bất kỳ loại vitamin hay chất bổ sung mà bạn đang dùng.
  • Đi cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè nếu có thể . Đôi khi bạn sẽ thấy khó khăn để nhớ hết tất cả các thông tin nhận được trong lúc khám bệnh. Người đi cùng có thể sẽ nhớ một vài thứ mà bạn bị quên.
  • Chuẩn bị tâm lý để thảo luận với bác sĩ về chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục của bạn. Nếu bạn chưa theo một chế độ ăn uống hoặc tập thể dục thường xuyên, hãy chuẩn bị tốt để nói chuyện với bác sĩ về những khó khăn bạn có thể phải đối mặt khi bắt đầu.
  • Viết sẵn câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn .

Vì thời gian bác sĩ khám bạn là có hạn nên việc chuẩn bị danh sách các câu cần hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian này. Liệt kê danh sách các câu hỏi từ quan trọng nhất đến ít quan trọng hơn để đề phòng không kịp thời gian. Một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ về huyết áp thấp bao gồm:

  • Nguyên nhân chính gây ra triệu chứng hoặc tình trạng này là gì?
  • Những nguyên nhân khác là gì?
  • Tôi sẽ cần những loại xét nghiệm nào?
  • Phương pháp điều trị tốt nhất là gì?
  • Những loại thực phẩm nào tôi nên ăn hoặc tránh ăn?
  • Mức độ hoạt động thể chất thích hợp đối với tôi là gì?
  • Bao lâu tôi nên được kiểm tra huyết áp thấp một lần?
  • Tôi có những bệnh khác. Làm thế nào tôi có thể điều trị chúng cùng lúc?
  • Tôi có cần phải hạn chế bản thân làm điều gì không?
  • Tôi có cần gặp bác sĩ chuyên khoa không?
  • Có loại thuốc generic nào có thể thay thế thuốc mà bác sĩ đang kê cho tôi không?
  • Có tài liệu nào về bệnh này mà tôi có thể đem về nhà xem không? Bác sĩ có thể giới thiệu trang web nào cho tôi không?

Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại đặt câu hỏi trong buổi khám bệnh bất cứ lúc nào bạn cảm thấy không hiểu điều gì đó.

Những câu hỏi bác sĩ có thể hỏi bạn

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi. Khi câu trả lời được chuẩn bị sẵn, bạn sẽ có thể dành thêm thời gian cho những điều mà bạn muốn tìm hiểu sâu hơn. Bác sĩ có thể hỏi:

  • Khi nào bạn bắt đầu có các triệu chứng?
  • Các triệu chứng xảy ra liên tục hay gián đoạn?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
  • Có bất kỳ điều gì có thể cải thiện các triệu chứng không?
  • Có điều gì có thể làm các triệu chứng tồi tệ thêm không?
  • Bạn có mắc bệnh nào khác không?
  • Những loại thuốc bạn đang dùng là gì?
  • Chế độ ăn uống hàng ngày điển hình của bạn là gì?
  • Trung bình một tuần bạn tập thể dục như thế nào?
  • Gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh tim không?

Xét nghiệm và chẩn đoán huyết áp thấp

Mục tiêu trong xét nghiệm huyết áp thấp là nhằm tìm ra nguyên nhân cơ bản của triệu chứng. Xét nghiệm này giúp xác định phương pháp điều trị chính xác và tìm ra bất kỳ vấn đề về tim, não, hay hệ thần kinh có khả năng gây ra huyết áp thấp. Trước khi chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị một hay một vài xét nghiệm sau đây:

  • Kiểm tra huyết áp: Thiết bị đo huyết áp thường gồm một túi khí vòng quanh tay (cuff) có thể được bơm căng lên và một máy đo áp suất. Kết quả đo huyết áp, theo đơn vị milimét thuỷ ngân (mmHg), gồm hai con số. Con số đầu tiên (trên) đo áp suất trong động mạch khi tim đập (áp suất tâm thu). Con số thứ hai (dưới) đo áp suất trong động mạch  giữa các nhịp đập (áp suất tâm trương).
  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu cung cấp thông tin về sức khỏe tổng quát của bạn và cho biết bạn có bị hạ đường huyết, bệnh tiểu đường hay thiếu máu hay không. Tất cả các bệnh này đều có thể làm huyết áp thấp hơn bình thường.
  • Điện tâm đồ (ECG). Thăm dò không xâm lấn này có thể được thực hiện trong phòng khám của bác sĩ giúp phát hiện bất thường trong nhịp tim, bất thường trong cấu trúc tim và các vấn đề liên quan đến sự cung cấp máu và ôxy cho cơ tim. Nó cũng có thể cho biết bạn có đang lên cơn đau tim hoặc đã từng lên cơn đau tim trong quá khứ hay không.

Đôi khi, bất thường về nhịp tim xuất hiện rồi biến mất, và điện tâm đồ sẽ không phát hiện ra bất kỳ vấn đề gì. Trong trường hợp này, bạn có thể được yêu cầu đeo một máy đo ghi điện tâm đồ trong 24 giờ (Holter monitor) để ghi lại hoạt động điện tim của bạn trong một ngày sinh hoạt bình thường.

  • Siêu âm tim. Thăm dò không xâm lấn này cho thấy hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim. Sóng siêu âm được truyền đi, và âm dội lại của chúng được ghi lại bằng một thiết bị gọi là bộ chuyển đổi (transducer) nằm ngoài cơ thể của bạn. Máy tính sử dụng thông tin từ bộ chuyển đổi để tạo ra hình ảnh chuyển động trên màn hình.
  • Kiểm tra tim gắng sức . Một số bệnh tim gây ra huyết áp thấp có thể được chẩn đoán dễ dàng hơn khi tim đang hoạt động mạnh hơn so với lúc nghỉ ngơi. Trong kiểm tra này, bạn sẽ phải vận động, chẳng hạn như đi bộ trên máy chạy bộ (treadmill). Bạn có thể được cho thuốc uống để kích thích tim hoạt động nhiều hơn nếu bạn không thể vận động. Trong lúc tim phải làm việc nhiều hơn, nó sẽ được theo dõi bằng điện tim hay siêu âm tim. Đồng thời, huyết áp của bạn cũng có thể được theo dõi.
  • Phương pháp Valsalva: phương pháp không xâm lấn này kiểm tra chức năng của hệ thần kinh tự chủ bằng cách phân tích nhịp tim và huyết áp sau vài chu kỳ hít thở sâu. Bạn hít một hơi thật sâu và sau đó thổi khí ra ngoài qua môi của bạn giống như bạn đang cố gắng thổi một quả bóng cứng.
  • Kiểm tra với bàn nghiêng: Nếu bạn bj huyết áp thấp khi đứng lên (hạ huyết áp theo tư thế), hoặc do các tín hiệu thần kinh bị sai (hạ huyết áp qua trung gian thần kinh), bác sĩ có thể đề nghị bạn làm kiểm tra với bàn nghiêng nhằm đánh giá phản ứng của cơ thể trước những thay đổi trong tư thế. Trong quá trình kiểm tra, bạn nằm trên một bàn nghiêng để nâng phần trên của cơ thể bạn, mô phỏng sự chuyển động từ tư thế nằm ngang sang tư thế đứng.

Điều trị huyết áp thấp thế nào?

Nếu không có triệu chứng, hoặc chỉ là triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như những đợt chóng mặt ngắn khi đứng lên, huyết áp thấp thường không cần phải điều trị. Nếu bạn có triệu chứng rõ rệt, phương pháp điều trị tốt nhất phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các bác sĩ thường cố gắng giải quyết nguyên nhân (rối loạn nguyên phát) – chẳng hạn như mất nước, suy tim, bệnh tiểu đường hoặc suy giáp – chứ không phải là hiện tượng huyết áp thấp. Nếu huyết áp thấp là do thuốc, phương pháp điều trị thường bao gồm việc thay đổi liều lượng hoặc ngừng hoàn toàn loại thuốc đó.

Nếu nguyên nhân gây ra huyết áp thấp là không rõ ràng hoặc không có phương pháp điều trị hiệu quả, mục tiêu trước hết sẽ là làm tăng huyết áp của bạn và làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng. Tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và loại huyết áp thấp mà bạn có, bạn có thể thực hiện điều này bằng nhiều cách:

  • Ăn nhiều muối hơn: Các chuyên gia thường khuyên bạn nên hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống vì natri có thể làm tăng huyết áp, đôi khi tăng đột ngột. Đối với những người bị huyết áp thấp, đây có thể là một điều tốt. Tuy nhiên, vì natri dư thừa có thể dẫn đến suy tim, đặc biệt là ở người lớn tuổi, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn.
  • Uống nhiều nước hơn: Mặc dù uống đủ nước có lợi cho gần như tất cả mọi người, uống đủ nước đặc biệt có lợi cho người có huyết áp thấp. Chất lỏng làm tăng thể tích máu và giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, cả hai đều rất quan trọng trong điều trị hạ huyết áp.
  • Mặc vớ đàn hồi : Các loại vớ đàn hồi thường được sử dụng để làm giảm đau và cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch có thể giúp giảm tụ máu ở chân.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc, dù uống riêng lẻ hoặc kết hợp, có thể được dùng để điều trị huyết áp thấp xảy ra khi bạn đứng lên (hạ huyết áp theo tư thế). Ví dụ, thuốc fludrocortisone thường được dùng trong điều trị loại huyết áp thấp này. Thuốc này giúp tăng thể tích máu dẫn đến tăng huyết áp. Các bác sĩ thường kê thuốc midodrine (Orvaten, Proamatine) để tăng huyết áp khi đứng lên ở những người bị hạ huyết áp theo tư thế mạn tính. Cơ chế hoạt động của thuốc này là hạn chế khả năng giãn mạch, dẫn đến tăng huyết áp.

Lối sống và cách điều trị ở nhà

Tùy thuộc vào lý do bị huyết áp thấp, bạn có thể làm một vài bước như gợi ý sau để giảm bớt hoặc thậm chí ngăn ngừa các triệu chứng:

  • Uống nhiều nước, ít rượu hơn: Rượu làm mất nước và làm giảm huyết áp, ngay cả khi bạn uống điều độ. Nước, mặt khác, chống mất nước và tăng thể tích máu.
  • Theo một chế độ ăn uống lành mạnh: Thu nhận các chất dinh dưỡng cần thiết để có sức khỏe tốt bằng cách tập trung vào nhiều loại thực phẩm đa dạng, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và thịt gà nạc và cá. Nếu bác sĩ của bạn khuyên nên dùng nhiều muối hơn mà bạn không thích ăn nhiều muối, hãy thử sử dụng nước sốt đậu nành tự nhiên hoặc thêm súp hỗn hợp khô để ngâm và trộn.
  • Chậm rãi khi thay đổi tư thế . Bạn có thể giảm nhẹ triệu chứng chóng mặt và choáng váng do huyết áp thấp khi đứng dậy bằng cách cử động nhẹ nhàng khi bạn chuyển từ tư thế nằm sang ngồi và đứng dậy. Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, hãy hít thở sâu một vài phút và sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng lên. Chỉnh đầu giường hơi cao hơn khi ngủ cũng có thể giúp chống lại các tác động của lực hấp dẫn. Nếu bạn bắt đầu có triệu chứng của huyết áp thấp khi đứng, bắt chéo bắp đùi theo hình cái kéo và ép chặt, hoặc đặt một chân trên mỏm đá hoặc trên ghế và nghiêng người về phía trước càng nhiều càng tốt. Những bài tập này giúp máu chảy từ chân về tim tốt hơn.
  • Ăn thành các bữa nhỏ, ít năng lượng. Để giúp ngăn ngừa huyết áp thấp sau bữa ăn, hãy ăn theo nhiều bữa nhỏ trong ngày và hạn chế các thực phẩm giàu carbohydrate như khoai tây, gạo, mì ống và bánh mì. Bác sĩ cũng có thể sẽ khuyên bạn nên uống cà phê hoặc trà có chứa caffeine trong bữa ăn để tạm thời làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, vì caffeine có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thêm thức uống có nhiều caffeine.

Tài liệu tham khảo

http://www.mayoclinic.com/health/low-blood-pressure/DS00590

Xem thêm

https://yhoccongdong.org/thongtin/cao-huyet-ap/

https://yhoccongdong.org/thongtin/xet-nghiem-mau-mot-so-dac-diem-tong-quan/

https://yhoccongdong.org/thongtin/suy-tim/

https://yhoccongdong.org/thongtin/nhoi-mau-co-tim-con-dau-tim/

https://yhoccongdong.org/thongtin/xet-nghiem-chuc-nang-tuyen-giap/

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích